Phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật trong điều kiện xã hội hóa
TCCS - Hiện nay, công tác phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật đang đứng trước nhiều thách thức, một phần do tính chất đặc thù của nghề nghiệp, một phần do điều kiện kinh tế - xã hội đang thay đổi với việc coi trọng các ngành, nghề liên quan đến kinh tế, kỹ thuật... vốn đem lại thu nhập nhiều hơn so với những ngành, nghề trong lĩnh vực văn hóa. Tuy nhiên, những thách thức đó cũng đem lại cơ hội để ngành văn hóa, thể thao và du lịch thay đổi, tìm ra những hướng đi mới, phù hợp hơn với thực tiễn. Một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra là phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật trong điều kiện xã hội hóa.
Chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật
Xã hội hóa các hoạt động văn hóa, giáo dục và y tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Tư tưởng về xã hội hóa bắt đầu được Đảng đề cập đến từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII và được cụ thể hóa trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng thông qua việc nhấn mạnh một lần nữa chủ trương các vấn đề chính sách xã hội đều giải quyết theo tinh thần xã hội hóa. Ở các kỳ đại hội tiếp theo, chủ trương này tiếp tục được khẳng định và trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định, các chính sách xã hội được tiến hành theo tinh thần xã hội hóa, đề cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, huy động các nguồn lực trong nhân dân và sự tham gia của các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục cụ thể hóa “đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo” và “xúc tiến xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thông tin với bước đi thích hợp cho từng loại hình, từng vùng”. Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16-6-2008, của Bộ Chính trị khóa IX, về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” chỉ rõ, xây dựng và thực hiện có hiệu quả kế hoạch xã hội hóa các hoạt động văn học - nghệ thuật, làm rõ các lĩnh vực cần xã hội hóa, lĩnh vực của Nhà nước và nhân dân cùng làm, lĩnh vực Nhà nước phải đầu tư, bảo tồn, xây dựng và phát triển.
Nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP, ngày 21-8-1997, về “Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa”; Nghị định số 73/1999/NĐ-CP, ngày 19-8-1999, về “Chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao”; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP, ngày 18-4-2005, về “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục, thể thao”. Nghị quyết số 05 khẳng định, xã hội hóa nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục, thể thao. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban hành Chỉ thị số 32/2008/CT-BVHTTDL, ngày 08-4-2008, về “Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch” với mục tiêu phát huy tiềm năng trí tuệ, sự sáng tạo, cơ sở vật chất, công sức của nhân dân và các lực lượng xã hội cùng Nhà nước góp phần chăm lo cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của đất nước; tạo điều kiện cho các tầng lớp xã hội, nhất là với người nghèo, các đối tượng chính sách, người dân khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, thể thao và du lịch; thực hiện một phần việc đổi mới cơ chế quản lý hoạt động của xã hội, mở rộng quyền và trách nhiệm của nhân dân, các thành phần kinh tế trong việc tham gia hoạt động và quản lý lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Như vậy, theo tinh thần các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xã hội hóa chính là huy động nguồn lực từ trong nhân dân và sự tham gia của người dân vào việc giải quyết các vấn đề xã hội của Nhà nước, nhưng không làm giảm vai trò, trách nhiệm của Nhà nước. Cách hiểu này cũng được phổ biến rộng rãi thành cách hiểu chung khi nói đến hoạt động xã hội hóa.
Do tính đặc thù, nhạy cảm về chính trị, tư tưởng, nên trong công tác xã hội hóa, ngành văn hóa đã có những bước đi thích hợp cho từng đối tượng, từng loại hình, từng vùng, miền. Ngành văn hóa đã phân loại rõ chức năng các loại dịch vụ văn hóa, trong đó có các loại dịch vụ công, phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước và các loại dịch vụ khác để có hướng đầu tư và khuyến khích chuyển đổi phù hợp; trên cơ sở đó, xác định cụ thể lĩnh vực cần duy trì hình thức công lập, lĩnh vực cần đẩy mạnh chuyển đổi sang đơn vị ngoài công lập; xác định phạm vi và mức độ Nhà nước cần hỗ trợ đối với từng lĩnh vực hoạt động văn hóa.
Ngành văn hóa cũng xây dựng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đóng góp kinh phí cho tổ chức các hoạt động văn hóa, hình thành cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập các đoàn nghệ thuật, trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật... ngoài công lập; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực, như xây dựng rạp chiếu phim, nhà hát, bảo tàng, thư viện, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, đại lý băng hình, phát hành phim, sách báo, triển lãm mỹ thuật, dạy ca múa, nhạc, họa....
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp tu bổ, tôn tạo di tích, xây dựng các thiết chế văn hóa, mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa cơ sở. Một số tỉnh đã ban hành quy định về đất đai, cho phép các cơ sở thực hiện xã hội hóa được giao đất hoặc thuê đất theo các hình thức nhất định; về nhà và cơ sở vật chất, được giảm giá 20% đối với trường hợp trả tiền thuê nhà hằng năm. Trường hợp trả một lần cho cả thời gian thuê thì được giảm giá 30% trên tổng giá trị hợp đồng thuê; được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn với đất và được miễn các khoản phí, lệ phí khác.
Thực hiện cơ chế tự chủ cũng là một hình thức để khuyến khích các đơn vị gia tăng hoạt động xã hội hóa. Các đơn vị nghệ thuật, 12 đơn vị nghệ thuật biểu diễn công lập do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trực tiếp quản lý đã và đang tiến hành thực hiện cơ chế tự chủ ở mức tự bảo đảm kinh phí thường xuyên. Năm 2011, Nhà hát nghệ thuật đương đại tự chủ 100% kinh phí thường xuyên, năm 2015 Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam tự chủ 100% kinh phí thường xuyên. Năm 2016, các đơn vị còn lại, như Nhà hát chèo Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng, Nhà hát tuồng Việt Nam... tiến hành tự chủ theo hướng mỗi năm cắt giảm 30% kinh phí thường xuyên. Thành công bước đầu của những đơn vị, như Nhà hát nghệ thuật đương đại, Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam, Nhà hát múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long... đã cho thấy hướng đi đúng đắn và sự cần thiết tiến hành cơ chế tự chủ.
Có thể nói việc huy động nguồn lực xã hội hóa của toàn xã hội trong phát triển văn hóa có sự đa dạng hóa loại hình. Bên cạnh việc củng cố loại hình công lập, lấy đó làm nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo, việc tích cực, mở ra nhiều hình thức hoạt động văn hóa, phát triển văn hóa đã thu hút các loại hình ngoài công lập; tạo điều kiện cho người dân nâng cao mức hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật; đa phương hóa nguồn lực huy động thông qua khai thác các nguồn lực xã hội, như doanh nghiệp, sự đóng góp của người dân, nhà tài trợ cũng như tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để phát triển văn hóa cùng với việc tăng thêm và sử dụng có hiệu quả ngân sách nhà nước.
Xã hội hóa và công tác phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật
Công tác cán bộ luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước và các cấp chính quyền. Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997, của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” khẳng định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” được thông qua tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tiếp tục khẳng định cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, “đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”. Vấn đề đặt ra là, trong điều kiện xã hội hóa hiện nay, làm sao để công tác phát triển đội ngũ cán bộ nói chung, phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật nói riêng, vừa đúng định hướng, chủ trương của Đảng, vừa thu hút được sự tham gia, hỗ trợ của các nguồn lực xã hội. Muốn làm được vậy, cần có sự định hướng, giám sát, chịu trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của nhân dân trong mọi hoạt động, như quy hoạch, tuyển dụng cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ, cũng như thực thi các chính sách đãi ngộ, hỗ trợ cán bộ...
Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật đã đạt được những thành tích đáng kể. Các quy định, quy chế, quy trình, hướng dẫn về quy hoạch, tuyển chọn, sử dụng, bổ nhiệm... cán bộ đã được xây dựng bài bản, đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn. Đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật được quy hoạch bài bản, điều chỉnh cơ cấu độ tuổi, trình độ hợp lý... Hiện nay, tính riêng đội ngũ cán bộ công chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 880 người, nữ chiếm 42,1% (371 người), độ tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 41 đến 50 tuổi (35,68%). Đây là tỷ lệ tương đối phù hợp.
Để phát triển hơn nữa đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật, nhất là đội ngũ giảng viên của ngành, ngày 30-5-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, giai đoạn 2011 - 2020”, trong đó nhấn mạnh đến những giải pháp có tính đến yếu tố xã hội hóa, như tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật có uy tín ở nước ngoài; trên cơ sở đó có kế hoạch tuyển chọn cán bộ, giảng viên và sinh viên đi học tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật ở nước ngoài đáp ứng mục tiêu hợp tác đào tạo toàn thời gian hoặc một phần thời gian ở nước ngoài; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực, kinh phí thực hiện Đề án, tăng nguồn đầu tư đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trình độ cao lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật ở trong nước và nước ngoài. Tiến hành việc đánh giá, sơ kết, tổng kết thường xuyên kết quả đào tạo để kịp thời rút kinh nghiệm, có sự điều chỉnh, bổ sung kế hoạch và động viên, khen thưởng. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách sử dụng và phát huy năng lực cán bộ, giảng viên sau khi được đào tạo.
Sau thời gian thực hiện, công tác đào tạo văn hóa - nghệ thuật đã được chú trọng, có bước phát triển cả về quy mô, mạng lưới, loại hình, số lượng và trình độ, đã bao quát được hầu hết các ngành nghề cần thiết cho hoạt động văn hóa, sáng tạo, biểu diễn, lý luận và phê bình văn nghệ; hình thành một hệ thống các trường văn hóa - nghệ thuật từ Trung ương tới địa phương. Việc đào tạo sau đại học để tạo nguồn nhân lực có trình độ cao trong những năm gần đây đã được triển khai, bước đầu có kết quả khả quan. Đội ngũ giáo viên, phương tiện phục vụ giảng dạy và cơ sở vật chất của các trường được nâng cao một cách đáng kể. Nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải cao tại các cuộc thi và liên hoan khu vực và quốc tế.
Hệ thống các cơ sở đào tạo tăng cả về số lượng cơ sở lẫn quy mô đào tạo; các cấp bậc đào tạo và hình thức tổ chức đào tạo được đa dạng hóa. Hiện nay cả nước có 108 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo văn hóa - nghệ thuật (33 trường đại học, 1 viện, 47 trường cao đẳng, 27 trường trung cấp). Hình thức tổ chức đào tạo đa dạng, gồm chính quy và không chính quy; các hệ ngắn hạn và dài hạn; các loại hình công lập và ngoài công lập, cơ sở đầu tư trong nước và các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài. Lực lượng chủ chốt là 18 cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Cơ sở đào tạo nhân lực văn hóa - nghệ thuật đã phủ kín hầu hết các tỉnh/thành phố, phần lớn tập trung ở các đô thị, địa bàn đông dân cư, tạo thuận lợi cho người học và gắn với nhu cầu sử dụng nhân lực, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được phân bố ở các trung tâm đào tạo chính là Hà Nội (9 cơ sở), Thành phố Hồ Chí Minh (5 cơ sở), Tây Bắc (1 cơ sở), Việt Bắc (1 cơ sở), Huế (1 cơ sở), Đồng Nai (1 cơ sở).
Đặc biệt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật ngày càng được chú trọng. Đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có học hàm, học vị tăng đáng kể trong 10 năm qua. Nhiều cán bộ có trình độ, năng lực, nắm giữ những vị trí quản lý quan trọng của các cơ quan ngành văn hóa - nghệ thuật khi tuổi đời còn khá trẻ.
Có thể thấy, đội ngũ cán bộ ngành văn hóa - nghệ thuật đang có sự biến đổi mạnh mẽ cả về chất và lượng. Tuy nhiên, so với các ngành khác, như y tế, giáo dục,... về cơ bản lực lượng cán bộ văn hóa - nghệ thuật vẫn còn yếu và thiếu. Chế độ lương, thưởng, chính sách đánh giá, đãi ngộ cho đội ngũ này còn nhiều hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự đầu tư của Nhà nước cho ngành văn hóa, so với các ngành khác còn khiêm tốn, việc huy động các nguồn lực khác thông qua xã hội hóa còn nhiều hạn chế.
Giải pháp tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật trong bối cảnh xã hội hóa
Để tăng cường phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật trong điều kiện xã hội hóa hiện nay, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tăng cường hoạt động xã hội hóa trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Trong hệ thống 356 cơ sở đào tạo tham gia đào tạo, bồi dưỡng, trung tâm huấn luyện trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch của cả nước, có 107 cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật với 66 ngành, 152 chuyên ngành... Các đơn vị đào tạo thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ một vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực, song cũng cần tăng cường thêm sự tham gia của các nguồn lực xã hội vào hoạt động đào tạo.
Xã hội hóa hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngành văn hóa - nghệ thuật được thể hiện ở các nội dung, như mở rộng mạng lưới các cơ sở đào tạo ngành văn hóa - nghệ thuật; bên cạnh hệ thống các trường trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa phương, phát triển thêm các trường dân lập, tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập ngành văn hóa - nghệ thuật của xã hội, tăng cường số lượng cán bộ được đào tạo, tăng tính cạnh tranh giữa hệ thống các trường công lập và dân lập. Kêu gọi sự đầu tư của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, các trường dân lập vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các trường ngành văn hóa - nghệ thuật của Nhà nước với các hình thức liên kết đào tạo, đào tạo theo đặt hàng với các tổ chức trong và ngoài nước... Trong xu thế tự chủ trong giáo dục đại học như hiện nay, chính các trường công lập thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng phải chủ động liên kết đào tạo với các đơn vị bên ngoài để tăng cường nguồn thu, nâng cao uy tín đào tạo không chỉ trong ngành mà còn trên phạm vi toàn quốc, vươn tầm khu vực và quốc tế.
Thứ hai, kêu gọi sự đầu tư, hỗ trợ của các nguồn lực xã hội vào việc nâng cấp, xây mới kết cấu hạ tầng, các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến địa phương, từ đó thu hút nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch.
Cơ sở vật chất, thiết chế ngành văn hóa - nghệ thuật không chỉ tham gia hoạt động nghệ thuật của Nhà nước mà còn có thể phối hợp với các tổ chức tư nhân, doanh nghiệp. Vì vậy, có thể kêu gọi các hình thức cùng đầu tư, cùng sử dụng từ các tổ chức tư nhân, các văn nghệ sĩ đứng ra tổ chức các hoạt động nghệ thuật hoặc cho thuê để tổ chức các hoạt động nghệ thuật, nhằm thu lợi nhuận, tái đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất. Kêu gọi sự ủng hộ, đầu tư, tài trợ của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật. Thực tiễn hoạt động tài trợ cho nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Một số lĩnh vực, như nhạc nhẹ, điện ảnh..., phù hợp với thị hiếu của phần đông công chúng, mang tính giải trí cao, thì thường thu hút được nhiều sự đầu tư, tài trợ. Ngược lại, một số loại hình nghệ thuật, như mỹ thuật, âm nhạc truyền thống..., các cơ quan phải tự bù lỗ cho các hoạt động của mình. Cần làm thế nào để một phần nguồn lợi nhuận từ đó được đầu tư trở lại cho nghệ thuật nói chung, nhất là các lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm, đỉnh cao, không dễ thu lại được lợi nhuận trước mắt, trực tiếp.
Thứ ba, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, của công chúng trong việc đánh giá cán bộ của ngành văn hóa - nghệ thuật.
Cán bộ ngành văn hóa - nghệ thuật là những người hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công chúng, chịu nhiều tác động từ nhu cầu, thị hiếu của công chúng. Vì vậy, việc đánh giá chất lượng cán bộ của ngành cũng phải có sự tham gia của công chúng, của xã hội. Đối với các danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, cần phải xem xét lại các tiêu chuẩn cho phù hợp, có tính đến sự ghi nhận, đánh giá của công chúng; tránh tình trạng nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, được khán giả hâm mộ nhưng khi xét danh hiệu lại không đủ tiêu chuẩn. Sự đánh giá khách quan từ xã hội sẽ tạo động lực để cán bộ - nghệ sĩ phấn đấu cống hiến, hoàn thiện năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức.
Thứ tư, kêu gọi sự tham gia của xã hội vào việc thực hiện chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ văn hóa - nghệ thuật.
Tài năng văn hóa - nghệ thuật là vốn quý của cả dân tộc. Vì vậy, chăm lo bồi dưỡng, hỗ trợ, phát huy năng lực của người làm công tác văn hóa - nghệ thuật là nhiệm vụ của toàn xã hội. Đa phần những người làm nghệ thuật đều có tuổi nghề ngắn, lương lại thấp, phụ cấp không đáng kể. Mặc dù Nhà nước đã quan tâm và có nhiều chính sách đãi ngộ cho đội ngũ này song vẫn cần nhiều sự ủng hộ, tài trợ, đài thọ của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và từng cá nhân trong cộng đồng để cán bộ văn hóa - nghệ thuật yên tâm cống hiến và sáng tạo nghệ thuật.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực phát triển đội ngũ cán bộ.
Trước mắt, Nhà nước cần cải thiện môi trường pháp lý, môi trường đầu tư, thu hút các nguồn ODA và FDI để đầu tư phát triển đội ngũ cán bộ ngành văn hóa - nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa, thông qua các đại sứ quán, các trung tâm văn hóa ở nước ngoài, làm đầu mối tìm kiếm sự hợp tác, tài trợ của các tổ chức quốc tế trong việc cung cấp học bổng cho cán bộ, sinh viên ngành văn hóa - nghệ thuật học tập, nâng cao trình độ cũng như giới thiệu, tài trợ cho các học giả, các nghệ sĩ quốc tế đến giảng dạy, biểu diễn ở Việt Nam.
Thứ sáu, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về vai trò, giá trị của văn hóa - nghệ thuật trong đời sống xã hội, góp phần thu hút được sự quan tâm, ủng hộ, đầu tư của tất cả mọi tầng lớp trong xã hội. Giải pháp này được thực hiện thông qua các hoạt động, như nâng cao dân trí trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật bằng nhiều hình thức giảng dạy trong nhà trường, lồng ghép trong các môn học, phát triển các câu lạc bộ nghệ thuật, các trung tâm đào tạo nghệ thuật, các nhà văn hóa...; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về văn hóa - nghệ thuật trên các phương tiện truyền thông đại chúng, sách báo, các cuộc thi.../.
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 27-5 đến ngày 02-6-2019)  (05/06/2019)
Xóa bỏ tâm lý “Không sợ bị trừng phạt” để góp phần phòng, chống tham nhũng có kết quả  (05/06/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay