TCCSĐT - Việt Nam đang ở thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” nhưng thời kỳ này sẽ kết thúc trong thời gian không xa, vì vậy Việt Nam cần phải chú trọng sớm đầu tư vào thế hệ trẻ trước khi thời kỳ già hóa dân số đang đến gần.

Xét ở góc độ kinh tế, dân số thường được chia thành hai nhóm: Nhóm “trong độ tuổi lao động” (từ 15 đến 64 tuổi) và nhóm “dân số phụ thuộc” (bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi và những người già 65 tuổi trở lên). Khi tương ứng với 100 lao động chỉ có 50 người “phụ thuộc” hoặc ít hơn, người ta nói một cách hình ảnh rằng, đây là “cơ cấu dân số vàng”.

Hiện nay, Việt Nam đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” (số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc). Số liệu năm 2012 cho thấy, số người trong độ tuổi lao động chiếm tới 68,9%, trong khi số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 7% dân số. Các chuyên gia cho rằng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia.

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” đang mang lại cơ hội lớn cho việc nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Gia đình ít con, thu nhập tăng và áp lực dân số lên hệ thống giáo dục được tháo gỡ. Dân số trong độ tuổi đi học (5 đến 24 tuổi) giảm từ hơn 33,2 triệu người năm 1999 xuống còn khoảng 29,5 triệu người năm 2013. Bối cảnh này đã tạo thuận lợi lớn cho gia đình và xã hội chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ. Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 58% vào đầu thập niên 90, xuống còn 20% vào năm 2012; Tỷ lệ nhập học ở các cấp học phổ thông tăng lên không ngừng nhưng số học sinh đã bắt đầu giảm. Từ “đỉnh điểm” trong năm học 2001 - 2002 với quy mô học sinh lên tới 17.875,6 nghìn, năm học 2010 - 2011 chỉ còn 14.792,83 nghìn, tức là giảm tới trên 3 triệu học sinh.

Sinh đẻ ít, trình độ học vấn được đào tạo, nâng cao, tuổi thọ cao, phụ nữ - một nửa dân số trong độ tuổi lao động sẽ tham gia hoạt động kinh tế nhiều hơn, chất lượng hơn góp phần tạo nên lực lượng lao động dồi dào, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bình đẳng giới. Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, việc nâng cao tỷ lệ tham gia hoạt động kinh tế của phụ nữ là chìa khóa hồi sinh kinh tế của đất nước này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” ở Việt Nam sẽ không kéo dài và quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh chóng từ năm 2040 trở đi. Để có thể tận dụng được tối đa cơ hội từ thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” thì theo các chuyên gia, Việt Nam phải bảo đảm tạo ra được cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ. Bên cạnh đó, dân số trong độ tuổi lao động phải được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Để làm được điều đó cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào quá trình giáo dục đào tạo, đặc biệt đào tạo nghề, phát triển việc làm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đào tạo và xuất khẩu lao động cũng là giải pháp phải được quan tâm chú trọng; tuyên truyền giáo dục người dân tích cực học tập nâng cao tay nghề, tận dụng cơ hội tốt này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống bản thân, đóng góp cho xã hội.

Cần tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động... Ðặc biệt, Việt Nam cần hướng đến một nền kinh tế tri thức, với việc phát triển nguồn nhân lực có đầy đủ trình độ, kỹ năng có thể hội nhập với quốc tế. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, cũng cần tích cực đầu tư vào khoa học kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tận dụng hàm lượng chất xám từ nguồn nhân lực cao.

Tiếp tục thực hiện các biện pháp duy trì mức sinh thấp một cách hợp lý, đồng thời làm chậm lại quá trình già hóa dân số. Ðồng thời xây dựng và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nhằm đối phó với xu hướng già hóa dân số, như: tổ chức tốt cuộc sống cho người già; chăm sóc sức khỏe và sử dụng sức lao động của người cao tuổi.../.