TCCSĐT - Ngày 21-12-2017, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản tổ chức buổi Tọa đàm khoa học với chủ đề: Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập, Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản chủ trì.

Tham gia Tọa đàm có các đồng chí: Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; PGS, TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; TS. Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; GS, TS. Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; PGS, TS. Nguyễn Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Hồng Cẩm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh; Mai Tuấn Phượng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Cô Tô, Quảng Ninh; cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên, biên tập viên của Tạp chí Cộng sản.

 

 Đồng chí Phạm Tất Thắng, Phó Tổng biên tập, Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản phát biểu Đề dẫn tọa đàm.


Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phần “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị” đã xác định phải “tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tiếp tục phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của các tổ chức; thực hiện kiêm nhiệm một số chức danh và tinh giản biên chế trong toàn hệ thống chính trị...

Đây là vấn đề rất hệ trọng và cấp thiết bởi bộ máy công quyền của chúng ta quá cồng kềnh, chồng chéo với 2,7 triệu người hưởng lương. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, với quyết tâm chính trị rất cao, đã tiến hành nhiều giải pháp nhằm tinh giản bộ máy nhưng như Nghị quyết Đại hội XII đã đánh giá: “Số lượng cán bộ, công chức không những không giảm mà lại tăng”. Thực tiễn đó cho thấy, trong nhiệm kỳ XII, nếu cấp ủy, chính quyền các cấp không thực sự quyết liệt thì không thực hiện được mục tiêu tinh giản tổ chức, bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Một trong những giải pháp đã và đang được cấp ủy nhiều địa phương thực hiện có hiệu quả, là nhất thể hóa (hay còn gọi là kiêm nhiệm) một số chức danh tương đồng giữa tổ chức đảng với chính quyền và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Thời gian qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong trong việc nhất thể hóa chức danh. Thông qua nghiên cứu thực tiễn và đánh giá những kết quả bước đầu của địa phương có thể khẳng định, việc nhất thể hóa các chức danh, nhất nguyên chế bộ máy, sáp nhập một số đơn vị đã bảo đảm được 3 mục tiêu: Tinh giản được bộ máy, vừa bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân. Cùng với đó tạo ra cơ chế để thúc đẩy đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy. Qua đó, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng; các nhiệm vụ chính trị của địa phương được thực hiện đồng bộ, linh hoạt, kịp thời hơn; chủ trương, nghị quyết của cấp ủy thống nhất với chương trình hành động và việc triển khai tổ chức thực hiện của UBND.

Thực tiễn ở Quảng Ninh và một số địa phương khác đang học tập mô hình của Quảng Ninh cho thấy, nhất thể hóa một số chức danh, tinh gọn bộ máy là hướng đi đúng, khả thi nhất hiện nay nhằm hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Trong khuôn khổ cuộc tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học tập trung phân tích sâu về cơ sở lý luận, thực tiễn của việc đổi mới hệ thống chính trị, nhất thể hóa các chức danh lãnh đạo. Bước đầu có những đánh giá thẳng thắn, khách quan về những kết quả và bài học kinh nghiệm từ thực tiễn Quảng Ninh. Qua đó, tìm căn nguyên của vấn đề; đưa ra những quan điểm và những nội dung chủ yếu; đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.

Các đại biểu thống nhất ý kiến và cho rằng, trước mắt cần khẩn trương và nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, bảo đảm quan điểm chỉ đạo: “Giữ vững các nguyên tắc tổ chức, hoạt động và đề cao kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của Trung ương, đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; xác định rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu”. Theo đó, đề ra các quan điểm, xây dựng các đề án và đưa ra mục tiêu cụ thể, gồm 2 giai đoạn, từ nay đến 2021, từ 2021 đến 2030; trong đó giai đoạn từ nay đến 2021 là: Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để kịp thời khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý; (2) Thực hiện thí điểm một số mô hình mới về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần làm rõ về lý luận và thực tiễn; (3) Sắp xếp thu gọn hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên và giảm số lượng thôn, tổ dân phố; (4) Giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015./.