Tiếp cận khái niệm “địa - chiến lược” trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đến năm 2030
TCCS - Trong những năm qua, tri thức - thông tin đã trở thành nguồn lực có ý nghĩa ngày càng quyết định. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) khác căn bản so với các cuộc cách mạng trước về cả tốc độ phát triển và mức độ tác động sâu rộng. Bên cạnh đó, các nhân tố địa lý như biển, đại dương ngày càng có tác động quan trọng đến vận mệnh của nhiều quốc gia. Do vậy, nội hàm và cách tiếp cận khái niệm “địa - chiến lược” cũng khác trước. Việc nhận diện những bước phát triển mới trong nhận thức về khái niệm này gợi mở hàm ý đối với Việt Nam cả trên hai phương diện cơ hội và thách thức từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Về khái niệm “địa - chiến lược”
Các nhà hoạch định chiến lược luôn xem xét những nhân tố chủ chốt tác động đến cách thức và khả năng thực hiện mục tiêu chiến lược. Một trong các nhân tố đó là không gian địa lý(1). Trong một công trình công bố vào năm 1942, nhà sử học Phre-đơ-rích L. Xchu-men gọi việc xem xét, vận dụng các đặc điểm địa lý vào quá trình hoạch định là tư duy “địa - chiến lược”(2). Không khó để chứng minh tầm quan trọng của nhân tố địa lý đối với an ninh và phát triển của các quốc gia, sự khác nhau chỉ là khía cạnh nào được đề cao (đất, biển, trời, vũ trụ hay không gian mạng) và tùy thuộc vào năng lực làm chủ của quốc gia đó(3).
Đến nay, các nhà nghiên cứu, các nhà lý thuyết và thực hành đã thống nhất rằng, khó có thể có một định nghĩa chuẩn xác cho khái niệm “địa - chiến lược”, một phần vì bối cảnh thay đổi và giá trị của “địa lý” cũng thay đổi(4). Một số định nghĩa của thuật ngữ “địa - chiến lược” đã được nêu ra như sau:
Học giả An-đru Ghi-ô-gi của trường Đại học California (Mỹ) - một trong những người đặt nền móng cho khái niệm này - cho rằng, “địa - chiến lược là một nỗ lực chủ quan để ứng phó với sự hỗn loạn của thế giới. Ông nhận xét, “một môn khoa học về “địa - chiến lược” sẽ là điều không tưởng ở bất cứ thời kỳ nào ngoài thời kỳ của chúng ta. Nó là sản phẩm đặc trưng của nền chính trị hỗn loạn trên thế giới của thế kỷ XX”(5). Chịu tác động của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, A. Ghi-ô-gi gắn khái niệm này với hàm nghĩa “địa - chính trị chiến tranh”, cho rằng địa - chiến lược là tư duy của thời chiến.
Còn theo học giả người Xin-ga-po Giu-gióc Lim, cụm từ “địa - chiến lược” được sử dụng trong những khuôn khổ giới hạn hơn, trong đó các yếu tố địa lý được vận dụng để gây ảnh hưởng hoặc chiếm lợi thế so với đối phương(6). Trong khi đó, học giả Y-a-cúp Grê-di-en cho rằng, khái niệm này chỉ “sự phân bố tài nguyên về chính trị hoặc quân sự của một quốc gia tại một khu vực cụ thể trên thế giới dựa trên lý do như ý thức hệ, nhóm lợi ích”(7). Từ một cách tiếp cận khác, Trung Quốc dường như sử dụng thuật ngữ “địa - chiến lược” với nhiều hàm ý, trong đó phản ánh cả tư tưởng của binh pháp Tôn Tử và vai trò của “quốc gia ở vị trí trung tâm”.
Những cụm từ “địa - chính trị, chiến lược” và “địa - chiến lược” được học giả Gi. Brê-din-xki sử dụng nhằm mang những ý nghĩa, đó là: Địa - chính trị phản ánh sự kết hợp giữa những yếu tố địa lý và chính trị để quyết định tình trạng của một quốc gia hoặc khu vực, nhấn mạnh những tác động của địa lý trong chính trị; chiến lược ám chỉ những giải pháp toàn diện để đạt được mục tiêu trung tâm hoặc các tài sản quan trọng mang ý nghĩa quân sự(8).
“Địa - chiến lược” khác với khái niệm có liên quan là “địa - chính trị” vốn được hiểu rộng hơn. “Địa - chính trị” xem xét toàn bộ tác động của nhân tố địa lý lên chính trị và nhất là đối với quan hệ quốc tế. Trong khi đó, “địa - chiến lược” chỉ là một nhánh của “địa - chính trị”, bởi chỉ liên quan đến khía cạnh chiến lược, chính sách, tức là nỗ lực chủ quan của các chính phủ trong việc tận dụng các yếu tố địa lý để đạt các mục tiêu quan trọng về an ninh, phát triển, ảnh hưởng(9). Khái niệm chung nhất về “địa - chiến lược” là việc xây dựng một kế hoạch toàn diện, chỉ định các phương tiện để đạt được mục tiêu quốc gia hoặc bảo vệ tài sản có ý nghĩa quân sự hoặc chính trị.
Như vậy, có thể hiểu “địa - chiến lược” là nỗ lực làm chủ hoặc khai thác không gian chiến lược, thông qua một kế hoạch tổng thể được đưa ra nhằm đạt đến các kết quả chính yếu và lâu dài dựa trên những đặc thù về địa lý.
“Địa bàn” cho các tính toán “địa - chiến lược” là “không gian chiến lược”, bao gồm các khía cạnh quan trọng nhất của “không gian tự nhiên”, như đất, biển, trời, vũ trụ và gần đây bao gồm cả các “không gian nhân tạo”, như mạng in-tơ-nét, các liên kết kinh tế - chính trị, văn hóa, xã hội giữa các quốc gia, tổ chức. Như vậy, đặc điểm mới ở đây là sự mở rộng, bổ sung của các “không gian nhân tạo” cho các không gian truyền thống.
Rõ ràng, không gian chiến lược hẹp hay rộng, nông hay sâu, chủ yếu tùy thuộc vào phần chủ quan (phần biến thiên) vì phần tự nhiên (địa lý) khó thay đổi căn bản trong khoảng thời gian hoạch định chiến lược, tức là trong một vài thập niên (có thể xem như hằng số)(10). Đơn cử như, quốc gia nào “hội nhập, liên kết sâu” với thế giới sẽ có thêm không gian chiến lược. Hơn nữa, không gian chiến lược chủ yếu tùy thuộc vào việc vận dụng tư duy chiến lược(11) bởi quá trình này cho thấy bức tranh chung, tổng quát thay vì đi vào chi tiết, lâu dài hay trước mắt. Không gian chiến lược cần được hiểu là một không gian đa chiều bởi các liên kết ngày nay được thực hiện trên cơ sở đa chủ thể, đa tầng nấc và đa ngành.
Một khái niệm có liên quan khác là “biên giới mềm”, với quan niệm về tư tưởng, văn hóa, vật chất (hàng hóa, dịch vụ) xuất hiện đến phạm vi nào thì “đường biên” sẽ được thiết lập đến đó. Hội nhập quốc tế dường như làm mờ đi chủ quyền quốc gia nhưng cũng giúp mở rộng không gian hoạt động và sự tương tác. Xét một cách riêng lẻ, các nước Đông Nam Á hầu hết là những nền kinh tế khiêm tốn nhưng nếu tính cả Cộng đồng Kinh tế ASEAN thì quy mô tăng trưởng đã vượt Ấn Độ vào năm 2014(12). Hay như trường hợp của Pháp, tầm ảnh hưởng của nước này không chỉ ở châu Âu mà còn đối với cả Cộng đồng Pháp ngữ gồm 29 nước. Tương tự, sau sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), ảnh hưởng của Anh cần được tính đến ở Cộng đồng chung thịnh vượng gồm 2,4 tỷ dân.
Quá trình toàn cầu hóa đang nhân lên các không gian tương tác theo chiều rộng nhưng cũng gia tăng tính bị tổn thương do trạng thái phụ thuộc lẫn nhau và sự giao lưu kết nối ngày càng bền chặt giữa các nước. Đại dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019, đầu năm 2020 cho thấy tính dễ bị tổn thương của thế giới. Điều này càng khiến thế giới trở nên bất định và việc làm chủ không gian chiến lược không đơn giản hơn mặc dù nhân loại có nhiều thông tin, tri thức, công cụ hơn.
Địa - chiến lược bị chi phối bởi thuộc tính thời gian (cũng như thời gian có thuộc tính không gian) do giá trị chiến lược của không gian phụ thuộc vào thời điểm. Cơ hội chiến lược là không “nhất thành bất biến” mà có tính thời điểm. Trường hợp của nhiều nước đồng minh bị “bỏ rơi” khi hoàn cảnh thay đổi (vấn đề của người Cuốc gần đây tại Xy-ri hay giá dầu mỏ đi xuống) cho thấy sự biến đổi về giá trị của địa - chiến lược.
Ứng dụng khái niệm “địa - chiến lược” trong thực tiễn
Xét về khía cạnh ứng dụng khái niệm “địa - chiến lược”, một ví dụ điển hình là cuộc tranh luận dựa trên nền tảng tư tưởng của hai học giả H. Mác-kin-đơ và A. Ma-han. H. Mác-kin-đơ đề cao vai trò của lục địa, còn A. Ma-han nâng tầm sức mạnh biển. Khác với quan điểm của H. Mác-kin-đơ đặt lục địa Á - Âu vào vị trí trung tâm, A. Ma-han cho rằng “định mệnh địa - chính trị thế giới” phụ thuộc vào các đại dương, như Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Theo đó, một chiến lược khôn ngoan là tập trung xây dựng thực lực quân sự bảo vệ biển, trong đó vai trò “xương sống” là lực lượng hải quân. Chia sẻ tư tưởng với A. Ma-han, học giả Ni-cô-lát Xpai-cơ-man cho rằng, sở dĩ Mỹ có điều kiện vượt trội hơn nhiều nước khác trong việc phòng thủ và triển khai sức mạnh là do được bao bọc, bảo vệ bởi cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương(13).
Theo học giả Rô-bớt Ka-plan, Ấn Độ và Trung Quốc đã tìm cách mở rộng “không gian chiến lược” quốc gia trên cơ sở nghiên cứu học thuyết của A. Ma-han(14). Để xây dựng hình ảnh vượt ra ngoài “cường quốc lục địa”, Trung Quốc hướng tới mục tiêu trở thành cường quốc biển. Cách hành xử gần đây của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông cho thấy rõ điều này.
Theo “trường phái Anh” coi trọng sức mạnh hải quân, Ấn Độ cũng là một ví dụ điển hình. Tranh thủ vị trí án ngữ các tuyến hàng hải trọng yếu đối với cả Trung Quốc và khu vực Trung Đông, trong khi có quan hệ không mấy thuận lợi với Pa-ki-xtan, phía Bắc là Áp-ga-ni-xtan, phía Đông giáp Bắc Nê-pan, Bu-tan và Băng-la-đét, Ấn Độ ngày càng coi trọng giá trị của biển và Ấn Độ Dương. Tại khu vực Đông Nam Á, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Ma-lai-xi-a, Bru-nây và Việt Nam đều coi trọng vai trò của biển.
Việc “làm sống lại” khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” gần đây không có mục đích nào khác ngoài “tái định nghĩa” theo hướng mở rộng tư duy địa - chiến lược của các nước có liên quan(15). Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm đã chính thức tuyên bố khái niệm này tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017, được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Đối thoại Chiến lược Ấn Độ - Mỹ năm 2013 đã nêu Sáng kiến Hành lang kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên thực tế, Nhật Bản cũng đã có Chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” từ trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Đ. Trăm. Còn nhiều ví dụ khác về năng lực mở rộng không gian địa - chiến lược. Đơn cử như, Xin-ga-po, Áo, Na Uy, Hà Lan là những nước khiêm tốn về quy mô diện tích và dân số nhưng lại đặc biệt năng động và có tầm vóc vượt ra ngoài sự hạn chế về không gian địa lý. Một ví dụ khác là Va-ti-căng, quốc gia chỉ có 44 km2 nhưng được nhiều quốc gia và hơn 1 tỷ tín đồ Thiên Chúa giáo trên thế giới tôn trọng(16).
Từ vị thế của các quốc gia khác lạc hậu so với mặt bằng chung của châu Âu, trong một khoảng thời gian không dài, E-xtô-ni-a và Ai-xơ-len trở thành những quốc gia có ảnh hưởng trong không gian mạng. Những ví dụ này càng củng cố nhận thức không gian địa lý chỉ là một cách hiểu về không gian chiến lược. Với các chiến lược và tạo lập các lợi ích, giá trị hợp lý, ví dụ thông qua việc mở rộng không gian “hội nhập” và “tương tác”, các quốc gia có thể nhân lên sức mạnh bên trong và bên ngoài lãnh thổ quốc gia.
Hàm ý “địa - chiến lược” đối với Việt Nam
Thứ nhất, kết nối truyền thống với hiện đại. Theo nhà nghiên cứu Đào Duy Anh, Việt Nam nằm ở ngã ba các nền văn hóa và văn minh; về mặt địa lý, Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á lục địa, phía đông giáp vịnh Bắc Bộ và Biển Đông, phía tây có biên giới với Lào và Cam-pu-chia, phía bắc giáp Trung Quốc và phía nam vừa giáp Biển Đông, vừa có phần nằm trong vịnh Thái Lan. Trước đây, Việt Nam thường được ví có hình dáng “nhất cống lưỡng cư”, nghĩa là một đòn gánh với hai đầu là hai thúng hàm chứa nghĩa hai vựa thóc lớn của đất nước. Một cách diễn đạt nôm na khác, Việt Nam có môi trường địa lý đặc biệt với “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, có nghĩa là ba phần núi, bốn phần biển và một phần đất(17). Sở dĩ là “nôm na” bởi cách diễn đạt trên chưa phản ánh những không gian mới khác mà Việt Nam đã bước đầu khai thác là vũ trụ và không gian mạng, nhất là không gian hội nhập.
Như vậy, trong tiến trình lịch sử, Việt Nam đã tạo dựng được một không gian địa chiến lược liên tục, phong phú mà thống nhất. Các yếu tố như chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết của các tầng lớp nhân dân đã giúp gắn kết dân tộc và không gian Việt thống nhất.
Về mặt chủ quan, trong những năm qua, Việt Nam đã đề xuất nhiều chiến lược tầm quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tương ứng với các mốc sự kiện 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930 - 2030) và 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1945 - 2045). Cùng với chiến lược quốc gia tổng thể theo các mốc thời gian trên, các “chiến lược bộ phận” cũng xác định giới hạn tương tự, như chiến lược phát triển kinh tế biển, chiến lược năng lượng quốc gia, chiến lược hội nhập quốc tế...(18). Mười năm là khoảng thời gian dài hạn, thuộc phạm vi dự báo chiến lược(19).
Thứ hai, nhận thức địa - chiến lược mới. Vận dụng các khái niệm và theo tiến trình phát triển về nhận thức của Việt Nam, từ cách tiếp cận truyền thống sang cách tiếp cận hiện đại hơn, Việt Nam đã và đang có các cơ hội và đối mặt với những thách thức về địa - chiến lược, tiêu biểu như sau:
Về không gian biển(20), không gian biển ngày càng quan trọng trong tổng thể chiến lược đối với Việt Nam. Bên cạnh các ý nghĩa đặc biệt về quốc phòng - an ninh, kinh tế biển đóng góp hơn 50% GDP của cả nước cùng với xu thế phát triển “nền kinh tế xanh dương”. Dòng chảy thương mại đi qua Biển Đông chiếm 1/3 tổng giá trị thương mại toàn cầu, với con số hơn 3.000 tỷ USD mỗi năm. Nhiều chỉ số khác cũng cho thấy tầm quan trọng của biển đối với Việt Nam. Chẳng hạn, với 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% tổng dân số, Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, hải đảo. Với bờ biển dài 3.260 km từ Bắc xuống Nam, tỷ lệ khoảng 100 km2 đất liền/1 km bờ biển (mức trung bình trên thế giới 600 km2 đất liền/1 km bờ biển), Việt Nam nằm trong số 10 nước có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ(21); hơn 3.000 hòn đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa,... các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2 (gấp 3 lần diện tích đất liền)(22).
Tuy nhiên, đặc thù địa lý đất liền dài và hẹp khiến việc tổ chức chiến lược của Việt Nam theo chiều sâu khó khăn, phải đầu tư nhiều cho phòng thủ trước các cuộc tấn công từ hướng biển. Mức độ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao hơn nhiều so với các nước khác. Khác với nhiều vùng biển trên thế giới, Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp hơn, đặc biệt là tranh chấp lãnh thổ chủ quyền, đồng thời gắn với hòa bình, ổn định khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, việc giải thích, áp dụng luật cũng như bảo vệ môi trường và nguồn lợi biển.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã nhận thức được ý nghĩa sống còn của biển, có nhiều hoạt động cũng như xây dựng văn hóa biển đặc thù(23). Kể từ khi tiến hành công cuộc đổi mới (năm 1986), Việt Nam càng củng cố, nâng cao nhận thức này. Các hoạt động khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền, thực thi pháp luật trong các hoạt động kinh tế của Việt Nam ngày càng nhiều về số lượng và tăng về chất lượng(24). Cụ thể về kinh tế biển, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nêu rõ: “Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65% - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển”.
Trên các diễn dàn song phương và đa phương, với tinh thần xây dựng, Việt Nam luôn nằm trong nhóm nước tích cực, chủ động hàng đầu trong việc nêu rõ quan điểm vừa hợp tác, vừa đấu tranh, phương châm “kiên quyết, kiên trì”, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thúc đẩy tôn trọng thực thi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đàm phán thực chất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Như vậy, có thể nói, thách thức chính không phải đến từ nhận thức mà là quá trình triển khai, một phần do năng lực và nguồn lực còn hạn chế(25). Chẳng hạn, so sánh năng lực khai thác biển, Việt Nam chỉ bằng 1/7 của Hàn Quốc hay 1/94 của Nhật Bản(26). Mặt khai thác vẫn trội hơn mặt phát triển. Số lượng tàu bè, phương tiện của Việt Nam tuy tăng lên trong những năm qua nhưng rõ ràng chưa đáp ứng được nhu cầu quản trị biển một cách hiệu quả, chẳng hạn như trong bảo vệ môi trường.
Về không gian mạng, hai mươi năm trước, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác, chỉ mới bước vào không gian mới mẻ này. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Theo đánh giá của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Việt Nam hiện nằm trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng về điện thoại di động và in-tơ-nét nhanh nhất thế giới (trung bình cứ 100 người thì có đến 143 đầu điện thoại di động(27); khoảng 62 triệu người sử dụng mạng xã hội(28)). Những cơ sở này cho phép Việt Nam có thể theo đuổi một chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ trên cơ sở Liên minh chuyển đổi số và các văn bản chiến lược khác. Chỉ tính riêng một lĩnh vực, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) dự báo đến năm 2022, kinh tế số sẽ chiếm 60% GDP của thế giới, vì vậy, chuyển đổi số là phù hợp với xu thế phát triển. Đại dịch COVID-19 cũng cho thấy các công cụ số đã hỗ trợ các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ứng phó hiệu quả hơn những tình huống khủng hoảng với chi phí thấp hơn các cách thức truyền thống.
Tuy nhiên theo Microsoft Asia, Việt Nam cũng thuộc nhóm nước dễ bị tổn thương nhất từ các mối đe dọa và trên thực tế đã chịu nhiều cuộc tấn công mạng(29). Hạ tầng thông tin và công nghệ của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa bảo đảm phục vụ nền kinh tế số, chưa bảo đảm mức độ an toàn... Trên bình diện thế giới, các quốc gia đều đối mặt với một thách thức chung, đó là an ninh mạng; chưa kể việc thiếu vắng các cơ chế quản trị toàn cầu và các quy tắc, quy chuẩn ứng xử được chấp nhận rộng rãi trong không gian số. Để ứng phó với vấn đề này, Việt Nam đã thành lập Bộ Tác chiến không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao, ban hành Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong không gian mạng và Chiến lược An ninh mạng quốc gia. Dĩ nhiên, do đặc tính xuyên biên giới, một chiến lược hiệu quả trong không gian mạng đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, điều mà hiện nay các nước chưa có lời giải thỏa đáng.
Về không gian hội nhập, liên kết, đây là không gian địa - chiến lược mới từ góc độ chủ quan. Với mục tiêu mở rộng “biên giới mềm” và “không gian hội nhập”, Việt Nam đã nỗ lực để khai phá, trở thành một “người chơi” có trọng lượng trên “bàn cờ” quốc tế. Nếu nhìn vào độ mở của nền kinh tế, Việt Nam đang nằm trong tốp đầu ở khu vực(30). Với giá trị thương mại lớn hơn GDP khoảng 1,7 lần, Việt Nam đang có quan hệ thương mại với hơn 230 thị trường thế giới, trong đó có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế. Nếu như năm 1996, sau khi trở thành thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Việt Nam mới chỉ tham gia FTA đầu tiên là Hiệp định Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA), thì sau 25 năm, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được thực thi, 1FTA đã được phê chuẩn. Ở khu vực, Việt Nam cùng với Xin-ga-po là hai nước đi đầu trong việc tham gia các FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao hơn hẳn các FTA truyền thống(31). Cùng với các đối tác, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu tiền khả thi 10 FTA khác.
Mặt thách thức trong vấn đề này là Việt Nam cần nâng cao nhận thức về các cam kết chất lượng cao. Một nghiên cứu cho thấy, “đối với FTA Việt Nam - Hàn Quốc, có 33% doanh nghiệp chưa biết và tới 51% chưa hiểu rõ về nội dung của Hiệp định. Tỷ lệ này với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tương ứng là 12% và 40%; với FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là 17% và 56%...”(32). Bên cạnh đó, mặc dù dựa trên nguyên tắc bình đẳng cùng có lợi, nhưng phải đến năm 2016, Việt Nam mới đạt con số xuất siêu đáng kể (hơn 2,5 tỷ USD)(33). Kim ngạch xuất, nhập khẩu còn phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi năng lực hấp thụ đầu tư cũng cần được cải thiện. Do đó, tuy có các FTA thế hệ mới, nhưng để phát huy được lợi thế đòi hỏi Việt Nam phải có sự chuẩn bị đồng bộ ở tất cả các phương diện, như thể chế, luật pháp, chính sách, nguồn nhân lực,... càng sớm càng tốt(34).
Sự kết nối, qua đó giúp mở rộng không gian địa - chiến lược Việt Nam, còn thể hiện qua sự giao lưu nhân dân với các nước. Đặc biệt, Việt Nam có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với vai trò ngày càng tăng và địa vị ngày càng ổn định, là cầu nối và là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam(35). Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của khối cộng đồng này chưa thực sự hiệu quả(36). Chẳng hạn, thực tế từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra nhu cầu cần có cách tiếp cận mới đối với đội ngũ 500.000 kiều bào có trình độ đại học trở lên, là kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh tế, tài chính nhằm tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực này phục vụ cho phát triển đất nước.
Tóm lại, trên cả bình diện khách quan và chủ quan, Việt Nam đã và đang có nhiều cơ hội, song cũng đối mặt với không ít thách thức để có thể triển khai một tư duy “địa - chiến lược” mới thông qua việc khai phá hiệu quả hơn “không gian chiến lược” đang ngày càng mở rộng với nhiều mối liên hệ đa lĩnh vực, đa tầng nấc. Nhiều khía cạnh đã được phát huy hiệu quả, xứng tầm với vị thế một “nước tầm trung mới nổi”(37) nhưng trên nhiều khía cạnh, dư địa vẫn còn lớn. Năng lực chuyển hóa lợi thế, nguồn lực cần tiếp tục được cải thiện vì những mục tiêu lớn hơn. Trong bối cảnh sự quan tâm của thế giới đang ngày càng chuyển dịch về khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong những thập niên tới, vai trò “địa - chiến lược” của Việt Nam theo đó cũng sẽ tăng lên. Nhưng quan trọng không kém, trên cơ sở tiếp cận “tích cực”, “chủ động”, trước hết là trong ASEAN hay trong các môi trường số, Việt Nam đang có cơ hội để mở rộng, làm sâu hơn nữa không gian chiến lược quốc gia, tranh thủ cơ hội và hóa giải thách thức mới để có thể tạo sự chuyển biến, đưa dân tộc bước sang những trang sử mới. Điều này nên được nhận thức đầy đủ trong quá trình xây dựng, triển khai chiến lược quốc gia tổng thể trong thập niên tới./.
----------------------------
(1) Khái niệm “khu vực địa lý” trên thực tế tùy thuộc vào cả quyết sách chính trị, ví dụ trước đây nếu không gặp sự cố Xri Lan-ca đã trở thành một thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhiều tổ chức chuyên ngành cũng có định nghĩa khác nhau về khu vực châu Á - Thái Bình Dương
(2) Xem thêm: Fredrick Schuman: “Let us learn our geopolitics”, Current History, Vol. 2, 1942, tr. 161 - 165
(3) Xem: Robert Kaplan: The revenge of geography - What the map tells us about coming conflicts and the battle against fate, Random House, New York, 2012
(4) Xem: Trần Khánh: “Bàn về phạm trù và định nghĩa về địa chiến lược”, Nghiên cứu quốc tế, số 4 (119), tháng 12-2019, tr. 199 – 225
(5) Andrew Gyorgi: “The Geopolitics of War: Total War and Geostrategy”, The Journal of Politics, 5, No. 4 (Nov, 1943): tr. 367
(6) Joo-Jock Lim: Geo-strategy and the South China Sea basin: Regional balanace, maritime issue and future patterns, Singapore University Press, Singapore, 1979
(7) Jakub J. Grygiel: Great Powers and Geopolitical Change, The Johns Hopkins University Press, Baltimore,
2006
(8) Zbigniew Brzezinski: Game plan: How to conduct the US-Soviet contest, Atlantic Monthly Press, 1986
(9) Xem: Colin S.Gray &Geoffrey Sloan: Geopolitics, Geography and Strategy, London and Portland, Oregon: Frank Cass, November 30, 1999, tr. 3
(10) Về lâu dài, phần tự nhiên đương nhiên cũng sẽ thay đổi, do biến đổi khí hậu và những chuyển động khác, như địa chất, khí quyển
(11) Tư duy chiến lược là quá trình quan sát, lý giải và nắm bắt được các xu thế chủ đạo, thể hiện tầm nhìn, để thấy được những khía cạnh cơ bản của không gian chiến lược trong đó sẽ tiến hành các bước đi và huy động lực lượng nhằm đạt những mục tiêu chủ chốt, lâu dài. Xem: Lê Đình Tĩnh: “Bàn về tư duy chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và trường hợp Việt Nam”, Nghiên cứu quốc tế, số 4 (111), tháng 12-2017
(12) World Economic Forum: The ASEAN Economic Community: What you need to know, ngày 31-5-2016, https://www.weforum.org/agenda/2016/05/asean-economic-community-what-you-need-to-know/truy cập ngày 1-11-2019
(13) Xem: Nicholas J. Spykman: “Geography and Foreign Policy I”, The American Political Science Review, Los Angeles, 1938
(14) Robert Kaplan: The Revenge of Geography - What the Map tells us about coming conflicts and the battle against Fate, Random House, New York, 2012, tr. 110
(15) Sỡ dĩ gọi là “làm sống lại” vì khái niệm này đã được đưa ra từ trước. Thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” đã xuất hiện từ lâu trong giới khoa học, nhất là giới nghiên cứu sinh thái biển
(16) Lê Đình Tĩnh: “Mục tiêu cường quốc tầm trung và viễn cảnh ngoại giao Việt Nam sau 2030”, Nghiên cứu Quốc tế, số 2 (113), tháng 6-2018, tr. 35
(17) Hà Thu Hương: Văn hóa tộc người Việt Nam trong cộng đồng văn hóa dân tộc trên bình diện địa lý, lịch sử tộc người, 2006. Xem: http://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/22237/1/KY_02250.pdf, truy cập ngày 6-4-2019, tr. 231
(18) Xem: Lê Đình Tĩnh, Đặng Cẩm Tú, Nguyễn Vũ Tùng: “Khái luận về chiến lược đối ngoại”, Nghiên cứu quốc tế, số 3 (118), tháng 9-2019, tr. 119 - 125
(19) Thực tế khoảng thời gian này ngày càng được rút ngắn. Trước đây, các dự báo và hoạch định chiến lược thường trong khoảng 15 - 20 năm, thậm chí xa hơn; nhưng do thế giới ngày nay biến chuyển nhanh, khó lường, các dự báo và hoạch định chiến lược có xu hướng được rút ngắn lại để bảo đảm tính chính xác
(20) Xem: Lê Đình Tĩnh: “Bàn về tư duy chiến lược: Lý thuyết, thực tiễn và trường hợp Việt Nam”, Nghiên cứu quốc tế, số 4 (111), tháng 12-2017
(21) Theo Tổng cục Thống kê năm 2012
(22) Xem: Thanh Bùi: “Tài nguyên biển đảo Việt Nam: Tiềm năng và lợi thế”, Tạp chí Thông tin đối ngoại, tháng 11-2019, http://tapchithongtindoingoai.vn/bien-dao-viet-nam/tai-nguyen-bien-dao-viet-nam-tiem-nang-va-loi-the-29242, truy cập ngày 26-4-2019
(23) Xem: Phạm Xuân Hoàng: “Văn hóa biển Việt Nam”, Văn hiến, tháng 8-2015, https://vanhien.vn/news/Van-hoa-bien-Viet-Nam-22887,truy cập ngày 15-4-2020
(24) Đơn cử: liên tục, nhất quán khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam; Bộ Chính trị ra Nghị quyết về kinh tế biển (năm 1992); ký Thỏa thuận về Dự án hợp tác khu vực thềm lục địa chồng lấn với Ma-lai-xi-a (năm 1992); ký Hiệp định phân định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với Thái Lan (năm 1997); ký Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc; Quốc hội thông qua Luật Biên giới quốc gia (năm 2003); ký Hiệp định phân định thềm lục địa với In-đô-nê-xi-a (năm 2003); Hội nghị Trung ương 4 khóa X thông qua Chiến lược biển đến năm 2020 (năm 2007); Phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc (Mỹ) đã phối hợp với Phái đoàn thường trực của Ma-lai-xi-a nộp Báo cáo chung ranh giới ngoài thềm lục địa vượt quá 200 hải lý Việt Nam - Ma-lai-xi-a; ký với Trung Quốc Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển, trong đó xác định giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế (UNCLOS) năm 1982 (năm 2011); Quốc hội thông qua Luật biển Việt Nam (năm 2012), Việt Nam đã xử lý khéo léo và kiên quyết trước việc Trung Quốc kéo dàn khoan HYSY 981, Hải Dương 9 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam (năm 2014, 2019)...
(25) Việc có cách tiếp cận, chính sách nhất quán không phải dễ dàng và không phải quốc gia nào cũng thực hiện được điều này. Ví dụ, Trung Quốc có tiếng là người chơi “ván bài thế kỷ”, trong khi một số quốc gia khác lại bị ảnh hưởng bởi tư duy nhiệm kỳ
(26) Nguyễn Chu Hồi: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm chủ quyền vùng biển quốc gia”, Báo Biên phòng, số 51, tháng 3-2011
(27) UNICEF: “Empowering Vietnam’s young digital citizens”, https://www.unicef.org/vietnam reallives_20012.html,
truy cập ngày 1-11-2019
(28) “Tình hình sử dụng in-tơ-nét tại Việt Nam 2019”, https://vnetwork.vn/news/cac-so-lieu-thong-ke-internet-viet-nam-2019, truy cập ngày 22-3-2020
(29) “Viet Nam among the most vulnerable to cyber threats”, Viet Nam News, ngày 10-2-2017
(30) “Độ mở của nền kinh tế và vấn đề đặt ra”, Báo Chính phủ Điện tử, ngày 13-5-2014, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Do-mo-cua-nen-kinh-te-va-van-de-dat-ra/199039.vgp, truy cập ngày 1-11-2019
(31) Lê Đình Tĩnh, Hàn Lam Giang: “Hiệp định EVFTA từ góc nhìn chiến lược”, Tạp chí Cộng sản Điện tử, ngày 13-3-2020, http://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/hiep-dinh-evfta-tu-goc-nhin-chien-luoc
(32) Nguyễn Ngọc Hà: “Tham gia FTA thế hệ mới: Lợi thế, thách thức và vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/tham-gia-fta-the-he-moi-loi-the-thach-thuc-va-van-de-dat-ra-cho-viet-nam-309173.html, truy cập ngày 22-3-2020
(33) “Năm 2016, cán cân thương mại có thặng dư, 2,52 tỷ USD”, VietStock, ngày 19-1-2017
(34) Ví dụ như phải xử lý vấn đề dịch chuyển lao động hay cải thiện hệ thống tư pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn cao của các hiệp định
(35), (36) Xem: “Luôn đồng hành với kiều bào ở khắp nơi trên thế giới”, http://dangcongsan.vn/doi-ngoai/luon-dong-hanh-voi-kieu-bao-o-khap-noi-tren-the-gioi-543196.html, truy cập ngày 22-3-2020
(37) Xếp hạng của Viện Lowy (Ô-xtrây-li-a) với Việt Nam trong Asia Power Index 201
Phát triển kinh tế số tại Thái Lan và những gợi ý cho Việt Nam  (09/09/2020)
Phát triển công nghiệp môi trường ở Việt Nam trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư  (02/09/2020)
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh tiếp Tập đoàn FPT  (01/09/2020)
Agribank góp phần vì một Việt Nam mạnh về biển  (11/08/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển