TCCSĐT - Ngày 30-9-2014, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo khu vực phía Nam với chủ đề “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và định hướng đổi mới chính sách trợ giúp xã hội”.

Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, cùng với việc nêu lên những thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua, ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội đã chỉ rõ một số khó khăn, thách thức. Đó là: Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo chưa có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao; sự chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, theo công bố mới của Ngân hàng thế giới và Tổng cục Thống kê thì hệ số chênh lệch đã tăng từ 8,1 lần (năm 2002) lên 9,4 (năm 2012). Đáng chú ý, tỷ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, riêng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Năm 2012, các xã được hưởng Chương trình 135 có tỷ lệ nghèo vẫn ở mức trên 40% (cá biệt có nơi trên 50%, thậm chí trên 60-70%) và có khoảng 900 nghìn hộ cận nghèo; thu nhập bình quân đầu người ở các xã này chỉ bằng 30% so với thu nhập chung khu vực nông thôn; cơ sở hạ tầng còn rất nhiều hạn chế.

Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh nghèo do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống, bởi chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ y tế, giáo dục, đi lại,… Ngoài ra, sự tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống, các tệ nạn xã hội cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho giảm nghèo bền vững. Trong khi đó, công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như nguồn lực đối với chính sách giảm nghèo còn hạn chế, ông Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Xuất phát từ thực tiễn, nhiều đại biểu đã đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nhất là sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, cũng như các địa phương đối với công tác xóa đói, giảm nghèo trong thời gian qua. Đồng thời, đã thẳng thắn chỉ ra những mặt khó khăn, hạn chế, vướng mắc để tìm ra giải pháp khắc phục trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đổi mới trợ giúp xã hội ở địa phương mình.

Theo ông Y Long Niê, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đăk Nông, ở địa phương này có gần 40 dân tộc cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 33%. So với những năm trước đây, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã được cải thiện đáng kể bởi những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, đối với Đăk Nông kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; sự chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa kể cả vùng thành thị.

Đối với tỉnh Long An, bà Nguyễn Ngọc Hạnh, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh cho biết, các chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn chưa thật sự thu hút được các học viên thuộc đối tượng nghèo, hộ cận nghèo, nên việc hỗ trợ người nghèo có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống rất khó thực hiện. Nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo mới hàng năm tăng cao, trong 3 năm (2011-2013) có 17.403 hộ thoát nghèo nhưng lại có 5.216 hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới, bằng khoảng 30% số hộ thoát nghèo.

Bằng nhiều giải pháp và cách làm thiết thực, nhưng công tác thực hiện chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá giai đoạn 3 (2009 - 2013) ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn một số bất cập, như: Chất lượng cuộc sống hộ nghèo chưa được cải thiện do hộ nghèo ở đây tuy đã vượt chuẩn nghèo của Thành phố (12 triệu đồng/người/năm), nhưng giá trị thực tế thu nhập đã và đang bị giảm sút. Việc tăng dân số cơ học đã làm phát sinh hộ nghèo và cận nghèo, gây không ít khó khăn trong quản lý; hiệu quả công tác đào tạo nghề chưa cao, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số được đào tạo nghề còn thấp.

Tham luận được các đại biểu quan tâm có tựa đề “Báo cáo nghiên cứu thực địa tại Việt Nam nhằm hỗ trợ xây dựng đề án cải cách hệ thống trợ giúp xã hội” của 2 chuyên gia thuộc Development Pathways là ông Stephen và bà Carmen de Paz đã lưu ý: Việt Nam là một xã hội đang già hóa, tỷ lệ người cao tuổi sẽ tăng lên đáng kể (dự tính đến năm 2025 tăng 15%), vì thế Việt Nam cần thiết lập một hệ thống lương hưu toàn diện, nếu không gáng nặng sẽ đè lên vai của nhóm người độ tuổi lao động. Và một giả định nêu ra là, liệu Việt Nam có khả năng tài chính để đầu tư 1% GDP cho an sinh xã hội trong tương lai gần hay không?

Nhìn chung, các đại biểu đều có nhận định nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững thời gian qua là do: Công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức ở một số địa phương chưa được chú trọng; một bộ phận hộ nghèo, xã nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, thiếu ý thức vươn lên thoát nghèo. Trong khi, hệ thống chính sách hiện nay vẫn còn chồng chéo, bất cập; các chính sách bảo trợ xã hội luôn thay đổi và hướng dẫn triển khai thực hiện chậm. Kinh phí bố trí cho một số chính sách, dự án (như khuyến nông - lâm - ngư, dạy nghề, xây dựng và nhân rộng các mô hình) tập trung cho các xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập, gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện. Điều đáng nói là, một số địa phương, nhất là cấp xã, phường thiếu sự quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của cấp trên; hầu hết cán bộ ở cơ sở đều kiêm nhiệm, năng lực, trình độ có giới hạn nên công tác quản lý, hướng dẫn còn yếu. Ngoài ra, các ý kiến cho rằng, với mục tiêu, yêu cầu và nguồn lực hiện nay, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt với vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Để công tác giảm nghèo bền vững và đổi mới chính sách trợ giúp xã hội đạt kết quả thiết thực, các đại biểu đã đưa ra một số kiến nghị tập trung vào những nội dung sau: Trước hết, cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các ngành, các cấp chính quyền, đoàn thể từ Trung ương xuống địa phương; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ từng ngành, từng cấp chính quyền, đoàn thể. Rà soát, đánh giá lại hệ thống chính sách trợ giúp xã hội hiện hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách giảm nghèo hướng tới thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đồng thời, mở rộng chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo như kéo dài thời gian hưởng thụ các chính sách ưu đãi (vốn vay, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đào tạo nghề); phân loại đối tượng hộ nghèo để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, ví dụ như cần tách bạch giữa nhóm người nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội không có khả năng lao động với hộ nghèo để có chính sách hỗ trợ riêng, trong đó chính sách khi được ban hành phải đi đôi với việc cân đối, bố trí nguồn lực để thực hiện. Tập trung tăng cường nguồn lực cho phát triển vùng, địa bàn khó khăn, có tính chất lõi nghèo trên cơ sở giải quyết đất sản xuất do sức ép về dân số, di cư tự do, tái định cư đối với các dự án thủy lợi, thủy điện. Tiến tới xóa dần chính sách cho không các mặt hàng, chuyển sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất, đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và chú trọng ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào các địa bàn như huyện, xã vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số./.