TCCS - Phát triển kinh tế số và xây dựng đô thị xanh đã và đang trở thành xu thế mới của thời đại, được nhiều quốc gia theo đuổi, trong đó có Việt Nam nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, tạo ra không gian phát triển mới, cơ hội tăng trưởng mới với tốc độ cao và bền vững.

Những mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số thành phố Hà Nội

Chương trình “Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đặt ra mục tiêu đưa thành phố Hà Nội phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế. Chương trình đưa ra tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hà Nội phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền thành phố, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp, trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại” với chuyển đổi số là nền tảng phát triển, đổi mới sáng tạo. Chương trình Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực thích ứng toàn cầu.

Một góc thành phố Hà Nội_Ảnh: Tư liệu

Về mục tiêu cụ thể, thành phố Hà Nội hướng đến mục tiêu trên các lĩnh vực: Chuyển đổi số; phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số. Trong đó, về chuyển đổi số, thành phố Hà Nội thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, về đổi mới sáng tạo, về an toàn, an ninh mạng, đứng trong nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.

Về phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả hoạt động: Thành phố Hà Nội phấn đấu: (1) 100% thủ tục hành chính có đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến mức độ 4, có thể thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; (2) 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ và thành phố; (3) 100% cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm; từng bước mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước thành phố để cung cấp dịch vụ công kịp thời, một lần khai báo, trọn vòng đời phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội; (4) 100% hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước được thực hiện trên nền tảng quản trị tổng thể, thống nhất.

Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%; tốc độ tăng năng suất lao động từ 7% đến 7,5%, hoàn thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thành phố.

Về phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số: Hạ tầng băng rộng phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phường, thị trấn. Phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, người dân được truy cập internet băng rộng với chi phí thấp. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%... Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng.

Chương trình cũng đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu dựa trên 3 trụ cột chính là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tương ứng gồm: Chuyển đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng và nền tảng số; thông tin và dữ liệu số; hoạt động chuyển đổi số; an toàn, an ninh mạng; đào tạo và phát triển nhân lực.

Phát triển đô thị xanh, thông minh ở thành phố Hà Nội

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển của internet vạn vật, điện toán đám mây, công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo đã và đang tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa ở thành phố Hà Nội. Sự phát triển đô thị thông minh, trước hết bằng các ứng dụng công nghệ thông tin, chính là sự thay đổi về chất cho quá trình đô thị hóa, hướng tới đô thị hóa bền vững. Đô thị thông minh giải quyết các vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, động lực giúp cải thiện sức cạnh tranh của đô thị và đây cũng chính là mục tiêu mà quy hoạch đô thị hướng tới.

Bối cảnh phát triển các đô thị ở nước ta là sự kết hợp giữa đô thị thông minh và đô thị xanh, góp phần xử lý các “căn bệnh” đô thị một cách thông minh, từ đó phục vụ dân sinh, cân bằng sinh thái, giảm ô nhiễm môi trường. Với vị thế là “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, thành phố Hà Nội đã và đang hội tụ đủ các điều kiện để phát triển theo tiêu chí đô thị xanh, đô thị sinh thái nhờ diện tích cây xanh, mặt nước lớn, số lượng di tích nhiều. Yếu tố cân bằng giữa bảo tồn và phát triển mới được thể hiện trong Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm  nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1259/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ, ngày 26-7-2011) với các xã, thị trấn, huyện phát triển theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, gắn kết hài hòa các yếu tố tự nhiên - xã hội - con người; hệ thống giao thông công cộng đang dần được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại, để Hà Nội hoàn toàn có điều kiện phát triển Thủ đô Xanh - Hiện đại - Thông minh.

Theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg, “Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, mô hình hành lang xanh được thiết kế với tỷ lệ 60% diện tích, gồm 40% là vùng bảo tồn, 20% là vùng phát triển dựa trên bảo tồn. Cũng theo quy hoạch này, Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm có khu đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh (Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn ) và các thị trấn sinh thái nhằm giảm sức ép cho khu vực nội đô. Bên cạnh các đô thị vệ tinh, xây dựng các thị trấn theo mô hình đô thị sinh thái mật độ thấp, từ các thị trấn, huyện lỵ hiện hữu, như Phùng, Tây Đằng, Liên Quan, Kim Bài, Vân Đình, Đại Nghĩa, Thường Tín, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chúc Sơn và các thị trấn mới.

Hiện nay, trong các đồ án quy hoạch chi tiết phát triển cho các huyện ngoại thành, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nhấn mạnh điểm phát triển theo xu hướng tăng diện tích xanh thành khu đô thị sinh thái và công nghệ cao. Theo đó, huyện Đan Phượng được xác định là phần phía đông vành đai 4 là khu đô thị sinh thái gắn với các dịch vụ công chất lượng cao về y tế, giáo dục; phần phía tây vành đai 4 nằm trong khu vực hành lang xanh.

Khu hành lang xanh sẽ phát triển các mô hình trang trại, nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp; khoanh vùng bảo vệ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, vùng đa dạng sinh thái, vùng nông nghiệp năng suất cao; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho toàn đô thị, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối liên đô thị. Huyện Thạch Thất sẽ được xây dựng trở thành trung tâm đô thị vùng phía tây Hà Nội về khoa học - công nghệ, giáo dục,  đào tạo, tiểu thủ công nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh thái. Huyện Quốc Oai được định hướng phát triển là đô thị sinh thái, văn hóa lịch sử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện Mê Linh sẽ là khu vực phát triển đô thị dịch vụ gắn với nông nghiệp công nghệ cao, là vành đai xanh của thành phố.

Hiện nay, quy hoạch xây dựng đô thị của các đô thị Việt Nam nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng chủ yếu theo hướng đô thị sinh thái, như đô thị Ecopark, Việt Hưng, Vinhome Riverside… Sau 10 năm kể từ khi đồ án quy hoạch chung Thủ đô được phê duyệt, nhưng về cơ bản các đô thị chưa được quy hoạch là đô thị sinh thái vẫn chưa có những thay đổi đáng kể. Nguy cơ suy giảm về môi trường sinh thái, giảm đa dạng sinh học, đánh mất chất lượng và giá trị cảnh quan đô thị, hệ thống quy hoạch không bắt kịp với sự chuyển đổi đô thị nhanh chóng… vẫn là những hạn chế trong quy hoạch đô thị ở Hà Nội. Nhiều dự án đô thị mang tên là sinh thái nhưng chưa được quan tâm và đầu tư xứng đáng. Hầu hết các đô thị sinh thái chưa hình thành được là do thiếu nguồn lực, thiếu hạ tầng giao thông, nên không thu hút được đầu tư. Hiện chưa di dời được trường học, bệnh viện… nên chưa giảm được áp lực cho nội đô. Các đô thị sinh thái chưa có giải pháp khai thác tối đa tiềm năng du lịch, kết nối các đô thị sinh thái thành chuỗi du lịch.

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác xây dựng đô thị xanh ở thành phố Hà Nội vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, xuất phát từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt là tại các lưu vực sông, làng nghề; một số sự cố môi trường vẫn xảy ra…. Do đó, trong thời gian tới,  để xây dựng đô thị xanh ở thành phố Hà Nội, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Trước hết, nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của mỗi người dân, doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ môi trường, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống hài hòa với thiên nhiên; bảo vệ môi trường trở thành xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội; khắc phục và loại bỏ tư tưởng chạy theo lợi ích kinh tế trước mắt mà bỏ qua trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Hai là, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang phát triển dựa vào hệ sinh thái, kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp.

Ba là, giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các lưu vực sông chính; thúc đẩy phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải.

Bốn là, triển khai có hiệu quả cam kết về chuyển đổi năng lượng; giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên; các mục tiêu về thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học - công nghệ, nền tảng số trong giải quyết những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học./.