Tìm những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu tại đồng bằng sông Cửu Long
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đạt được sau hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, đồng thời, xác định các vấn đề đang tồn tại, hạn chế; xác định nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, cũng như giải pháp có tính hệ thống và nguồn lực thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu thiệt hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Những biểu hiện của biến đổi khí hậu ngày càng được thể hiện rõ nét, thiên tai liên tiếp xảy ra, nhiều cơn bão lớn xuất hiện với mật độ dày đặc, nhiệt độ không khí tăng lên kỷ lục ở Việt Nam. Riêng đồng bằng sông Cửu Long, những năm gần đây, thường xuyên xuất hiện lũ lớn ở thượng nguồn, triều cường vượt mốc lịch sử gây thiệt hại lớn cho kinh tế, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của người dân. Điều đáng lo ngại, nhiều người dân chưa nhận thức được thách thức này, nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng đối phó với vấn đề thiên tai, biến đổi khí hậu, vì vậy, vẫn chưa có hành động cụ thể trong việc xây dựng, phát triển nền nông nghiệp xanh, công nghiệp xanh trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, biến đổi khí hậu là thách thức không nhỏ trong quá trình phát triển của một quốc gia, một khu vực nhưng đồng thời cũng chứa đựng những cơ hội mới cho sự chuyển hướng phát triển. Dẫn chứng với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, những tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn là thách thức đối với ngành trồng lúa nhưng lại là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành nuôi và chế biến tôm, trong khi đó, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng từ xuất khẩu tôm cao hơn rất nhiều so với trồng lúa truyền thống. Vì vậy, mục tiêu thời gian tới không phải là đối phó, chống lại biến đổi khí hậu, mà là chinh phục, thích ứng, biến thách thức thành cơ hội để tái cơ cấu lại sản xuất theo hướng bền vững, thuận theo quy luật tự nhiên.
Đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết số 120, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động triển khai, đi đúng hướng, mang lại hiệu quả bước đầu. Thời gian tới cần có giải pháp để nâng cao nhận thức của cộng đồng về biến đổi khí hậu, lan tỏa rộng rãi những mô hình, cách làm hiệu quả theo phương châm: Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động và người dân hưởng ứng. Trong đó, Chính phủ bố trí lại, bổ sung nguồn lực, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế hành động bằng cách đầu tư vào các dự án cụ thể, xây dựng được các thương hiệu có giá trị. Người dân hưởng ứng thông qua việc nâng cao nhận thức, tích cực tham gia vào các hoạt động tái cơ cấu sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với các tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long nghiên cứu quy hoạch lại vùng sản xuất lúa, thủy sản, trái cây phù hợp với tình hình thực tế, xây dựng hệ sinh thái sản xuất, giảm chi phí giao dịch, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Đối với việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, ứng phó với biến đổi khí hậu, các địa phương cần hợp tác, chia sẻ các công trình, thành tựu nghiên cứu có thể triển khai áp dụng vào thực tế.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thị trường vốn của đồng bằng sông Cửu Long hiện đang đang kém phát triển và là "điểm nghẽn" trong việc triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng và các dự án ứng phó biến đổi khí hậu. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau và sử dụng hiệu quả để phát triển. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư cho hạ tầng để cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí sản xuất, lưu thông hàng hóa, đưa ngân sách chi cho ứng phó biến đổi khí hậu thành khoản chi chính thức cho các địa phương.
Đối với các địa phương, cần thúc đẩy liên kết ngang, liên kết dọc và hợp tác để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thành phố Hồ Chí Minh làm “nhạc trưởng” điều phối cơ chế liên kết vùng, đi tiên phong trong thực hiện Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tập hợp các giải pháp, ý tưởng của các bộ, ngành và các chuyên gia sớm trình Thủ tướng ban hành chỉ thị hành động cho chương trình phát triển bền vững khu vực đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, qua 2 năm triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP, tăng trưởng GDP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã đạt mức ấn tượng là 7,8% (năm 2018) cao nhất trong 4 năm trở lại đây và cao hơn bình quân chung cả nước (7,08%). Kim ngạch xuất khẩu toàn vùng lần đầu tiên đạt 15,7 tỷ USD. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo ngành, theo tiểu vùng đạt được một số kết quả tích cực, an sinh xã hội được quan tâm, việc làm được cải thiện, sinh kế của người dân từng bước được chuyển đổi theo hướng bền vững. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, xây dựng, tăng cường kết nối liên vùng, nhất là hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy, các cụm tuyến dân cư vượt lũ. Diện mạo nông thôn được khởi sắc, có nhiều đổi mới. Tính đến hết tháng 6-2019, toàn vùng có 528 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 41,06%), bình quân đạt 15,43 tiêu chí/xã (mức bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã).
Tuy nhiên, quá trình triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP vẫn còn một số hạn chế, như: Chưa có cơ chế để các địa phương lựa chọn được những vấn đề liên vùng, qua đó đề xuất được những dự án lớn, có sức lan tỏa, tạo xung lực cho phát triển kinh tế - xã hội như hạ tầng, giao thông. Tư duy phát triển thuận thiên, theo 3 vùng kinh tế sinh thái chậm được triển khai, việc đầu tư kết cấu hạ tầng, quy hoạch còn thiếu tổng thể. Đồng bằng sông Cửu Long chưa hình thành được cơ chế, giải pháp đột phá thu hút nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân và xã hội mà chủ yếu dựa vào nguồn lực từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn tài trợ ODA...
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, để thúc đẩy triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, vấn đề cấp bách đặt ra là cần sớm nghiên cứu hình thành thể chế phù hợp cho đồng bằng sông Cửu Long có đủ thẩm quyền đại diện cho khu vực trong việc xác định trọng tâm ưu tiên phát triển, đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù, xây dựng các dự án đầu tư cho các công trình mang lại lợi ích liên vùng. Bên cạnh đó, cần xác định được nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án tạo ra sự chuyển đổi, giải quyết căn cơ về hạ tầng giao thông, thủy lợi cho đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ cốt lõi như: Xây dựng, thực hiện các dự án lớn; phát triển hạ tầng đa mục tiêu: giao thông, thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu để tạo ra chuyển đổi quy mô lớn. Thực hiện quy hoạch tổng thể về đất đai, tài nguyên nước, không gian biển làm định hướng để các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, lĩnh vực cũng như tạo cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư, tăng cường kết nối liên vùng.
Ngoài ra, đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp, có cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao về thủy sản, nuôi trồng biển, phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp, sinh thái biển; xây dựng, triển khai tổng thể các giải pháp trữ nước dựa vào xu thế tự nhiên của từng khu vực; phòng chống sạt lở bờ sông, xâm thực biển, sụt lún đất. Vùng cũng cần đẩy mạnh đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với thị trường xuất khẩu lao động; đổi mới công tác đào tạo, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và người dân về phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu./.
Những hoạt động nổi bật của các đồng chí lãnh đạo nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  (20/06/2019)
Các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri sau kỳ họp  (20/06/2019)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc là sứ mạng của báo chí  (20/06/2019)
Lại bàn về tự do báo chí (Kỳ 1)  (20/06/2019)
Tạp chí Cộng sản đi đầu trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng  (19/06/2019)
Những vấn đề đặt ra đối với báo chí, xuất bản hiện nay  (19/06/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam