Tìm những cây, con có lợi thế so sánh để khai thác và phát triển phù hợp với điều kiện của từng địa phương nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho bà con các dân tộc vùng sâu, vùng xa, chính là mục tiêu của các cấp chính quyền. Cây chè xanh Minh Long là một trong những cây có giá trị như vậy ở tỉnh Quảng Ngãi.

Minh Long là một huyện miền núi nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Ngãi, có khoảng 75% bà con là người dân tộc Hrê. ở đây có nhiều vấn đề đặt ra cho những nhà lãnh đạo và nhà khoa học từ Trung ương đến địa phương cần nghiên cứu suy nghĩ. Vì, bên cạnh những tiến bộ về đường giao thông, đời sống, y tế, giáo dục đã đạt được như thời gian vừa qua, thì trong kinh tế- xã hội cho các năm tới cần đầu tư phát triển sản xuất hàng hóa lớn vào những cây trồng, vật nuôi hay những ngành nghề gì là điều cần phải bàn tính. Qua những chuyến nghiên cứu, khảo sát thực tế điều kiện cụ thể của Minh Long, chúng tôi có thể khẳng định cây chè xanh cần được quan tâm hàng đầu, bởi lẽ:

Cây chè xanh Minh Long lâu nay vẫn là cây chè sạch 100%, người sản xuất hoàn toàn không dùng thuốc trừ sâu và cũng không bón các loại phân hóa học.

Đây là cây trồng truyền thống của dân tộc Hrê (trước đây đã có đến hơn 500 ha diện tích đất trồng loại chè này). Từ những vườn chè, nương chè, dưới tán chè bà con còn có thể trồng một số cây chịu rợp như cỏ ghi-nê dùng làm thức ăn cho chăn nuôi cá và gia súc, đồng thời phủ được lớp đất mặt để tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp có màu xanh quanh năm vừa có tác dụng giữ nước chống xói mòn đất, vừa nâng cao được độ phì nhiêu trong đất, lại vừa tận dụng được sức lao động của các lứa tuổi để thu hái chăm sóc vườn chè nên hầu như quanh năm người dân đều có việc làm và có thu nhập. Những tác dụng đó đã hợp thành môi trường gắn người - cảnh một cách nên thơ trên núi rừng Minh Long. Nhờ đó, cây chè xanh Minh Long đã trở thành cây kinh tế hàng hóa nhỏ. Tuy nhiên, nó còn có những tiềm năng lớn hơn nhiều, vì hiệu quả kinh tế đã cho thấy: Cứ một lọn chè xanh (chừng 500g) giá là 2.000 đồng, nghĩa là 1kg có giá 4.000đ. Một cây chè thu hái cành lá quanh năm (cây cao to như cây cổ thụ có khả năng cho hơn vài chục kg/năm, cây nhỏ cho 4 kg - 5kg/năm) bình quân đạt 5 kg. Nếu tính mật độ trên một héc-ta có 4.000 cây thì cả năm thu sản lượng được chừng 20.000 kg (20 tấn/ha), doanh thu trên một héc-ta sẽ được 80 triệu đồng/năm.
 
Hiện nay, giá chè tươi đang có xu hướng tăng lên 3.000đ- 3.500đ/lọn. Do nhu cầu thị trường lớn, nhiều hộ buôn chè còn trực tiếp đến nhà các hộ trồng chè để đặt tiền trước, nhất là ở các khu công nghiệp như Dung Quất (nơi đang cần ngày một nhiều chè trong khi diện tích trồng chè lại bị giảm, chỉ còn chừng 30 ha đến 40 ha, do bị chặt để trồng sắn, trồng keo tai tượng khi nhu cầu chè xanh tươi trước đây chưa nhiều, giá chè còn thấp, chỉ 260đ/kg năm 1996).

Hiện nay nhu cầu chè xanh tươi ngày một tăng, giá tăng vì thành tựu nghiên cứu khoa học của nhiều danh y trên thế giới đã công bố kết quả trong chè xanh có hóa chất cathechin (ca-tê-xin) có thể chống ung thư... Nhiều báo chí trong nước cũng công bố các tác dụng khác của chè xanh.

Từ những điều kiện thuận lợi trên, nếu so sánh với các cây khác tại địa phương thì không có cây nào lại có thể đem lại kết quả kinh tế - xã hội - môi trường bền vững như cây chè xanh. Vậy, cây sắn, cây keo thì sao?

Để trả lời câu hỏi này, chỉ cần so sánh thêm về năng suất và giá trị thu được trên một hec-ta của chúng với cây chè. Cây sắn là cây đã được nghiên cứu khá toàn diện trên cả nước về những vấn đề kinh tế kỹ thuật. Với những ưu và khuyết điểm của việc trồng sắn, thì nó có lợi trước mắt mà gây hại nhiều cho lâu dài(1). Nếu trồng sắn luân canh với cây keo trên đất Minh Long thì thực tế đã và đang cho thấy: ở năm đầu sắn cho năng suất cao, khoảng 30 tấn/ha, có giá cao, nên trồng quảng canh đầu tư ít cũng có nhiều lãi; nhưng sang năm thứ 2, năng suất giảm đi một nửa, chỉ còn 15 tấn/ha và năm thứ 3 còn được chừng 6 tấn/ha. Với giá sắn bình quân hiện nay là 1.200đ/kg, sau 3 năm trồng 3 vụ sắn sẽ thu được 61.200.000đ/ha. Do đó, từ năm thứ 4 đến năm thứ 10 bà con thường chuyển sang trồng keo (bán làm nguyên liệu giấy) với giá 700.000đ/tấn. Nếu sản lượng đạt 100 tấn/ha thì doanh thu sẽ là 70.000.000đ. Như vậy, tính chu kỳ luân phiên sắn (3 năm), keo (7 năm) thì bình quân trên mỗi hec-ta/năm có doanh thu là 13.120.000đ [(61.200.000đ + 70.000.000đ): 10 năm], chỉ bằng 16,4% (13.120.000đ/80.000.000đ) doanh thu trên mỗi hec-ta trồng cây chè/năm(2). Đến đây, có thể khẳng định cây chè xanh trên đất Minh Long là cây đặc sản - quý như “vàng”, cần được phát triển để giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, từng bước làm giàu trên chính quê hương của mình. Vì vậy xin có một số kiến nghị như sau:

Một là, cần có cách nhìn ở tầm chiến lược về vị trí cây chè xanh Minh Long với mục tiêu sản phẩm chính là cành lá xanh tươi, nếu cần thêm sản phẩm chè búp khô thì cần khôi phục, phát triển các cơ sở chế biến chè.

Hai là, cần có quy hoạch tổng thể của tỉnh (nay trong quy hoạch đến năm 2020 của tỉnh chưa có quy hoạch cho cây chè) và quy hoạch cụ thể đến huyện và từng xã của Minh Long cho cây chè. Xin lưu ý thêm rằng, cây chè xanh trồng ở những bản, làng, thôn xã càng cao (như xã Long Môn) thì chất lượng càng tốt, giá mua chè có thể tăng từ 5% đến 20%.

Ba là, cần rà soát lại quỹ đất của từng xã (nhất là đất hàng nghìn hec-ta đã được giao cho nhiều công ty tư nhân trồng keo tai tượng và họ đã bóc lột đất, thu siêu lợi nhuận) để giao lại (giao thêm) cho những nông hộ còn thiếu hoặc chưa có đất trồng chè để họ trồng chè tự xóa đói, giảm nghèo bền vững. Nhà nước cần thu hồi lại đất đó giao cho bà con nông dân, nhất là bà con dân tộc Hrê. Đất thu hồi này khi giao lại cần chia cho mỗi nông hộ ít nhất là 10 sào (5.000m2 = 1/2 hec-ta), bình quân mỗi hộ có 1 hec-ta đất trồng chè (không kể các loại đất khác) làm điều kiện cơ bản cho sản xuất, xóa đói, giảm nghèo bền vững và tiến lên làm giàu. Những hộ có điều kiện thì nên cấp cho họ 3 hec-ta trở lên để làm trang trại chè. Chè sẽ được trồng theo hướng chuyên môn hóa, tập trung hóa, thâm canh khoa học giúp dân làm giàu trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện Minh Long và của tỉnh.

Bốn là, cần sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các báo cáo ở các hội nghị lớn... để phân tích, so sánh, tuyên truyền lợi ích về nhiều mặt của cây chè xanh, trong đó có lịch sử chè xanh Minh Long nhằm làm nổi bật vị trí của nó, từ đó giúp đẩy mạnh việc khôi phục, trồng mới chè ở Minh Long.

Năm là, các cấp chính quyền ở Trung ương và địa phương cần có chính sách hỗ trợ cây giống, vốn, xây dựng kết cấu hạ tầng để giúp nông dân, bà con dân tộc đẩy mạnh việc tu bổ và trồng mới cây chè xanh tạo thành một trung tâm thực hiện chuyên môn hóa, tập trung hóa, thâm canh hóa trong sản xuất hàng hóa chè xanh, sạch như một mô hình phát triển kinh tế - xã hội - môi trường ở núi rừng Minh Long nhằm phục vụ cho nhu cầu xã hội và thực hiện yêu cầu phân công lao động xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, từ kinh nghiệm phát triển sản xuất hàng hóa lớn về chè ở Minh Long nên nhân rộng để phát triển cây chè, hoặc các cây kinh tế khác trên đất miền tây Quảng Ngãi và cả ở những huyện, tỉnh có điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tương đồng. Khi đó, chắc chắn hiệu quả kinh doanh tính trên đồng vốn đầu tư sẽ có mức tăng trưởng ngày càng cao và bền vững. Thiết nghĩ đây chính là một yêu cầu khách quan.

Sáu là, tập trung xây dựng thương hiệu, tổ chức khơi thông thị trường quảng bá cho chè sạch Minh Long ở trong và ngoài nước.

Bảy là, tổ chức hội khuyến nông và hội người trồng chègiỏi đạt hiệu quả cao, làm giàu chính bằng cây chè xanh, sạch, chất lượng trên đất Minh Long nhằm tạo phong trào thi đua sản xuất./.
 

(1) PGS. TS lê Trọng: Những vấn đề kinh tế kỹ thuật về cây sắn công nghiệp, Nxb Nông nghiệp, 2007.