Phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch ở Hà Nội
TCCS - Nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập của người dân ở vùng nông thôn, thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch được thành phố Hà Nội coi là một trong những hướng đi mới và bước đầu đã đem lại nhiều kết quả tích cực.
Thủ đô - mảnh đất giàu tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch
Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nhiều sản vật địa phương và các làng nông nghiệp lâu đời. Trên địa bàn thành phố, Huyện Mê Linh vốn nổi tiếng với những cánh đồng hoa trải dài, đủ sắc màu. Các huyện ngoại thành như Gia Lâm, Đông Anh, Phúc Thọ, Ba Vì… lại được biết đến với những cánh đồng trù phú, nhiều loại sản vật địa phương. Thành phố là nơi lưu giữ được nhiều vẻ đẹp của làng quê đồng bằng Bắc bộ xưa, với những ngôi làng, đình, chùa cổ kính. Trải qua thời gian, những di tích và công trình xưa cũ ấy vẫn giữ được nét đẹp với những bản sắc riêng.
Thành phố từng được mệnh danh là “Đất trăm nghề” với rất nhiều làng nghề truyền thống, đã có những đóng góp không nhỏ trong nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Số lượng, cơ cấu nhóm ngành nghề gồm 4 nhóm: chế biến, bảo quản nông sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh. Các sản phẩm của làng nghề trên địa bàn thành phố đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có khả năng cạnh tranh ở thị trường trong nước và nước ngoài. Trong công tác xây dựng sản phẩm du lịch và chất lượng sản phẩm du lịch ở khu vực nông thôn, việc phát triển sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống được thành phố xác định là một trong thế mạnh. Theo đó, cùng với phát triển các sản phẩm nông nghiệp, nhiều làng nghề thủ công cũng được thành phố chú trọng bảo tồn, phát triển để gắn với phát triển du lịch. Thành phố có 17 làng nghề truyền thống được công nhận nằm trong Dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch. Trong số 15 điểm, khu du lịch cấp thành phố, có 4 điểm du lịch làng nghề, như làng gốm Bát Tràng, làng sinh vật cảnh Hồng Vân, khảm trai Chuyên Mỹ, may Vân Từ. Du khách đến với các làng nghề sẽ được tham quan và trực tiếp làm thử một vài công đoạn sản xuất sản phẩm của các làng nghề.
Nhiều mô hình phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch có thể kể đến trên địa bàn thành phố, như ở huyện Ba Vì có trang trại đồng quê Ba Vì đã liên kết các chủ trang trại, các làng nghề truyền thống của địa phương để tổ chức cho các du khách tham quan và tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp (cấy lúa, úp nơm, bắt cá; trồng và hái các loại rau rừng; xem cách làm mật ong; tự hái và sao chè khô; cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn...). Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Ba Trại nằm trong vựa chè lớn nhất của huyện Ba Vì đã triển khai phát triển du lịch cộng đồng, cụ thể là tổ chức tham quan, trải nghiệm các công đoạn từ trồng, chăm bón, thu hái, chế biến đến pha trà.
Ở huyện Thường Tín, Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân đã tổ chức kết hợp sản xuất hoa, cây cảnh, rau củ quả, chăn nuôi và tham quan quy trình sản xuất trà chùm ngây. Trên địa bàn huyện Phúc Thọ, các chủ trang trại trồng bưởi, chuối và sản xuất rau sạch đã liên kết, mở cửa cho tham quan vườn hoa, quả hay trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa, tham gia làm vườn, cấy lúa, hái rau…
Có thể nói, với nhiều thế mạnh cho phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch, hướng đi này hiện đang có sự phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề chủ yếu khai thác mô hình trang trại đồng quê phục vụ du lịch học đường, du lịch cuối tuần. Việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm ở các khu trang trại, du lịch sinh thái... gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa của từng địa phương đã từng bước giúp kéo dài chuỗi giá trị gia tăng, tạo thêm việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho người dân vùng nông thôn. Nhiều mô hình sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục trên địa bàn thành phố, như Khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn); Rose Park Đầm Trành, Nắng sông Hồng (quận Long Biên); Khu du lịch Khoang Xanh - Suối Tiên, Ao Vua, hồ Tiên Sa (huyện Ba Vì); Khu du lịch hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức),… Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), cách trung tâm thành phố khoảng 20km, trước kia chuyên trồng hoa, cây cảnh, nay nhờ kịp thời nắm bắt xu hướng của thị trường, các hộ dân ở làng Hồng Vân đã chuyển đổi từ việc trồng các loại cây cảnh có giá trị lớn, như sanh, si, tùng, mai... sang các loại cây phổ biến, cho hiệu quả kinh tế cao, như hoa hồng, giấy, lộc vừng hay các loài thảo dược và cây ăn quả. Chính quyền địa phương còn vận động người dân trồng hoa hai bên đường làng, ngõ xóm nhằm tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, phát triển các trang trại phục vụ du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, thu hút khoảng 70 nghìn lượt khách tham quan trong và ngoài nước (theo số liệu năm 2019). Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn) rộng 120.000m2 với những ngôi nhà truyền thống và không gian được thiết kế gợi nhớ đến làng quê Bắc Bộ xưa, đến đây, du khách được tham gia nhiều trò chơi dân gian như úp nơm bắt cá, bịt mắt đập niêu, chèo thuyền thúng và trải nghiệm việc cuốc đất trồng rau, cấy lúa, thu hoạch cà chua... Đây chỉ là hai mô hình tiêu biểu; ngoài ra còn có nhiều mô hình tương tự khác tại các huyện Ba Vì, Đông Anh, Ứng Hòa, Thạch Thất...
Một số giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch ở thành phố Hà Nội
Có thể nói, các mô hình nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đã góp phần tích cực trong giải quyết vấn đề việc làm, gia tăng thu nhập cho bà con nông dân và góp phần gìn giữ nghề truyền thống, duy trì các sản vật địa phương. Bên cạnh lợi ích về kinh tế - xã hội, du lịch nông nghiệp còn góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo… Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà quản lý, các hoạt động du lịch nông nghiệp vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lắp; sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa có thương hiệu, chưa thật sự đa dạng và hấp dẫn… Sự hợp tác giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Phần lớn người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp nên không có đủ các kỹ năng để phục vụ khách du lịch một cách chuyên nghiệp.
Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch, cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố cần chú trọng hơn đến việc rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng các sản phẩm điểm đến của du lịch liên kết gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp. Cần có những tiêu chuẩn cụ thể về các dịch vụ phục vụ trong mô hình du lịch nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách; xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp với các tour du lịch nông nghiệp làm mẫu để nhân rộng; khuyến khích, hướng dẫn người dân tại các vùng nông thôn tham gia phát triển nông nghiệp sạch gắn với du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng tính liên kết giữa ba bên: nhà quản lý, người nông dân và doanh nghiệp du lịch. Chú trọng đến công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của du lịch gắn với phát triển sản xuất nông nghiệp, làng nghề. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp xây dựng các trang trại, các cơ sở du lịch sinh thái gắn với môi trường và sản xuất nông nghiệp. Triển khai thí điểm có hiệu quả việc xây dựng nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch của thành phố; xây dựng các sản phẩm hàng lưu niệm mang đặc trưng của từng làng nghề và điểm du lịch để tạo sức hấp dẫn của điểm đến… Các doanh nghiệp du lịch cũng cần phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả hơn với các địa phương để nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo các sản phẩm du lịch chất lượng…
Thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát triển nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và bảo tồn, phát triển các làng nghề; nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng của các làng nghề theo hướng phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch, như xây dựng các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh, khu sản xuất tập trung… Đầu tư công nghệ mới, thân thiện với môi trường, di dời các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, bố trí mặt bằng để xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề bằng cách đa dạng hóa mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ thuật, tổ chức sản xuất, quản lý doanh nghiệp cho chủ doanh nghiệp, chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề. Có cơ chế phù hợp để các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại làng nghề tiếp cận được với nguồn vốn tín dụng, vốn vay từ các ngân hàng với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn, thông thoáng./.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp ở thành phố Hà Nội (26/11/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm