Hà Nội tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển
TCCS - Hà Nội đã và đang nỗ lực đẩy mạnh việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi truờng đầu tư,... tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Một số kết quả đáng ghi nhận
Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) luôn được coi là bộ phận công nghiệp quan trọng, đóng vai trò to lớn trong thay đổi cơ cấu ngành công nghiệp. Những năm qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để thúc đẩy lĩnh vực này. Cụ thể, ngày 27-9-2017, thành phố đã ban hành Quyết định số 6743/QĐ-UBND “Phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025". Tiếp theo, ngày 9- 4-2019, Uỷ ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND, về “Thực hiện chuơng trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2020”. Theo đó, đến hết năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 18% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp của lĩnh vực CNHT hằng năm tăng hơn 12%, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng truởng giá trị tăng thêm bình quân ngành công nghiệp 2 năm (2019 - 2020) đạt 9,78% -10,79%/năm để đạt mục tiêu cả giai đoạn 2016 - 2020 tăng 8,6-9%.
Theo kế hoạch này, thành phố sẽ điều tra, khảo sát khoảng 1.000 doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp trọng điểm nhu chế biến - chế tạo, điện - điện tử, công nghiệp vật liệu, dệt may, bao bì. Thu thập thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về CNHT; xây dựng trang thông tin về CNHT của Hà Nội...
Ngày 17-5-2021, Sở Công Thương Hà Nội ban hành Kế hoạch số 2143 về việc “Thực hiện chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021”. Kế hoạch này nhằm thực hiện có hiệu quả và hoàn thành 100% các chỉ tiêu, nhiệm vụ, nội dung hoạt động phát triển CNHT đề ra trong Kế hoạch số 49/KH-UBND, ngày 1-3-2021, của UBND thành phố Hà Nội về “Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội năm 2021”, góp phần nâng cao hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp CNHT tại Hà Nội, nhằm khuyến khích phát triển CNHT, đẩy mạnh sản xuất, thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp CNHT Hà Nội tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Kế hoạch số 49 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã đặt ra mục tiêu: Khuyến khích phát triển CNHT và nâng cao năng lực các doanh nghiệp CNHT của Hà Nội. Tập trung phát triển các lĩnh vực CNHT dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, phù hợp với yêu cầu, định hướng phát triển công nghiệp của Hà Nội và cả nước, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, CNHT phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và CNHT cho ngành dệt may - da giày. Đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực CNHT nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
Trong năm 2021, Hà Nội có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực CNHT. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hằng năm tăng trên 11%.
Để ngành CNHT Hà Nội đủ sức tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, thời gian qua, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp theo hướng sát thực tế hơn, đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... Cụ thể, Uỷ ban nhân dân thành phố đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương báo cáo trình Chính phủ cho bổ sung sửa đổi Nghị định 111/2015 theo hướng mở rộng hơn danh mục sản phẩm CNHT và các dự án sản xuất CNHT được hưởng ưu đãi phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; xem xét, bổ sung sửa đổi Thông tư 55 theo hướng đơn giản hơn về thủ tục hồ sơ để các doanh nghiệp CNHT thuận lợi hơn trong việc tiếp cận chính sách ưu đãi khuyến khích của Chính phủ. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với thành phố trong việc tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi, triển khai chương trình CNHT quốc gia để bảo đảm sự kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách CNHT Trung ương và địa phương.
Những nút thắt cần tháo gỡ
Tuy nhiên, ngành CNHT của thành phố chưa phát triển tương xứng. Nguyên nhân là do chính sách hiện hành cho phát triển CNHT mới chỉ tập trung hỗ trợ tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn... Những quy định tạo sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước còn thiếu. Chính sách, mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh chưa rõ ràng, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài ra, dù chính sách về đất đai đã cởi mở, thông thoáng hơn, nhưng thủ tục hành chính còn phức tạp. Vì vậy, trong trước mắt và dài hạn, thành phố Hà Nội cần thực hiện các giải pháp:
Một là, tổ chức thực hiện thủ tục xác nhận ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Sở Công thương thành phố Hà Nội là cơ quan chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện quy trình thẩm định, cấp giấy xác nhận ưu đãi cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT tại Hà Nội theo quy định tại Thông tư số 55/2015/TT-BCT, của Bộ Công thương quy định trình tự, thủ tục xác nhận ưu đãi đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển.
Hai là, các cơ quan chức năng thành phố đẩy mạnh hoạt động thông tin, hướng dẫn, rà soát rút gọn các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp cận các chính sách ưu đãi dành cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng thì các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm CNHT thuộc danh mục ưu tiên sẽ được ưu đãi theo Thông tư số 21/2016/TT-BTC, của Bộ Tài chính hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh. Về lĩnh vực tín dụng sẽ được ưu đãi theo Thông tư số 01/2016/NHNN, của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chính sách cho vay phát triển CNHT; về thuế nhập khẩu, tiền thuê đất, hỗ trợ đầu tư hạng mục xử lý ô nhiễm môi trường, bảo vệ môi trường của dự án theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, của Chỉnh phủ và các văn bản liên quan.
Phối hợp với Bộ Công thương trong công tác thông tin và triển khai các hoạt động hỗ trợ, trợ giúp doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định số 68/QĐ – TTg, ngày 18-01-2017, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2016 - 2025.
Ba là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất CNHT; phát triển khu, cụm công nghiệp và các quy hoạch ngành, lĩnh vực liên quan của thành phố để định hướng, tạo cơ chế, hành lang pháp lý thông thoáng tăng cường thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các ngành CNHT có lợi thế trong sản xuất và xuất khẩu của Hà Nội, như: sản phẩm công nghệ cao; linh kiện và thiết bị ngoại vi; thiết bị điện - điện tử,… Ưu tiên bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư phát triển các cụm CNHT chuyên ngành cơ khí tại Đông Anh, Thạch Thất, Thanh Oai. Đẩy nhanh tiến độ đồng bộ kết cấu hạ tầng cho các cụm công nghiệp gắn với làng nghề, CNHT cơ khí Phùng Xá - Thạch Thất, Thanh Thúy - Thanh Oai,…
Bốn là, rút ngắn thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp CNHT, doanh nghiệp công nghiệp hạ nguồn (cơ khí chế tạo, điện tử, công nghệ cao) vào các khu, cụm công nghiệp, có cơ chế đặc biệt khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có công nghệ hiện đại.
Đổi mới cơ chế, chính sách tín dụng theo hướng cải tiến thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay đối với doanh nghiệp CNHT nhỏ và vừa bảo đảm minh bạch, đơn giản. Mở rộng các hình thức vay trung và dài hạn với lãi suất hợp lý và thời gian hoàn trả phù hợp với từng dự án/sản phảm CNHT cụ thể. Tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế bảo lãnh tín dụng ưu tiên để các doanh nghiệp, nhà đầu tư, sản xuất CNHT có thể tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay dài hạn.
Năm là, nghiên cứu, xây dựng hình thành khu tập trung dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố, các vườn ươm doanh nghiệp CNHT và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố để thúc đẩy phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói chung và phát triển doanh nghiệp CNHT nói riêng.
Cần tăng cường hơn các hoạt động hỗ trợ tư vấn đầu tư gồm: cung cấp thông tin về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành; về danh mục các dự án vận động khuyến khích đầu tư của tỉnh. Tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính theo đề nghị của nhà đầu tư về các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế, lao động, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiến hành khảo sát thực địa, lựa chọn địa điểm, vị trí dự kiến thực hiện dự án đầu tư... nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất cho nhà đầu tư khi đầu tư vào Hà Nội.
Ngoài ra, hiện nay do có điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý nên có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn tìm hiểu đầu tư tại Hà Nội nhưng gặp phải vấn đề về thông tin để lựa chọn dự án. Vì vậy, thành phố cần tăng cường hoạt động của Trung tâm xúc tiến đầu tư một cách có hiệu quả. Cần công bố rộng rãi danh mục dự án và cơ chế ưu đãi đầu tư của ngành công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư. Cụ thể như: thành lập một bộ phận chuyên trách xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về thông tin các dự án mời gọi đầu tư để làm nổi bật các tiềm năng cũng như cơ hội khi tham gia dự án. Cần tạo điều kiện để cung cấp thông tin nhằm kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp địa phương để hoạt động thu hút đầu tư được hiệu quả.
Sáu là, tiếp tục quy hoạch các khu công nghiệp, cụm CNHT. Tạo điều kiện thuận lợi đối với việc thu hút các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực CNHT. Ngoài ra, thành phố cần tạo được một hành lang pháp lý thống nhất, bảo đảm việc quản lý có hiệu quả đối với mọi thành phần doanh nghiệp và thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhằm giảm chi phí, thời gian của doanh nghiệp FDI, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch để thu hút các nhà đầu tư.
Bảy là, cần có cơ chế ưu đãi đặc biệt (về vay vốn, hỗ trợ đầu tư, ưu đãi thuê đất) đối với đầu tư phát triển CNHT ứng dụng công nghệ cao. Vận dụng linh hoạt nhất các cơ chế, chính sách huy động vốn của mọi thành phần tham gia đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề phục vụ cho phát triển công nghiệp.
Tập trung nguồn vốn vào phát triển các ngành, các lĩnh vực ưu tiên; chuyển hình thức cho vay bằng thế chấp tài sản sang cho vay theo dự án. Chú trọng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đối với các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến, đặc biệt là các dự án công nghệ thông tin gắn với hoạt động nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ làm động lực tác động lan tỏa về kinh tế - xã hội và các dự án CNHT. Đầu tư công nghệ và trình độ lao động để các doanh nghiệp của thành phố nâng dần tỷ lệ nội địa hóa nhằm thoát khỏi tình trạng phụ trợ vệ tinh như hiện nay để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó giúp các doanh nghiệp CNHT Hà Nội có thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào doanh nghiệp FDI cũng như có thể độc lập hoạt động khi các doanh nghiệp FDI thay đổi địa điểm đầu tư./.
Tỉnh Quảng Ninh tập trung nguồn lực phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi  (27/11/2021)
Đợt 2, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Tập trung thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và phòng, chống dịch bệnh COVID -19  (09/11/2021)
Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước tích cực tham gia xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới  (23/10/2021)
Hà Nội: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển xanh  (18/10/2021)
Vấn đề di cư của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc  (13/10/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên