TCCSĐT - 10 năm đã trôi qua kể từ khi vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc chọn Thung lũng Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, Bình Định) để thực hiện giấc mơ táo bạo của mình, đến nay, nơi đây đã trở thành đô thị khoa học mà hạt nhân là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành - ICISE; địa chỉ khoa học danh giá của Việt Nam và châu Á.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành - ICISE do Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam sáng lập. Trung tâm hoạt động theo “tinh thần Moriond”, kế thừa các “Gặp gỡ Moriond” do chính giáo sư khởi xướng và điều hành từ năm 1966. Trung tâm ICISE là nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa thế hệ trẻ Việt Nam và các nước, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á.

25 năm Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam

Trên cơ sở thành công và kinh nghiệm được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao của các tổ chức khoa học “Gặp gỡ Moriond” (từ năm 1966) và Gặp gỡ Blois (từ năm 1989), năm 1993, Giáo sư Trần Thanh Vân, là Chủ tịch của hai tổ chức khoa học này đã sáng lập Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhằm mục đích hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực khoa học và giáo dục.

 
 Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành - ICISE.

25 năm qua, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã không ngừng xây dựng mạng lưới hợp tác, nghiên cứu khoa học, kết nối lớp trẻ yêu khoa học Việt Nam với bạn bè năm châu. Năm 2012, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành đối tác chính thức của UNESCO.

Hội đã tổ chức 14 lần các chuỗi hội nghị khoa học “Gặp gỡ Việt Nam”, thu hút hàng nghìn nhà khoa học danh tiếng, nhiều người đọat giải Nobel và các giải thưởng khoa học danh giá khác tham gia. Các khóa học quốc tế theo chuyên đề cũng được tổ chức để đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu khoa học cho sinh viên, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam và châu Á.

Về giáo dục, từ năm 1994, Hội đã thành lập quỹ học bổng cho nghiên cứu sinh và từ năm 2001, với quỹ “Vallet - Gặp gỡ Việt Nam” và quỹ “Vallet - Fellowship”, Hội đã trao hơn 25.000 học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam với tổng số tiền hơn 200 tỷ đồng. Hiện nay, học bổng khuyến học, khuyến tài Vallet - Gặp gỡ Việt Nam đã được tổ chức trao cho học sinh, sinh viên hầu hết các địa phương trên cả nước với kinh phí mỗi năm khoảng 25 tỷ đồng.

Trong đào đạo, phối hợp với các giáo sư Pháp và các sở giáo dục và đào tạo các địa phương, Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam đã đào tạo hơn 1.500 giáo viên giảng dạy kiến thức khoa học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột - La main à la pâte” giai đoạn 2000-2010. Từ năm 2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quyết định đưa phương pháp này vào giảng dạy chính thức trong trường tiểu học và THCS của Việt Nam, đồng hành cùng Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam triển khai tập huấn phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” hàng năm cũng như quyết định thành lập Trung tâm Thực nghiệm phương pháp Bàn tay nặn bột tại Quy Nhơn, Bình Định.

Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân, Giáo sư Lê Kim Ngọc còn dành nhiều thời gian, công sức để tìm kiếm tài trợ, kêu gọi bạn bè quốc tế giúp đỡ xây dựng 3 làng trẻ em SOS tại Đà Lạt, Huế và Đồng Hới; xây dựng Trường làm bánh mỳ, bánh ngọt Pháp tại Huế.

10 năm Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành

Năm 2008, sau nhiều năm ấp ủ và tìm kiếm địa điểm xây dựng một điểm gặp gỡ khoa học quốc tế chất lượng cao tại Việt Nam, được sự hỗ trợ nhiệt huyết của lãnh đạo tỉnh Bình Định, vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc chọn Thung lũng Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn, Bình Định) để thực hiện giấc mơ táo bạo của mình, xây dựng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành. Trung tâm chính thức khánh thành ngày 12-8-2013.

 Trung tâm quốc tế Khoa học và giáo dục liên ngành - ICISE tọa lạc trên một mảnh đất rộng 20ha, tại phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn, Bình Định.
ICISE do Giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Vietnam, Pháp) "thai nghén" và được khánh thành ngày 12-8-2013.
Công trình do hai kiến trúc sư người Pháp Jean Francois Milou và Thomas Rouyrre thuộc Văn phòng Kiến trúc Milou thiết kế với mục đích mang đến một không gian hội nghị, nghiên cứu và nghỉ dưỡng nhiều tiện ích cho giới khoa học.
Khu đất 20ha được chia thành một bãi biển dài 300m về phía đông, một khu rừng dừa ở phía Bắc và các vách đá ở phía Nam.
Cảnh quan xung quanh đầy quyến rũ với đường bờ biển dài 300m, những rặng dừa, các vách đá và dòng sông được bao quanh bởi những đồng lúa xanh.
ICISE không có những tòa cao ốc mà chỉ có hội trường lớn 300 chỗ ngồi, hội trường nhỏ 100 chỗ ngồi, khách sạn bốn sao, nhà hàng, quán cà phê, các ngôi nhà một tầng theo kiểu bungalow dưới tán lá dừa xanh, những ngôi nhà trầm tư (cogitum), phòng trị liệu nước (spa), bể bơi nước ngọt, nhịp cầu qua suối, lối dạo bộ len lỏi dưới rừng cây...
Khối kiến trúc bê tông ghi nâu với cột bao quanh tao nhã sẽ trở thành công trình không tuổi và hoà hợp với không gian cây xanh và màu sắc tự nhiên xung quanh.
Bằng việc khống chế chiều cao công trình bằng chiều cao những rặng cây, khối kiến trúc dường như lúc ẩn lúc hiện giữa những rặng dừa.
Ngay từ khi khánh thành, ICISE đã trở thành một điểm đến yêu thích của giới đam mê khoa học với hàng chục hội nghị, hội thảo chuyên ngành mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Ngoài giờ dự hội nghị, hội thảo quốc tế ở Trung tâm ICISE, các nhà khoa học có thể thả mình ở bãi biển Quy Hòa.
Hàng nghìn nhà khoa học đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có nhiều giáo sư đoạt giải Nobel, nhà khoa học uy tín đến Quy Nhơn tham quan du lịch là "cơ hội vàng" để quảng bá sâu rộng hình ảnh Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Giaó sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam xúc động kể lại: “Năm 2008, khi chúng tôi trở về Việt Nam, đã đi khảo sát ở nhiều địa phương trong cả nước để tìm nơi “đất lành” thực hiện ước mơ. Đến ngày 05-8-2008, chúng tôi đến Bình Định và nhờ sự giúp đỡ của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, lúc ấy có anh Vũ Hoàng Hà (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định). Sau chặng đường khó khăn đó, đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế. Trong đó có 12 giáo sư đạt giải Nobel, 2 giáo sư đạt Huy chương Fields (Toán học), 2 giáo sư đạt giải Kavli (giải thưởng cao cấp trong lĩnh vực thiên văn), 1 giáo sư đoạt giải Shaw, 1 giáo sư đoạt giải Kalinga… Ngoài các hội nghị hàng đầu thế giới và sự cộng tác chặt chẽ của Viện Khoa học Quốc tế, Trung tâm ICISE đã bắt đầu xây dựng Viện nghiên cứu khoa học và giáo dục liên ngành. Viện nghiên cứu nhỏ này đã thu hút một số nhà nghiên cứu khoa học người Việt Nam đang công tác ở nước ngoài về Bình Định làm nghiên cứu và đã đào tạo được một số sinh viên đi theo con đường nghiên cứu khoa học. Trong đó, có 3 sinh viên đã nhận được học bổng tiếp tục học trình độ tiến sĩ tại các nước Pháp, Thụy Sỹ và Ý. Hiện nay, Trung tâm đã có 2 nhóm nghiên cứu trẻ về vật lý thiên văn, vật lý lý thuyết và vật lý neutrino. Sắp tới, Trung tâm sẽ tiếp tục thành lập những nhóm nghiên cứu khác.

 
 Đoàn cán bộ Tạp chí Cộng sản tham quan, tìm hiểu hoạt động của ICISE, ngày 01-8-2018.

Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ thêm, để làm được những điều như hôm nay, là nhờ vào sự tin tưởng, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nói chung và các thế hệ lãnh đạo luôn hướng đến tương lai của Bình Định nói riêng. Đặc biệt là những người bạn đã giúp đỡ vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân trong những lúc khó khăn nhất. Trong đó, phải kể đến Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ quốc gia.

“Nhiều người lo lắng vì vợ chồng chúng tôi đã đã lớn tuổi, ai là người tiếp nối chúng tôi. Nếu không có chúng tôi thì liệu Trung tâm ICISE này chỉ giống như ngọn lửa của rơm, cháy rồi tắt nhanh. Tuy vậy, chúng tôi đã tính toán cho việc này đã lâu rồi. Hiện nay, chúng tôi có những đội ngũ khoa học vững mạnh trên thế giới, cũng như trong nước. Những nguồn lực này sẽ làm cho “ngọn lửa” ICISE cháy mãi, bền vững và phát triển mạnh mẽ hơn.”, Giáo sư Trần Thanh Vân chia sẻ.

Sau 10 năm hoạt động, Trung tâm ICISE đã có sự thay đổi rất tích cực, đạt được thành quả lớn. Tuy nhiên, sẽ còn có nhiều việc để làm, để thực hiện ước mơ biến nơi đây thành vùng đất khoa học của Việt Nam; thực hiện ước mơ thành phố khoa học có trình độ nghiên cứu cao, tạo ra những nhà khoa học sắc sảo, có tính lan tỏa.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đánh giá rất cao những nỗ lực hoạt động không mệt mỏi của vợ chồng Giao sư Trần Thanh Vân, để có được những thành quả to lớn như ngày hôm nay và cho biết, tỉnh Bình Định sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để đồng hành, hỗ trợ, điều hành trung tâm tiếp tục phát triển hơn trong tương lai để thực hiện ước mơ biến TP. Quy Nhơn thành “viên ngọc” khoa học của cả nước.

Tỉnh Bình Định sẽ quy hoạch để phát triển thung lũng Quy Hòa thành một Khu đô thị Khoa học - Giáo dục đầu tiên tại Việt Nam. Trong đó có các công trình, dự án, bao gồm: Trung tâm ICISE; công viên sáng tạo TMA; công viên phần mềm của Công ty TNHH phần mềm FPT; làng khởi nghiệp và khu đổi mới sáng tạo; khu tổ hợp không gian khoa học với nhà mô hình vũ trụ, nhà khám phá khoa học, đài quan sát thiên văn phổ thông; các viện nghiên cứu khoa học; các trường đào tạo kỹ sư chất lượng cao./.