FAO cũng như các nhà kinh tế khẳng định, thế giới không nên quá lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực mới trong năm 2010- 2011.

TCCSĐT - Ngày 7-2-2011, Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) khẳng định: mặc dù giá lương thực trên toàn cầu tăng liên tục trong 7 tháng qua và góp phần gây biến động chính trị ở Trung Đông nhưng sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới.

Ông Áp-đôn-rê-da Áp-ba-xi-an (Abdolreza Abbassian), nhà kinh tế chủ chốt của FAO nhấn mạnh, những dự báo về một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới trong bối cảnh hiện nay là "võ đoán" và "gây hoảng loạn". Những nghiên cứu chung giữa FAO, Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) sau cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 đã dự báo giá lương thực toàn cầu sẽ còn tiếp tục tăng nhưng không phải là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng lương thực mới sắp diễn ra. Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế (IFPRI) vừa công bố cũng nhấn mạnh: phục hồi kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng kinh tế thế giới 2008- 2009 cũng dẫn đến giá lương thực toàn cầu tăng trong những năm tới và thực tế này hoàn toàn hợp lý.

Giá lương thực tăng cao nhưng vẫn trong tầm kiểm soát

Các nghiên cứu của FAO và IFPRI đều nhấn mạnh, những nhân tố vĩ mô "rất khác nhau" giữa bối cảnh hiện nay và bối cảnh trước cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008, mặc dù giữa 2 bối cảnh này có nhiều điểm giống nhau như đồng USD suy yếu, giá dầu tăng, nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh. Dự trữ lương thực thế giới hiện nay cao hơn nhiều so với trước khủng hoảng lương thực toàn cầu năm 2007-2008 và thế giới có khả năng đối phó tốt hơn nhiều với thực trạng mùa màng thất bát trên thế giới. Trong khi giá gạo trên thế giới vẫn thấp hơn năm 2010 và chỉ bằng 50% so với năm 2008, giá lúa mì và ngô cao hơn 50% so với năm 2010 nhưng vẫn thấp hơn từ 10-20% so với năm 2008.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho biết: những lương thực chủ yếu như ngũ cốc và gạo để cứu trợ người nghèo trên thế giới đã được dự trữ để không bị tác động của giá lương thực tăng cao. Giá lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới vẫn ổn định, thậm chí đang giảm như giá đậu ở Trung Mỹ. Giá nhiều lương thực chủ chốt ở khu vực tiểu Xa-ha-ra châu Phi như ngô, kê, cao lương … vẫn tương đối thấp. Nhà kinh tế Áp-ba-xi-an khẳng định: có nhiều dấu hiệu tích cực về tình hình lương thực toàn cầu và thế giới không nên quá lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng lương thực mới trong năm 2010- 2011.

Các nước cần thận trọng khi ra quyết sách đối phó với tác động của giá lương thực tăng cao

Tháng 1-2011, FAO đã công bố tài liệu hướng dẫn dành cho các nhà hoạch định chính sách tại các nước đang phát triển nhằm giúp đối phó với những tác động tiêu cực của tình trạng giá lương thực tăng cao. FAO cảnh báo các nước nên thận trọng trước khi đưa ra những quyết sách mà có thể chỉ có lợi trước mắt, nhưng lại gây tổn hại về lâu dài.

Ông Ri-chát Chai-nơ (Richard China), người đứng đầu ủy ban hoạch định chính sách của FAO cho biết: những bài học từ cuộc khủng hoảng lương thực thế giới 2007-2008 cho thấy một số chính phủ đã quá vội vàng khi đưa ra quyết định nhằm giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng, song trên thực tế, những chính sách này lại làm trầm trọng hơn tác động của khủng hoảng đối với an ninh lương thực.

Theo ông Ri-chát Chai-nơ, những chính sách hạn chế xuất khẩu từng được một số nước sản xuất lương thực lớn trên thế giới thực hiện trong giai đoạn xảy ra khủng hoảng lương thực càng làm trầm trọng thêm tình hình thị trường lương thực toàn cầu. Chính những chính sách này gây ra tình trạng bất ổn, thậm chí làm hỗn loạn trên các thị trường thế giới, đẩy giá lương thực toàn cầu tăng lên, trong khi kéo giá trong nước xuống. Điều này cản trở những nỗ lực sản xuất thêm nhiều lương thực.

Cú sốc giá lương thực tăng cao xảy ra chỉ 2 năm sau cuộc khủng hoảng năm 2007-2008 đã tạo ra mối lo ngại lớn tại các thị trường lương thực ở một số nước dễ bị tổn thương. Tài liệu hướng dẫn dành cho các nước chịu tác động nặng nề của giá lương thực cao do FAO vừa công bố cảnh báo rằng không có một giải pháp nào mà có thể thích hợp và mang lại hiệu quả đối với tất cả các nước. Chính vì vậy, sự kết hợp các chính sách và hành động phải phù hợp với điều kiện của mỗi nước và cần thận trọng không thông qua những biện pháp có thể phá hoại thị trường hiện nay.

Năm 2008, giá ngũ cốc đã tăng lên mức cao kỷ lục, gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực và tình trạng hỗn loạn ở một số nước châu Phi cũng như ở Ha-i-ti và Phi-líp-pin. Các cuộc biểu tình diễn ra trong vài tuần qua tại Tuy-ni-di và An-giê-ri cũng có nguyên nhân một phần là do giá lương thực, thực phẩm leo thang./.