Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy làm tăng sức mạnh chiến đấu của quân đội
Sáng 27-12, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức họp báo quý 4, thông tin một số kết quả tiêu biểu trong tổ chức xây dựng lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam theo các Nghị quyết, kết luận của Đảng; giới thiệu các mô hình quân dân y kết hợp và kết quả hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng tiêu biểu của ngành quân y Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2018.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Quốc phòng chủ trì họp báo.
Tham gia cung cấp thông tin tại họp báo có Đại tá Nguyễn Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần.
Đại tá Nguyễn Văn Tấn cho biết thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, triệt để, với quyết tâm chính trị cao các Nghị quyết, kết luận, kế hoạch của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; xây dựng, triển khai thực hiện các Nghị quyết, đề án, kế hoạch, tổ chức xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, trọng tâm là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả;” xây dựng, triển khai thực hiện Đề án về Điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021; Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020.
Kết quả, Bộ Quốc phòng đã giải thể, điều chỉnh tổ chức, biên chế một số cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (quân số giảm gần 3.000 người); giải thể 14 Lữ đoàn Công binh dự bị động viên thuộc 7 tổng công ty. Sáu trung tâm dạy nghề - giới thiệu việc làm; tổ chức lại bốn cơ quan chiến lược làm điểm, giảm 10% quân số biên chế...
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, quá trình điều chỉnh tổ chức của Bộ Quốc phòng được thực hiện theo tinh thần tinh, gọn, mạnh, cơ động nhanh và sức chiến đấu cao; giảm đầu mối trung gian, sáp nhập các cơ quan có nhiệm vụ tương đồng. “Việc tổ chức biên chế, sắp xếp lại không làm ảnh hưởng đến sức mạnh chiến đấu mà việc tổ chức ấy phải làm cho sức mạnh chiến đấu của quân đội ngày càng mạnh lên”, Thiếu tướng Đức nhấn mạnh.
Tuy phải thành lập mới một số cơ quan, đơn vị theo yêu cầu nhiệm vụ; song Bộ Quốc phòng đã nghiêm túc thực hiện tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm không tăng quân số. Đến nay, tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam được điều chỉnh tương đối hợp lý giữa các lực lượng, sức chiến đấu được nâng lên.
Kết hợp quân dân y là một truyền thống quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông tin tại họp báo, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Kiên cho biết toàn quốc hiện có 10 Bệnh viện Quân dân y, năm Trung tâm Y tế quân dân y, 33 Bệnh xá Quân dân y, 138 Phòng khám quân dân y và 835 Trạm Y tế quân dân y đang hoạt động.
Lực lượng Quân y Bộ đội Biên phòng trên các tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia thường xuyên chú trọng công tác kết hợp, làm tốt hoạt động vệ sinh phòng chống dịch bệnh biên giới, khám chữa bệnh miễn phí cho nhân dân khu vực biên giới của hai nước bạn Lào và Campuchia.
Một số mô hình hoạt động tiêu biểu như: Bệnh xá Quân dân y kết hợp Mo Rai, Đoàn Kinh tế quốc phòng 78, Binh đoàn 75, đứng chân trên địa bàn biên giới xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum; Phòng khám Quân dân y Thọm Pẹ, huyện Lạc Sao, tỉnh Bolykhamsay, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động từ năm 2007; Trung tâm Y tế quân dân y Côn Đảo - mô hình phối hợp hoạt động hiệu quả giữa Trung tâm Y tế huyện Côn Đảo với lực lượng quân y thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Côn Đảo...
Năm 2018, hoạt động hợp tác quốc tế của ngành Quân y đạt nhiều kết quả nổi bật. Bên cạnh việc hợp tác quân y với các nước ASEAN, Nhật Bản, Cuba, Pháp, tham dự Hội thao quốc tế tại Liên bang Nga, tham gia hoạt động của Ủy ban Quân y Quốc tế, việc Việt Nam cử Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan được đánh giá cao. Tính đến nay, Bệnh viện đã khám, chữa bệnh cho hơn 100 bệnh nhân, phẫu thuật thành công một ca mổ khó, triển khai thành công một ca tải thương đường không.
Bên cạnh đó, trong năm 2018, lần đầu tiên Quân y hai nước Việt Nam - Trung Quốc phối hợp khám, chữa bệnh cho nhân dân khu vực biên giới Việt - Trung. Đây là hoạt động bên lề trong chương trình Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 5.
Quân y hai nước đang hoàn thiện Bản thỏa thuận hợp tác về y học quân sự; chuẩn bị triển khai nội dung kết nghĩa giữa Bệnh viện Trung y, Tổng Bệnh viện 301 Trung Quốc và Viện Y học cổ truyền Quân đội Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, chẩn đoán điều trị, phòng chống các bệnh nhiệt đới, trao đổi đoàn học tập kinh nghiệm, học thuật./.
Họp Chính phủ thường kỳ tháng 12: GDP năm 2018 tăng kỷ lục ở mức 7,08%  (28/12/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên