TCCSĐT - Nhằm thúc đẩy hợp tác với Anh, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã thực hiện chuyến thăm Anh trong hai ngày 10 và 11-01. Đây là chặng dừng chân thứ hai và cũng là cuối cùng trong chuyến công du châu Âu của Thủ tướng S. Abe.

Nhật Bản - Anh tăng cường củng cố lòng tin, nâng tầm quan hệ song phương

 
 Thủ tướng Anh T. May và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe. Ảnh: TTXVN

Trong chuyến thăm, tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Anh T. May và Thủ tướng Nhật Bản S. Abe đã nhất trí khuôn khổ hợp tác nghiên cứu trên lĩnh vực công nghệ hiện đại với giá trị lên tới 30 triệu bảng cho giai đoạn đầu. Dự án nghiên cứu này nhằm đẩy mạnh sáng tạo, tạo những việc làm trình độ cao và cải thiện chất lượng cuộc sống con người. Chương trình hợp tác sẽ tập trung về nghiên cứu y học, người máy tự động và sử dụng dữ liệu giữa các nhà khoa học của hai nước. Lần đầu tiên các nhà nghiên cứu và các chuyên gia của hai nước sẽ cùng nhau tiến hành các dự án chung nhằm tháo gỡ những thách thức to lớn mà Chiến lược Công nghiệp hiện đại của Anh, và Chương trình Xã hội 5.0 của Nhật Bản đặt ra.

Cũng tại cuộc gặp, chủ đề Brexit trở thành vấn đề chính trong chương trình nghị sự. Thủ tướng S. Abe và Thủ tướng T. May bàn thảo các cơ hội kinh tế cho hai nước khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Bên cạnh những cam kết thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, quan hệ thương mại, hai Thủ tướng cũng bàn luận đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng để bảo đảm “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa”.

Nhật Bản và Anh từ lâu đã là đối tác, đồng minh trên nhiều phương diện và các hoạt động quốc tế. Do đó, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Anh được kỳ vọng sẽ là “làn gió mới” làm sâu sắc hơn mối quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia. Trước hết, với Nhật Bản, cuộc hội đàm giữa Thủ tướng T. May và Thủ tướng S. Abe sẽ là một tín hiệu cho thấy sự thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, cũng như trấn an các nhà đầu tư Nhật Bản tại Anh trước những lo ngại về tương lai đầu tư khi Anh rời khỏi thị trường chung châu Âu. Còn đối với Anh, trong bối cảnh các công ty Nhật Bản có thể giảm các khoản đầu tư nếu cảm thấy Brexit có khả năng cản trở các hoạt động kinh doanh của họ ở Anh và EU, cuộc gặp gỡ này là cơ hội vàng để nhà lãnh đạo Anh truyền tải thông điệp tích cực đến doanh nghiệp Nhật Bản. Thêm vào đó, sự kiện Brexit sẽ buộc Thủ tướng T. May và những chính trị gia ủng hộ tìm kiếm những đối tác và thị trường tiềm năng khác cho các doanh nghiệp của Anh thông qua khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn ở châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản.

Do đó, chuyến thăm Anh của Thủ tướng S. Abe lần này nhằm củng cố lòng tin của cả London và Tokyo, cũng như nâng tầm quan hệ song phương, đồng thời thể hiện cam kết thúc đẩy hợp tác mọi mặt giữa hai nước.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Thu hẹp bất đồng

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: TTXVVN

Nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài suốt nhiều tháng qua, trong ba ngày từ 07 đến 09-01, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc đàm phán thương mại cấp thứ trưởng. Cuộc đàm phán lần này diễn ra trong bối cảnh được cho là tương đối thuận lợi với cả hai bên.

Một tháng trước đó, Tổng thống Mỹ D. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhất trí ngừng đòn đáp trả thuế quan trong 3 tháng nhằm tạo thời gian cho các nhà thương lượng đạt được một thỏa thuận và chấm dứt cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, khiến các thị trường thế giới chao đảo. Một điểm quan trọng nữa là cả Mỹ và Trung Quốc đều bày tỏ thiện ý nhằm chấm dứt tình trạng căng thẳng thương mại kéo dài suốt nhiều tháng qua. Trong phát biểu ngày 07-01, Bộ trưởng Thương mại Mỹ W. Ross cho biết, nước này và Trung Quốc có thể đạt được một thỏa thuận tốt liên quan các vấn đề thương mại trước mắt, trong khi một thỏa thuận về các vấn đề cơ cấu thương mại và việc thực thi sẽ “khó khăn hơn”. Ông W. Ross cho rằng, vòng đàm phán ở Bắc Kinh lần này sẽ giúp xác định liệu có thể giải quyết các bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này thông qua đàm phán hay không. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định, Bắc Kinh và Washington đều mong muốn hợp tác trong lĩnh vực thương mại và Trung Quốc có thiện ý giải quyết mọi bất đồng về thương mại giữa hai nước.

Với thái độ nghiêm túc và thiện chí, phái đoàn thương mại của Mỹ và những người đồng cấp Trung Quốc đã thảo luận các cách thức để có được sự công bằng, cân bằng trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước, các vấn đề liên quan tới bảo vệ sở hữu trí tuệ, việc Trung Quốc tăng nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của Mỹ để cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tăng tiếp cận thị trường Trung Quốc,... cũng như sự cần thiết của một thỏa thuận để giải quyết bất đồng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cho dù đã phải kéo dài thêm một ngày so với kế hoạch, nhưng cuối cùng Trung Quốc và Mỹ đã đạt được tiến bộ về những vấn đề quan trọng như chuyển giao công nghệ bắt buộc và quyền sở hữu trí tuệ. Trong tuyên bố đưa ra ngày 10-01, Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ, giới chức Bắc Kinh và Washington đã “tiến hành các cuộc trao đổi tích cực, sâu rộng và kỹ lưỡng về các vấn đề thương mại và các vấn đề cấu trúc cùng quan tâm, nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và đặt nền tảng giúp giải quyết những mối quan ngại chung liên quan đến cuộc chiến thương mại”. Trong khi đó, phái đoàn đàm phán Mỹ đã tỏ ý lạc quan về tiến triển trong đàm phán thương mại với Trung Quốc trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu tiến triển trong các vấn đề như thu mua nông sản Mỹ, các mặt hàng năng lượng và tăng cường tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Những tín hiệu tích cực trong cuộc đàm phán thương mại lần này được coi là kỳ vọng vào con đường phía trước để giải quyết các vấn đề liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Xung quanh cuộc đảo chính quân sự bất thành tại Gabon

 
 Binh sỹ Gabon tại thủ đô Libreville (Gabon). Ảnh: AFP/TTXV)

Trong khi Tổng thống Gabon Ali Bongo đang chữa bệnh tại nước ngoài, quân đội nước này đã tổ chức một cuộc đảo chính quân sự, tuy nhiên tình hình đã được kiểm soát. Cuộc đảo chính diễn ra vào thời điểm gia tộc Bongo đã nắm quyền lãnh đạo tại quốc gia Tây Phi này suốt hơn 50 năm qua.

Vụ đảo chính xảy ra vào sáng 07-01 khi một nhóm binh lính chiếm giữ Đài Phát thanh quốc gia và đưa ra thông báo trên sóng phát thanh về việc thành lập “Hội đồng Tái thiết quốc gia”. Trong tuyên bố trên sóng phát thanh, nhóm sĩ quan quân đội Gabon cho biết quân đội Gabon thất vọng với thông điệp Năm mới của Tổng thống A. Bongo cũng như năng lực điều hành đất nước của nhà lãnh đạo này, đồng thời kêu gọi người dân tiến hành đảo chính. Vụ đảo chính quân sự xảy ra khi Tổng thống Gabon Bongo đang điều trị y tế sau một cơn đột quỵ tại Maroc. Tuy nhiên, vài giờ sau đó, Chính phủ Gabon tuyên bố đã kiểm soát được tình hình và bắt giữ được nhiều đối tượng liên quan tới cuộc đảo chính.

Ngay sau khi xảy ra vụ đảo chính quân sự bất thành tại Gabon, dư luận thế giới đã lên tiếng phản đối. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AU) Moussa Faki Mahamat lên án mạnh mẽ cuộc đảo chính do một số sĩ quan quân đội tiến hành tại thủ đô Libreville của Gabon. Trong một phát biểu đưa ra sau sự việc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres khẳng định, ông phản đối việc giành quyền lực bằng vũ lực và trái hiến pháp. Pháp cũng lên án vụ đảo chính quân sự bất thành này, đồng thời khuyến cáo công dân nước này đang ở Gabon không đi lại xung quanh khu vực thủ đô Libreville vì lý do an ninh. Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng tuyên bố nêu rõ, Ai Cập ủng hộ chính quyền hợp pháp của Gabon theo đúng tinh thần tôn trọng các nguyên tắc của AU.

Trong thời gian gần đây, phe đối lập tại Gabon đã tỏ rõ quan điểm bất bình trước việc Tổng thống Ali Bongo vắng mặt tại nước này trong suốt hai tháng qua, kể từ sau khi bị đột quỵ khi đang ở Saudi Arabia hồi tháng 10-2018. Trước khi xảy ra vụ đảo chính, Tổng thống Ali Bongo đã nỗ lực dập tắt những tin đồn về tình trạng sức khỏe của mình bằng một thông điệp Năm mới từ thủ đô Rabat của Maroc, trong đó nói rằng ông cảm thấy rất ổn. Tuy nhiên, lãnh đạo “Phong trào yêu nước của Các lực lượng phòng vệ và an ninh Gabon” tự xưng Kelly Ondo Obiang, cho rằng bài thông điệp đầu Năm mới của Tổng thống Bongo “làm gia tăng những nghi ngại về năng lực tiếp tục đảm nhiệm trọng trách tổng thống”.

Điều đáng chú ý, cuộc đảo chính của quân đội Gabon được tiến hành trong bối cảnh 80 lính đặc nhiệm của Mỹ đang hiện diện tại quốc gia này. Lầu Năm Góc cho biết, quân đội Mỹ đã được điều động để bảo vệ du khách và các nhà ngoại giao nước Mỹ tại đây. Lầu Năm Góc cũng để ngỏ khả năng sẽ tăng thêm quân nếu các vấn đề tại Gabon diễn ra phức tạp hơn nữa.

Triều Tiên - Trung Quốc tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh ngoại giao

 
 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: TTXVN

Trong ba ngày từ 07 đến 09-01, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm tới Trung Quốc. Đây là chuyến thăm thứ tư của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc, quốc gia láng giềng và là đồng minh ngoại giao quan trọng của Triều Tiên, kể từ khi ông lên nắm quyền điều hành đất nước vào cuối năm 2011.

Trong bầu không khí thân mật và hữu nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có cuộc trao đổi quan điểm sâu sắc về quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên, cũng như nhiều vấn đề cùng quan tâm và đạt được sự nhất trí quan trọng. Hai bên nhất trí cùng nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước trong thời kỳ mới, liên tục thúc đẩy tiến trình dàn xếp chính trị trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực và thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh với nỗ lực phối hợp của hai bên, quan hệ hai nước đã mở ra một chương lịch sử mới trong năm 2018. Năm 2019 cũng đánh dấu dịp 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc - Triều Tiên và có ý nghĩa lớn trong nỗ lực tiếp nối những thành công trước đây để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.

Liên quan đến Bán đảo Triều Tiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đánh giá cao những biện pháp tích cực của phía Triều Tiên để duy trì hòa bình và ổn định cũng như thúc đẩy việc thực hiện phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Theo ông, tiến triển lớn đã đạt được trong tiến trình về một giải pháp chính trị cho vấn đề Bán đảo Triều Tiên hồi năm ngoái với nỗ lực chung của Trung Quốc, Triều Tiên và các bên liên quan.

Về phần mình, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ quan ngại về sự bế tắc hình thành trong quá trình cải thiện quan hệ Mỹ - Triều và trong đàm phán phi hạt nhân hóa. Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định không thay đổi lập trường phi hạt nhân hóa và giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời nỗ lực để cuộc gặp thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Mỹ D. Trump đạt những kết quả sẽ được cộng đồng quốc tế hoan nghênh.

Dư luận quốc tế, đặc biệt là những nước liên quan như Hàn Quốc và Nhật Bản, đã thể hiện sự quan tâm tới chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Y. Suga cho biết, Chính phủ Nhật Bản rất quan tâm tới chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên, đồng thời mong muốn nhận được sự phản hồi tích cực từ Bắc Kinh. Trong khi đó, từ Seoul, Hàn Quốc lên tiếng hoan nghênh chuyến thăm của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Trung Quốc, cho rằng chuyến thăm có thể góp phần vào nỗ lực phi hạt nhân hóa cũng như thiết lập một nền hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt, khi nhiều khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai sắp diễn ra. Chính vì vậy, giới phân tích nhận định mục đích chuyến thăm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Trung Quốc lần này là nhằm tối đa hóa lợi thế đàm phán trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai dự kiến diễn ra. Trong khi đó, về phía Trung Quốc, nước này cũng có thể mở rộng vai trò, tham gia sâu hơn vào tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như tình hình đang biến đổi nhanh chóng trên Bán đảo Triều Tiên. Và những diễn biến tích cực trong chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tiếp tục khẳng định mối quan hệ đồng minh ngoại giao quan trọng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.

Làn sóng biểu tình của phe “Áo vàng” tại Pháp tiếp tục diễn biến phức tạp

 
 Người biểu tình 'Áo vàng' sử dụng hơi cay trong cuôc biểu tình tại Nantes, Pháp, ngày 05-01. Ảnh: AFP/TTXVN

Vào ngày cuối tuần đầu tiên của năm mới 2019, nước Pháp tiếp tục phải chứng kiến một đợt biểu tình mới của phong trào “Áo vàng”. Đây là đợt biểu tình thứ 8 liên tiếp kể từ 2 tháng qua. Trong đợt biểu tình lần này, rất nhiều vụ đụng độ với lực lượng an ninh đã xảy tại các thành phố lớn. Nghiêm trọng hơn, tại Paris, đây là lần đầu tiên phe “Áo vàng” tấn công văn phòng của phát ngôn viên chính phủ B. Griveaux. Nhiều người lo ngại, làn sóng biểu tình của phe “Áo vàng” trong 8 tuần qua đang dần bị biến đổi về chất, bởi nó không chỉ dừng lại ở việc phản đối các chính sách tăng giá nhiên liệu của chính phủ, mà còn cho thấy những yêu sách của người biểu tình đã nâng lên tầm bao quát rộng hơn.

Trước làn sóng biểu tình có dấu hiệu bị kích động trở lại, ngày 06-01, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Pháp E. Macron cho rằng, “những người bảo vệ nước Pháp, những người đại diện cho nước Pháp, những biểu tượng của nước Pháp” đang bị tấn công. Tổng thống Pháp coi đây là hành vi “vô cùng thô bạo nhằm vào nền Cộng hòa”.

Hiện tại, bất chấp các biện pháp an ninh mạnh tay, phong trào “Áo vàng” vẫn được duy trì và dường như ngày càng được tổ chức chặt chẽ hơn. Việc phản kháng giờ không còn tập trung hết về thủ đô Paris mà đã chuyển sang các thành phố khác, nhất là Bordeaux. Điều này cho thấy, phong trào “Áo vàng” sẽ chưa sớm chấm dứt và nếu chính phủ Pháp xử lý không khéo, nó có thể bùng phát mạnh trở lại bất cứ lúc nào.

Các cuộc biểu tình của phong trào “Áo vàng” tại Pháp bắt đầu nổ ra từ ngày 17-11-2018 ở các vùng nông thôn nước Pháp, với mục đích ban đầu nhằm phản đối kế hoạch tăng giá nhiên liệu. Tuy nhiên, làn sóng này sau đó đã lan rộng đến thủ đô Paris và nhiều thành phố khác ở Pháp, với quy mô khoảng 282.000 người, để phản đối chính sách kinh tế của chính phủ mà người biểu tình coi là “mang lại lợi ích cho người giàu”. Nhằm xoa dịu những người biểu tình, ngày 10-12-2018, sau 3 tuần xảy ra biểu tình, Tổng thống E. Macron đã đưa ra một loạt biện pháp. Sau những nhượng bộ từ chính phủ, số lượng người biểu tình đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Pháp C. Castaner cho rằng, mặc dù làn sóng biểu tình “Áo vàng” có xu hướng hạ nhiệt, nhưng vẫn còn một số thành phần bất mãn tiếp tục kích động biểu tình. Các nhà phân tích cho rằng, hiện bản thân những người biểu tình “Áo vàng” cũng bị chia rẽ, giữa một bên là những người sẵn sàng đối thoại với chính phủ và một bên là các thành phần quá khích. Những người này vẫn tiếp tục duy trì lập trường phản đối chính phủ vì cho rằng, những biện pháp mà ông E. Macron đưa ra là chưa đầy đủ và không thể hiện nguyện vọng thực sự nhằm cải thiện mức sống của người dân Pháp.

Có thể thấy, phong trào “Áo vàng” đã biến đổi nhiều, không còn dừng lại ở việc thể hiện sự giận dữ mà đã biến thành cuộc phản kháng đòi thay đổi xã hội Pháp. Đó chính là điều khiến cho tương lai của phong trào này sẽ còn diễn biễn phức tạp. Thực tế này cũng cho thấy những thách thức lớn đang chờ đợi Tổng thống E. Macron trong năm 2019. Nhiều chuyên gia lo ngại, phong trào biểu tình “Áo vàng” nếu vẫn kéo dài sẽ khiến nền kinh tế Pháp chững lại, dẫn đến những thay đổi chính trị và tác động đến cuộc bầu cử nghị viện EU vào tháng 5-2019 tới. Nhưng trước mắt, dư luận đang chờ đợi liệu đợt tranh luận và tham vấn chính sách mà chính phủ Pháp tổ chức trong 3 tháng tới trên toàn bộ lãnh thổ Pháp với tất cả các thành phần xã hội và lực lượng chính trị có thể giúp chấm dứt được cuộc khủng hoảng này hay không./.