Việt Nam hội nhập kinh tế trên nền tảng AEC và các cơ chế ASEAN+
Ngày 28-01, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 48 của Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (WEF Davos) tại Thuỵ Sĩ và thăm Bồ Đào Nha theo lời mời của Chính phủ Bồ Đào Nha.
Thế giới cam kết hợp tác, mở rộng đầu tư với Việt Nam
Tại các cuộc tiếp xúc, toạ đàm trong khuôn khổ chương trình nghị sự, thông tin về sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua, nhất là năm 2017, đã để lại ấn tượng đặc biệt với các chính khách, học giả và cộng đồng doanh nghiệp khu vực châu Âu, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,...
Giáo sư kinh tế quốc tế Mari Elka Pangestu của Trường Đại học Indonesia- người điều hành phiên thảo luận về triển vọng chiến lược ASEAN trong khuôn khổ WEF Davos đánh giá: “Nền kinh tế Việt Nam như một ngôi sao đang lên tại khu vực ASEAN với những kết quả trong duy trì tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Lãnh đạo các quốc gia như Thủ tướng Peru, Tổng thống Guinea, Chủ tịch Quốc hội Bồ Đào Nha, lãnh đạo các bộ thuộc Chính phủ các nước Thuỵ Sĩ, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Na Uy... đều bày tỏ hài lòng về mối quan hệ ngoại giao, kinh tế tốt đẹp với Việt Nam và đề nghị hai bền cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư, thương mại trên các thoả thuận giữa lãnh đạo Chính phủ hai nước hoặc nhanh chóng đi tới ký kết các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU và với Khối Mậu dịch tự do châu Âu EFTA.
Tin tưởng vào sự ổn định chính trị và tương lai phát triển của Việt Nam, lãnh đạo của hơn 100 tập đoàn kinh tế lớn trong nhiều lĩnh vực hàng đầu trên thế giới đều cam kết đầu tư hoặc tiếp tục mở rộng đầu tư vào Việt Nam khi tiếp xúc với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.
Theo đó, Phó Chủ tịch Tập đoàn Google Kent Walker khẳng định tiếp tục hợp tác đào tạo công nghệ thông tin, thương mại điện tử, gỡ bỏ thông tin xấu trên Google, xem xét lập một số cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Việt Nam. Tập đoàn HSBC nhấn mạnh Việt Nam là thị trường quan trọng của HSBC, khẳng định làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Tập đoàn SK (Hàn Quốc) cho biết đã hỗ trợ lập Quỹ doanh nghiệp vừa và nhỏ, mong muốn tham gia tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thông qua đầu tư, chuyển giao công nghệ. Tập đoàn Carlsberg mong muốn tăng đầu tư vào thị trường nước giải khát của Việt Nam, tham gia cổ phần hóa các doanh nghiệp rượu bia, nước giải khát. Tập đoàn Marsh&Mc Lennan mong muốn mở rộng đầu tư vào thị trường bảo hiểm Việt Nam, hợp tác quản lý rủi ro, quản trị doanh nghiệp. Tập đoàn BAE tỏ quan tâm đến hợp tác an ninh mạng, đóng tàu tuần tra,…
Hơn 20 doanh nghiệp hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin trong buổi gặp Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ sáng 25-01 tại Davos đều bày tỏ đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, thông minh, hiếu học - những phẩm chất quan trọng để làm chủ các công nghệ mới từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) của Việt Nam.
ASEAN, Việt Nam - nơi ứng dụng các mô hình kinh doanh mới
Tại các cuộc tiếp song phương và diễn đàn đa phương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đều nhấn mạnh Việt Nam kiên trì đổi mới mạnh mẽ, sâu rộng nền kinh tế, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế trên nền tảng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) với các cơ chế hợp tác ASEAN+.
Năm 2018, Việt Nam sẽ kết thúc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), đạt được thoả thuận với Thuỵ Sĩ về kết thúc đàm phán với Khối EFTA trong nửa đầu năm 2018.
“Chúng tôi muốn lấy tiêu chuẩn thương mại, đầu tư quốc tế để tạo động lực đổi mới trong nước trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng độ chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng; tăng cường hiệu quả đầu tư công, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước,đơn vị sự nghiệp công, bảo đảm thu chi ngân sách gắn với bảo đảm an toàn nợ công”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói tại phiên thảo luận chiến lược ASEAN.
Phó Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm tới việc nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp Việt Nam, quy định các doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hoá hoặc có đa sở hữu thì dứt khoát phải niêm yết trên thị trường chứng khoán để bảo đảm minh bạch, áp dụng tiêu chuẩn quản trị của khối OECD bất kể là khối tư nhân hay Nhà nước để chống chọi với khủng hoảng nếu có. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng điều chỉnh luật pháp, thực hiện phòng chống tham nhũng cả trong khu vực tư nhân để bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng.
Cùng quan điểm với các lãnh đạo Chính phủ, doanh nghiệp trong khu vực Đông Nam Á, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hoà bình, hợp tác phát triển là xu hướng chính nhưng nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với bất ổn địa chính trị, vấn đề Biển Đông, tình hình bán đảo Triều Tiên, chủ nghĩa khủng bố và ly khai, chủ nghĩa bảo hộ, dân tuý, chống tự do hoá thương mại. Đối với Việt Nam, thách thức đặt ra là vừa phải phát triển nhanh để không tụt hậu, vừa phải phát triển bền vững 3 trụ cột: Kinh tế- xã hội- môi trường và những tác động mạnh mẽ từ cuộc CMCN 4.0 nếu Chính phủ không chủ động điều hành.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá ASEAN, trong đó có Việt Nam, là thị trường đủ lớn cho các mô hình kinh doanh mới, có cơ hội phát triển nhanh hơn khi CMCN 4.0 không chỉ là cách mạng về công nghệ mà còn là cách mạng về phát hiện nhu cầu để tạo lợi thế phát triển khi phát biểu khai mạc buổi Tiệc tối ASEAN có chủ đề: “ASEAN: Thịnh vượng trong biến chuyển dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0” do WEF tổ chức.
Phó Thủ tướng cho rằng CMCN 4.0 với tự động hóa sâu rộng sẽ đẩy mạnh chuyển dịch và thay thế lao động, nhất là trong các ngành sử dụng nhiều lao động. Do đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với giáo dục, đào tạo ở nhiều nước ASEAN, đồng thời đòi hỏi đổi mới về tư duy, thể chế và phương thức quản lý.
Theo Phó Thủ tướng, các nước ASEAN cần phát huy tự cường, có tầm nhìn, hướng đi và giải pháp mới, khuyến khích mạnh mẽ đổi mới sáng tạo để thích ứng và phát triển trong thế giới đang chuyển động nhanh dưới tác động của công nghệ mới.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ trên cương vị Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam đã cùng các thành viên APEC thông qua nhiều sáng kiến, tầm nhìn và hướng đi chiến lược về phát triển bao trùm, tăng cường liên kết kinh tế khu vực, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại điện tử qua biên giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số,...
Đánh giá về chuyến công tác của đoàn Việt Nam tại WEF Davos và Bồ Đào Nha, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhận định Việt Nam đã truyền tải thông điệp rõ ràng về thành tựu phát triển kinh tế -xã hội của đất nước mình, đặc biệt là năm 2017 tới bạn bè quốc tế, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao với nhận định kinh tế Việt Nam là điểm sáng, hình mẫu phát triển ổn định, bền vững và mong muốn gia tăng hợp tác, đầu tư với Việt Nam.
“Không chỉ lắng nghe các ý kiến của các nhà lãnh đạo, các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ còn đóng góp vào hoạt động chung của WEF Davos 2018 khi đưa thông điệp tăng cường hợp tác liên kết và duy trì hệ thống thương mại tự do từ Hội nghị APEC 2017, bảo đảm phát triển bao trùm về kinh tế- tài chính- xã hội, không để ai tụt lại phía sau, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nói. Đặc biệt, hoạt động của đoàn Việt Nam đã góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, thu hút đầu tư và quảng bá cho sự kiện WEF ASEAN tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9-2018, nâng cao vị thế đất nước, đặc biệt là vị thế của ASEAN trong Diễn đàn lần này.
Trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đoàn công tác đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các thành viên Chính phủ và giới doanh nghiệp Bồ Đào Nha về kinh nghiệm cải cách và vượt qua khủng hoảng kinh tế đối với khu vực công, khẳng định rõ hơn sự đúng đắn của chủ trương, giải pháp cải cách thể chế kinh tế mà Việt Nam đang thực thi.
Đoàn công tác của Chính phủ cũng tham khảo phương thức cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội từ Bồ Đào Nha để xây dựng và thực thi chính sách này tại Việt Nam trong thời gian tới./.
Người Việt ở Lào quyết tâm xây dựng cộng đồng đoàn kết, vững mạnh  (28/01/2018)
Chủ tịch Quốc hội thăm và làm việc tại Bộ Tư lệnh Quân khu 2  (28/01/2018)
Báo chí quốc tế ngưỡng mộ lòng quả cảm của U23 Việt Nam  (28/01/2018)
Tổng thống Honduras mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam  (28/01/2018)
Chủ tịch Quốc hội làm việc tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hà Giang  (28/01/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên