TCCS - Công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua 60 năm xây dựng và phát triển, Công an thành phố Hà Nội ngày càng triển khai có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Những điểm sáng trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn

Để bảo vệ thành quả của cách mạng, chăm lo cho cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, do các cơ quan bảo vệ pháp luật và lực lượng chuyên trách làm nòng cốt. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành một số các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, kế hoạch,.. về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, như Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25-6-2015, của Ban Bí thư, về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”; Nghị quyết số 99/2019/QH14, ngày 27-11-2019, của Quốc hội khóa XIV, “Về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy”; Quyết định số 630/QĐ-TTg, ngày 11-5-2020, của Thủ tướng Chính phủ, về “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy”; Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục thực hiện chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy”

Quán triệt và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về công tác này, như Thông tư số 18/2020/TT-BCA, ngày 20-2-2020, của Bộ Công an, “Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng Công an nhân dân”; Thông tư số 147/2020/TT-BCA, ngày 31-12-2020, của Bộ Công an, “Quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường”; Thông tư số 150/2020/TT-BCA, ngày 31-12-2020, của Bộ Công an, “Quy định về trang bị phương tiện phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng dân phòng, lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên ngành”; Thông tư số 82/2021/TT-BCA, ngày 6-8-2021, của Bộ Công an, “Quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, tập huấn, kiểm tra nghiệp vụ thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”;… Trước sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương, trong những năm qua, Công an thành phố Hà Nội nói chung và lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thành phố đã đạt được một số kết quả tốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2019 - 2021, Công an thành phố đã triển khai Kế hoạch thực hiện đợt cao điểm về tuyên tuyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố. Qua đó 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất - kinh doanh trên địa bàn thành phố được rà soát, lập danh sách thống kê số liệu, tình hình chấp hành quy định về phòng cháy, chữa cháy. Thành phố chủ động xây dựng các nội dung tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sâu, rộng tới các tầng lớp nhân dân theo từng chuyên đề, như mùa mưa bão, mùa nắng nóng, mùa hanh khô; tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; tháng cao điểm bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy; dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội trong năm; hưởng ứng Ngày toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4-10), để phát thanh tuyên truyền tại 55 điểm nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố 2 buổi/ngày (cuối giờ sáng và cuối giờ chiều). 

Cùng với đó, Công an thành phố Hà Nội đã mở 42 lớp tập huấn chuyên sâu nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lãnh đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân và công an cấp huyện, cấp xã, trưởng thôn, ấp, bản, tổ dân phố, chủ hộ kinh doanh nhỏ lẻ… Điển hình như Công an quận Hai Bà Trưng, chỉ trong quý I năm 2021 đã tổ chức 7 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho 74 cơ sở, cấp 900 chứng chỉ huấn luyện; tổ chức 1 lớp huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho 249 đội dân phòng, cấp 1150 giấy chứng nhận huấn luyện; tổ chức 25 lớp tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các địa bàn khu dân cư và cho lực lượng dân phòng trên địa bàn với 1.248 người tham gia… Qua các buổi tuyên truyền bước đầu đã nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân, nhiều hộ dân sau khi tham gia đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay tại nhà. Thành phố cũng chủ động cung cấp 1.357 tin, bài tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho các cơ quan báo chí; in ấn, phát hành gần 1,8 triệu tờ rơi, tài liệu khuyến cáo về phòng cháy, chữa cháy tới các cơ sở trọng điểm về cháy, nổ, các khu dân cư, hộ gia đình; tổ chức 3.205 buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về nội dung này tại các khu dân cư với 334.096 lượt người tham dự…

Đặc biệt lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thành phố đã phối hợp với sác sở, ban, ngành triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đến từng công chức, viên chức và lao động. Công an thành phố tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến về phòng cháy, chữa cháy. Các mô hình liên kết hoạt động ngày càng có hiệu quả, đã chủ động phòng ngừa các sự cố cháy, nổ xảy ra. Trong 2 năm qua, đã có 616 đơn vị, cơ sở được công nhận đơn vị điển hình tiên tiến về phòng cháy, chữa cháy. Đến nay, các cơ sở, đơn vị này đã có nhiều hoạt động nổi bật và tích cực để phấn đấu đạt được các tiêu chí về đơn vị điển hình tiên tiến trong công tác phòng cháy, chữa cháy.

Để đạt được những thành tích như trên, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thủ đô luôn được chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện, nhằm xây dựng hình ảnh “Người chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Thủ đô cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp, nắm vững pháp luật, tinh thông nghiệp vụ”. Theo đó, Công an thành phố Hà Nội thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đội ngũ lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, yêu ngành, yêu nghề. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác quản lý cán bộ, chủ động kịp thời phòng ngừa sai phạm và các dấu hiệu tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo quy định. Đồng thời, thường xuyên biểu dương, khen thưởng kịp thời các tấm gương dũng cảm, có thành tích tốt trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong thời gian tới

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Theo đó, cấp ủy, thủ trưởng công an các đơn vị tiếp tục chủ động tổ chức phổ biến, quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch nhằm thực hiện hiệu quả Kết luận số 02 - KL/TW và Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn đơn vị quản lý; xác định công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động các biện pháp phòng ngừa và chuẩn bị lực lượng, phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, xây dựng phương án xử lý các tình huống khi xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn phải bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, chiến sĩ công an gương mẫu, thực hiện và tích cực vận động gia đình và người thân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đưa việc chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là một tiêu chí đánh giá chất lượng của chi bộ, đơn vị, đoàn thể; tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm đối với cơ quan, đơn vị, đoàn thể và của hội viên, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ công an.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; tập trung xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.

Xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ” phải gắn kết chặt chẽ với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở. Phát động sâu rộng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo từng lĩnh vực, từng ngành kinh tế và các đặc thù hoạt động của cơ sở. Nhân rộng các mô hình điểm, điển hình tiên phong trào “Toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ chủ chốt trong Công an thành phố Hà Nội để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Thường xuyên đổi mới sâu sắc về nội dung, hình thức, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, hậu quả nghiêm trọng của cháy, nổ, sự cố, tai nạn, từ đó, tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền trực quan, diễn tập, thực hành các tình huống về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Phát huy hình thức tuyên truyền hiệu quả trên báo hình, báo điện tử, tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên mạng xã hội, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, phường, thị trấn, hệ thống loa, màn hình của các tòa nhà chung cư, nhà cao tầng... Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kịp thời phát hiện, cảnh báo nguy cơ, loại bỏ những yếu tố, điều kiện phát sinh cháy, nổ, nhất là tại các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ, các khu chợ dân sinh.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác quốc tế, nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố.

Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung và Công an thành phố Hà Nội nói riêng cần nghiên cứu, phát triển ứng dụng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố trực tuyến phục vụ công tác quản lý, thông tin, chỉ huy, điều hành chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng, kiến thức, nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tham mưu cấp có thẩm quyền xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực từ bảo hiểm cháy, nổ để đầu tư, xây dụng và phát triển đồng bộ cơ cấu hạ tầng, kỹ thuật, phương tiện, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, huy động nguồn lực quốc tế trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ./.