Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hình thức hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông hộ
TCCS - Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Sự phát triển của nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cho thấy vai trò quan trọng của việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo hợp đồng. Đồng thời, việc thực hiện hợp đồng một cách nghiêm túc là tiền đề bảo đảm cho các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm và đầu tư có hiệu quả trong nền kinh tế thị trường nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nông sản nói riêng.
Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng
Hiện nay, có ba hình thức liên kết chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông hộ; liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong đó, hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ khá phổ biến. Đây là kiểu liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông hộ. Với hình thức liên kết này, hợp đồng được ký ở đầu vụ và ấn định thời điểm sản xuất, giao hàng, số lượng, yêu cầu chất lượng và giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp có thể cung cấp tín dụng, cung ứng vật tư, máy móc, tư vấn kỹ thuật cho nông hộ, nhưng doanh nghiệp cũng có quyền từ chối mua sản phẩm không đạt chất lượng. Về bản chất, mô hình liên kết này tích hợp nông hộ vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn vùng, toàn quốc và thậm chí toàn cầu khi có sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia.
Hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông hộ được chia làm hai phương thức chính:
Một là, hợp đồng tiếp cận đầu ra của thị trường. Doanh nghiệp tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông hộ, như ứng trước vật tư, hướng dẫn quy trình sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là người bao tiêu toàn bộ hàng hóa do nông hộ sản xuất theo mức giá do doanh nghiệp và nông hộ thỏa thuận từ đầu vụ. Ưu điểm của phương thức liên kết này là doanh nghiệp và nông hộ sẽ có mối ràng buộc khá chặt chẽ. Sản phẩm làm ra được bảo đảm đầu ra và nông hộ cũng được chia sẻ các chi phí sản xuất. Tuy nhiên, hạn chế của phương thức liên kết này là trách nhiệm của doanh nghiệp và nông dân chủ yếu dựa trên chữ tín. Chính vì vậy, khi thị trường có biến động lớn về giá cả sẽ dễ dẫn tới nguy cơ hợp đồng bị phá vỡ. Điển hình cho phương thức liên kết này là mô hình cánh đồng mẫu lớn trồng mía đường, cà-phê…
Hai là, hợp đồng quản lý sản xuất và cung cấp dịch vụ đầu vào. Nông hộ tham gia gia công sản phẩm cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cung cấp giống, thức ăn, thuốc... và đưa ra yêu cầu về thời vụ sản xuất, áp dụng kỹ thuật theo quy trình cụ thể, giám sát dịch bệnh, quy trình sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Nông hộ nhận khoán định mức chi phí và một phần chi phí đầu tư cơ bản, chi phí lao động và sản xuất trên đất của nông hộ. Ưu điểm của phương thức liên kết này là nông hộ giảm được chi phí đầu tư, rủi ro thấp nhưng mức lợi nhuận thường không cao. Hạn chế của phương thức liên kết này là rất ít nông hộ có đủ điều kiện để doanh nghiệp lựa chọn ký hợp đồng và với phương thức liên kết này dễ xuất hiện lợi ích nhóm khi tiến hành liên kết.
Nhìn chung, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông hộ có những ưu điểm và hạn chế sau:
Về ưu điểm:
Đối với doanh nghiệp, khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng sẽ giúp giảm chi phí đầu tư đất đai, nhà xưởng, máy móc nên rút ngắn được thời gian hoàn vốn. Bên cạnh đó, việc thu mua nông sản trực tiếp trên thị trường mở, thị trường tự do khó bảo đảm yêu cầu về chất lượng cũng như số lượng ổn định bởi tính mùa vụ trong sản xuất và tính “bấp bênh” của thị trường tự do. Thông qua liên kết hợp đồng, doanh nghiệp sẽ kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất và truy xuất nguồn gốc của các sản phẩm thu mua, giảm chi phí giao dịch, có nguồn cung ổn định và gián tiếp sử dụng lao động nông hộ mà không phải mất chi phí cho lao động.
Đối với nông hộ, việc tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng sẽ bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, giảm rủi ro về giá cả do đã được định sẵn từ đầu vụ. Đặc biệt, nếu không tham gia liên kết theo hợp đồng, nông hộ sẽ chủ yếu sản xuất theo dự báo mang tính ước chừng của thị trường. Kỳ vọng giá cao thì nông hộ sẽ sản xuất nhiều nên lượng cung cũng sẽ tăng theo; kỳ vọng giá thấp thì nông hộ sẽ sản xuất ít đi nên lượng cung vì thế cũng giảm theo. Ở cả hai trường hợp nông hộ đều sẽ chịu rủi ro, khi lượng cung hàng nhiều, thậm chí dư thừa thì mức giá kỳ vọng sẽ bị giảm. Còn khi lượng cung hàng ít thì mức giá kỳ vọng sẽ tăng, nhưng do lượng hàng ít nên dù giá cao thì nông hộ cũng không có hàng để bán. Việc liên kết theo hợp đồng sẽ khắc phục tình trạng này và giúp nông hộ tiếp cận tốt hơn với các dự báo thị trường mang tính khoa học, ứng dụng các công nghệ sản xuất mới, nguồn tín dụng và cập nhật các kiến thức về sản xuất…
Về hạn chế:
Đối với doanh nghiệp, hạn chế lớn nhất nằm ở chỗ thông tin bất đối xứng, nghĩa là việc định vị nông hộ nào “tốt” để chọn ký hợp đồng nhằm tránh hiện tượng nông hộ không thực hiện các cam kết trong hợp đồng và tìm các kênh tiêu thụ khác có lợi hơn, khi đó doanh nghiệp sẽ chịu tổn thất. Trong một số trường hợp, nông hộ có thể không áp dụng theo quy trình kỹ thuật mới mà áp dụng sản xuất theo cách truyền thống, thói quen, kinh nghiệm cũ, sẽ ảnh hưởng tới năng suất và chất lượng sản phẩm đầu ra, gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân theo những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
Đối với nông hộ, việc tham gia sản xuất theo hợp đồng sẽ gián tiếp đẩy người nông dân thành người làm công trên chính mảnh đất của mình, đồng thời giá trị được tính để chi trả lại dựa vào giá trị nông sản, mà gần như việc định giá sẽ do doanh nghiệp độc quyền định đoạt. Ngoài ra, khi tham gia ký hợp đồng, doanh nghiệp sẽ trở thành đối tác thu mua duy nhất, lâu dần nông hộ sẽ bị phụ thuộc vào doanh nghiệp và trong điều kiện thị trường có biến động bất lợi thì doanh nghiệp có nhiều khả năng sẽ đẩy rủi ro về phía nông hộ bằng cách từ chối thu mua sản phẩm với các lý do, như sản phẩm không đáp ứng yêu cầu chất lượng, quy trình sản xuất không đạt yêu cầu… mà không có một bên thứ ba đứng ra kiểm nghiệm được tính chính xác. Thông thường, các hợp đồng dường như thể hiện sự công bằng giữa các bên, nhưng thực chất lại bị chi phối bởi doanh nghiệp bằng một số điều khoản tùy nghi, trong khi nông hộ do trình độ hiểu biết và khả năng tiếp cận hạn chế nên rất dễ chịu thiệt thòi.
Một số khuyến nghị
Đại hội XIII của Đảng xác định: “Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”(1) để nâng cao và thực hiện đồng bộ mối quan hệ liên kết giữa nhà nông, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối nhằm phát huy vai trò chủ thể của nông dân. Trong đó, doanh nghiệp được xem là khâu kết nối giữa sản xuất và thị trường. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với dự báo về thị trường đầu ra. Tuy nhiên, làm sao để hài hòa được lợi ích của các bên tham gia thực thi hợp đồng, mà cụ thể ở đây là doanh nghiệp và nông hộ, cần tập trung làm tốt các vấn đề sau:
Thứ nhất, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo điều kiện để doanh nghiệp làm tốt vai trò dẫn dắt trong mối liên kết sản xuất, tiêu thụ. Trong đó, chú trọng tới chính sách tín dụng, bao gồm áp dụng mức trần lãi suất cho vay, đơn giản hóa thủ tục cấp vốn, áp dụng ưu đãi cho các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng… Song song với đó, Nhà nước cũng cần hỗ trợ thị trường đầu ra ổn định, tạo điều kiện để mối liên kết sản xuất, tiêu thụ diễn ra thông suốt. Môi trường hoạt động, hay nói cách khác là các điều kiện của thị trường sẽ ảnh hưởng đến kết quả thực thi hợp đồng của các bên tham gia. Vì vậy, để liên kết thực sự đi vào chiều sâu, Nhà nước với vai trò là “trọng tài” cần tham gia vào mối liên kết nhằm hỗ trợ, điều phối thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư kết cấu hạ tầng; quy hoạch vùng nguyên liệu; chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; xúc tiến thương mại; kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng giữa các bên.
Thứ hai, mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ theo hợp đồng mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông hộ, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển quy mô sản xuất lớn, hiện đại hóa nông thôn, vì vậy, cần được nhân rộng. Tuy nhiên, do cấu trúc nội tại phức tạp nên mô hình này vận hành chưa thực sự hiệu quả bởi tính dễ tổn thương vì sự độc quyền của doanh nghiệp, còn doanh nghiệp cũng chịu không ít rủi ro từ thị trường đầu ra. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này cần khuyến khích hình thành các hợp tác xã, tổ chức liên kết các nông hộ. Hợp tác xã và các tổ chức này sẽ có vai trò cầu nối trung gian, đại diện các nông hộ đứng lên thỏa thuận với doanh nghiệp, kiểm soát việc soạn thảo và thực thi hợp đồng để bảo đảm bình đẳng giữa doanh nghiệp và nông hộ. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hợp tác xã và các tổ chức liên kết nông hộ sẽ đóng vai trò trung gian hòa giải để cân bằng lợi ích giữa các bên.
Thứ ba, việc thực thi hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông hộ sẽ không ổn định khi có biến động lớn về thị trường. Đặc biệt, doanh nghiệp và nông hộ nước ta có quy mô sản xuất và kinh doanh nhỏ chiếm đa số nên khả năng về tài chính còn kém, chỉ cần biến động lớn về thị trường nếu tuân thủ theo hợp đồng thì khả năng thua lỗ, thậm chí phá sản là không nhỏ. Trong trường hợp này, để hạn chế việc phá vỡ hợp đồng, cần áp dụng cách tính giá thành sản phẩm linh hoạt bằng cách quy định giá sàn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần nâng cao khả năng dự báo và đánh giá sự kỳ vọng của thị trường trước khi đi đến ký kết hợp đồng với nông hộ.
Thứ tư, việc doanh nghiệp độc quyền thu mua sản phẩm sẽ đẩy nông hộ vào tình trạng bị lệ thuộc; bên cạnh đó, việc doanh nghiệp ký hợp đồng nhỏ lẻ với từng nông hộ sẽ tạo ra sự phân hóa giữa các nông hộ và lâu dần dẫn đến những mâu thuẫn xã hội khiến mô hình khó triển khai và nhân rộng. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, cần khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nhóm nông hộ bằng cách tạo áp lực cạnh tranh để các doanh nghiệp duy trì hợp đồng dài hạn.
Thứ năm, đa số các nông hộ có quy mô đất đai, nhân lực đều nhỏ lẻ. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút doanh nghiệp do khó liên kết để tạo thành những vùng nguyên liệu lớn đáp ứng nhu cầu đầu tư và ứng dụng khoa học - công nghệ. Do đó, để đạt mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và hạn chế được các chi phí đầu tư, vận chuyển, cần thúc đẩy tích tụ ruộng đất thông qua hỗ trợ nông hộ dồn điền, đổi thửa.
Thứ sáu, nâng cao khả năng dự báo thị trường trên cơ sở đó hình thành, phát triển và mở rộng quy mô các trang trại, nhà máy chế biến tạo động lực thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ theo hướng dài hạn./.
--------------
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 137, 124
Biến chuyển mới của nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở tỉnh Thái Bình  (26/03/2022)
Dịch chuyển lao động nông nghiệp ở Việt Nam: Một số hàm ý chính sách  (16/06/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển