Ninh Bình: Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường
TCCS - Nền kinh tế xanh là xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới nhằm hướng đến sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, bên cạnh việc thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, để đưa tỉnh Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước và khu vực cần đẩy mạnh phát triển các loại hình du lịch gắn với bảo tồn hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.
Phát triển bền vững là một nguyên tắc chủ đạo trong chiến lược phát triển đất nước nói chung và ngành du lịch nước ta nói riêng. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau. Quyết định số 432/QĐ-TTg, ngày 12-4-2012, của Thủ tướng Chính phủ, về “Phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020” nhấn mạnh quan điểm phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường... Quyết định số 1658/QĐ-TTg, ngày 1-10-2021, của Thủ tướng Chính phủ, về “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” đã phê duyệt 4 mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2030, như giảm phát thải khí nhà kính; xanh hóa nền kinh tế; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu; đồng thời, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu, trong đó có việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong ngành du lịch.
Trên cơ sở xác định vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành du lịch đã đưa sản phẩm du lịch văn hóa trở thành một trong những dòng sản phẩm quan trọng hàng đầu được thúc đẩy phát triển trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, đồng thời nhấn mạnh phát triển du lịch bền vững trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc... Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc. “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã xác định du lịch văn hóa là một trong những ngành công nghiệp văn hóa quan trọng mà Việt Nam có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển và có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động du lịch ngày càng rõ nét, góp phần tạo ra khả năng tiêu thụ tại chỗ cho hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy các ngành khác phát triển, khôi phục nhiều lễ hội và nghề thủ công truyền thống, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện diện mạo và đời sống người dân ở nhiều nơi trên cả nước,... Trong đó, việc gắn kết giữa du lịch với bảo tồn giá trị văn hóa, môi trường sinh thái ngày càng được đẩy mạnh và có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thúc đẩy sự phát triển du lịch bền vững.
Thực trạng phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tại tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình là một tỉnh có tiềm năng rất lớn về tài nguyên tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch. Đặc biệt, nhiều di sản tầm cỡ quốc tế, quốc gia như Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, khu sinh thái Vân Long, Vườn Quốc gia Cúc Phương trên địa bàn tỉnh là cơ sở cho việc phát triển rất đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch thắng cảnh, trải nghiệm; du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch cộng đồng…
Với lợi thế đó, trong những năm qua, du lịch tỉnh Ninh Bình dần khẳng định vị thế, trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách trên bản đồ du lịch Việt Nam. Doanh thu hằng năm từ du lịch đã đóng góp quan trọng vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch tỉnh Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.
Những năm vừa qua Ninh Bình đã tận dụng được những lợi thế về tài nguyên du lịch, làm mới các sản phẩm đang có. Cùng với đó, Ninh Bình còn coi trọng công tác bảo tồn, bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững. Tỉnh cũng ban hành quy chế quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Trên nguyên tắc phát huy giá trị di sản phải kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường cảnh quan, bảo vệ, giữ gìn các công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái liên quan.
Tập trung đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nâng cấp các điểm du lịch, như đường giao thông, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, thường xuyên kiểm tra đánh giá chất lượng môi trường, cảnh quan du lịch, kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo phục hồi nguyên trạng tốt nhất tại các điểm du lịch.
Tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các điểm du lịch, nghiêm cấm các hiện tượng bán hàng rong, ăn xin, trộm cắp,...
Ban quản lý các điểm du lịch thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động liên quan đến bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ rừng đặc dụng, ngăn chặn việc săn bắn các loài chim và động vật hoang dã.
Để phát triển du lịch theo mục tiêu nói trên thì việc nghiên cứu thị trường du lịch là một việc hết sức quan trọng. Nghiên cứu thị trường du lịch là việc thu thập, tổng hợp và phân tích có hệ thống các thông tin về thị trường để ngành du lịch có thể nắm bắt được xu hướng tiêu dùng trong chuyến đi của du khách; nắm bắt được tâm lý, sở thích, thị hiếu để giúp doanh nghiệp du lịch đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của du khách. Việc nghiên cứu thị trường cần tiến hành đối với một khoảng thời gian đủ dài liên tục, đủ rộng để bảo đảm có thể phát hiện ra những vấn đề, hiện tượng có tính quy luật.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hiện nay vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái tỉnh Ninh Bình vẫn đang bộc lộ một số hạn chế, như vấn đề rác thải ở khu vực nông thôn, khu công nghiệp, bệnh viện; tình trạng ô nhiễm làng nghề, vấn đề khói bụi xi măng; hàm lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, xử lý phế phẩm trong nông nghiệp, chăn nuôi…
Một số giải pháp
Thứ nhất, về quản lý nhà nước trong phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh.
Chú trọng công tác quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển các khu du lịch, bảo đảm tính khoa học, tránh tình trạng quy hoạch thiếu đồng bộ, chồng chéo gây khó khăn cho công tác quản lý nói chung, quản lý môi trường nói riêng. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với việc tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững.
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức ký kết phối hợp bảo đảm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai, giải pháp kinh doanh của doanh nghiệp du lịch theo hướng bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thực hiện nghiêm chỉnh những quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường. Đội ngũ nhân viên cần được tập huấn những kiến thức và kinh nghiệm về việc kinh doanh du lịch gắn với bảo vệ môi trường.
Các công ty lữ hành cần hướng tới các sản phẩm du lịch xanh, thân thiện với môi trường, các chương trình du lịch cộng đồng khai thác thế mạnh của Ninh Bình: du lịch đồng quê, du lịch sinh thái…; cảnh báo những hoạt động gây tổn hại tới môi trường cho khách du lịch thông qua các ấn phẩm, tờ rơi, tập gấp. Bên cạnh đó, hướng dẫn viên cần tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện những hành vi đẹp, bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch như: bỏ rác đúng nơi quy định, sử dụng những vật liệu thân thiện môi trường, không mua sắm những đồ dùng, sản phẩm làm từ những vật liệu bị cấm.
Đối với các nhà hàng, khách sạn cũng cần sử dụng công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường đặc biệt là các homestay gần khu, điểm du lịch. Việc xây dựng những cơ sở lưu trú cần tuân thủ đúng quy định, không phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh.
Thứ ba, nâng cao nhận thức, tuyên truyền, phổ biến các quy định hiện hành về bảo vệ tài nguyên tự nhiên, văn hóa truyền thống cho cộng đồng. Muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương nhằm chủ động hỗ trợ cộng đồng và công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tham gia vào hoạt động phát triển du lịch, từ đó hạn chế các tác động đến tài nguyên, môi trường, góp phần cho phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng./.
Bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên Ninh Bình  (11/11/2024)
Các tôn giáo chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình  (10/11/2024)
Huyện ủy Kim Sơn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đảng viên là người có đạo  (10/11/2024)
Tỉnh Ninh Bình chú trọng phát huy tổng thể các nguồn lực, trong đó có các tổ chức tôn giáo để xây dựng nông thôn mới  (07/11/2024)
Để phát huy hiệu quả nguồn lực FDI tại Hà Nội theo hướng bền vững  (06/11/2024)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay