Các giải pháp nâng cao chất lượng công tác nắm bắt dư luận trong thời đại bùng nổ thông tin mạng hiện nay
TCCS - Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”(1). Những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội luôn xác định, dư luận xã hội là một kênh thông tin rất quan trọng để các cấp ủy, chính quyền lắng nghe, nắm bắt tâm trạng xã hội, kịp thời điều chỉnh các chủ trương, chính sách cho phù hợp với thực tiễn và nguyên vọng của nhân dân. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, môi trường mạng trở thành không gian thông tin trọng yếu, nơi biểu cảm rõ trạng thái tinh thần xã hội, cần kịp thời nắm bắt để định hướng dư luận, hóa giải những xung đột xã hội, khủng hoảng thông tin, tạo sự đồng thuận xã hội và môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Dự báo sớm, nhận diện đúng và đấu tranh hiệu quả để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 1-2022, số lượng người dùng internet ở Việt Nam là 72,1 triệu, chiếm hơn 73% dân số; số người sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội ở Việt Nam là khoảng 76,96 triệu người, tương đương 78,1% dân số. Tốc độ lan truyền thông tin và tầm ảnh hưởng đối với dư luận xã hội thông qua các phương tiện truyền thông xã hội ngày càng lớn. Đây thực sự trở thành kênh thông tin quan trọng để kịp thời nắm bắt tư tưởng, nhận thức, mối quan tâm, nguyện vọng… của người dân trước các hiện tượng, vấn đề xã hội. Việc nắm bắt dư luận xã hội qua các phương tiện truyền thông xã hội là một cơ sở quan trọng cho việc lãnh đạo, quản lý xã hội và đề ra các quyết sách phát triển của cấp ủy, chính quyền các cấp. Việc nắm bắt kịp thời giúp định hướng dư luận xã hội, thúc đẩy tâm lý, tâm trạng xã hội lành mạnh, tích cực, đồng thời đấu tranh, bài trừ các thông tin xấu, độc, cản trở sự phát triển; ngược lại, nếu không nắm chắc được tình hình trên không gian mạng có thể khiến phát sinh những điểm nóng thông tin, gây những hệ lụy chính trị, kinh tế, xã hội… khó lường.
Đặc biệt, với vai trò là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ hàng đầu của nước ta, Hà Nội là địa phương thường xuyên tiếp nhận các luồng dư luận xã hội đa chiều, nhiều vấn đề dễ trở thành các điểm nóng dư luận. Nhiều cộng đồng xã hội thông qua các phương tiện truyền thông xã hội có những phản biện, góp ý xây dựng giá trị với thành phố, thể hiện trách nhiệm cộng đồng cao; đồng thời, cũng có không ít những tổ chức, cá nhân cố ý hay vô tình cổ xúy, đăng tải, like, share thông tin sai sự thật, gây bất lợi cho nỗ lực của chính quyền và nhân dân thành phố, thậm chí một số bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng, reo rắc thông tin giả mạo, gây bất ổn tâm trạng xã hội, kích động các hoạt động chống phá, làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Những năm qua, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận số 100-KL/TW, ngày 18-8-2014, của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 thẳng thắn đánh giá, công tác nắm bắt, dự báo tình hình, tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong giải quyết một số vụ việc phát sinh, giải quyết điểm nóng... còn hạn chế. Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch về điều tra, nắm bắt dư luận xã hội, đẩy mạnh đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền và nghiên cứu, nắm bắt tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội gắn với đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của thành phố. Nâng cao chất lượng báo cáo thường xuyên, báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất về dư luận xã hội khi có vụ, việc phát sinh, chú trọng tính dự báo và giải pháp xử lý, phục vụ đắc lực công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố.
Thành phố xác định rõ, không gian mạng và các phương tiện truyền thông xã hội là địa hạt quan trọng để cán bộ tuyên giáo, báo chí, tuyên truyền viên tác nghiệp, tuyệt đối không được bỏ trống; tiến hành tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ, đào tạo đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, kỹ năng khai thác và sử dụng có hiệu quả các công cụ, phương tiện, phương pháp nắm bắt, định hướng dư luận thông qua các phương tiện truyền thông xã hội trong tình hình mới. Đến nay, các hội nghị giao ban báo chí vào chiều thứ ba hằng tuần của Ban Tuyên giáo Thành ủy; tổ chức cung cấp thông tin về các sự kiện, vụ, việc dư luận quan tâm; tổ chức đối thoại tại hiện trường để cung cấp thông tin cho báo chí về những vấn đề nóng; duy trì bản tin nội bộ hằng tháng cung cấp các thông tin định hướng cho cán bộ, đảng viên... được duy trì đều đặn, hiệu quả.
Định kỳ hằng quý, Ban Tuyên giáo Thành ủy và ngành tuyên giáo tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội để nhận diện rõ các nguy cơ, dấu hiệu nảy sinh dư luận tiêu cực, hình thành điểm nóng. Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng mạng lưới nắm bắt thông tin dư luận xã hội xuống tận tổ dân phố, thôn, làng; thiết lập các trang fanpage trên Facebook để cung cấp thông tin định hướng; huy động sức mạnh nhân dân tham gia phản bác các luận điệu sai trái trên các phương tiện truyền thông xã hội... Đặc biệt, đã ứng dụng hiệu quả phần mềm công nghệ để theo dõi và phân tích các chỉ số lắng nghe mạng xã hội, như nội dung thảo luận dựa trên sắc thái cảm xúc của người đọc; các chủ đề, bài viết, từ khóa đang nổi bật trên các kênh phương tiện truyền thông xã hội; phân loại và hệ thống hóa chân dung các nhóm đối tượng thảo luận về các chủ đề và phân nhóm các nội dung nhạy cảm theo từng chủ đề chính trị, an ninh và xã hội. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp thường xuyên theo sát tình hình dư luận xã hội và có chỉ đạo xử lý ngay những vấn đề nóng, nổi cộm mà dư luận quan tâm; hằng tháng tổng hợp báo cáo ý kiến, kiến nghị của nhân dân lên Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố và các ngành chức năng.
Có thể nói, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội thông qua các nền tảng truyền thông xã hội của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thời gian qua đã được duy trì nền nếp và đạt hiệu quả tích cực. Nhiều ý kiến, kiến nghị của nhân dân xung quanh các chương trình, dự án, quyết định trên không gian mạng giúp các cấp ủy, chính quyền của thành phố có thêm thông tin cần thiết để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Nhờ nắm chắc thông tin dư luận xã hội, các cơ quan chức năng của thành phố phát hiện, hạn chế được các luồng dư luận tiêu cực và thông tin xấu, độc; đẩy lùi âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch.
Tuy nhiên, công tác nắm bắt dư luận xã hội trên không gian mạng vẫn còn không ít hạn chế, một số vụ, việc chậm được nắm bắt, công tác dự báo và ứng phó bị động; giải pháp xử lý chưa thực sự hiệu quả, thiếu đồng bộ về mặt nội dung, kỹ thuật, điều chỉnh về pháp lý, đạo đức và văn hóa trên các phương tiện truyền thông xã hội; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ…
Giải pháp nâng cao chất lượng việc nắm bắt dư luận xã hội thông qua nền tảng truyền thông xã hội
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu: Không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm hiệu quả; bảo vệ tuyệt đối an toàn các cơ quan đầu não của Trung ương và thành phố, các sự kiện quốc gia, quốc tế. Để thực hiện được các mục tiêu quan trọng này, cần thực hiện tốt một số giải pháp:
Một là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố Hà Nội cần luôn bám sát và nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác tuyên giáo; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, gắn công tác dư luận xã hội với công tác tư tưởng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên của chi, đảng bộ và của mỗi cán bộ, đảng viên; tiếp tục nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị của thành phố về vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết của công tác nắm bắt dư luận xã hội trên không gian mạng. Chủ động, thường xuyên nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng để có biện pháp giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề nảy sinh, phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương; xác định vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội.
Hai là, nâng cao trách nhiệm của Ban Tuyên giáo Thành ủy, các ban tuyên giáo cơ sở và sự phối hợp giữa các ban, ngành có liên quan; tạo điều kiện, cơ chế thuận lợi để các cơ quan chức năng trong hệ thống chính trị tăng cường phối hợp trong tổng hợp, phân tích tình hình tư tưởng trên không gian mạng chính xác, kịp thời; phân công, phân cấp theo chức năng, nhiệm vụ để mỗi cơ quan, đơn vị nắm số liệu, tư liệu liên quan đến tình hình tư tưởng của nhân dân ở địa bàn, lĩnh vực quản lý, từ đó tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp của thành phố lãnh đạo, chỉ đạo đạt hiệu quả. Duy trì các nhóm trực tuyến trên các phương tiện truyền thông xã hội của lực lượng làm công tác tuyên giáo, tổ chức, dân vận, kiểm tra, thanh tra, dân tộc, tôn giáo... để trao đổi nghiệp vụ, truyền thông chính sách, nắm bắt thông tin, ý kiến của người dân… Đồng thời, tăng cường việc tiếp xúc trực tiếp với người dân của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở.
Ba là, cần xây dựng và ban hành quy chế, quy định cụ thể về việc nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên nền tảng truyền thông xã hội để bảo đảm việc thực hiện thống nhất trong hệ thống chính trị của thành phố; tạo sự đồng thuận cao giữa các cơ quan, đơn vị về nhận thức, phương pháp nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng; thiết lập các kênh thông tin trên internet, đầu tư các trang thiết bị cần thiết phục vụ việc nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; chủ động cung cấp thông tin chính thống, nguồn thông tin đáng tin cậy, nội dung thông tin chính xác, đầy đủ về những vấn đề dư luận quan tâm nhằm nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, không để “khoảng trống” thông tin trên internet; phối hợp chặt chẽ với cơ quan báo chí để làm tốt công tác tuyên truyền; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản công tác ứng phó với khủng hoảng thông tin nếu xảy ra.
Bốn là, tiếp tục xây dựng, củng cố đội ngũ làm công tác dư luận xã hội và đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội; sớm có chủ trương, giải pháp, cơ chế, quy chế phát huy cao nhất vai trò của đội ngũ cộng tác viên; thường xuyên tổ chức hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên nền tảng truyền thông xã hội phục vụ công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò của hơn 450.000 đảng viên của Hà Nội (chiếm gần 10% số đảng viên cả nước), các nhà khoa học, văn nghệ sĩ, trí thức, người có uy tín ở địa phương... đang sinh sống, công tác, gắn bó với Thủ đô trong việc định hướng dư luận xã hội.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt dư luận xã hội, dự báo tình hình theo hướng bám sát thực tiễn của đời sống xã hội, hướng về cơ sở, hướng tới từng đối tượng cụ thể gắn với các sự kiện và nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, minh bạch hóa thông tin, gia tăng tương tác giữa cấp ủy, chính quyền và nhân dân qua các kênh trực tuyến; tăng cường phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trên không gian mạng./.
---------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 181
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ hiện đại vào xử lý rác thải rắn sinh hoạt  (12/08/2022)
Khánh thành cụm tượng đài “Công an nhân dân vì dân phục vụ”  (18/07/2022)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri Hà Nội sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV  (23/06/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển