Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ trong tình hình mới
Tại Đại hội XI, Đảng ta khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ công tác cán bộ. Thực hiện tốt Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đổi mới, tư duy, cách làm, khắc phục những yếu kém trong từng khâu của công tác cán bộ. Xây dựng và thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; trọng dụng những người có đức, có tài.”(1). Đồng thời, Đảng ta cũng khẳng định công việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng cán bộ là một nội dung hết sức quan trọng của công tác cán bộ, có như thế mới bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, trông rộng đáp ứng cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đảng ta chỉ rõ: “Nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp. Làm tốt công tác quy hoạch và tạo nguồn cán bộ,... cấp chiến lược. Đánh giá và sử dụng đúng cán bộ trên cơ sở những tiêu chuẩn, quy trình đã được bổ sung, hoàn thiện, lấy hiệu quả công tác thực tế và sự tín nhiệm của nhân dân làm thước đo chủ yếu”(2).
Triển khai tư tưởng chỉ đạo của Đại hội XI của Đảng về công tác cán bộ trong tình hình mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI khẳng định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ. Công tác quy hoạch, chuẩn bị đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là nội dung trọng yếu, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động”(3). Có một thực tế là, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX, công tác quy hoạch cán bộ tuy đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, việc chưa xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã dẫn đến lúng túng, bị động về lựa chọn, phân công công tác đối với nhân sự cao cấp. Thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ trong những năm qua cho thấy chúng ta chưa làm tốt công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ và chưa nâng cao được chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý các cấp. Nhiều cơ quan, đơn vị thời gian qua, chưa coi trọng và quan tâm thực hiện công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo và quản lý. Có cơ quan, đơn vị thực tế có tiến hành triển khai công tác quy hoạch cán bộ, nhưng còn mang tính hình thức, vì vậy, nhìn chung chất lượng thấp, quy hoạch chưa gắn chặt với đào tạo, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ nguồn trong quy hoạch chưa được tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng, phấn đấu, tự rèn luyện; không ít trường hợp, còn bị cản trở, dèm pha, kèn cựa; thậm chí, có trường hợp còn bị cô lập, trù dập, vô hiệu hóa. Thực tế đó đã đưa đến tình trạng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý không phong phú, chất lượng thấp, vừa thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, dẫn đến bị động, lúng túng trong công tác tổ chức cán bộ, nhất là nhân sự cao cấp trong các kỳ đại hội Đảng. Nhìn chung, ở nhiều nơi cho đến nay vẫn chưa xây dựng được quy hoạch được cán bộ dài hạn, chủ yếu mới dừng lại ở việc bố trí, sắp xếp, điều chỉnh cán bộ đương chức trong thời gian trước mắt. Quy hoạch cán bộ chưa thực sự trở thành căn cứ quan trọng nhất để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và luân chuyển cán bộ. Quy hoạch cán bộ chưa có tính khoa học và hiện thực, nhiều khi hình thức, chủ quan, duy ý chí. Chính công tác quy hoạch cán bộ chưa được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và mang tính khoa học nên hệ quả tất yếu hiện nay là nhìn chung đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị cơ cấu bất hợp lý, thiếu hụt. Đó là tình trạng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý tuổi cao nhiều, tuổi trẻ ít, đội ngũ vừa thiếu, vừa thừa. Thiếu cán bộ có trình độ, năng lực tốt, chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, phẩm chất đạo đức tốt, cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, cán bộ nghiên cứu khoa học - kỹ thuật đầu ngành; thừa cán bộ yếu cả phẩm chất đạo đức lẫn năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và chưa được đào tạo cơ bản.
Có thể khẳng định, thực trạng yếu kém của công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay là do, một mặt, người đứng đầu cấp ủy và thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và toàn diện công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, chưa có chỉ đạo quyết liệt, thiếu kiểm tra công tác quy hoạch cán bộ; mặt khác, các cơ quan tham mưu của cấp ủy không chủ động đề xuất xây dựng và thực hiện công tác quy hoạch cán bộ. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ chưa được bàn bạc thống nhất, công khai và tập trung dân chủ trong các cấp ủy đảng, chưa được coi là khâu trọng yếu trong công tác cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ còn bộc lộ những hạn chế; đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với nhu cầu, kế hoạch sử dụng cán bộ, chưa nhằm vào mục tiêu, đối tượng cụ thể, nhiều trường hợp mang tính hình thức, chủ yếu để đối phó với yêu cầu tiêu chuẩn hóa cán bộ; nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo lạc hậu, không phù hợp với tình hình mới, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chưa cao, quản lý đào tạo còn nhiều bất cập. Chính vì vậy, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ giao lưu, hội nhập quốc tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước.
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng mới đặt ra hiện nay là đưa đất nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân, tạo cơ sở để thực hiện mục tiêu Chiến lược là: “Phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau”(4). Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đề ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, có năng lực, nhất là “Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý các cấp, đội ngũ chuyên gia đầu ngành. Đổi mới, trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển”(5). Vấn đề mới và cấp bách này đòi hỏi phải đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) hiện nay. Bảo đảm đến năm 2020 chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ có phẩm chất tốt, đủ năng lực thực thi nhiệm vụ, tận tuỵ phục vụ sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Đó là đội ngũ cán bộ ưu tú có cơ cấu hợp lý, số lượng đủ, chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI khẳng định: “Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhằm chủ động chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược dồi dào để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, làm tiền đề quan trọng cho công tác nhân sự Đại hội Đảng toàn quốc, nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo”(6). Nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước nhất thiết phải có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lãnh đạo thành công sự nghiệp xây dựng và BVTQ trong tình hình mới. Chủ động phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có tài năng thể hiện qua thực tiễn; tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ khoa học - công nghệ, văn hóa, nghệ thuật; cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức. Ban Chấp hành Trung ương phải có 3 độ tuổi để bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; có cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện.
Trong điều kiện hiện nay, cần phải đổi mới một cách toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đội ngũ cán bộ các cấp. Trước hết cần phải đổi mới nhận thức một cách sâu sắc và đầy đủ về vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quy hoạch cán bộ cần phải được nhìn nhận một cách khoa học rằng đó là một quá trình thực hiện đồng bộ các chủ trương, biện pháp, giải pháp để tạo nguồn cán bộ; dự kiến bố trí, sắp xếp một cách tổng thể đội ngũ cán bộ, trong đó trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy cao cấp, cấp chiến lược. Nhằm bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chính trị cách mạng đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ có năng lực trình độ cao.
Quy hoạch cán bộ không ngoài mục tiêu nào khác là lựa chọn được những người thực sự có đức, có tài, đủ năng lực, phẩm chất để đưa vào nguồn kế cận, dự bị, từng bước thử thách, giao nhiệm vụ từ thấp đến cao, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện toàn diện qua các trường lớp và thực tiễn công tác. Từ đó, tạo nguồn bổ sung cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ chuyên gia các cấp, các ngành có đủ năng lực và phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đổi mới công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ hiện nay, quan trọng nhất là phải bảo đảm tính chủ động, tính nguyên tắc, có tầm nhìn xa, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Trước mắt, xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cả số cán bộ hiện có và số cán bộ mới đảm nhiệm vị trí công tác mới. Lâu dài, cần có sự chuẩn bị, xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất cho sự nghiệp xây dựng và BVTQ ở thời điểm 15 - 20 năm sau. Sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ này, trước hết, thiết thực bổ sung nhân sự cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chỉ huy tại các kỳ Đại hội Đảng sắp tới. Tập trung vào lớp cán bộ trưởng thành thời kỳ đổi mới. Về cách làm, cần phải xây dựng tiêu chuẩn cụ thể cho mỗi chức danh, tiến hành phân loại, đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, thường xuyên thực hiện tinh giản biên chế trong đội ngũ cán bộ ở các cơ quan, đơn vị các cấp kịp thời bổ sung cán bộ dự bị, thực hiện hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ qua thực tiễn địa phương.
Trong công tác cán bộ, việc đánh giá cán bộ là quan trọng nhất. Thực tế cho thấy, đánh giá vẫn là khâu yếu nhất trong công tác cán bộ hiện nay. Do đó, đổi mới công tác đánh giá cán bộ đang là một đòi hỏi cấp bách. Đánh giá cán bộ cần phải căn cứ vào kết quả thực tế giải quyết công việc của cán bộ, đánh giá phải được thực hiện dân chủ, tập thể, công tâm và khách quan. Từng cấp, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có, yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu của đội ngũ cán bộ sắp tới, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo và quản lý, nhất là quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở quy hoạch đó lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ sao cho phù hợp. Quan tâm ưu tiên tạo nguồn cán bộ từ cơ sở, cán bộ trẻ tuổi, có triển vọng, có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai công việc trong thực tiễn; những trí thức, những người ưu tú, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ nữ, con em các gia đình có công với cách mạng, có thành tích nổi bật trong lao động và công tác; các sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc, các cán bộ khoa học trẻ thuộc các lĩnh vực. Có quy định tiêu chuẩn cụ thể để bảo đảm đúng định hướng, tránh cơ cấu hình thức, hoặc thành phần chủ nghĩa. Cần xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ “động” và “mở”. Cần có sự phân biệt tương đối giữa quy hoạch cán bộ lãnh đạo, chỉ huy với quy hoạch cán bộ quản lý chuyên môn nghiệp vụ. Công tác quy hoạch cán bộ phải gắn chặt với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Lấy quy hoạch làm căn cứ để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và sử dụng cán bộ cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu của từng cơ quan, đơn vị. Đổi mới công tác quy hoạch cán bộ để nâng cao tính khoa học và tính khả thi của công tác quy hoạch, kịp thời khắc phục, hạn chế tình trạng thiếu đồng bộ, vừa thiếu, vừa thừa, vừa gián đoạn, vừa tồn đọng và các nhược điểm khác trong xây dựng, phát triển nguồn nhân lực cán bộ trình độ cao các cấp hiện nay.
Quy hoạch cán bộ là cơ sở để đào tạo cán bộ. Đào tạo cán bộ là nhằm đáp ứng yêu cầu quy hoạch đội ngũ cán bộ. Vì vậy, đổi mới công tác quy hoạch phải gắn liền với đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao. Đào tạo cán bộ là một bộ phận của công tác giáo dục của đất nước. Do đó, đào tạo cán bộ cần gắn bó chặt chẽ với chiến lược giáo dục, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài của đất nước. Coi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là biện pháp cơ bản và thường xuyên nhằm tiêu chuẩn hóa và nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ. Chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được xây dựng trên cơ sở chiến lược và quy hoạch tổng thể cả đội ngũ cán bộ. Mọi kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đều phải gắn với nhu cầu thực tiễn của nhiệm vụ cách mạng, với quy hoạch sử dụng cán bộ. Không đơn giản coi đào tạo, bồi dưỡng chỉ là chế độ, chính sách cho cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần quán triệt tinh thần đổi mới một cách toàn diện, triệt để nội dung, chương trình, phương pháp thật sự thiết thực và đáp ứng yêu cầu hiện nay theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại hóa để hội nhập với khu vực và thế giới.
Trong quá trình đào tạo cán bộ, về hình thức, phải kết hợp chặt chẽ các loại hình đào tạo, như chính quy, dài hạn, tại chức, đào tạo từ xa và tự đào tạo, đào tạo ở trong nước, đào tạo ở nước ngoài. Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI, công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ cần tập trung vào một số trọng tâm, như đào tạo, đào tạo lại có mục tiêu, có chất lượng, khuyến khích các hình thức tự học, tự đào tạo để thường xuyên nâng cao trình độ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược và chuyên gia đầu ngành. Đặc biệt, thường xuyên quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, không ngừng vun đắp, xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý, chuyên gia từ những cán bộ trẻ, trưởng thành cùng quá trình đổi mới. Quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về đề án công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ; tiếp tục đổi mới toàn diện công tác cán bộ, tạo sự chuyển biến cơ bản và vững chắc về chất lượng giáo dục - đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp có lập trường tư tưởng, chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; tập trung đào tạo theo chức vụ có trình độ học vấn tương đương; trong đó, đào tạo cán bộ cấp chiến lược có trình độ cao; đào tạo đội ngũ cán bộ theo các nhóm ngành của Đảng, Nhà nước có mặt bằng kiến thức chung, có trình độ đáp ứng yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tất cả các việc làm trên phải tập trung cao để đào tạo được một đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” theo cơ cấu trình độ đào tạo có chất lượng, chuẩn mực bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững.
Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài kịp thời và chủ động đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Tập trung xây dựng một số cơ sở đào tạo (học viện, nhà trường) trọng điểm ngang tầm khu vực và đạt trình độ quốc tế, tăng cường mở rộng đào tạo cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chiến lược ngang tầm với khu vực và quốc tế; tổ chức, kiện toàn, sắp xếp lại, phát huy tối đa vai trò của các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu khoa học của bộ và liên bộ để phối kết hợp đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ lãnh đạo, quản lý có trình độ cao; thực hiện kết hợp hiệu quả giữa giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Thực hiện chủ trương đưa người giỏi đi đào tạo ở nước ngoài phải góp phần chủ yếu vào việc đào tạo nhân tài cho đất nước ở tất cả các lĩnh vực khoa học, công nghệ, lãnh đạo, quản lý. Sớm xây dựng và ban hành chính sách sử dụng và tôn vinh các cán bộ quản lý, lãnh đạo, chỉ huy giỏi, có công lao lớn trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ để tạo động lực thực sự khuyến khích người tài.
Như vậy, để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ cấp chiến lược đáp ứng thời kỳ hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI cần đổi mới và hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách cho phù hợp. Thống nhất nội dung, chương trình đào tạo và tiến tới xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đặc biệt chú ý xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên ngành, khoa học, chuyên gia đầu ngành là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới./.
---------------------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 261
(3) Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI
(4), (5) Văn kiện Đại hội XI đã dẫn, tr. 31, 262
(6) Kết luận Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XI
Hướng tới một nền hành chính phục vụ trong cải cách hành chính  (14/08/2013)
Ban Bí thư làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum  (13/08/2013)
Đồng chí Lê Hồng Anh thăm Nhà bia ghi công liệt sĩ ở Kiên Giang  (13/08/2013)
Hà Nội vinh danh 329 thủ khoa xuất sắc năm 2013  (13/08/2013)
Công điện khẩn yêu cầu chủ động đối phó bão số 7  (13/08/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên