Giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hương Khê và sự phát huy những giá trị truyền thống trên vùng đất Vũ Quang hiện nay

PGS, TS Trần Thị Thu Hương - Nguyễn Văn Biểu
Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng - Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
07:15, ngày 08-07-2023

TCCS - Cuộc khởi nghĩa Hương Khê dưới sự lãnh đạo của nhà yêu nước Phan Đình Phùng kéo dài hơn 10 năm (1885 - 1896). Trong suốt chiều dài lịch sử, cuộc khởi nghĩa Hương Khê trở thành trung tâm thống nhất các phong trào cùng thời về một mối, tiêu biểu nhất cho phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp trong giai đoạn những năm cuối thế kỷ XIX.

Trong Văn kiện của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5-1941), Hội nghị đầu tiên ở trong nước do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chủ trì, đã khắc ghi những tấm gương “nghĩa liệt”, trong đó có Phan Đình Phùng - vị lãnh tụ của khởi nghĩa Hương Khê: “Từ khi Pháp lấy nước ta đã có biết bao vị anh hùng cứu quốc đứng ra chống với quân thù: gương nghĩa liệt Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Lương Ngọc Quyến mà đồng bào ta ai ai cũng biết. Noi theo gương ấy, vừa rồi đây đồng bào ta ở Đô Lương, Bắc Sơn, Nam Kỳ đã phất cao cờ giải phóng chống lại quân thù”(1). Do vậy, xuôi theo dòng lịch sử, với những thắng lợi vĩ đại mà đất nước ta giành được, chúng ta càng thấu hiểu hơn giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hương Khê đối với tiến trình dựng nước và giữ nước. Những giá trị truyền thống đó đã và đang tiếp tục được phát huy trong bối cảnh lịch sử mới hiện nay.

Những giá trị lịch sử vững bền

Thứ nhất, cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã nêu lên một tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, về ý chí chiến đấu kiên cường, làm rạng rỡ thêm truyền thống anh hùng vốn có từ hàng ngàn đời ở vùng đất Hà Tĩnh.

Hương Khê là một huyện miền núi phía tây tỉnh Hà Tĩnh, nơi đây có đại bản doanh của một trong những cuộc khởi nghĩa lớn, với quy mô lan rộng cả bốn tỉnh Bắc Trung Kỳ và kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương vào cuối thế kỷ XIX (từ năm 1885 đến năm 1896). Với tinh thần yêu nước bất diệt, luôn đặt quyền lợi của dân tộc, nhân dân lên trên hết, cùng bản lĩnh và khí phách, nhà yêu nước Phan Đình Phùng(2) đã đứng lên lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Mặc dù trước đó, khi làm quan Ngự sử trong triều đình Huế, Phan Đình Phùng đã từng bị Tôn Thất Thuyết tước hết chức vụ, bị đày về quê nhà vì lên tiếng phản đối Tôn Thất Thuyết phế bỏ vua Dục Đức mới lên ngôi được ba ngày. Nhưng khi nghe tin vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết phát hịch Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu và nhân dân cả nước đứng lên đánh giặc giúp vua, cứu nước, nhà chí sĩ họ Phan đã giương cao ngọn cờ Cần Vương, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc “dù chết cũng không từ”.

Với quyết tâm ấy, trong giai đoạn 1885 - 1888, Phan Đình Phùng chuẩn bị lực lượng, xây dựng cơ sở chiến đấu của nghĩa quân. Một trong những trợ thủ đắc lực của Phan Đình Phùng là thủ lĩnh quân sự xuất sắc Cao Thắng. Ông Cao Thắng tích cực chiêu tập binh sĩ, trang bị, huấn luyện và xây dựng căn cứ trên vùng rừng núi của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Từ năm 1888 đến năm 1896, nghĩa quân bước vào giai đoạn chiến đấu quyết liệt. Sau một thời gian ra Bắc Kỳ, tìm cách liên lạc với các văn thân, sĩ phu, Phan Đình Phùng trở về Hà Tĩnh, cùng Cao Thắng trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Nghĩa quân Hương Khê được phiên chế thành 15 quân thứ, đặt dưới sự chỉ huy của những tướng lĩnh tài ba. Cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã nhanh chóng thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong nhân dân, tạo thành một phong trào vũ trang chống thực dân Pháp sôi nổi, kéo dài liên tục ở bốn tỉnh và trên khắp cả nước, tới hơn 10 năm mới chấm dứt. Với vai trò, ý nghĩa và những đóng góp như vậy, cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã đánh dấu một cột mốc quan trọng trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của dân tộc ta nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Hình ảnh của Phan Đình Phùng và Cao Thắng đã trở thành những biểu tượng của lòng yêu nước mỗi khi đất nước chống giặc ngoại xâm. Nhà sử học người Pháp - Charles Fourniaux đã viết về vai trò của Phan Đình Phùng và cuộc khởi nghĩa Hương Khê: “Đúng vào lúc Cần Vương gục ngã ở Bắc Kỳ đã xuất hiện một luồng gió thứ hai ở Trung Kỳ, dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng”(3).

Mặc dù cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng như các cuộc khởi nghĩa khác của phong trào Cần Vương cuối cùng đều không thành công, nhưng “trước khi lịch sử Việt Nam bước sang một giai đoạn mới với một giai cấp lãnh đạo mới, phong trào Cần Vương vẫn là một phong trào dân tộc mà cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng là tiêu biểu”(4).

Thứ hai, cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã có đóng góp quan trọng vào việc cản trở quá trình thực dân Pháp “bình định” Việt Nam.

Từ năm 1885, khi phái chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu ra chiếu Cần Vương cứu nước, mặc dù triều đình nhà Nguyễn đã đầu hàng, nhưng cả một cao trào yêu nước chống thực dân Pháp đã dâng lên từ Nam chí Bắc nhằm chống lại quá trình “bình định” Việt Nam của thực dân Pháp. Tại Hà Tĩnh, còn có thủ lĩnh Lê Ninh khởi nghĩa ở Trung Lễ (nay là xã Đức Trung, huyện Đức Thọ). Phan Đình Phùng sau khi được Tôn Thất Thuyết bí mật phong chức Tham biện Sơn phòng sứ Hà Tĩnh với trách nhiệm chuẩn bị lực lượng, đã đứng ra triệu tập một cuộc họp các văn thân, sĩ phu trong vùng. Hội nghị đã nhất trí quyết định khởi nghĩa và cử Phan Đình Phùng lãnh đạo phong trào.

Nghĩa quân Hương Khê dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở với hệ thống công trình quân sự chằng chịt để tiến hành chiến tranh du kích. Nghĩa quân luôn phân tán hoạt động và áp dụng nhiều chiến thuật nhằm tiêu diệt quân địch. Nghĩa quân xây dựng một hệ thống đồn lũy tựa lưng vào dãy núi Thiên Nhẫn và Giăng Màn, vây kín ba mặt Bắc, Tây, Nam để có thể sẵn sàng ứng cứu cho nhau một cách nhanh chóng. Ngoài ra, nghĩa quân còn xây dựng các con đường rút lui khác nhau, còn thực dân Pháp tiến vào chỉ có một con đường độc đạo (nay là từ thị xã Hồng Lĩnh đến cửa khẩu Cầu Treo). Chính vì thế, những căn cứ này vẫn đứng vững cho đến ngày cuối cùng của cuộc khởi nghĩa (năm 1896).  

Chiến lược của nghĩa quân Phan Đình Phùng chủ yếu dựa vào địa hình tự nhiên và công trình quân sự kiên cố để phòng thủ và chiến đấu với quân địch. Phan Đình Phùng đã chia địa bàn thành 15 quân thứ, đồng thời dựa vào địa thế rừng núi hiểm yếu, lựa chọn xây dựng lực lượng và cơ sở chiến đấu chính nằm ở hai huyện Hương Sơn và Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Nghĩa quân được tổ chức theo lối chính quy, có kỷ luật nghiêm minh; biết sử dụng các phương thức tác chiến linh hoạt, phong phú, phát huy tính chủ động, sáng tạo khi giáp trận với đối phương. Nghĩa quân không chỉ thủ hiểm một chỗ, mà còn phân tán đi các nơi, tập kích các đồn lẻ và đánh chặn đường tiếp tế của địch. Về trang thiết bị, ngoài những vũ khí thông thường, nghĩa quân còn có khoảng 500 khẩu súng tự chế (kiểu súng Pháp năm 1874) và rất nhiều súng hỏa mai, do vậy đã gây ra không ít tổn thất, khó khăn cho quân địch.

Năm 1889, dưới sự lãnh đạo của Phan Đình Phùng, địa bàn hoạt động của nghĩa quân đã được mở rộng ra khắp bốn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trước tình hình đó, thực dân Pháp đã bố trí nhiều đồn lẻ ở các nơi để phong tỏa từng khu vực nhằm cản trở hoạt động của nghĩa quân. Riêng ở Hương Khê, thực dân Pháp đã cho lập tới 20 đồn, mỗi đồn có khoảng 30 lính đóng giữ. Chỉ tính từ năm 1889 đến 1892, nghĩa quân đã phối hợp và triển khai các hoạt động trên một vùng đất rộng lớn, gồm Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, Nghi Lộc... Theo sách Việt sử tân biên, nghĩa quân đã tổ chức được 28 trận địa lớn, nhỏ trong giai đoạn này để tập kích và chống lại sự càn quét của quân địch.

Cuộc khởi nghĩa từ đại bản doanh Vũ Quang đã lãnh đạo nghĩa quân bốn tỉnh Bắc - Trung Kỳ, buộc thực dân Pháp dồn quân đối phó, làm cản trở con đường đi lại Bắc - Nam và công cuộc thôn tính Việt Nam của thực dân Pháp. Cho đến khi thực dân Pháp dập tắt khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần Vương mới chính thức chấm dứt và từ đây, thực dân Pháp mới tiến hành khai thác thuộc địa ở Việt Nam. Như vậy, phải sau hơn 10 năm triều đình nhà Nguyễn đầu hàng hoàn toàn, thực dân Pháp mới hoàn thành quá trình “bình định” các phong trào phản kháng chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Dù khởi nghĩa thất bại, nhưng trong bối cảnh tương quan lực lượng quá chênh lệch, những sáng tạo về xây dựng làng chiến đấu trên các địa bàn khác nhau (đồng bằng, trung du, rừng núi); về chiến tranh du kích, lấy ít địch nhiều, lấy yếu chống mạnh; về động viên toàn dân đánh giặc và thực hiện chiến lược chiến tranh nhân dân... đã để lại những bài học vô cùng quý giá, được đúc kết và vận dụng trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc sau này.

Thứ ba, với quy mô trải rộng và kéo dài trên 10 năm, cuộc khởi nghĩa Hương Khê đã quy tụ được lòng dân, huy động cao độ sự ủng hộ của nhân dân chống thực dân Pháp.

Một trong những nguyên nhân đưa cuộc khởi nghĩa Hương Khê trở thành cuộc khởi nghĩa kéo dài nhất của phong trào Cần Vương chính là khả năng quy tụ lòng dân của cuộc khởi nghĩa. Trong khi thực dân Pháp và vua quan Nam triều còn đang vơ vét tài sản và bóc lột sức lao động của người dân, thì nhân dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình vẫn tự nguyện nộp thuế chính thức cho nghĩa quân, mỗi mẫu ruộng là một đồng bạc. Thóc gạo địa phương một phần đủ chi dùng, còn lại tập trung vào đại bản doanh là đồn Vũ Quang. Người dân hết lòng với nghĩa quân như vậy, cũng bởi quân lệnh cấm các nghĩa quân không được tham ô, chiếm đoạt tài sản của nhân dân. Ai đóng góp gì cho nghĩa quân đều có sổ sách ghi rõ ràng, chi tiết. Ngoài những trận đánh ở núi rừng, nghĩa quân thường cải trang vào các làng để tập kích từng toán giặc. Do có sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân đã nhiều lần giành thắng lợi. Thực dân Pháp đã nhận ra rằng, muốn tiêu diệt nghĩa quân của Phan Đình Phùng không còn cách nào khác là phải cắt đứt sự liên hệ của nghĩa quân với nhân dân. Trong những ngày long đong ở núi Quạt, nghĩa quân thiếu lương thực, thực phẩm, người dân địa phương vẫn tìm cách vượt rừng, lội suối để tiếp tế cho nghĩa quân.

Có thể thấy rằng, trước cảnh nước mất, nhà tan, làng mạc bị tàn phá, nội chính triều đình lục đục, chia thành nhiều phe phái, để quy tụ được lòng dân, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa phải là người có tài cao, đức trọng, có uy tín để đương đầu với giặc ngoại xâm. Và người đó chính là thủ lĩnh Phan Đình Phùng -  người sinh ra trong gia đình làm quan ở Hà Tĩnh. Phan Đình Phùng tiếp nối truyền thống của tổ tiên bằng việc đỗ đầu trong các kỳ thi ở kinh thành Huế năm 1877. Ông nhanh chóng thăng quan tiến chức dưới thời kỳ vua Tự Đức nhà Nguyễn, nổi tiếng thanh liêm, chính trực, lập trường kiên quyết chống tham nhũng. Con người của Phan Đình Phùng luôn hết lòng vì dân, biết dựa vào dân, luôn kiên quyết chiến đấu chống thực dân Pháp đến cùng, vì vậy nhân dân đã một lòng, một dạ đi theo nghĩa quân. Trong bức thư trả lời cho Hoàng Cao Khải, Phan Đình Phùng đã nói về tinh thần ủng hộ của nhân dân: “Từ lúc tôi khởi nghĩa đến nay đã trải mười năm trời, những người đem thân theo việc nghĩa, hoặc đã bị trách phạt, hoặc đã bị chém giết, vậy mà lòng người trước sau chẳng hề lấy thế làm chán nản ngã lòng bao giờ; trái lại, họ vẫn ra tài ra sức giúp đỡ tôi và lại số người mạnh bạo ra theo tôi càng ngày càng nhiều thêm mãi. Nào có phải người ta lấy điều tai vạ hiểm nguy làm sung sướng thèm thuồng mà bỏ nhà dấn thân ra theo tôi như vậy đâu. Chỉ vì họ tin cậy lòng tôi, lượng xét chi tôi cho nên hăm hở vậy đó...”(5).

Với tâm nguyện một lòng cứu nước, vị thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hương Khê cũng đã nhận được sự góp công sức của nhiều giai tầng trong xã hội lúc bấy giờ. Theo giúp Phan Đình Phùng, còn có các trí thức, như Tiến sĩ Phan Trọng Mưu, Cử nhân Phan Quảng Cư, Ấm Ninh (Lê Ninh),... và rất nhiều người chỉ huy xuất thân từ nhân dân lao động nghèo khổ, như Cao Thắng, Nguyễn Chanh, Nguyễn Trạch, Lê Văn Tạc, Phan Đình Can, Phan Đình Phong, Nguyễn Mục, Phan Bá Niên,... Do vậy, cuộc khởi nghĩa kéo dài nhất trong phong trào chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đã đi vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta: “Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng là tiêu biểu của phong trào văn thân (1885 - 1896), nổ ra đầu tiên và cũng kết thúc cuối cùng”(6).

Tuy bị thất bại, song đây là cuộc khởi nghĩa đỉnh cao nhất trong phong trào chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX của nhân dân Hà Tĩnh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Cuộc khởi nghĩa do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo cũng là cuộc khởi nghĩa kết thúc thời kỳ các sĩ phu phong kiến yêu nước lãnh đạo phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Phát huy giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trên vùng đất Vũ Quang trong công cuộc đổi mới hiện nay

Diện mạo huyện Vũ Quang (tỉnh Hà Tĩnh) hôm nay_Nguồn: dangcongsan.vn

Đại bản doanh Vũ Quang - trung tâm lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Hương Khê - trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2000(7). Theo lịch sử của huyện Vũ Quang và các thư tịch cổ ghi lại, Vũ Quang trước đây thuộc một phần của dãy núi Trường Sơn Bắc, nằm giữa ngọn Rào Cỏ (Hương Khê) và ngọn Giăng Màn (Hương Sơn), thuộc lưu vực hai con sông Ngàn Sâu và Ngàn Trươi.

Phát huy truyền thống lịch sử, Vũ Quang - địa danh không chỉ được cả nước biết đến là căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa điển hình với quy mô rộng lớn nhất, kéo dài nhất trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp vào cuối thế kỷ XIX, mà còn là vùng đất có nhiều chi bộ đảng tiêu biểu được thành lập sớm, như Chi bộ Mai Hoa ở Đức Giang, chi bộ xã Hương Khê, các tổ chức đảng ở Thượng Bồng… Đây là những chi bộ đảng được thành lập sớm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lúc bấy giờ. Đồng hành với lịch sử của dân tộc, vùng đất Vũ Quang tiếp tục có những đóng góp quan trọng khi trở thành an toàn khu, là hậu phương vững chắc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc.

Bước vào công cuộc đổi mới, đặc biệt kể từ khi chính thức được thành lập, kế thừa mạch nguồn lịch sử và khí chất của vùng đất Cần Vương, các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân huyện Vũ Quang đã nỗ lực vượt khó, xây dựng Vũ Quang từ miền quê “sương mù ẩm ướt”, từ một vùng rừng thiêng, nước độc, thế núi, hình sông dựng nên trận đồ cho các cuộc kháng chiến, thì nay Vũ Quang đã bừng ánh phát triển giữa đại ngàn hùng vĩ.

Thời kỳ đầu thành lập, số lượng cán bộ vừa mới, vừa thiếu; tỷ lệ hộ nghèo cao; kinh tế chủ yếu là tự cung, tự cấp; kết cấu hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Thế nhưng, phát huy truyền thống cách mạng, vượt lên gian khổ, khó khăn, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang đã tạo nên những thành quả to lớn trên nhiều lĩnh vực. Từ một miền quê nghèo, giao thông cách trở, sau hơn hai thập niên thành lập, huyện Vũ Quang đã có những bước chuyển mình quan trọng.

Thành tích nổi bật nhất cũng là bước đột phá mạnh mẽ của Vũ Quang là xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 100% số xã đã về đích nông thôn mới; toàn huyện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Đức Lĩnh, Ân Phú, Hương Minh, Đức Hương và Quang Thọ; Vũ Quang đang dần hình thành đô thị văn minh theo hướng sinh thái. Đặc biệt, tháng 3-2021, Vũ Quang được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước vào tháng 9-2021. Thành tích này là sự kết tinh của tinh thần kiên cường, vượt khó, khát vọng vươn lên thoát khỏi đói nghèo của các thế hệ người dân nơi đây.

Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của huyện Vũ Quang đạt gần 45,1 triệu đồng/năm, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đều không ngừng được nâng cao. Đó chính là thành quả của công sức, trí tuệ, sự kiên trì, tâm huyết của Đảng bộ, chính quyền và người dân Vũ Quang trong phát huy những giá trị truyền thống của vùng đất linh thiêng này. Mạch nguồn lịch sử, khí chất của vùng đất Cần Vương cùng với thành quả hơn 20 năm đổi mới là điểm tựa, niềm tin để Đảng bộ và nhân dân huyện Vũ Quang viết tiếp trang sử mới. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Vũ Quang phát huy các giá trị truyền thống, kinh nghiệm của các bậc tiền bối; đồng thời khơi dậy khát vọng và sức mạnh trong nhân dân, quyết tâm xây dựng huyện trở thành vùng quê trù phú, cán đích huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Đây là sự quán triệt sâu sắc tinh thần của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào thực tiễn của địa phương Vũ Quang. Tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam sau 35 năm đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”(8).

Với những thành quả đã đạt được, với định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra, Đảng bộ và nhân dân Vũ Quang tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, khí phách Cần Vương, không ngừng nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, khơi dậy khát vọng và sức mạnh trong toàn dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết, xây dựng Vũ Quang phát triển toàn diện, vững mạnh./.

----------------------------------

(1) Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.7, tr. 149
(2) Phan Đình Phùng sinh năm 1847, quê ở làng Đông Thái (nay thuộc xã Tùng Ánh), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1877, ông thi đỗ Đình nguyên Tiến sĩ, từng làm quan Ngự sử trong triều đình.
(3) Fourniau: “Annam - Tonkin 1885 - 1896: Lettrés et paysans vietnamiens face à la conquête coloniale” (Tạm dịch: Trung Kỳ - Bắc Kỳ 1885 - 1896: Các văn thân và nông dân Việt Nam đương đầu với cuộc chinh phục thuộc địa), L’Harmattan, Paris, 1989, tr. 197
(4) Trần Huy Liệu “ Cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, tiêu biểu cho phong trào Văn thân 1885 - 1896” trong: Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa: Tập san Nghiên cứu Văn Sử Địa, số 45, tháng 10-1958, tr. 16
(5) Trần Huy Liệu: “Cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, tiêu biểu cho phong trào Văn thân 1885 - 1896”, Tlđd, tr. 9
(6) Trần Huy Liệu: “Cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, tiêu biểu của phong trào văn thân 1885 - 1896”, Tlđd, tr. 2
(7) Huyện Vũ Quang ra đời trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của các huyện Đức Thọ, Hương Khê và Hương Sơn gồm 12 xã; sau sáp nhập nay còn 9 xã và 1 thị trấn (ngày 4-8-2000, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 27/2000/NĐ-CP về việc thành lập huyện Vũ Quang).
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t.II, tr. 324