Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay

Nguyễn Thanh Sơn
Tạp chí Cộng sản
16:33, ngày 29-11-2024

TCCS - Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, cảnh quan tươi đẹp mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Văn hóa của vùng được hình thành, phát triển từ sự hòa quyện của nhiều yếu tố như lịch sử, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, nghệ thuật truyền thống... của cộng đồng các dân tộc cùng nhau sinh sống qua nhiều thế kỷ. Những năm gần đây, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức, khiến một số giá trị văn hóa độc đáo có nguy cơ bị mai một, biến dạng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa không chỉ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt mà còn là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của vùng.

Thành tựu nổi bật trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, với 44 dân tộc sinh sống. Trong đó, đông nhất là dân tộc Kinh (chiếm tỷ lệ hơn 92%), kế đến là dân tộc Khmer (6,6%), dân tộc Hoa (0,87%), Chăm (0,08%) và một số dân tộc anh em khác(1). Trong tiến trình phát triển, cộng đồng các dân tộc ở vùng ĐBSCL đã cùng khai phá, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, quan hệ gắn bó trên tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống và trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Những giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc được bảo tồn, phát huy trong quá trình chung sống, lao động, chiến đấu đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng châu thổ Cửu Long. Trong đó, nổi bật là văn hóa ứng xử với thiên nhiên, văn hóa sông nước - văn minh miệt vườn, văn hóa dung hợp, văn hóa ẩm thực, văn hóa kiến trúc và không gian sống, nghệ thuật dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục tập quán…

Nhân dân hăng say tập bơi dầm ghe ngo ở tỉnh Sóc Trăng_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế từ năm 1986 đến nay, Đảng và Nhà nước ta ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững, trong đó nhiều chủ trương, chính sách đối với vùng ĐBSCL(2). Đặc biệt, những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa và phát triển bền vững trong gần 40 năm đổi mới đã đem lại nhiều kết quả nổi bật trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng ĐBSCL, tạo điều kiện cho vùng phát triển nhanh và bền vững cùng cả nước.

Đến nay, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể ở vùng ĐBSCL đã được công nhận là di sản văn hóa cấp quốc gia, như: nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ(3); nghệ thuật Chầm riêng Chà pây, nghệ thuật sân khấu Dù kê, Nghệ thuật Rô-bam, đua ghe ngo trong lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer; lễ hội cúng biển Mỹ Long (tỉnh Trà Vinh); lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, hội đua bò Bảy Núi (tỉnh An Giang); lễ hội vía Bà Ngũ hành, lễ làm chay (tỉnh Long An); lễ hội Nghinh Ông, hát Sắc bùa Phú Lễ (tỉnh Bến Tre); lễ hội Trương Định (tỉnh Tiền Giang); lễ hội Đình Thần Nguyễn Trung Trực (tỉnh Kiên Giang); văn hóa chợ nổi Cái Răng, hò Cần Thơ (thành phố Cần Thơ) cùng nhiều di tích văn hóa lịch sử, công trình nghệ thuật kiến trúc như chùa Phật giáo Nam tông Khmer, những ngôi nhà cổ của người Việt… Tính đến cuối năm 2022, toàn vùng có 9 di tích quốc gia đặc biệt, 204 di tích quốc gia, 618 di tích cấp tỉnh, 51 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành “thương hiệu” của vùng, như: lễ hội đua ghe ngo (Sóc Trăng), lễ hội Vía Bà Chúa Xứ (An Giang), lễ hội Ook om bok (Trà Vinh)…(4).

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức, lối sống trong các gia đình, cộng đồng được quan tâm thực hiện, nhất là văn hóa lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số. Các di tích lịch sử, văn hóa, như chùa Khmer, đền thờ các vị thần Nam Bộ đã được trùng tu, bảo vệ. Nhiều lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa, Chăm được duy trì, phát triển, không chỉ giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của vùng mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định xã hội, nhất là phát triển du lịch văn hóa.

Việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, các ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer, Chăm, Hoa,... được quan tâm đầu tư, tổ chức chu đáo gắn với việc gìn giữ, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc trong vùng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

Ngôn ngữ và văn học dân gian của các dân tộc ở ĐBSCL đã được các địa phương quan tâm bảo tồn và phát triển. Các trường học, các trung tâm văn hóa dân tộc đã có nhiều chương trình giảng dạy, truyền bá ngôn ngữ và văn học dân gian, giúp các thế hệ trẻ hiểu và yêu hơn các giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đây cũng là nền tảng quan trọng để gìn giữ và phát triển nghệ thuật truyền thống, như đờn ca tài tử, múa lân - sư - rồng, múa Chăm, múa Khmer… Những chương trình nghệ thuật này không chỉ được biểu diễn trong các dịp lễ hội mà còn được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của người dân.

Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa được nhiều địa phương xác định là một giải pháp trọng tâm để thu hút các nguồn lực xã hội, các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động sáng tạo, cung cấp, phổ biến sản phẩm văn hóa, tạo thêm điều kiện và nguồn lực cho các hoạt động văn hóa. Những năm gần đây, du lịch văn hóa tại ĐBSCL phát triển mạnh, các tuyến du lịch miền Tây sông nước, du lịch làng nghề, du lịch di sản, du lịch tâm linh đã góp phần đưa văn hóa ĐBSCL đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, đồng thời tăng nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Những hạn chế, thách thức

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu và những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xét trên góc độ văn hóa, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, vùng ĐBSCL đang đối diện với nhiều hạn chế, thách thức, ảnh hưởng đến sự phát triển nhanh hướng đến bền vững. Trong đó, nổi lên một số vấn đề đáng quan tâm:

Chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa. Trên thực tế, có lúc, có nơi, vị thế của văn hóa chưa thực sự được đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác trong nhiều chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương, của vùng. Vì thế, việc cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa còn chậm, thiếu tính đồng bộ; một số văn bản quản lý về văn hóa khó đi vào cuộc sống vì còn những bất cập, chưa sát thực tiễn. Quá trình tổ chức thực hiện các chương trình, đề án về văn hóa còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém.

Đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với vai trò, vị trí của văn hóa. Hệ thống các thiết chế, cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa ở nhiều địa phương còn yếu, xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm, có trường hợp chưa phù hợp với đặc điểm văn hóa - xã hội vùng, với nhu cầu và nguyện vọng của người dân; nội dung hoạt động còn nghèo nàn, chưa thiết thực. Chất lượng dịch vụ, sản phẩm văn hóa chưa cao; còn thiếu các thương hiệu văn hóa của vùng ĐBSCL.

Nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa còn yếu và thiếu. Ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL hiện nay, năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý về văn hóa ở các cấp, nhất là cấp cơ sở còn thấp, không đồng đều, dẫn đến không theo kịp sự phát triển phong phú, đa dạng và phức tạp của hoạt động văn hóa trong giai đoạn phát triển mới. Vì thế, việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về văn hóa từng lúc, từng nơi chưa kịp thời, chưa đồng bộ; nhiều trường hợp còn lúng túng trong xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, chính sách về văn hóa. Mức thu nhập của đội ngũ cán bộ văn hóa còn thấp cũng làm giảm động lực làm việc của nhiều cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa.

Việc sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đánh giá một số chủ trương, chính sách về văn hóa tiến hành chậm. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến tiến độ sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện chủ trương, chính sách về văn hóa cho giai đoạn phát triển mới. Trong quá trình đánh giá việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, còn thiếu cơ chế đánh giá độc lập; nhiều địa phương, đơn vị vẫn áp dụng theo phương thức người thực hiện đồng thời là người đánh giá. Vì vậy, vẫn còn tình trạng thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển văn hóa theo kiểu chạy theo thành tích, thiếu tính thực chất.

Công tác bảo tồn các nguồn tài nguyên, giá trị văn hóa chưa được quan tâm đúng mức trong xu thế kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa. Ở nhiều địa phương, lợi ích kinh tế đang có xu hướng lấn át giá trị văn hóa, dẫn đến tình trạng nhiều di sản văn hóa chưa được khai thác, phát huy hợp lý. Những năm gần đây, một số lễ hội như: Vía Bà Chúa Xứ ở Núi Sam (An Giang), lễ giỗ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực (Kiên Giang), Oc Om Bok - Đua ghe ngo (Trà Vinh, Sóc Trăng),… thu hút sự tham gia đông đảo của du khách trong và ngoài nước. Thực tế đó đòi hỏi việc tổ chức những lễ hội này phải được nâng tầm thành các tour du lịch lễ hội gắn với tham quan, thưởng ngoạn, trải nghiệm, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng (đi lễ), sinh hoạt văn hoá (thăm các danh thắng, di tích lịch sử, đờn ca tài tử, hò đối đáp…), vừa đáp ứng nhu cầu vật chất (mua sắm sản phẩm văn hóa ở các làng nghề, thưởng thức ẩm thực đặc sắc địa phương,…). Thế nhưng, trên thực tế, những lễ hội này vẫn còn nặng tính hình thức và kinh tế, chưa tạo ra sự kết nối các giá trị kinh tế với văn hóa.

Tác động của những yếu tố văn hóa ngoại lai và tiến trình đô thị hóa. Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mang đến sự giao thoa văn hóa, nhưng đồng thời cũng làm gia tăng nguy cơ mai một, mất mát các giá trị văn hóa truyền thống do sự lấn át từ các giá trị văn hóa ngoại lai. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng cũng dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc xã hội và lối sống, ít nhiều làm giảm sự gắn kết cộng đồng và duy trì các giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng ĐBSCL. Từ thực tế đó, vấn đề đặt ra là ở cấp độ vùng cần có các kịch bản bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn; tăng cường sự liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, liên kết giữa vùng ĐBSCL với các vùng, miền khác trong và ngoài nước để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa.

Tác động của biến đổi khí hậu. Vùng ĐBSCL đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ những tác động tiêu cực của tình trạng biến đổi khí hậu - nước biển dâng, như sạt lở bờ sông, bờ biển, xâm nhập mặn, ngập úng đô thị, sụt lún đất, đe dọa mất an ninh nguồn nước… Các tác động này không chỉ ảnh hưởng đến các di sản văn hóa vật thể (đặc biệt là các di tích vật thể nằm ven sông, ven biển) mà còn tác động đến lối sống, nếp văn hóa, tập quán sinh hoạt truyền thống, sinh kế của người dân, đe dọa đến sự tồn tại của nhiều làng nghề truyền thống…

Đêm hội Tây Đô (thành phố Cần Thơ)_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa để đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Để bảo đảm cho vùng ĐBSCL tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị, “về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đề ra quan điểm: “Phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước…; lấy con người là trung tâm, tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên; phù hợp với điều kiện thực tế của vùng; chú trọng bảo vệ, tôn tạo và phát triển văn hoá - xã hội và hệ sinh thái tự nhiên”. Trong nhiệm vụ phát triển văn hoá - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, Nghị quyết xác định phải “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên và văn hoá - lịch sử, văn hoá sông nước, miệt vườn; văn hóa các dân tộc”. Từ quan điểm, chủ trương của Đảng trong giai đoạn phát triển mới và thực tiễn xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL qua gần 40 năm đổi mới, để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng, hướng đến sự phát triển bền vững của vùng, trong thời gian tới cần quan tâm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, bảo đảm tính cân đối hài hòa trong các chủ trương, chính sách giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế

Trong quá trình khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa để tạo động lực cho phát triển, di sản văn hóa cần được nhìn nhận là thành tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Không thể vì mục tiêu kinh tế mà không chú ý đến các mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng; bức hại, xâm hại di sản. Quan điểm nhất quán trong việc xây dựng, ban hành các chủ trương, chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng ĐBSCL là phải bảo đảm mối quan hệ gắn bó, hữu cơ giữa phát triển kinh tế với bảo tồn, gìn giữ, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống; phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa; trong kinh tế có văn hóa, trong văn hóa có kinh tế. Cần giải quyết hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa Nhà nước và cộng đồng trong quá trình quản lý, khai thác và bảo vệ di sản; phân định rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi từ cả hai phía; từ đó mới huy động được người dân tự nguyện, tự giác bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo sự gắn kết cộng đồng với di sản.

Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long

Cùng với các bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu, rà soát để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, của vùng ĐBSCL, trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Bên cạnh tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước cần có cơ chế, chính sách hợp lý để huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản đã được công nhận.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng triển khai việc quy hoạch chi tiết đối với các di tích để giải quyết hợp lý, hài hòa, bền vững giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Đặc biệt, cần có những chủ trương, chính sách ưu tiên cho việc bảo tồn các di sản văn hóa đã và đang bị đe dọa bởi những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai. Song song đó, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch tổ chức lễ hội, các sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động vui chơi, giải trí trong lễ hội thiết thực, lành mạnh. Ngành văn hóa - thể thao và du lịch cần thực hiện tốt nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, phân loại lễ hội; tổ chức truyền dạy, phổ biến, trình diễn các loại hình lễ hội đặc sắc trong cộng đồng dân cư nơi diễn ra lễ hội.

Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp quản lý văn hóa

Để bảo đảm tính hiệu quả trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng ĐBSCL, cần đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương. Cụ thể, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng, tài chính, nguồn nhân lực cho các địa phương trong việc thực hiện các dự án bảo tồn văn hóa. Các địa phương cần tự chủ hơn trong việc quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của mình; chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn về bảo tồn trên cơ sở khảo sát, đánh giá giá trị của các di sản văn hóa trên địa bàn. Song song với việc phân cấp quản lý văn hóa, cần tăng cường thực hiện cơ chế giám sát và chế tài xử lý nghiêm minh đối với các hành vi xâm phạm, bức hại di sản văn hóa; tạo môi trường pháp lý minh bạch, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và các tổ chức, doanh nghiệp trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Thứ tư, hỗ trợ, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Các địa phương cần nghiên cứu xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, truyền dạy, giới thiệu, phổ biến di sản lễ hội, làm cho mỗi người dân địa phương là một “đại sứ lễ hội” để giới thiệu với du khách, bè bạn gần xa. Tăng cường công tác tư vấn, tham vấn từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan truyền thông, cộng đồng… để huy động trí tuệ của toàn xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của vùng và xem đây là một kênh giám sát hữu hiệu đối với các hoạt động bảo tồn và khai thác di sản.

Xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm huy động cộng đồng tham gia vào việc lưu giữ, trao truyền các hình thức thực hành các hoạt động văn hóa truyền thống cho các thế hệ sau. Khuyến khích việc thành lập các câu lạc bộ, hội nhóm văn hóa truyền thống để duy trì và phát triển các giá trị văn hóa dân gian. Có thể nghiên cứu phân quyền cho cộng đồng trong quản lý di tích, danh thắng, tổ chức lễ hội, thực hành di sản văn hóa phi vật thể…

Thứ năm, giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức về văn hóa

Giáo dục là yếu tố cốt lõi trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Trong giáo dục về văn hóa, nên tích hợp các nội dung giáo dục về văn hóa, lịch sử của địa phương, của vùng ĐBSCL vào chương trình giáo dục ở các cấp học, nhằm nâng cao nhận thức và tình yêu của thế hệ trẻ đối với văn hóa địa phương, văn hóa vùng. Để thực hiện tốt công tác truyền thông về văn hóa, cần chú trọng tổ chức các hoạt động truyền thông, hội thảo, triển lãm nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa đặc trưng của ĐBSCL đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng như các hoạt động văn hóa cộng đồng cần được sử dụng thường xuyên để truyền tải thông điệp về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong việc gìn giữ, phát huy gia trị di sản văn hóa.

Thứ sáu, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa

Văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn của vùng ĐBSCL mang đặc trưng riêng có, khác biệt và độc đáo, gắn kết với thiên nhiên và lịch sử khẩn hoang, phát triển của vùng hơn 300 năm qua. Do đó, cần có sự nghiên cứu toàn diện, sâu sắc, có tính hệ thống, biến yếu tố khác biệt, độc đáo này trở thành lợi thế so sánh của vùng, của quốc gia, từ đó phát huy và khai thác hợp lý, tối ưu. Các cấp ủy, chính quyền cần tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của địa phương, của vùng ĐBSCL, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát triển cho phù hợp trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khoa học - công nghệ đang phát triển mạnh mẽ.

Chủ động ứng dụng công nghệ số trong việc lưu trữ, bảo tồn và quảng bá văn hóa, như xây dựng các kho dữ liệu số về di sản văn hóa của vùng; phát triển các ứng dụng du lịch văn hóa số; ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới trong quản lý, lưu giữ và phục hồi các di sản văn hóa, đặc biệt là các di sản vật thể có nguy cơ xuống cấp; ứng dụng công nghệ số vào công tác quản lý và thông tin tư liệu bảo tàng hướng đến mục tiêu vừa thực hiện các chức năng giáo dục, quảng bá, giới thiệu di sản, vừa phát triển du lịch văn hóa. Đầu tư thích đáng và đồng bộ để bảo tồn, tôn tạo một số di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu ở ĐBSCL trở thành những di sản có chất lượng cao về khoa học bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng, của quốc gia.

Thứ bảy, liên kết phát triển du lịch văn hóa với góc nhìn kinh tế di sản

Trước hết, cần tăng cường sự liên kết các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL để xây dựng chiến lược phát triển du lịch gắn liền với bảo tồn văn hóa; phát triển hạ tầng du lịch, nhất là xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất có tính liên thông giữa các tỉnh, thành, đủ điều kiện kết nối các điểm du lịch văn hóa nổi bật trong vùng. Các địa phương cần tăng cường hợp tác trong xây dựng các tour du lịch kết nối các điểm du lịch văn hóa với nhau, giúp du khách có cơ hội khám phá nhiều khía cạnh của văn hóa cũng như các di sản văn hóa của vùng. Đồng thời, có chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến phát triển các dự án du lịch văn hóa.

Các địa phương cũng nên tăng cường liên kết, phối hợp để xây dựng một hình ảnh chung cho du lịch văn hóa vùng ĐBSCL, với các nét đặc trưng như văn hóa sông nước, văn minh miệt vườn, văn hóa ẩm thực, lễ hội dân gian, phong cách sống giản dị, chân tình, phóng khoáng của người dân… Cần tạo dựng các kênh quảng bá du lịch ĐBSCL đa dạng thông qua các cơ quan báo chí, mạng xã hội, website, ứng dụng di động… Trong phát triển du lịch văn hóa, các địa phương cũng cần tạo điều kiện xây dựng các chương trình học tập, trải nghiệm văn hóa dân gian vùng ĐBSCL cho khách du lịch. Việc khai thác các tiềm năng, lợi thế về văn hóa để phát triển du lịch chỉ thực sự hiệu quả khi hài hòa được lợi ích của người dân - chủ thể của di sản với việc bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản với góc nhìn kinh tế di sản.

Thứ tám, tăng cường hợp tác quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của vùng ĐBSCL. Sự hợp tác này cần được thực hiện thông qua nhiều hình thức như hỗ trợ tài chính, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức các chương trình trao đổi văn hóa… với các tổ chức quốc tế, chính phủ và các cơ quan nghiên cứu nước ngoài. Cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng cần quan tâm đến việc học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc duy trì các lễ hội truyền thống, bảo tồn kiến trúc cổ và nghệ thuật dân gian; chuyển đổi số để quảng bá các di sản văn hóa của ĐBSCL đến công chúng toàn cầu. Đồng thời, tăng cường các chương trình giao lưu và trao đổi văn hóa giữa các địa phương vùng ĐBSCL với các quốc gia trong khu vực ASEAN và thế giới để quảng bá những giá trị văn hóa đặc trưng của vùng ĐBSCL ra toàn cầu./.

----------------------------

(1) Ủy ban Dân tộc - Tổng cục Thống kê: Kết quả điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2019, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2020, tr. 135 - 136
(2) Như: Nghị quyết số 21/NQ-TW, ngày 20-1-2003, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh - quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010”; Kết luận số 28-KL/TW, ngày 14-8-2012, của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020”; Nghị quyết số 120/NQ-CP, ngày 17-11-2017, của Chính phủ, “Về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”; Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4 -2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18-6-2022, của Chính phủ, “Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quyết định số 287/QĐ-TTg, ngày 28-2-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
(3) Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cuối năm 2013
(4) Xem: Huỳnh Thanh Quang - Hồ Thị Cẩm Linh: “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 311