Quan điểm của Đảng về văn hóa trong phát triển kinh tế từ “Đề cương về văn hóa Việt Nam” năm 1943 đến nay
TCCS - Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 là một văn kiện quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kể từ khi ra đời cho đến nay, Văn kiện này vẫn giữ nguyên giá trị là bản tuyên ngôn, là cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa và mối quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Trong gần tám thập niên qua, nhiều định hướng quan trọng của Đề cương về văn hóa Việt Nam, trong đó có quan điểm về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, đã được Đảng ta tiếp tục kế thừa, bổ sung trong giai đoạn đổi mới đất nước.
Giá trị quan điểm văn hóa trong phát triển kinh tế của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943(1)
Đề cương về văn hóa Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đề cương) ra đời trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội rất rối ren của đất nước những năm 40 thế kỷ XX. Đó là lúc cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đang đi gần tới kết thúc, Nhật Bản xâm chiếm Đông Dương, thiết lập chế độ phát-xít ở đây. Cách mạng Việt Nam lúc này không những đứng trước một tình thế vô cùng căng thẳng “ngàn cân treo sợi tóc”, mà còn gặp phải những thủ đoạn của phát-xít hòng trói buộc văn hóa, thậm chí giết chết tiền đồ của nền văn hóa dân tộc ta.
Cuộc cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo đang bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa là một tất yếu chính trị. Tuy nhiên trong bối cảnh lúc bấy giờ, trước hết rất cần phải có một sự thay đổi cơ bản có tính lý luận về tư tưởng - văn hóa. Đề cương ra đời đáp ứng cơ bản yêu cầu đó của lịch sử cách mạng dân tộc. Có thể thấy, giá trị tư tưởng - văn hóa của Đề cương xét trong bối cảnh lúc bấy giờ, ở các phương diện sau đây:
Thứ nhất, khẳng định vị trí của văn hóa trong mối quan hệ với kinh tế và chính trị trong sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Trước hết, thể hiện ở cách đặt vấn đề của Đề cương: 1- Văn hóa phải được nhận thức bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; 2- Quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; 3- Thái độ của Đảng đối với vấn đề văn hóa.
Văn hóa phải được quan niệm bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật. Văn hóa phải được nhận thức như một hệ thống, trong đó giữa tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; giữa văn hóa, kinh tế và chính trị; giữa các nguyên tắc dân tộc, đại chúng và khoa học... có mối quan hệ qua lại tất yếu với nhau, chi phối sự vận động và phát triển nền văn hóa Việt Nam và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam do Đảng lãnh đạo.
Thứ hai, chỉ ra bản chất mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế. Đề cương cho rằng, nền tảng kinh tế của một xã hội và chế độ kinh tế dựng trên nền tảng ấy quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội đó (cơ sở hạ tầng quyết định kiến trúc thượng tầng). Trong mối quan hệ này, với tư cách là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, xét cho cùng thì văn hóa phản ánh hiện thực và do cơ sở kinh tế quyết định.
Mặt khác, văn hóa được nhận thức không những là cái phản ánh kinh tế, chịu sự quyết định của kinh tế, mà còn tác động quan trọng đến phát triển của chính trị, kinh tế, xã hội. Đây chính là một trong những nội dung quan trọng, quy luật cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử.
Thứ ba, khẳng định thái độ của Đảng đối với vấn đề văn hóa trong cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo. Điều này thể hiện ở quan điểm: a- Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) mà ở đó người cộng sản phải hoạt động; b- Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa; c- Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Sự lãnh đạo của Đảng ở cả ba mặt trận là tất yếu, và Đảng khẳng định, trong bối cảnh bấy giờ cuộc cách mạng văn hóa phải đi trước một bước. Đề cương đã chỉ ra những vấn đề cơ bản của văn hóa Việt Nam, như tính chất và lịch sử, những nguy cơ trước mắt của văn hóa Việt Nam; vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam, mục đích trước mắt và những công việc phải làm... Phải làm cách mạng văn hóa thì mới tạo cơ sở cho việc hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Cuộc cải cách văn hóa có ý nghĩa dọn đường, là nền tảng nhận thức lý luận tư tưởng - văn hóa cho cách mạng về chính trị và kinh tế. Tuy nhiên, Đề cương cũng khẳng định rằng, cách mạng văn hóa chỉ có thể hoàn thành khi cách mạng kinh tế và chính trị thành công. Sự phát triển của cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế là cơ sở để hoàn thành cách mạng văn hóa.
Trong bối cảnh lịch sử bấy giờ, nhận thức lý luận về vị trí, vai trò của văn hóa, đặc biệt là quan điểm về vai trò văn hóa trong phát triển kinh tế của Đề cương, là cơ sở lý luận quan trọng để tập hợp, phát huy sức mạnh của quần chúng và giới trí thức trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Giá trị của quan điểm đó đã được Đảng kế thừa và phát triển trong quá trình cách mạng, đặc biệt là trong giai đoạn đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của đất nước.
Quan điểm của Đảng về văn hóa trong phát triển kinh tế thời kỳ đổi mới
Một là, phát triển nhận thức lý luận về mối quan hệ giữa chính sách kinh tế và chính sách văn hóa, xã hội thời kỳ đầu đổi mới.
Trước hết đó là phải khắc phục thái độ coi nhẹ chính sách phát triển văn hóa, xã hội. Đảng khẳng định, trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách văn hóa, xã hội, nhưng phát triển văn hóa, xã hội cũng chính nhằm phát huy yếu tố con người và lấy việc phục vụ con người làm mục đích cao nhất của sự phát triển kinh tế - xã hội(2). Quan điểm của Đảng đã chỉ rõ phải có sự “kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội; giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”(3).
Hai là, phát triển nhận thức lý luận về sự thống nhất giữa phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội và con người.
Lần đầu tiên trong Văn kiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII, ngày 4-1-1993, “Về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt”, Đảng đã khẳng định: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”(4). So với nội dung được nêu trong Đề cương thì quan điểm của Đảng từ Nghị quyết này đã đưa ra những nội hàm cơ bản nhất về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt đến Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Đảng đã khẳng định sự thống nhất giữa phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội và con người: Mục tiêu của các lĩnh vực văn hóa - xã hội là nhằm chăm sóc, bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, với tư cách vừa là động lực, vừa là mục tiêu của cách mạng... Tăng trưởng kinh tế phải gắn với tiến bộ và công bằng xã hội(5). Mối quan hệ giữa phát triển văn hóa, xã hội và con người được khẳng định chúng ta phải: “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng nền tảng tinh thần của dân tộc ta, coi đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội... Quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam cũng chính là quá trình thực hiện chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người...”(6). Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển văn hóa là cơ sở để phát triển, hoàn thiện nhân cách con người với những phẩm chất cụ thể. Phát triển con người với tư cách là chủ thể của phát triển văn hóa và kinh tế.
Ba là, quan điểm về bảo đảm gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa là điều kiện quyết định sự phát triển.
Định hướng về mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa được xác định: Bảo đảm gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt, với không ngừng nâng cao văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội; tạo nên sự phát triển đồng bộ của ba lĩnh vực trên chính là điều kiện quyết định bảo đảm cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước(7). Mối quan hệ giữa phát triển văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội và con người được nhận thức: “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”(8).
Cùng với quan điểm làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) lần đầu tiên khẳng định vai trò của văn hóa: “Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển”. Bước phát triển mới này là định hướng cơ bản cho phát triển văn hóa để phát triển bền vững đất nước, nếu không văn hóa sẽ chỉ là giải trí, hoặc không phát triển văn hóa đúng sẽ rơi vào khủng hoảng xã hội.
Về vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, có sự phát triển mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị, về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, đã khẳng định: “Các phương tiện, phương thức sản xuất, trình diễn, sử dụng, truyền bá sản phẩm văn học, nghệ thuật phát triển khá mạnh đã đưa được nhiều tác phẩm đến với công chúng, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Đã hình thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật ở trong nước; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kỳ mới”(9). Đây chính là định hướng quan trọng để xây dựng quan điểm về phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam những năm tiếp theo. Trong quá trình đó, “Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển”(10).
So với những nội dung được đề ra trong Đề cương đến Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, quan điểm này đã phát triển ở một tầm cao mới: phát triển văn hóa và con người hướng đến mục tiêu chung: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(11).
Bốn là, bổ sung nhận thức lý luận về mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế, chính trị trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người để phát triển bền vững đất nước. Xây dựng văn hóa trong lĩnh vực chính trị và kinh tế được Đảng ta xác định là những nội dung cơ bản của nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới(12). Đó là:
- Về văn hóa trong chính trị, phải chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh..., đồng thời thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Tạo lập môi trường văn hóa pháp lý, thị trường sản phẩm văn hóa minh bạch, tiến bộ... xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân. Con người thực sự là trung tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
- Về văn hóa trong kinh tế, phải thường xuyên quan tâm xây dựng văn hóa trong kinh tế. Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Phát triển ngành công nghiệp văn hóa mới có thể đáp ứng yêu cầu phát triển văn hóa trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị văn hóa đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đổi mới, hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để xây dựng, phát triển thị trường văn hóa.
- Bảo đảm “gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội”. Quan điểm này phải trở thành tư tưởng chỉ đạo cho nhiều chương trình, kế hoạch phát triển, phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đầu tư của Nhà nước và sự tham gia của người dân(13).
Vấn đề đặt ra và định hướng bổ sung, phát triển nhận thức lý luận về văn hóa trong phát triển kinh tế
Thứ nhất, từ những nội dung mới chỉ là những nét phác thảo của Đề cương, quan điểm của Đảng đã có những bước phát triển mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn về phát triển văn hóa và kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cùng với sự phát triển nhận thức lý luận về văn hóa, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, phát triển con người, Đảng còn chỉ ra vai trò của văn hóa trong chính trị và kinh tế trong quá trình phát triển. Muốn phát triển bền vững đất nước, đòi hỏi văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Không chạy theo sức ép tăng trưởng kinh tế mà coi thường, hạ thấp vai trò, vị trí của phát triển văn hóa và con người. Hơn nữa, xây dựng và phát triển văn hóa, con người - chính là sức mạnh nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, trong nhận thức lý luận về văn hóa trong phát triển kinh tế, phát triển xã hội, con người thời kỳ đổi mới, chúng ta chưa lường hết, chưa bao quát hết phạm vi ngày càng rộng lớn, đa dạng, phức tạp của văn hóa, của phát triển văn hóa trong cơ chế kinh tế thị trường. Thực tế, trong một số định hướng về phát triển còn bộc lộ ít nhiều lúng túng, mang tính giải quyết “ứng phó tình thế” trước một số biến động, biến chuyển mới, các vấn đề văn hóa, xã hội nảy sinh trong đời sống.
Sự lúng túng này cho thấy, việc giải quyết mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và phát triển kinh tế, với vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh, nhất là các vấn đề xã hội và quản lý phát triển xã hội chưa được nhận thức và giải quyết có hiệu quả. Thực tế đạo đức xã hội có một số mặt xuống cấp trầm trọng; tác động tiêu cực của văn hóa phẩm độc hại đến việc hình thành nhân cách thanh, thiếu niên; tình trạng người dân chưa được thụ hưởng đầy đủ, công bằng thành quả văn hóa, xã hội của đổi mới.
Đối với những vấn đề mới đặt ra cho phát triển văn hóa trong cơ chế thị trường, như phát triển và quản lý công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa phẩm, xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong giai đoạn mới hiện nay... về lý luận, chúng ta chủ yếu mới dừng lại ở định hướng cơ bản, mang tính phác thảo, chung chung. Vì vậy, tư duy lý luận về phát triển văn hóa, xã hội, con người, phát huy vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế có biểu hiện chưa theo kịp, chưa phù hợp, chưa chủ động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển văn hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Một số nghiên cứu cho rằng, đối với những vấn đề mới trên, trong nhận thức lý luận của chúng ta chưa có lý giải thật sự khoa học, mang tính thuyết phục. Ví dụ, các luận giải trong định hướng về chức năng điều tiết, về phát huy “sức mạnh mềm” của văn hóa; văn hóa và phát triển; văn hóa trong chính trị và trong kinh tế; khai thác sức mạnh nội sinh của văn hóa trong phát triển bền vững; những vấn đề văn hóa trong điều kiện bùng nổ thông tin; văn hóa nhân cách, đạo đức, lối sống.
Phát triển văn hóa dân tộc đang diễn ra trong bối cảnh mới, với những thời cơ và thách thức mới, cần có những định hướng mới về phát triển văn hóa và kinh tế trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.
Thứ hai, định hướng phát triển nhận thức lý luận về văn hóa trong phát triển kinh tế hiện nay:
1- Phát triển tư duy lý luận về văn hóa trong phát triển kinh tế phải giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế - xã hội với phát triển con người. Phát triển kinh tế phải bảo đảm gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển.
2- Phát triển tư duy lý luận về văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị: chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, thể hiện nhân cách, trình độ và năng lực lãnh đạo, văn hóa tổ chức. Liên quan đến văn hóa trong chính trị theo nghĩa rộng là văn hóa dân chủ, quyền văn hóa.
3- Phát triển tư duy lý luận về văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội hướng đến mục đích xây dựng con người Việt Nam với tư cách là chủ thể sáng tạo, nhất là văn hóa trong thanh, thiếu niên. Xây dựng và phát triển các giá trị văn hóa gia đình, làm nền tảng đầu tiên, quan trọng cho sự phát triển con người một cách toàn diện.
4- Phát triển tư duy lý luận về văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội cần quan tâm phát triển các giá trị văn hóa đô thị và văn hóa làng, xã nông thôn trong quá trình phát triển, nhất là trong giai đoạn chúng ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
5- Phát triển tư duy lý luận về định hướng phát triển các lĩnh vực văn hóa: phát triển giáo dục - đào tạo, liên quan đến nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển văn học - nghệ thuật đáp ứng nhu cầu lành mạnh của nhân dân; phát triển thông tin đại chúng đi đôi với quản lý tốt; phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa.
6- Thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Bởi đây là ngành có khả năng hội tụ được sức mạnh của kinh tế và văn hóa. Phát triển công nghiệp văn hóa chính là thời cơ để Việt Nam hội nhập quốc tế, chủ động tham gia phát triển kinh tế tri thức gắn với khoa học - công nghệ hiện đại, phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế, thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa hiện nay.
7- Định hướng nhìn từ phương diện chính sách là vấn đề cần được ưu tiên đặc biệt, để khắc phục sự mất cân đối, không đồng bộ giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Trước hết, phải đổi mới về nhận thức, thể chế, thay đổi quan niệm về xây dựng các giải pháp; nhất là tập trung thực hiện các giải pháp mạnh để giải quyết những vấn đề đang bức xúc: cải cách nền giáo dục để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển; xác lập mục tiêu văn hóa gắn với mục tiêu kinh tế trong đổi mới; văn hóa trong cải cách nền hành chính, văn hóa đạo đức, lối sống (nhất là chống tham nhũng); làm cho văn hóa thấm sâu vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho người lao động (nhất là vùng khu công nghiệp và nông thôn, miền núi); văn hóa trong an sinh của đời sống và giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc đang đặt ra; bản lĩnh trong kế thừa giá trị văn hóa truyền thống và tiếp thu các giá trị tinh hoa văn hóa của thời đại...
Trong quá trình xây dựng và thực hiện các giải pháp phát triển văn hóa, phải chú ý nhiều hơn đến những lĩnh vực văn hóa, những hình thức văn hóa trực tiếp tác động đến kinh tế, để khắc phục sự chưa đồng bộ của phát triển, như văn hóa giáo dục, văn hóa khoa học - công nghệ, văn hóa kinh doanh, văn hóa pháp lý, văn hóa hành chính, văn hóa đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao thông, văn hóa môi trường...
Sự ra đời của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 đã thực sự đem lại một bước tiến mới về chất so với các phương pháp tiếp cận đương thời về vị trí, tiền đồ của nền văn hóa dân tộc. Thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhất là thành tựu của công cuộc đổi mới trong hơn 30 năm qua đã minh chứng rằng, những quan điểm của Đề cương vẫn là những giá trị nền tảng cốt lõi, định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hôm nay. Trước những yêu cầu mới của đất nước, cần tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm văn hóa và phát triển, phải làm cho văn hóa thấm sâu mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là văn hóa trong kinh tế, văn hóa trong chính trị./.
----------------------------------------------
(1) Văn kiện Đảng: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 316 - 321. Các tư liệu của bài viết liên quan được trích dẫn theo tài liệu này
(2) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới (Đại hội VI, VII, VIII, IX): Về văn hóa, xã hội, khoa học - kỹ thuật, giáo dục - đào tạo, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 18 - 19
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 73
(4) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII: Về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt, 1993, nguồn: http://dangcongsan.vn, ngày 12-10-2016
(5) Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, tháng 11-1994, Lưu hành nội bộ, tr. 45 - 46
(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, 1998, tr. 10 - 11
(7) Kết luận Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong những năm sắp tới, Hà Nội, 2004
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 106
(9) Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Thông tin Văn hóa và Phát triển, số 17, 2008
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 40
(11) Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 46 - 47
(12) Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, tài liệu đã dẫn, tr. 53
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 124
Đưa “văn hóa chất lượng” vào từng bệnh viện  (09/07/2019)
Ngày hội hiến máu “Giọt hồng xứ Tuyên”  (09/07/2019)
Hà Nội: Kết nối liên thông trên 85% cơ sở cung ứng thuốc  (09/07/2019)
Ý kiến của Hiệp hội các nhà đầu tư BOT về tạm dừng thu phí  (09/07/2019)
Chủ tịch Quốc hội tới Giang Tô, bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc  (09/07/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên