Hải Hà là huyện miền núi, biên giới, hải đảo, nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh. Huyện có 17,2km đường biên giới giáp với Trung Quốc, có bờ biển dài 35km và nhiều cửa sông, nằm trong vành đai Vịnh Bắc Bộ. Huyện Hải Hà có cửa khẩu Bắc Phong Sinh thông thương với Trung Quốc, ngoài vị trí thuận lợi cho giao thương, huyện Hải Hà có vị trí then chốt về quốc phòng - an ninh, không chỉ cho tỉnh Quảng Ninh mà còn có ý nghĩa đối với toàn vùng Đông Bắc nước ta.

Một số đặc điểm, tình hình đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện Hải Hà quyết tâm thực hiện mục tiêu “Xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Hải Hà trở thành huyện công nghiệp - dịch vụ với hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2025”. Hiện nay, huyện có khoảng 259 doanh nghiệp, hợp xác xã đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có khoảng 170 công ty TNHH, 23 công ty cổ phần, 5 doanh nghiệp tư nhân, 47 hợp tác xã và 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nhìn chung, các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh ổn định, tạo việc làm cho trên 15.000 lao động, trong đó, số lượng công nhân tập trung phần lớn ở Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà với trên dưới 13.000 lao động, trong đó khoảng 5.000 lao động là người địa phương. Đây là khu công nghiệp được quy hoạch để phát triển đa ngành. Sự phát triển của khu công nghiệp cảng biển Hải Hà không chỉ làm chuyển biến về kinh tế, mà có tác động không nhỏ đến phát triển đời sống văn hóa của nhân dân với sự gia tăng lao động từ các tỉnh, huyện khác.

Khu công nghiệp Texhong Hải Hà thuộc khu công nghiệp cảng biển Hải Hà, sau gần 8 năm đầu tư và phát triển trên địa bàn, đã từng bước phát triển và trở thành trung tâm công nghiệp dệt may của tỉnh. Hiện tại, Khu công nghiệp Texhong Hải Hà có 19 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký đạt 1,458 tỷ USD; số vốn đã thực hiện là 905 triệu USD; duy trì tạo việc làm cho khoảng 13.200 lao động với thu nhập bình quân từ 8 - 10 triệu đồng. Nhìn chung, các doanh nghiệp cơ bản bảo đảm việc làm cho người lao động, quan tâm hơn đến điều kiện làm việc, công tác an toàn vệ sinh lao động, môi trường làm việc cho người lao động. Đại bộ phận người lao động tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, của chính quyền các cấp, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gắn bó, đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trình độ, kỹ năng lao động, ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu; số công nhân lao động phổ thông, chưa qua đào tạo ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp còn nhiều;  ý thức, tác phong công nghiệp của một bộ phận công nhân còn hạn chế; lượng người lao động ngoại tỉnh nhiều (chiếm 17,2%); phong tục tập quán của người lao động khác nhau nên quá trình tuyên truyền về các chính sách pháp luật, vận động tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội còn gặp nhiều khó khăn.

Với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp - dịch vụ, huyện xác định cần quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cho lực lượng công nhân trên địa bàn. Xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân là quá trình trang bị, rèn luyện, bồi dưỡng những phẩm chất và năng lực cần thiết của người công nhân hiện đại nhằm phát huy cao độ tiềm năng và sức mạnh của đội ngũ công nhân - điều kiện tiên quyết bảo đảm thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở địa phương. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, nâng cao đời sống vật chất, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của giai cấp công nhân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy giai cấp công nhân phát triển toàn diện, góp phần nâng cao nhận thức và hành động để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - chính trị của huyện.

Để bảo đảm ổn định, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn huyện, những năm qua, huyện Hải Hà đã chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, của toàn xã hội; xác định trách nhiệm, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp cảng biển Hải Hà nói riêng và công nhân, người lao động trên địa bàn huyện nói chung.

Thứ hai là, đã chỉ đạo các cấp chính quyền và các ngành liên quan tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” theo Quyết định số 1780/QĐ-TTg, ngày 12-10-2011, của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Quyết định số 1792/QĐ-TTg, ngày 04-11-2020 về sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg, ngày 12 -5- 2017, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại khu công nghiệp, khu chế xuất”, trong đó, cần chú ý rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động cho phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương; tăng cường huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp chủ động đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho công nhân, người lao động. Các cấp, các ngành có liên quan cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, vận động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Tiếp tục duy trì chế độ đối thoại giữa chính quyền với các hiệp hội doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp; duy trì chế độ giao ban định kỳ giữa lãnh đạo huyện với chủ doanh nghiệp nhằm tăng cường sự hiểu biết, hợp tác, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, tạo tiền đề thực hiện quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa cơ quan quản lý nhà nước về lao động với các tổ công tác liên ngành nhằm nắm chắc tình hình của từng doanh nghiệp, sớm phát hiện mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động để có biện pháp giải quyết kịp thời.

Thứ ba là, với mục tiêu “xây dựng, phát triển huyện Hải Hà gắn với thành phố Móng Cái để hình thành vùng đô thị rộng lớn và trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo tuyến phía Đông của tỉnh theo hướng công nghiệp sạch, xanh, thân thiện với môi trường”, huyện đã bám sát mục tiêu phát triển nhanh và bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo vào địa bàn; đến nay khu tập trung phát triển trọng tâm, trọng điểm của huyện (chủ yếu là Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà) đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư với diện tích 4.988ha nằm trên địa bàn thị trấn Quảng Hà và xã Quảng Phong, huyện Hải Hà; được quy hoạch để phát triển đa ngành, bao gồm các loại hình công nghiệp nặng (chế tạo máy...), công nghiệp nhẹ (dệt may, phụ trợ dệt may...); khu cảng, kho bãi và dịch vụ cảng biển tổng hợp; định hướng phát triển mang tính linh hoạt, được đầu tư thuận tiện, an toàn cho các nhà đầu tư, hài hòa với các khu vực đô thị lân cận.

Thứ tư là, đã triển khai đầu tư các dự án và giải phóng mặt bằng khu hạ tầng LK16 đến LK25, LK32-LK33 thuộc quy hoạch xây dựng khu nhà ở công nhân và khu đô thị phụ trợ phục vụ triển khai đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Texhong Hải Hà giai đoạn I; tiếp tục kêu gọi, thu hút doanh nghiệp triển khai Dự án đầu tư và xây dựng nhà ở cho công nhân và người lao động làm việc tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Hải Hà nhằm thu hút nguồn lao động chất lượng cao về sinh sống và làm việc. Quan tâm triển khai kế hoạch đào tạo, dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn; triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; năm 2022, đã tổ chức 04 lớp dạy nghề phi nông nghiệp cho 112 lao động, đạt 106,66% kế hoạch, đạt 109,8% so với cùng kỳ; tỷ lệ lao động qua đào tạo là 82,72%, đạt 100,9% kế hoạch, bằng 116,3% so với cùng kỳ, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 48,32% đạt 100,67% kế hoạch, đạt 105,04% so với cùng kỳ; Tạo việc làm tăng thêm cho 601 lao động, đạt 100,17% kế hoạch năm.

Thứ năm là, đại bộ phận công nhân tin tưởng vào đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có ý thức về giá trị của bản thân trong lao động, có nếp sống văn hóa lành mạnh; tác phong công nghiệp dần hình thành, thích ứng nhanh với cơ chế thị trường; người lao động quen dần với môi trường sản xuất dây chuyền công nghiệp, rèn luyện ý thức kỷ luật, chấp hành nội quy, quy tắc sản xuất, bảo đảm năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động. Nhiều sáng kiến của công nhân có giá trị cao được áp dụng hằng năm, làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng, như ở Công ty TNHH Dệt may Bắc Giang Việt Nam, công ty TNHH Công nghệ kỹ thuật Ngân Hà, Công ty TNHH Dệt Hằng Luân Việt Nam, Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt Việt Nam...;

Ngày 29-10-2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hải Hà đã tổ chức Lễ công bố quyết định thành lập Đảng bộ cơ sở Khu công nghiệp - Cảng biển Hải Hà trực thuộc Đảng bộ huyện, gồm 4 chi bộ và 55 đảng viên, là những hạt nhân nòng cốt trong chỉ đạo, lãnh đạo các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa cho người lao động tại khu công nghiệp. Đây cũng là Đảng bộ đầu tiên được thành lập tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước với 100% vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Tuy nhiên, công tác xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân tại các khu công nghiệp vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Qua thực tiễn cho thấy, đời sống vật chất của công nhân còn nhiều khó khăn, tác động cản trở công nhân lao động tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Trình độ văn hóa, chuyên môn, tư tưởng, nếp sống và tác phong lao động của công nhân còn nhiều hạn chế. Nhu cầu và mức hưởng thụ về văn hóa của công nhân còn nghèo nàn. Một số doanh nghiệp có tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, nhưng phần lớn mang tính “mùa vụ”, đơn điệu, chưa phát huy khả năng sáng tạo văn hóa của người lao động, một bộ phận người lao động do hạn chế về thu nhập nên chưa có điều kiện chú trọng đời sống tinh thần. Cuộc sống công nhân bên ngoài “hàng rào” doanh nghiệp cũng chưa được chăm lo, gặp rất nhiều thiếu thốn từ nơi ở, điều kiện sinh hoạt. Mặt khác, do sống khép kín trong phòng trọ, lệ thuộc những hình thức giải trí đơn thuần như dùng điện thoại nghe nhạc, nhắn tin... nhiều công nhân rơi vào tình trạng thiếu thông tin chính thống, nhận thức xã hội hạn chế. Trong khi đó, đa phần công nhân lao động có độ tuổi trẻ, nhu cầu thụ hưởng văn hóa, vui chơi, giải trí cao. Dành nhiều thời gian giải trí trên mạng, nhiều công nhân lao động đã bị vướng vào những vụ lừa đảo, tín dụng “đen”, vi phạm pháp luật hay phổ biến nhất là tình trạng bình luận, chia sẻ những thông tin sai trái, độc hại.

Với mục tiêu chung, xây dựng đời sống văn hóa của công nhân ở khu công nghiệp gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, chất lượng, hiệu quả; xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; xây dựng đội ngũ công nhân có nếp sống văn hóa lành mạnh, có tác phong làm việc công nghiệp, năng suất, chất lượng và hiệu quả; từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của công nhân, góp phần xây dựng các doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững. Theo đó, đến năm 2025: cơ cấu kinh tế công nghiệp chiếm 60% - 62%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt 50%; phấn đấu 100% công nhân và người sử dụng lao động ở khu công nghiệp được phổ biến pháp luật về xây dựng đời sống văn hóa; trên 80% công nhân ở các khu công nghiệp tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao; 80% “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Một số giải pháp nhằm nâng cao đời sống văn hóa công nhân ở khu công nghiệp trên địa bàn trong thời gian tới

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, huyện Hải Hà đề xuất thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, nâng cao nhận thức về công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.

Xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, của doanh nhân và công nhân lao động; Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Liên đoàn Lao động huyện và các phòng, ban huyện có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan: Trung tâm truyền thông và văn hóa, phòng văn hóa thông tin, hội văn học nghệ thuật huyện nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc thông tin, truyền bá các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống, tinh hoa văn hóa nhân loại đến với công nhân lao động; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động; triển khai cuộc vận động sáng tác văn học, sáng tác ca khúc về giai cấp công nhân, về Đảng và tổ chức công đoàn.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng đưa nhiệm vụ xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động vào nghị quyết của cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội có kế hoạch thực hiện cụ thể. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, đưa kết quả lãnh đạo, chỉ đạo ở mỗi cấp vào tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên. Thực hiện rà soát và ban hành mới các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư, tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở, nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí và các điều kiện sinh hoạt cho công nhân lao động.

Ba là, tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Các doanh nghiệp phải chủ động tuyên truyền, vận động và tạo mọi điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc ủng hộ, tài trợ, đầu tư các thiết chế văn hóa cơ sở để nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Các cấp ủy đảng, Liên đoàn lao động huyện Hải Hà và Huyện đoàn Hải Hà tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức công đoàn và đoàn thanh niên tại doanh nghiệp đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, giới thiệu và phát triển Đảng trong công nhân lao động.

Các cấp, các ngành, đoàn thể chú trọng tuyên truyền để người sử dụng lao động nước ngoài hiểu được văn hóa Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng; công nhân lao động hiểu được văn hóa của người sử dụng lao động nước ngoài nhằm chia sẻ, giúp đỡ, gắn bó và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Hằng năm, bình chọn, tôn vinh “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, giải thưởng “Doanh nghiệp vì người lao động”, “Doanh nhân văn hóa tiêu biểu”...

Bốn là, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn.

Liên đoàn Lao động huyện có trách nhiệm tham mưu  Thường trực Huyện ủy xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cấp, ngành có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa công nhân, trong đó: Tập trung các hoạt động hướng về cơ sở, thường xuyên phát động và triển khai có hiệu quả “Tháng công nhân”, phát động phong trào “Công nhân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tăng cường các hoạt động liên hoan, hội thi, hội thao, gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cho cán bộ công đoàn cơ sở và công nhân lao động tiêu biểu; tăng cường giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, kỷ luật lao động và tác phong lao động công nghiệp; đẩy mạnh học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động./.