Thế giới năm 2020 và một số vấn đề đặt ra với việc Việt Nam khi tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021

BÙI VĂN NAM
Thượng tướng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an
00:16, ngày 19-03-2020

TCCS - Việt Nam ứng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai, nhiệm kỳ 2020 - 2021 là quyết sách quan trọng, là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại nói chung và chủ trương tăng cường đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình mới. Việc nhận thức rõ bản chất tình hình quốc tế và những tác động đến Hội đồng Bảo an trong những năm tới, từ đó góp phần xác định chiến lược tham gia tổ chức này của Việt Nam là yêu cầu cần thiết.

Thế giới đang có những thay đổi sâu sắc, với sự giao thoa của những đặc điểm đã định hình và những đặc điểm mới. Có thể thấy những đặc điểm nổi lên hiện nay là:

Toàn cầu hóa tiếp tục là xu thế của thời đại do những thành tố cơ sở của toàn cầu hóa từ sau Chiến tranh lạnh chưa thay đổi, thậm chí được củng cố. Trật tự quốc tế chuyển từ đơn cực sang nhất siêu, đa cường, đa trung tâm, đa tầng nấc. Nền kinh tế thế giới ngày càng trở thành một thể thống nhất với sự liên kết ngày càng gia tăng giữa các nước và các chủ thể khác, tạo thành chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Sự phát triển của khoa học và công nghệ tạo ra một lực lượng sản xuất và nền tri thức mang tính toàn cầu mới(1). Những mạng lưới kết nối giữa các chủ thể, tầng nấc trong từng lĩnh vực và giữa các lĩnh vực của đời sống ngày càng có sự tương tác và đan xen(2).

Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song nguy cơ chiến tranh, xung đột cục bộ cao hơn. Trên thế giới những năm gần đây, xuất hiện nhiều “điểm nóng” khu vực, như chiến tranh ở Xy-ri, căng thẳng leo thang tại nhiều nước ở khu vực Trung Đông, châu Phi, Mỹ La-tinh. Các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp, khó lường, mang tính xuyên quốc gia và tác động dài hạn, nghiêm trọng, trên diện rộng đối với nhiều nước và không một nước đơn lẻ nào có thể ứng phó. Nhiều vấn đề an ninh mới đang nổi lên là an ninh mạng, an ninh nguồn nước, an ninh môi trường, biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan, dịch bệnh lây lan nhanh, an ninh tài chính với những vấn đề như tiền ảo, tài chính công nghệ, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng...

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc trong lễ ký kết thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung Quốc giai đoạn 1, tại Nhà Trắng, ngày 15-1-2020_Ảnh: White House

Các nước lớn vẫn là lực lượng chính định hình cục diện quốc tế, mặc dù các nước vừa và nhỏ ngày càng có vai trò lớn hơn. Điểm khác biệt hiện nay so với thời kỳ trong và ngay sau Chiến tranh lạnh(3) là “câu lạc bộ nước lớn” có nhiều thành viên hơn, ngoài Mỹ, Trung Quốc, Nga, còn có một số trung tâm quyền lực khác, như Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản đang vươn lên với mục tiêu gia nhập “câu lạc bộ” này, và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, khuynh hướng theo đuổi chính sách đối ngoại đơn phương, cường quyền và chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bảo hộ nổi lên, bắt đầu từ các nước lớn, sau đó lan tỏa đến các khu vực. Những đặc điểm và khuynh hướng chính trị này không làm đảo ngược song tạo ra lực cản đối với toàn cầu hóa; gây khó khăn cho liên kết, hợp tác giữa các nước; làm hạn chế nỗ lực dân chủ hóa đời sống quốc tế và bảo vệ các quyền lợi chính đáng, bình đẳng giữa các quốc gia, dân tộc.

Chủ nghĩa đa phương ngày càng có vị trí quan trọng trong nền chính trị quốc tế, song cũng đối mặt với những thách thức. Sau Chiến tranh lạnh, hợp tác đa phương được coi trọng và ngoại giao đa phương chiếm cấu phần ngày càng lớn trong chính sách đối ngoại của các nước, song song với tiến trình toàn cầu hóa. Đến nay, đã hình thành một hệ thống luật lệ, thể chế, cơ chế trên nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp độ khác nhau với sự tham gia của gần như tất cả các nước, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề toàn cầu, khu vực quan trọng. Toàn cầu hóa, với sự phân tán quyền lực, dân chủ hóa, gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước, cùng với các vấn đề xuyên quốc gia nổi lên, khiến ngoại giao đa phương trở thành nhu cầu khách quan để các nước hợp tác, cạnh tranh và dàn xếp các mâu thuẫn lợi ích. Đa số các nước, kể cả các nước lớn như Mỹ và Trung Quốc, đều có nhu cầu thực thi chính sách ngoại giao đa phương để có thể bảo đảm lợi ích và an ninh quốc gia của mình. Trong chính sách ngoại giao của nhiều nước hiện nay, ngoại giao đa phương và ngoại giao song phương có tầm quan trọng ngang nhau. Tuy nhiên, một số nước, nhất là các nước lớn, thiên về sử dụng ngoại giao đa phương để làm phương tiện theo đuổi các lợi ích đơn phương, khiến các thể chế đa phương có xu hướng hoạt động không vì lợi ích chung của tất cả các thành viên(4). Tính hiệu quả của ngoại giao đa phương trong xử lý quan hệ giữa các nước chưa cao. Nhiều nhà lãnh đạo theo đường lối dân túy hoặc dân tộc chủ nghĩa có xu hướng ít coi trọng ngoại giao đa phương(5).

Những đặc điểm tình hình quốc tế như đề cập ở trên tác động trực tiếp và đa chiều đến Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2020 - 2021, mà Việt Nam là Ủy viên không thường trực, theo hướng:

Thứ nhất, Liên hợp quốc vẫn giữ địa vị số một trong các tổ chức đa phương và có vai trò thiết yếu trong đời sống quốc tế. HĐBA là thiết chế quan trọng nhất của Liên hợp quốc và hiện chưa một tổ chức nào có thể cạnh tranh hoặc thay thế. HĐBA có vị trí này là do quyền lực và hoạt động của nó đáp ứng nhu cầu của cộng đồng quốc tế trong phòng ngừa, giải quyết các thách thức về an ninh toàn cầu. Về mặt pháp lý, HĐBA là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc để duy trì hòa bình, an ninh quốc tế và có thể đưa ra các quyết định mang tính ràng buộc đối với tất cả các nước thành viên Liên hợp quốc, trong đó gồm cả việc sử dụng vũ lực. HĐBA đã góp phần vào việc chấm dứt các cuộc xung đột kéo dài tại nhiều khu vực trên thế giới, như ở Xi-ê-ra Lê-ôn, Bờ Biển Ngà, Ma-li, Li-bi, Tây Xa-ha-ra;  tham gia tích cực vào hoạt động xây dựng, gìn giữ hòa bình và đang triển khai 14 phái bộ gìn giữ hòa bình tại các khu vực có xung đột(6); hỗ trợ hiệu quả cho các quốc gia để đối phó với chiến tranh hạt nhân, khủng bố, khủng hoảng nhân đạo... Tham gia HĐBA ngày càng trở thành mục tiêu chính sách của nhiều nước để thúc đẩy lợi ích, tăng cường an ninh quốc gia.

Thứ hai, khối lượng và tính chất công việc của HĐBA Liên hợp quốc ngày càng nặng nề, phức tạp. Từ khi ra đời đến nay, chức năng và nhiệm vụ của HĐBA được quy định tại Điều 24 Hiến chương Liên hợp quốc, về cơ bản, chưa có sự thay đổi. Tuy nhiên, trên thực tế, phạm vi hoạt động của HĐBA ngày càng được mở rộng. Nguyên nhân chính là do các thách thức an ninh trên toàn cầu ngày càng đa dạng, phức tạp và HĐBA có thẩm quyền giải quyết những thách thức này. Trong chương trình nghị sự của HĐBA, các vấn đề an ninh truyền thống, như phòng ngừa và giải quyết hậu quả xung đột, chiến tranh, chống khủng bố... tiếp tục hiện diện, đồng thời ngày càng nhiều vấn đề an ninh phi truyền thống, như chạy đua vũ trang, nhân quyền, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng hoảng nhân đạo (cả do thiên tai và xung đột), nhập cư bất hợp pháp (nhất là trong nội khối châu Âu và từ các nước Nam Mỹ đến Mỹ) được đưa ra thảo luận. Quan điểm về an ninh và các mối đe dọa/thách thức về an ninh đối với đời sống quốc tế cũng như từng quốc gia có sự thay đổi theo hướng mở rộng hơn, toàn diện hơn, khiến nhiều lĩnh vực/vấn đề như kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, công nghệ cũng được xem xét từ nhãn quan này. Bên cạnh đó, một số nước có xu hướng chính trị hóa và đưa những vấn đề thuần túy xã hội, dân sự ra HĐBA để phục vụ lợi ích đơn phương. Do đó, chương trình nghị sự của HĐBA ngày càng dày đặc(7), khối lượng và cường độ công việc ngày một tăng cao, các thành viên HĐBA sẽ có rất ít thời gian để chuẩn bị cho các cuộc họp hoặc thảo luận chính thức.

Thứ ba, cơ cấu và cách thức hoạt động của HĐBA Liên hợp quốc phản ánh cấu trúc quyền lực trong quan hệ quốc tế hiện nay mà đặc trưng nổi bật là các nước lớn chi phối, song các nước vừa và nhỏ cũng có vai trò cao hơn. Nói cách khác, xu hướng chính trị cường quyền và xu hướng dân chủ hóa trong đời sống chính trị quốc tế đồng thời ảnh hưởng sâu sắc đến  HĐBA. Năm nước Ủy viên thường trực HĐBA là nhóm nước quyết định mọi mặt hoạt động của tổ chức này. Vấn đề cải tổ HĐBA theo hướng tăng số lượng Ủy viên thường trực để nâng cao tính đại diện đã được đặt ra từ nhiều năm và hiện vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ. Đến nay, hầu hết các nghị quyết quan trọng của HĐBA đều được các nước Ủy viên thường trực thỏa hiệp, quyết định trước khi đưa ra bỏ phiếu chính thức. Tuy nhiên, quyền phủ quyết của các nước Ủy viên thường trực là ngang nhau, khiến không một nước Ủy viên thường trực nào, kể cả Mỹ, có thể hoàn toàn áp đặt được chương trình nghị sự của HĐBA theo ý mình.

Trong khi đó, các nước Ủy viên không thường trực HĐBA không quyết định việc xây dựng chương trình nghị sự hay thông qua các nghị quyết của HĐBA. Tuy nhiên, nhóm các nước này vẫn có vai trò tại HĐBA do cạnh tranh tập hợp lực lượng giữa các nước Ủy viên thường trực. Theo đó, các nước Ủy viên không thường trực có cơ hội tăng cường tiếng nói tại HĐBA, tạo thêm vai trò đối với các nước lớn. Các nước Ủy viên không thường trực cũng có không gian rộng hơn trong thúc đẩy các vấn đề thuộc mối quan tâm chung, ít gây chia rẽ, như biến đổi khí hậu, bảo vệ trẻ em, bảo vệ thường dân, bảo vệ di sản văn hóa trong xung đột vũ trang, giải quyết hậu quả và tái thiết sau chiến tranh...  

Cơ cấu các nước Ủy viên không thường trực sẽ phần nào tác động đến tương quan quyền lực trong HĐBA giai đoạn 2020 - 2021(8). Mỹ, Anh, Pháp nhận được sự ủng hộ của các nước Ủy viên không thường trực là đồng minh cùng những nước đang phát triển phụ thuộc vào nguồn viện trợ và mối quan hệ kinh tế với Mỹ và phương Tây. Trung Quốc ngày càng chi phối mạnh các nước Ủy viên không thường trực đại diện cho khu vực châu Phi thông qua tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư ở khu vực này. Nga sẽ vẫn duy trì được sự ảnh hưởng đối với một số nước Ủy viên không thường trực trong khu vực ảnh hưởng truyền thống và trong nhóm các nước theo phong trào cánh tả ở khu vực Mỹ La-tinh. 

Thứ tư, xu thế thỏa hiệp vẫn là cơ bản, xuyên suốt, song cạnh tranh, xung đột sẽ gia tăng trong khuôn khổ HĐBA Liên hợp quốc. Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng sẽ khiến các vấn đề tại HĐBA sẽ phức tạp hơn. Mỹ có xu hướng ngày càng đơn phương và thực dụng; giảm can dự vào một số cơ chế thuộc Liên hợp quốc mà họ cho là không thiết thực. Trong khi đó, Trung Quốc đang tích cực thể hiện vai trò, vị thế nước lớn, đẩy mạnh tham gia các cơ chế đa phương; gia tăng ảnh hưởng tại Liên hợp quốc trên cả 3 trụ cột: Hòa bình - an ninh, phát triển, nhân quyền. Các nước Ủy viên thường trực HĐBA còn lại cũng có những điều chỉnh chính sách. Nga rất cứng rắn trong các vấn đề đụng chạm đến không gian sinh tồn và lợi ích chiến lược của mình, như U-crai-na, Vê-nê-xu-ê-la, Xy-ri... Anh, Pháp độc lập hơn trong một số vấn đề cụ thể, như I-ran, biến đổi khí hậu, xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin và tính toán hơn trong thể hiện lập trường do có các lợi ích về kinh tế, thương mại với các đối tác lớn.

Hệ quả là, sự hợp tác trong các vấn đề liên quan đến lợi ích sống còn của các nước Ủy viên thường trực HĐBA và các vấn đề nóng tại HĐBA, như Xy-ri, Vê-nê-xu-ê-la, I-ran, My-an-ma, xung đột I-xra-en - Pa-le-xtin... sẽ khó khăn hơn, thậm chí bế tắc, do lập trường đối lập nhau. Các nước Ủy viên thường trực sẽ tăng cường sử dụng các biện pháp song phương và đơn phương, gồm cả sử dụng quyền phủ quyết. Trong bối cảnh đó, các nước Ủy viên không thường trực HĐBA sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và nếu không xử lý tốt thì không phát huy được vai trò, thậm chí nếu tính toán sai sẽ phải trả giá đắt về lợi ích quốc gia.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 1-2020, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, gõ búa khai mạc phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an về tình hình Palestine - Israel, ngày 21-1-2020, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ)_Ảnh: TTXVN

Bối cảnh tình hình quốc tế và HĐBA với những đặc điểm chính như đề cập ở trên sẽ tác động đến quá trình Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021 theo cả hai chiều hướng, đặt ra những thách thức nhưng cũng đưa đến những thuận lợi. Trước hết, Việt Nam phải tham gia gánh vác những trách nhiệm quốc tế nặng nề, xử lý một khối lượng công việc rất lớn, tốn rất nhiều thời gian. Chương trình nghị sự của HĐBA trong thời gian tới có nhiều vấn đề mới đối với Việt Nam(9). Hầu hết các tranh chấp, xung đột mà HĐBA quan tâm hiện nay đều có gốc rễ từ mâu thuẫn về lợi ích giữa các nước lớn, rất phức tạp và khó giải quyết. Sự chia rẽ, xung đột gia tăng giữa các cường quốc sẽ là sức ép rất lớn cho Việt Nam trong việc xác định và thể hiện lập trường đối với một số vấn đề tại HĐBA. Trong khi đó, nhiệm kỳ 2 năm của Ủy viên không thường trực là khá ngắn, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực rất cao trong xác định và thúc đẩy một số vấn đề tại HĐBA để vừa đóng góp hiệu quả cho cộng đồng quốc tế, vừa khẳng định được dấu ấn cho đất nước. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có những thuận lợi, tạo ra không gian và dư địa cho mình thể hiện vai trò tại HĐBA. Cao hơn, Việt Nam, với những thế mạnh nội tại riêng(10), kỳ vọng sẽ hóa giải tốt các thách thức và tranh thủ tối đa các thuận lợi, hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực tại HĐBA. 

Với đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, quyết tâm cao độ và sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt của toàn bộ hệ thống chính trị, chúng ta có cơ sở vững chắc để tin tưởng rằng, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020  - 2021, qua đó nâng tầm công tác đối ngoại đa phương, nâng cao vị thế quốc gia, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương với các nước lớn, đối tác quan trọng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển và bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ của đất nước./.

------------------------------
(1) Thế giới đang được xem là ở trong giai đoạn đầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với in-tơ-nét kết nối vạn vật (IOT), trí tuệ nhân tạo, công nghệ di động, in 3D, điện toán đám mây...
(2) Xuất hiện nhiều lĩnh vực lai ghép và hình thức tổ chức mới
(3) Trong Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên Xô dẫn dắt hai tập hợp lực lượng, tạo nên trật tự hai cực đối đầu. Sau Chiến tranh lạnh, Mỹ nổi lên thành siêu cường duy nhất và thế giới trải qua trật tự đơn cực trong một thời gian ngắn
(4) Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Hiệp định Pa-ri về biến đổi khí hậu, Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Hiệp định hạt nhân 5+1 với I-ran, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), và dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... Trung Quốc lập ra một loạt sáng kiến và các cơ chế đa phương mới, như “Vành đai Con đường” (BRI), Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á  (AIIB)... nhằm đối trọng với các thiết chế do Mỹ dẫn dắt, lãnh đạo
(5) Tiêu biểu là chính sách đối ngoại thiên về cách tiếp cận song phương của chính quyền Tổng thống Mỹ Đ. Trăm hiện nay, hay cách tiếp cận “đơn phương khi có thể, đa phương khi cần thiết” của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ G. Bu-sơ (Bu-sơ con) trước đây
(6) 14 phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hiện được triển khai tại Tây Xa-ha-ra (MINURSO), vùng Đa-phua thuộc Xu-đăng (UNAMID), Cộng hòa Dân chủ Công-gô (MON-4-USCO), Xu-đăng (UNISFA), Nam Xu-đăng (UNMISS), Li-bi (MINUSMA), Ma-li (MINUSMA), Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), Ha-i-ti (MINUJUSTH), Síp (UNFICYP), Kô-sô-vô (UNMIK), Trung Đông (UNDOF, UNTSO, UNIFIL)
(7) Số lượng các cuộc họp của HĐBA hiện nay là khoảng trên 400 cuộc/năm, tăng hơn hai lần so với giai đoạn 2008 - 2009, và dự kiến sẽ dao động ở mức 410 - 430 cuộc/năm trong giai đoạn 2020 – 2021
(8) Theo kết quả bỏ phiếu ngày 7-6-2019, Việt Nam, E-xtô-ni-a, Tuy-ni-di, Ni-gê-ri-a, Xanh Vin-xen và Grê-na-din đã trở thành Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2020 - 2021. Hiện có 6 nước Ca-na-đa, Na-uy,
Ai-len, Kê-ni-a, Gi-bu-ti, Ấn Độ đang vận động cho 5 vị trí Ủy viên không thường trực HĐBA nhiệm kỳ 2021 - 2022 (thay cho Đức, Bỉ, Nam Phi, In-đô-nê-xi-a và Đô-mi-ni-ca)

(9) Các vấn đề về giải trừ quân bị của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, an ninh mạng... và một số cơ chế pháp lý Việt Nam chưa tham gia (như Tòa án Hình sự quốc tế)
(10) Như đường lối, chính sách đúng đắn, sự gia tăng vị thế và sức mạnh tổng hợp quốc gia, kinh nghiệm hội nhập quốc tế nói chung và tham gia Hội đồng Bảo an nói riêng, vị trí địa - chính trị quan trọng...