Cầu nối để bà con kiều bào sinh sống xa Tổ quốc thêm gắn bó với quê hương
Gắn kết kiều bào với quê hương
Năm nay, trên 1.000 kiều bào tiêu biểu từ khắp nơi trên thế giới về quê tham dự chương trình “Xuân quê hương”, đại diện cho khoảng hơn 4,5 triệu người Việt Nam và gốc Việt sinh sống ở các nước trên thế giới. Kiều bào không chỉ tham gia phát triển kinh tế-xã hội, còn hưởng ứng các cuộc vận động cứu trợ, giúp đỡ đồng bào trong nước chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, hỗ trợ các chương trình vì người nghèo.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng kiều bào thả cá chép tiễn ông Táo, sáng 26-01.
Trong các buổi tiếp, gặp mặt với kiều bào của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà con kiều bào đều bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài.
Bà con kiều bào cũng thể hiện niềm vui khi về đón xuân Kỷ Hợi, phấn khởi trước những đổi thay của quê hương; bày tỏ nguyện vọng được đóng góp công sức, trí tuệ vào công cuộc xây dựng đất nước.
Các đại biểu mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ bà con kiều bào giải quyết vấn đề địa vị pháp lý; quan tâm đến việc dạy học tiếng Việt; giữ gìn, phát huy bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào về đầu tư tại quê hương…
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, với vai trò là tổ chức đại diện cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam coi là một nhiệm vụ quan trọng, được triển khai sâu rộng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, các ý kiến phản ánh, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Mặt trận lắng nghe, tập hợp, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất giải quyết.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ các chính sách, giải pháp để đảm bảo cơ sở pháp lý cho người Việt Nam ở nước ngoài, vận động các nước; tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức để cùng hỗ trợ cho công tác dạy và học tiếng Việt, góp phần gìn giữ phát triển tiếng Việt nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung trong cộng đồng kiều bào; tăng cường công tác tiếp xúc, vận động chuyên gia, tri thức kiều bào thông qua các chương trình gặp mặt định kỳ...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục là địa chỉ tin cậy, là cầu nối cho bà con kiều bào sinh sống xa Tổ quốc thêm gắn bó với quê hương, và góp phần cùng nhân dân trong nước xây dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, giàu mạnh, tự do và hạnh phúc.
Tiềm năng và đóng góp to lớn của kiều bào với đất nước
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện nay có khoảng 4,5 triệu người đang sinh sống, học tập và làm việc tại hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 80% sinh sống ở các nước phát triển. Có khoảng 400.000 trí thức kiều bào là những nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, các công ty xuyên quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế. Nhiều người đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin-viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô...
Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ kiều bào ngày 26-01.
Không chỉ phát triển vững mạnh, có vị thế, vai trò và uy tín nhất định tại nước sở tại, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện đang có những đóng góp quan trọng vào xây dựng và phát triển tổ quốc. Hàng năm có khoảng trên dưới một triệu kiều bào về nước thăm thân, du lịch, góp phần tăng doanh thu cho ngành du lịch Việt Nam.
Lượng kiều hối do kiều bào gửi về nước không ngừng tăng qua các năm. Năm 2017 là 13,8 tỷ USD và theo dự báo, Việt Nam sẽ tiếp tục nằm trong top những nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới năm 2018 với khoảng 15,9 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước. Trong số đó, 60% kiều hối được sử dụng vào mục đích kinh doanh và sản xuất, thay vì tiêu dùng và gửi tiết kiệm như trước đây. Khoảng 3.000 dự án trên 45 tỉnh thành do kiều bào đầu tư có tổng vốn rất ấn tượng, lên tới 4 tỷ USD, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
Bên cạnh đó, hằng năm có khoảng 300-500 lượt chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục ở Việt Nam. Đặc biệt, trong ba năm gần đây, đánh dấu quá trình hợp tác sôi động với mật độ liên tục, diễn ra trên khắp các lĩnh vực giữa trí thức kiều bào với trong nước qua một số sự kiện tiêu biểu như: Diễn đàn Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016-2020; Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài; Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam… đóng góp thiết thực vào việc chia sẻ tri thức, kinh nghiệm cho hoạt động phát triển trong nước. Câu chuyện thành công của nhiều kiều bào là doanh nhân, nhà khoa học đã đem lại sự mới mẻ, đột phá cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Trong đó có thể kể đến tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ từ Canada về nước khởi nghiệp ở tuổi 60 trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hay giáo sư Trần Thanh Vân - kiều bào tại Pháp - với Quỹ học bổng Vallet dành cho sinh viên Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới đang tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đội ngũ người Việt ở nước ngoài cũng đề xuất nhiều ý tưởng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khởi nghiệp, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật cao, giáo dục, y tế, môi trường... thông qua các sự kiện do chính kiều bào tổ chức, đặc biệt Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) đã tổ chức một loạt hội thảo chuyên đề về kinh tế số hóa tại các thành phố lớn của Việt Nam. Qua đó lần đầu tiên, đội ngũ trí thức Việt Nam trên toàn cầu đã có sự kết hợp và bắt tay với các trí thức, doanh nghiệp trong nước, hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp và công nghệ mới.
Đảng, Nhà nước tạo mọi điều kiện để kiều bào ổn định cuộc sống, tham gia xây dựng quê hương
Trong những năm qua, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn là nhiệm vụ quan trọng, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Nhà nước thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước. Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kiến thức, kinh nghiệm phát triển đất nước, kết hợp được trí thức ngoài nước và trong nước để đẩy mạnh những hoạt động kết nối đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn gặp gỡ kiều bào. Ảnh báo Lao động.
Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là thu hút sự đóng góp của các bạn trẻ người Việt ở nước ngoài. Hiện nay, có khoảng 130.000 sinh viên Việt Nam đang sinh sống và học tập tại nước ngoài, là nguồn nhân lực quý báu trong tương lai. Vừa qua, Ủy ban đã tổ chức một số hoạt động gặp gỡ và kết nối xây dựng một mạng lưới kiều bào trẻ về nước lập nghiệp với hy vọng, đây sẽ là một lực lượng rất quan trọng cho sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Ngoài ra những kiến nghị, đề xuất của kiều bào vào các dự án tư nhân và chính phủ cũng được đánh giá cao, như Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang cân nhắc thực hiện nhiều đề xuất thiết thực, trong số hơn 50 ý tưởng của người Việt ở nước ngoài nhằm tiến đến xây dựng thành phố thông minh.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ủy ban, một số cộng đồng kiều bào đang gặp phải thách thức như địa vị pháp lý không rõ. Ngoài những lý do khách quan do chính sách di trú sở tại, còn những lý do chủ quan như người Việt đi du lịch, xuất khẩu lao động, du học đã bỏ trốn ở lại sau khi mãn hạn lưu trú.
Để khắc phục những vấn đề này, trong năm tới Ủy ban sẽ tiếp tục chú trọng hỗ trợ, vận động cộng đồng người Việt ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại, đoàn kết thống nhất và hướng về đất nước, đồng thời duy trì nhiều hoạt động mũi nhọn trong các lĩnh vực thúc đẩy đầu tư kinh doanh, giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào và thu hút nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ./.
Thủ tướng phát lệnh thông tuyến nối hai cao tốc quan trọng  (26/01/2019)
Bắc Ninh 3 ‘cao’, 2 ‘ít’ trong thu hút FDI  (26/01/2019)
Việt Nam 'đặc biệt coi trọng công tác đối ngoại nhân dân'  (26/01/2019)
Trao giải “Búa liềm vàng” lần thứ III năm 2018 cho 56 tác phẩm báo chí xuất sắc về xây dựng Đảng  (26/01/2019)
- Xây dựng tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Kinh tế Việt Nam năm 2024 và triển vọng năm 2025
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm