THAM LUẬN HỘI THẢO: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là một tỉnh biên giới, là địa bàn “phên giậu”, có vị trí chiến lược quan trọng, nhất là về quốc phòng - an ninh vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Đường biên giới trên đất liền dài 132,8km, chạy qua địa phận các huyện Bình Liêu, Hải Hà và thành phố Móng Cái, giáp với huyện Phòng Thành và thị trấn Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc; phía đông là vịnh Bắc Bộ với bờ biển dài 250 km và một hệ thống đảo xa bờ, quần đảo với hơn 2.000 hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo của nước ta (2078/2779 đảo). Khu vực biên giới, biển đảo của tỉnh có 87 xã, phường với 161 thôn, bản, khu phố; trên 22.000 hộ dân với trên 100.000 nhân khẩu sinh sống, với nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số cùng sinh sống.
Với đặc điểm đó, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh rất phong phú, đa dạng và vô cùng độc đáo. Điều này thể hiện khá rõ nét qua các sắc thái văn hóa vật thể, như kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực và văn hóa phi vật thể như ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội, tri thức bản địa và kho tàng văn học nghệ thuật dân gian. Theo thống kê, khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh có khoảng hơn 100 di sản văn hóa vật thể là những đình, đền, chùa; hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội. Những năm gần đây, đời sống của đồng bào có nhiều khởi sắc, các giá trị văn hóa mới được tiếp thu có chọn lọc, những nét đẹp truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy mạnh mẽ, trở thành những nét đẹp văn hóa riêng có. Có thể nhận thấy, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh gồm các yếu tố sau:
Một là, thể hiện thế giới quan thần bí, sơ khai, tín ngưỡng vạn vật hữu linh ăn sâu, bám rễ vào mọi khía cạnh của đời sống. Đồng bào quan niệm vũ trụ gồm ba tầng: tầng trên cao là trời, nơi trú ngụ của Trời (Ngọc hoàng, Giàng…) và các vị thần, tổ tiên. Tầng giữa là mặt đất, là nơi cư trú của con người. Tín ngưỡng thờ cúng các vị thần đại diện cho thiên nhiên rất phổ biến, do đó có nhiều lễ hội như lễ hội cầu mưa, các lễ hội cúng thần núi, thần sông, thần nông nghiệp... Cùng với đó là hệ thống những “chức sắc, chức nghiệp” giúp làm trung gian kết nối với các thế lực siêu nhiên và tổ tiên như thầy Tào, thầy Mo…
Hai là, đề cao đời sống tinh thần, lối sống đoàn kết, hài hòa, tình nghĩa. Đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh có đời sống tâm linh, văn hóa và đức tin phong phú. Các dân tộc đều có những nghi lễ riêng, song tựu trung đều hướng đến việc chăm sóc phần đời sống tinh thần cho con người từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi, như lễ cúng mụ, cúng đầy tháng, lễ cấp sắc, lễ trưởng thành, lễ cúng đuổi tà ma - bệnh tật, lễ Kỳ yên (giải hạn), cầu mát, lễ mừng thọ, lễ tang… Bên cạnh đó, còn có những nghi lễ như cúng rừng, lễ cấm bản, lễ cúng thổ, lễ cúng thần sông, thần suối, thần rừng, nghi lễ cầu mưa, nghi lễ xuống đồng... Các nghi lễ này dù của cá nhân hay của cộng đồng đều được thực hiện cầu kỳ, nghiêm túc theo những quy định của từng dân tộc và có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng bản, tạo nên sự cố kết bền chặt trong phạm vi làng bản. Quan hệ giữa người với người, quan hệ với cộng đồng chân thật, tin tưởng lẫn nhau. Đồng bào ứng xử với nhau chủ yếu bằng tình làng, nghĩa xóm, ít khi xảy ra tranh chấp, bon chen; ứng xử với thiên nhiên hài hòa, tôn kính và biết ơn…, từ đó tạo nên nét đẹp văn hóa nhân văn được trao truyền qua các thế hệ.
Ba là, đề cao đức tính cần cù, thông minh, sáng tạo và khả năng thích ứng với môi trường tự nhiên khắc nghiệt. Với điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, địa hình, thổ nhưỡng không thuận lợi, song đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh vẫn cần cù lao động, sản xuất để sinh tồn và phát triển. Đồng thời, không ngừng tìm tòi, khám phá để tìm ra phương thức sinh tồn phù hợp với điều kiện tự nhiên vốn có. Trong quá trình lao động, trải hàng trăm năm, sự sáng tạo, khả năng chinh phục thiên nhiên và thích ứng với biến đổi xã hội đã giúp đồng bào tạo nên những tập quán canh tác đặc thù cùng nhiều công cụ lao động hữu ích. Vùng rừng bà con đã biết xen canh, gối vụ, kết hợp gieo trồng với khai thác rừng tự nhiên và chăn thả đại gia súc, khai thác dược liệu; vùng thấp kết hợp trồng lúa nước, rau màu, chăn thả cá, gia súc, gia cầm và phát triển các nghề phụ; vùng ven biển và đảo phát triển nghề đánh cá, nuôi trồng thủy sản, làm mắm…
Đặc điểm này thể hiện rõ nét qua trang phục truyền thống, nhà ở và đời sống ẩm thực. Mỗi địa hình, điều kiện thời tiết sẽ có cách dựng nhà và kiến trúc nhà khác nhau, dù có thể là cùng một dân tộc, cho thấy tính thích ứng và sự tiếp thu những giá trị hữu ích của đồng bào. Cùng với đó, là sự đa dạng về trang phục với nhiều họa tiết hoa văn thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của phụ nữ dân tộc thiểu số. Được gọi chung một cái tên thổ cẩm, song mỗi dân tộc đều quy định họa tiết riêng, cách may mặc, đính kết riêng để mỗi bộ trang phục thực sự là bông hoa đa sắc. Trong lĩnh vực ẩm thực, có thể nói, các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh sở hữu một “thực đơn” đa dạng, độc đáo và có sự cải tiến để phù hợp hơn với khẩu vị của khách du lịch. Các món ăn có sự kết hợp hài hòa giữa các nguyên vật liệu, gia vị để vừa có tác dụng bổ dưỡng, vừa có thể có tác dụng chữa bệnh…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, những năm gần đây, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị quyết liệt thực hiện hiệu quả "Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" và “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030” của Chính phủ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17-5-2021, “Về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó nhấn mạnh quyết tâm đột phá “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” của nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng: Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.
Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh bảo đảm đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; có lộ trình cụ thể và phân vùng đầu tư, khai thác dựa trên tài nguyên, thế mạnh của mỗi địa phương để gắn với phát triển du lịch. Trong đó, ưu tiên bố trí nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội các xã vùng cao, biên giới, các khu vực cửa khẩu, cảng biển… để bảo đảm tính kết nối liên thông theo hướng khai thác, phát huy tối đa giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc vào phát triển du lịch nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Nhờ đó, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới của tỉnh Quảng Ninh đã được bảo tồn, giữ gìn hiệu quả, phát huy những giá trị cốt lõi, bản chất, làm nên sức mạnh nội sinh để các dân tộc thiểu số nơi đây tồn tại và phát triển.
Một trong những kết quả nổi bật trong bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số khu vực biên giới tỉnh Quảng Ninh là đã phục dựng thành công nhiều lễ hội văn hóa như lễ hội đình Lục Nà (Bình Liêu), lễ hội Đại Phan của dân tộc Sán Dìu ở xã Bình Dân (Vân Đồn), Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chỉ xã Đại Dực, Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Tày, xã Phong Dụ (Tiên Yên), Lễ hội “Kiêng gió” của đồng bào Dao hay phong tục đá bóng của các cô gái Sán Chỉ ở Bình Liêu... Một loạt các lễ hội văn hóa khác được tổ chức tại địa bàn biên giới, biển đảo cũng được đẩy mạnh và phát huy như Carnaval Hạ Long, Lễ hội Bạch Đằng, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao, Tày ở Bình Liêu, Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc, Ngày hội Biên phòng toàn dân, Hát đối trên sông biên giới… Bên cạnh đó, có hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới được kiểm kê, khảo cứu, trong đó có hát Then của dân tộc Tày ở Bình Liêu đã được đưa vào công trình di sản thực hành Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, đã được Tổ chức Văn hóa - Giáo dục - Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới còn được thể hiện ở hoạt động tăng cường xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho đồng bào. Đến nay, 100% các thôn, bản biên giới có nhà văn hóa, 50% các xã biên giới có nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao. Quảng Ninh đã tiếp tục chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng, danh lam thắng cảnh; bảo tồn bản, làng truyền thống thông qua việc xây dựng làng/bản văn hóa của dân tộc Tày, Sán Chỉ (Bình Liêu), dân tộc Dao (Hạ Long, Tiên Yên, Móng Cái)... Một số công trình văn hóa được đầu tư xây dựng quy mô và hoạt động hiệu quả như Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Dao ở xã Bằng Cả (thành phố Hạ Long), Nhà văn hóa xã Đại Dực, Khu bảo tồn văn hóa dân tộc Tày ở thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (Tiên Yên), Nhà văn hóa xã Lục Hồn (Bình Liêu)..., tạo tiền đề về không gian, địa điểm để các lễ hội văn hóa, các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, những tín ngưỡng, diễn xướng dân gian của đồng bào các dân tộc được tổ chức, hoạt động trình diễn, truyền dạy. Các môn thể thao dân tộc như đẩy gậy, đua thuyền chải, bắn cung, bắn nỏ, kéo co... đã được đưa vào thi đấu chính thức tại các giải thể thao thường niên của tỉnh. Các loại nhạc cụ, khí cụ, công cụ lao động sản xuất truyền thống của các dân tộc cũng được tuyên truyền, khuyến khích bảo tồn, lưu giữ. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật, truyền bá văn hóa, văn nghệ dân gian bản địa được đẩy mạnh.
Cùng với đó, tỉnh cũng đẩy mạnh việc khai thác hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực biên giới để tạo thành các sản phẩm du lịch. Một số địa phương đã và đang triển khai xây dựng những thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch. Một loạt các sản phẩm du lịch được xây dựng từ nền tảng văn hóa của các dân tộc thiểu số khu vực biên giới, như các làng nghề truyền thống, du lịch cộng đồng, du lịch khám phá thiên nhiên tại các huyện biên giới, hải đảo, tạo nên sức hút mới cho du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh. Điều đó mang lại giá trị “kép”, vừa góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xóa nghèo bền vững, vừa nâng cao nhận thức của đồng bào về trách nhiệm gìn giữ, truyền dạy cho con cháu văn hóa truyền thống, từ trang phục, ẩm thực, tín ngưỡng, diễn xướng, tri thức dân gian… giúp công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực biên giới của tỉnh đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử con người Quảng Ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại cũng như góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia./.
Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh: Phát triển văn hóa, du lịch từng bước trở thành thương hiệu, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an Quảng Ninh bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Phát huy mô hình tòa soạn hội tụ trong quảng bá vùng đất, con người Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên