TCCS - Trong bối cảnh môi trường thế giới và khu vực chứng kiến nhiều biến chuyển mạnh mẽ và khó lường, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của mình, là mô hình hợp tác khu vực thành công, được các đối tác và cộng đồng quốc tế coi trọng.
Năm 2020, với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 đồng thời là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, Việt Nam có nhiều cơ hội để đóng góp vào công việc chung của khu vực và toàn cầu. Công tác chuẩn bị cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã được khởi động từ năm 2018, đồng thời những kinh nghiệm được tích lũy từ Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 6 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội (năm 1998), vai trò Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 (tháng 7-2000 đến tháng 7-2001) và Chủ tịch ASEAN 2010…, được xem là những hành trang thuận lợi góp phần giúp Việt Nam bước vào Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Tuy nhiên, trong 10 tháng qua, ASEAN đã đối diện với nhiều khó khăn, trở ngại. Các thách thức nổi lên không chỉ dừng lại ở vấn đề an ninh truyền thống (cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng…), hay an ninh phi truyền thống (môi trường, nguồn nước, biến đổi khí hậu…). Dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở thành mối đe dọa chung, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sinh kế của người dân cũng như nền kinh tế của các nước ASEAN. Với tinh thần “Gắn kết và Chủ động thích ứng” - chủ đề của Năm ASEAN 2020 - Việt Nam đã nhanh chóng dẫn dắt ASEAN điều chỉnh trọng tâm, đưa ứng phó với dịch bệnh COVID-19 thành một ưu tiên, chuyển nhiều hội nghị từ hình thức trực tiếp sang hình thức trực tuyến.
Theo thông lệ tiến trình hợp tác ASEAN thường niên, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) và các hội nghị liên quan có nội dung chính là kiểm điểm và đề ra những định hướng, biện pháp tăng cường đoàn kết, hợp tác ASEAN cũng như quan hệ giữa ASEAN với đối tác; quyết định những nội dung quan trọng sẽ được trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN vào cuối năm 2020. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và các hội nghị liên quan đã được tổ chức thành công trong các ngày từ 9-9 đến 12-9-2020, là loạt AMM thường niên đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với các kết quả cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11-2020.
Thành công của AMM-53 và các hội nghị liên quan khẳng định một ASEAN đoàn kết, thống nhất, gắn kết chặt chẽ trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19; đặt người dân ở vị trí trung tâm, tích cực thích ứng, triển khai các biện pháp nhằm phục hồi toàn diện sau dịch bệnh COVID-19; thúc đẩy liên kết nội khối, đi đôi với phát triển quan hệ rộng mở với bên ngoài; đồng thời, tích cực đóng góp vào những vấn đề chung của toàn cầu. Thành công của các hội nghị đã thể hiện vai trò của nước Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc biến “nguy” thành “cơ”, thích ứng kịp thời với những biến động của môi trường ngoại cảnh. So với các kỳ AMM gần đây, AMM-53 và các hội nghị liên quan đã xem xét, ghi nhận, thông qua và ban hành 42 văn kiện và tài liệu. Đây được xem là một con số kỷ lục. Sự tham gia tích cực của các đối tác tại AMM-53 cho thấy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực ngày càng được củng cố vững chắc.
Như thường lệ, Thông cáo chung của AMM-53 là một trong những văn bản chính của loạt hội nghị lần này. Với 99 đoạn và 6 đề mục lớn, Thông cáo chung của AMM-53 kiểm điểm toàn diện tình hình hợp tác ASEAN, giữa ASEAN với đối tác trong năm 2019, cũng như thể hiện quan điểm chung của ASEAN về những vấn đề quốc tế, khu vực mà các bên cùng quan tâm. So với Thông cáo chung của AMM-52 (bao gồm 78 đoạn và 5 đề mục lớn), Thông cáo chung của AMM-53 có nhiều nội dung với một số điểm nổi bật.
Thứ nhất, Thông cáo chung của AMM-53 đã nêu đậm các ưu tiên, sáng kiến lớn của nước Chủ tịch ASEAN 2020 về xây dựng Cộng đồng ASEAN (AC), như kiểm điểm thực hiện Hiến chương ASEAN; kiểm điểm giữa kỳ các Kế hoạch tổng thể xây dựng AC; chuẩn bị xây dựng Tầm nhìn AC sau năm 2025; nâng cao hình ảnh, sự hiện diện của ASEAN. Thứ hai, đề cao hợp tác ứng phó với dịch bệnh COVID-19 là một trong những trọng tâm, ưu tiên của ASEAN trong giai đoạn hiện nay, thể hiện bằng các sáng kiến, thỏa thuận cụ thể. Thứ ba, tiếp tục nhấn mạnh vai trò chủ chốt của ASEAN đối với các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực. Thứ tư, về kinh tế và văn hóa - xã hội, Thông cáo chung của AMM-53 khẳng định cam kết của ASEAN trong triển khai các sáng kiến liên kết kinh tế nội khối và với bên ngoài, thúc đẩy phát triển thông minh, bao trùm và bền vững; đồng thời, tiếp tục các sáng kiến hướng về người dân, giảm thiểu tác động tiêu cực về xã hội do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Thứ năm, trong quan hệ đối ngoại, ASEAN khẳng định vai trò trung tâm, đoàn kết là cơ sở để tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đối tác. Thứ sáu, kế thừa toàn bộ lập trường nguyên tắc ASEAN đã nhất trí về nội dung Biển Đông, nhấn mạnh Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cần phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982). Thứ bảy, khẳng định bước chuyển trong đánh giá về sự gắn kết giữa ASEAN với hợp tác tiểu vùng từ “công nhận tầm quan trọng và vai trò của các cơ chế hợp tác tiểu vùng trong thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN” (tại AMM-52) lên thành “khẳng định tầm quan trọng của vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy phát triển tiểu vùng nhằm bảo đảm phát triển bền vững, công bằng và thu hẹp khoảng cách phát triển” (tại AMM-53)(1).
AMM-53 kiên trì với mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN đi đôi với thúc đẩy quan hệ đối ngoại rộng mở
Xuyên suốt chiều dài lịch sử của ASEAN là tầm nhìn về một cộng đồng vì hòa bình và thịnh vượng. Khi ASEAN ra đời vào ngày 8-8-1967, Tuyên bố Bangkok đã nêu một số mục tiêu mang tính định hướng, trong đó “thông qua các nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác nhằm tăng cường cơ sở cho một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á hòa bình và thịnh vượng”(2), đặt nền móng đầu tiên cho ý tưởng xây dựng AC sau này.
Hiến chương ASEAN có hiệu lực từ năm 2008, đã tạo ra một khuôn khổ pháp lý và thể chế rõ ràng, trong đó pháp điển hóa các tập quán, giá trị và nguyên tắc của ASEAN, tạo cơ sở để ASEAN triển khai các mục tiêu xây dựng AC trên cả ba trụ cột, gồm Cộng đồng Chính trị - An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC); thúc đẩy quan hệ đối ngoại rộng mở trên cơ sở củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực. Trong thời gian tới, Hiến chương ASEAN sẽ tiếp tục đóng vai trò là khuôn khổ thể chế và pháp lý vững chắc cho quá trình hội nhập và xây dựng AC.
Từ 5 nước sáng lập ban đầu, ASEAN không chỉ đạt được bước tiến vượt bậc khi quy tụ được 10 quốc gia Đông Nam Á mà còn chuyển mình mạnh mẽ kể từ khi AC chính thức được hình thành vào ngày 31-12-2015. Hiện nay, ASEAN đang là “mái nhà chung” của khoảng 650 triệu người dân, có một nền kinh tế năng động với GDP đạt hơn 3.200 tỷ USD, đứng thứ năm toàn cầu(3). ASEAN đã và đang tích cực triển khai Tầm nhìn AC 2025, trong đó có ba Kế hoạch tổng thể về xây dựng ba trụ cột Cộng đồng, bao gồm Cộng đồng An ninh - Chính trị ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN (ASCC), cùng với Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025 và Kế hoạch Công tác sáng kiến hội nhập ASEAN (IAI) giai đoạn ba. Hợp tác ASEAN diễn ra sôi động trên cả ba trụ cột Cộng đồng, cùng với quan hệ đối ngoại rộng mở hỗ trợ tiến trình hợp tác ASEAN đi đúng hướng.
Năm 2020, trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN đẩy mạnh hơn nữa tiến trình xây dựng AC, trong đó tiếp tục triển khai hiệu quả các kế hoạch tổng thể về cả số lượng và chất lượng. Năm 2020 còn có ý nghĩa đặc biệt bởi đây là năm giữa kỳ của quá trình triển khai Tầm nhìn AC 2025, là thời điểm quan trọng để ASEAN đánh giá quá trình triển khai nhiệm vụ 5 năm đã qua và điều chỉnh để hoàn thành các mục tiêu trong 5 năm tiếp theo. Tại AMM-53, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã thảo luận về việc tiến hành đánh giá quá trình triển khai Hiến chương ASEAN, đánh giá giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể về xây dựng ba trụ cột của AC, chuẩn bị xây dựng Tầm nhìn AC sau 2025. Các nước ASEAN cùng nhất trí rằng, với một tầm nhìn rõ ràng về tương lai sau năm 2025, ASEAN có thể giữ thế chủ động, gắn kết và thích ứng nhanh với những chuyển biến nhanh chóng của tình hình, bảo đảm điều phối nội khối và thông tin đối ngoại nhất quán, được phối hợp chặt chẽ.
Chủ trương phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở là một điểm nổi bật trong hợp tác ASEAN. Đến nay, ASEAN đã có quan hệ đối tác đối thoại với 9 nước, bao gồm tất cả các nước lớn, một tổ chức khu vực là Liên minh châu Âu (EU) và một tổ chức quốc tế là Liên hợp quốc; bốn đối tác đối thoại theo lĩnh vực; bốn đối tác phát triển, trong đó Pháp và Italia được công nhận trở thành đối tác phát triển tại AMM-53. Hơn 95 nước đã bổ nhiệm đại sứ tại ASEAN.
Trước những biến động phức tạp của cục diện thế giới và khu vực, cạnh tranh và căng thẳng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, AMM-53 khẳng định thực tế là, các nước lớn tuy cạnh tranh nhau nhưng vẫn coi trọng hợp tác với ASEAN. Vượt qua những khó khăn về múi giờ do hình thức họp trực tuyến, nổi bật như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) với sự tham gia của 27 đối tác, sự tham gia đầy đủ, tích cực các các nước đối tác với những cam kết cụ thể là minh chứng về việc ASEAN tiếp tục là hạt nhân cho tiến trình đối thoại và hợp tác.
Theo thông lệ, ngay sau AMM thường niên là các AMM với các đối tác và ARF. Năm 2020, trong khuôn khổ AMM-53 và các hội nghị liên quan, đã diễn ra 11 cuộc hội nghị giữa ASEAN và các đối tác, trong đó có 9 hội nghị giữa ASEAN và đối tác là Ấn Độ, Canada, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, New Zealand, Trung Quốc, Australia, EU và hai hội nghị giữa ASEAN với nhóm đối tác là Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc).
Tại các hội nghị lần này, các đối tác tiếp tục đánh giá cao vai trò của ASEAN ở khu vực. Một số đối tác công bố cam kết cụ thể hỗ trợ ASEAN ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và những sáng kiến xây dựng AC dài hạn. Như vậy, thông qua AMM-53 và các hội nghị liên quan, ASEAN đang tranh thủ hiệu quả các nguồn lực của đối tác cho các hoạt động hiện tại và tương lai vì sự phát triển của AC, trong khi vẫn xử lý hài hòa lợi ích của các nước lớn.
Hướng tới tương lai, hợp tác với ASEAN tiếp tục được coi trọng thể hiện qua việc nhiều nước đang đề nghị được trở thành đối tác tương lai của ASEAN(4) hoặc nâng cấp quan hệ đối tác hiện tại với ASEAN. Đối mặt với xu thế này, giới chuyên gia cho rằng, ASEAN cần tìm ra phương thức sáng tạo, linh hoạt, cân nhắc “đổi mới” cách tiếp cận, trên cơ sở đó vừa khai thác tối đa lợi ích từ hợp tác với bên ngoài, vừa khuyến khích các đối tác tích cực tham gia, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và thịnh vượng chung trong một cấu trúc hợp tác khu vực mà ASEAN ở vị trí trung tâm.
AMM-53 thể hiện một ASEAN gắn kết chặt chẽ vượt qua dịch bệnh COVID-19 để phát huy vai trò và đóng góp tích cực vào việc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực
Về ứng phó với dịch bệnh COVID-19, ASEAN đã kịp thời ra Tuyên bố Chủ tịch về ứng phó chung của ASEAN trước sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 vào ngày 14-2-2020, thành lập Nhóm công tác Hội đồng điều phối ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp (ACCWG-PHE), họp Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) vào ngày 9-4-2020.
Việt Nam cũng dẫn dắt ASEAN thúc đẩy quan hệ đối tác để chung tay phòng, chống và đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý, ngày 14-4-2020, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch bệnh COVID-19. ASEAN cũng tổ chức kịp thời các hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng trên các lĩnh vực y tế, kinh tế, quốc phòng… nhằm tăng cường phối hợp trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các hội nghị trực tuyến với các đối tác đối thoại, như Trung Quốc, Mỹ, Nga, EU và các tổ chức quốc tế quan trọng, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp trong ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Tại các hội nghị trên, Việt Nam đã đưa ra những sáng kiến giúp ASEAN ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và được các đối tác ủng hộ.
Một là, thành lập Quỹ ASEAN ứng phó với dịch bệnh COVID-19 nhằm tăng cường nguồn lực của ASEAN trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Đến nay, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ của nhiều đối tác, tiêu biểu như Hàn Quốc, Australia. Để Quỹ có thể tiếp nhận được nguồn lực từ các đối tác nhiều hơn, ASEAN dự kiến sẽ chỉnh sửa những quy định của Quỹ, tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận nguồn lực bên ngoài.
Hai là, thành lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp của khu vực nhằm tăng cường phối hợp giữa các nước thành viên ASEAN trong xử lý thách thức do thiếu nguồn cung hoặc tiếp cận đối với các trang thiết bị y tế thiết yếu để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, như bộ kít xét nghiệm nhanh, dụng cụ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ, vaccine, thuốc...
Ba là, triển khai xây dựng Quy trình ứng phó chung (SOP) của ASEAN đối với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Dự kiến quy trình sẽ được thiết kế thành một số bước trong ứng phó, như chuẩn bị năng lực sẵn sàng; phát hiện, thông tin, đánh giá rủi ro và thông báo về rủi ro; ứng phó; theo dõi, đánh giá... Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của các đối tác, ASEAN dự kiến sớm thành lập Trung tâm khu vực về ứng phó với dịch bệnh và các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.
Bốn là, xây dựng Khung phục hồi tổng thể ASEAN với sự tham gia của các trụ cột Cộng đồng và các bên liên quan theo cách tiếp cận toàn thể cộng đồng, đồng bộ và bổ trợ, trong đó cân đối nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cộng đồng và nhiệm vụ phát triển kinh tế. Kế hoạch triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN sẽ được xây dựng dựa trên các nội dung chính là tăng cường hệ thống y tế vững mạnh, bảo đảm an ninh con người, tận dụng tối đa thị trường nội địa ASEAN, tăng cường liên kết kinh tế với các thị trường bên ngoài, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, hướng tới phát triển bền vững, tổng thể, tự cường của ASEAN kết hợp với tầm nhìn và kế hoạch của ASEAN đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Để duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực trước tác động của dịch bệnh COVID-19 và cạnh tranh nước lớn, Việt Nam đã cùng ASEAN ứng xử hài hòa, thể hiện quan điểm nhất quán về hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Trước thềm Hội nghị AMM-53, nhân dịp kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập ASEAN (8-8-1967 - 8-8-2020), các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó khẳng định cam kết chung mạnh mẽ việc duy trì hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, đề cao luật pháp quốc tế, góp phần củng cố lòng tin và tin cậy lẫn nhau, hướng tới xây dựng một cấu trúc khu vực mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, qua đó củng cố vai trò trung tâm của ASEAN(5). Trên cơ sở của Tuyên bố về duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á, Thông cáo chung của AMM-53 tái khẳng định lập trường và cam kết của ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh khu vực, phát huy hữu hiệu các công cụ đối thoại, hợp tác hiện tại, trong đó có Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) với vai trò là bộ quy tắc ứng xử chỉ đạo quan hệ giữa các quốc gia ở khu vực, hay Hiệp ước về khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) nhằm bảo đảm một khu vực Đông Nam Á không vũ khí hạt nhân, các vũ khí hủy diệt, qua đó đóng góp cho công cuộc hòa bình và an ninh quốc tế. Về nội dung Biển Đông, Thông cáo chung của AMM-53 vừa kế thừa toàn bộ lập trường nguyên tắc ASEAN đã nhất trí, vừa nhấn mạnh COC ngoài hiệu lực, thực chất, cần phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982; nhấn mạnh UNCLOS 1982 là khung khổ điều chỉnh mọi hoạt động của các quốc gia trên các vùng biển và đại dương…(6).
AMM-53 cho thấy một ASEAN nỗ lực đóng góp vào các vấn đề thuộc mối quan tâm chung của toàn cầu, trong đó có vai trò của phụ nữ và phát triển bền vững
Tại AMM-53 và các hội nghị liên quan, theo sáng kiến của Việt Nam, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã có Phiên đối thoại về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững và Phiên họp đặc biệt về phát triển tiểu vùng.
Thứ nhất, phát huy Nghị quyết số 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh, Phiên đối thoại về tăng cường vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững khẳng định tầm quan trọng và vai trò của phụ nữ không chỉ trong lĩnh vực chính trị và an ninh mà cả trong kinh tế và xã hội. Theo đó, sự tham gia bình đẳng, đầy đủ và có hiệu quả của phụ nữ trong mọi giai đoạn của tiến trình có ý nghĩa củng cố hòa bình, phòng ngừa và giải quyết xung đột cũng như những mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Nhiều ý kiến quan trọng khác cũng được các nhà lãnh đạo đưa ra tại AMM-53, như ASEAN cần lồng ghép vấn đề giới trong cả ba trụ cột Cộng đồng, coi bình đẳng giới và triển khai chương trình nghị sự về phụ nữ, hòa bình, an ninh là ưu tiên trong Tầm nhìn AC ASEAN sau năm 2025.
Thứ hai, phiên họp đặc biệt về phát triển tiểu vùng đã ghi nhận bước chuyển trong đánh giá về sự gắn kết giữa ASEAN với hợp tác tiểu vùng. Trên thực tế, các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng đã phát triển khá đa dạng và hoạt động tương đối độc lập với ASEAN, tiêu biểu như các khuôn khổ hợp tác Mekong bao gồm cả nội khối Mekong và giữa các nước Mekong với đối tác, Khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei - Indonesia - Malaysia - Philippines (BIMP- EAGA), Tam giác tăng trưởng Indonesia - Malaysia - Thái Lan (IMT-GT), với nhiều sáng kiến và những bước tiến đáng ghi nhận. Các ý kiến chung tại phiên họp nhấn mạnh phát triển tiểu vùng là một phần không tách rời trong phát triển của ASEAN, với nhiều đóng góp thiết thực, như thu hẹp khoảng cách phát triển, hội nhập kinh tế và duy trì hòa bình và an ninh ở tiểu vùng, nêu những kiến nghị, như ASEAN cần tập trung vào khía cạnh khác nhau của phát triển tiểu vùng, như thúc đẩy kết nối khu vực, phát triển nguồn nhân lực, tái định hình chuỗi cung ứng khu vực... Đây là cơ sở thuận lợi để ASEAN gắn kết chặt chẽ hơn và hiệu quả hơn phát triển tiểu vùng vào tiến trình xây dựng AC, lồng ghép nội dung cụ thể vào các trụ cột hợp tác của ASEAN, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực.
Kết quả của AMM-53 và các hội nghị liên quan là thông điệp mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết của ASEAN, khẳng định quyết tâm của ASEAN đẩy mạnh hợp tác xây dựng Cộng đồng, ứng phó với dịch bệnh và phát triển quan hệ đối ngoại, tạo đan xen lợi ích với các đối tác, trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, tích cực đóng góp vào các vấn đề chung của toàn cầu, vì hòa bình và thịnh vượng ở khu vực. Vượt lên môi trường ngoại cảnh nhiều thử thách, Việt Nam đang có những đóng góp cụ thể không chỉ trong phạm vi Năm Chủ tịch ASEAN 2020 thúc đẩy ASEAN tăng cường gắn kết và thích ứng, mà còn góp phần giúp mô hình hợp tác khu vực của ASEAN phát huy giá trị, tiếp thêm sức sống, vững vàng hướng tới tương lai./.
----------------------
(1) Xem: Toàn văn Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52, https://asean.org/storage/2019/07/CIRCULATE-Joint-Communique-of-the-52nd-AMM-FINAL.pdf; Toàn văn Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, https://asean.org/storage/2020/09/FINAL-Joint-Communique-of-the-53rd-AMM.pdf
(2) Xem: Toàn văn Tuyên bố Bangkok (năm 1967) thành lập ASEAN ngày 8-8-1967, https://asean.org/the-asean-declaration-bangkok-declaration-bangkok-8-august-1967/
(3) Theo Báo cáo của Tổng Thư ký ASEAN về tình hình hơp tác ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, tháng 6-2020, tr. 11
(4) Chính phủ Anh thông báo Anh đã đề nghị trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, https://nhandan.com.vn/tin-tuc-the-gioi/anh-mong-muon-tro-thanh-doi-tac-doi-thoai-cua-asean-460816/
(5) Xem: Toàn văn Tuyên bố về duy trì hòa bình và ổn định ở Đông Nam, https://asean.org/storage/2020/08/FINAL-ASEAN-FM-Statement-on-Peace-and-Stability-in-Southeast-Asia-Region-18.2.pdf
(6) Xem: Toàn văn Thông cáo chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, https://asean.org/storage/2020/09/FINAL-Joint-Communique-of-the-53rd-AMM.pdf
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về đô thị thông minh ASEAN năm 2020  (23/10/2020)
Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41: “Ngoại giao nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”  (09/09/2020)
“Năm ASEAN - Việt Nam” kỳ vọng về những dấu ấn Việt Nam  (11/08/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên