Hoạt động kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản
TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973 - 2013), nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa đã được tổ chức tại Bà Rịa - Vũng Tàu và Hội An. Đây là cơ hội để giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến với người dân Việt Nam đồng thời cũng là dịp giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến với người dân Nhật Bản.
Ngày văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, triển lãm ảnh và hội thảo giáo dục tại Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày 24-8, tại Trung tâm văn hóa tỉnh, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức Ngày Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản với sự tham gia của 1.500 người đến từ Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo thành phố Kawasaki, công dân Nhật đang sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành, người dân, học sinh và cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát biểu tại Ngày Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, ông Hồ Văn Niên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh: Đây là dịp tăng cường hơn nữa giao lưu giữa nhân dân 2 nước, là cơ hội giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến với người dân Việt Nam cũng như người dân Bà Rịa - Vũng Tàu và ngược lại đây cũng là dịp giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam đến với người dân Nhật Bản. Ngày Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản sẽ góp phần tô thắm thêm tình hữu nghị giữa 2 đất nước.
Tại Ngày Văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, các đại biểu sẽ được tham quan các gian hàng giới thiệu về các nét văn hóa đặc trưng của đất nước Việt Nam và Nhật Bản như: gian giới thiệu về dòng thơ Haiku của Nhật Bản, làm thơ ngắn theo phong cách Haiku, viết chữ thư pháp thơ Haiku; viết thư pháp Việt và ký họa chân dung; giới thiệu về trang phục Kimono của Nhật Bản; chụp ảnh cùng trang phục Yukata; hướng dẫn nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản Origami; tham quan gian trưng bày búp bê và các đồ lưu niệm của Nhật; trưng bày các loại sách, truyện tranh của Nhật; giới thiệu một số đồ lưu niệm bằng mỹ nghệ của Việt Nam; thưởng thức trà đạo; giới thiệu về nghệ thuật hóa trang thành nhân vật truyện tranh Cosplay; biểu diễn kiếm đạo. Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia các trò chơi dân gian của 2 nước Việt Nam - Nhật Bản, thưởng thức ẩm thực với các món đặc trưng của Nhật Bản và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trước đó, vào ngày 22-8, cũng tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã diễn ra Triển lãm ảnh Việt Nam - Nhật Bản và Bà Rịa Vũng Tàu - Kawasaki với chủ đề “Đất nước và con người”.
Triển lãm trưng bày 150 bức ảnh về đất nước, con người Việt Nam, Nhật Bản nói chung và 2 tỉnh kết nghĩa Bà Rịa - Vũng Tàu và Kawasaki nói riêng. Tại triển lãm, những bức ảnh đã đem lại cho người xem cảm nhận rõ nhiều điểm tương đồng về văn hóa, con người giữa 2 nước cũng như điểm đặc trưng đặc sắc của mỗi dân tộc. Triển lãm giúp cho những người con của đất nước Nhật Bản đang công tác, làm việc và du lịch tại Bà Rịa - Vũng Tàu thêm tự hào về đất nước Nhật cũng như hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam.
Ông Ngô Hùng Lâm, Tổng Giám đốc Công ty Fuji (Nhật Bản), Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cho biết là người con xa quê, sinh sống 36 năm tại Nhật Bản, ông rất cảm động khi được tham dự triển lãm ảnh này.
Ông Lâm khẳng định, ông sẽ đóng vai trò cầu nối tích cực để làm sâu đậm thêm mối quan hệ giữa 2 nước cũng như góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển trong tương lai. Triển lãm mở cửa đến hết ngày 29-8.
Cũng trong ngày 24-8, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tổ chức Hội thảo giáo dục Việt Nam - Nhật Bản nhằm trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác quản lý và giảng dạy của nền giáo dục 2 quốc gia Việt Nam - Nhật Bản. Tham dự Hội thảo có các giáo sư đến từ trường Đại học Sư phạm Hyogo (Nhật Bản), giảng viên trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, phòng giáo dục các huyện, thành phố, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận thức rõ tầm quan trọng của giáo dục, coi giáo dục là chìa khóa mở đi tới tương lai. Vì vậy, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, giáo dục đào tạo chính là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, xã hội tỉnh. Hội thảo giáo dục Việt Nam - Nhật Bản là cơ hội để ngành giáo dục và các thầy, cô giáo có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của địa phương.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung bàn luận sâu về các nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học 3 môn toán, lý, hóa và một số môn khoa học ở các cấp học phổ thông tại Nhật; sử dụng công nghệ thông tin trong dạy học; mối liên hệ giữa các kiến thức được học trong nhà trường cao đẳng, đại học và kiến thức đang giảng tại các trường phổ thông ở Việt Nam; công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phương pháp sử dụng thiết bị thí nghiệm thực hành trong các trường phổ thông...
Giáo sư, Tiến sĩ Kunioka Takahino, giảng viên môn toán, trường Đại học Sư phạm Hyogo ( Nhật Bản ) đã chia sẻ về quá trình cải cách giáo trình mới nhất ở Nhật Bản. Đây là những thông tin để ngành Giáo dục tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như đội ngũ thầy cô giáo có thêm những kinh nghiệm đóng góp cho chương trình cải cách sách giáo khoa tại Việt Nam vào năm 2015. Theo đó , đối với môn toán, việc cải cách giáo trình của Nhật dựa trên sự hướng dẫn theo hình xoắn ốc, nhằm giúp học sinh tiếp thu những kiến thức mang tính cơ bản và chính xác nhất, học sinh có thể vận dụng những kiến thức đã được học vào suy nghĩ, phán đoán; giáo trình của Nhật tăng cường hướng dẫn các hoạt động luyện tập, sử dụng các biểu tượng mang tính số học như: từ ngữ, chữ số, hình học, biểu đồ, giúp học sinh dễ học, dễ hiểu hơn... Đối với việc giảng dạy bộ môn khoa học, mục tiêu của nền giáo dục Nhật Bản là khơi dậy sự hứng thú của học sinh đối với các sự vật, hiện tượng để từ đó học sinh quan sát và làm thí nghiệm có chủ ý, đồng thời đặt nền tảng cho khả năng khám phá khoa học, xây dựng thái độ tích cực của học sinh đối với việc khám phá đó.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Mitsuhiro Fukuda, Phó hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hyogo , tại Nhật Bản, hướng dẫn mới về dạy bộ môn khoa học ở trường phổ thông do Bộ Giáo dục ban hành vào tháng 9-2009. Các sách giáo khoa bộ môn khoa học theo hướng dẫn mới này được sử dụng tại các trường từ tháng 4-2012; trong đó sách giáo khoa bộ môn khoa học được chia làm 6 lĩnh vực: khoa học và cuộc sống hàng ngày, vật lý cơ bản và vật lý nâng cao, hóa học cơ bản và hóa học nâng cao, sinh học cơ bản và sinh học nâng cao, khoa học cơ bản về Trái đất và khoa học nâng cao về Trái đất, nghiên cứu đề tài khoa học.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi và thảo luận giữa đại biểu của 2 nước xung quanh một số vấn đề như: chương trình cải cách giáo dục, phương thức đánh giá học sinh các cấp, chương trình phổ thông được đào tạo như thế nào...
Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 11
Từ ngày 23-8, tại phố cổ Hội An, Quảng Nam đã diễn ra hoạt động Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 11. Bên cạnh các hoạt động phối hợp giao lưu văn hóa, thể thao giữa thành phố Hội An và các tổ chức của Nhật Bản; các hoạt động đã khẳng định qua các kỳ giao lưu như trình nghề và trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ Quảng Nam và Nhật bản, gấp giấy Nhật Bản, trò chơi dân gian Hội An và Nhật Bản, thư pháp thơ Haiku, chụp hình lưu niệm với áo Yukata, trình diễn nghệ thuật dân gian, biểu diễn trống truyền thống Nhật Bản…
Ngoài ra, còn có các hoạt động mới lạ như thuyết trình và giao lưu thư pháp Nhật Bản do Nhà thư pháp Takeda Souun thực hiện, ẩm thực Nhật Bản, trình diễn hợp xướng đến từ Nhật Bản và Việt Nam... Đồng thời, Hội An và Nhật Bản cùng chia sẻ mối quan tâm về các vấn đề bảo vệ môi trường, hội thảo chuyên đề.
Đặc biệt, năm nay có sự đổi mới là các hoạt động, các chương trình văn hóa - nghệ thuật trải đều cả ban ngày lẫn ban đêm từ đêm 23 đến đêm 25-8, diễn ra tại Chùa Cầu và đường Nguyễn Thị Minh Khai với hình thức sự kiện đường phố, có tính cộng đồng cao như trình nghề thủ công, trưng bày - triển lãm, giao lưu nghệ thuật giữa các đoàn, các nghệ sĩ chuyên nghiệp và không chuyên của Nhật Bản và Việt Nam, giao lưu nghệ thuật cộng đồng (múa Bon, múa Trống cơm, múa sạp và khiêu vũ quốc tế)...
Chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản lần thứ 11 do UBND thành phố Hội An, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các cơ quan, tổ chức của Nhật Bản như Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam (JF), Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trường Đại học nữ Chiêu Hòa, thành phố Sakai, thành phố Naha, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng phối hợp tổ chức./.
Cần giải pháp đồng bộ để giải quyết ô nhiễm môi trường ở Hà Nội  (24/08/2013)
Kim ngạch thương mại Nga - Việt Nam có thể đạt 20 tỷ USD  (24/08/2013)
Việt Nam đăng cai kỳ họp Đại hội đồng Hiệp hội Phát thanh - Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 50  (24/08/2013)
An táng 23 bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia  (24/08/2013)
Gặp gỡ hữu nghị kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam và Hungary  (24/08/2013)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên