TCCS - Vấn đề dân tộc từ lâu đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới lãnh đạo, cầm quyền của các quốc gia - dân tộc, sự tìm tòi, khảo cứu của giới học giả, nhà nghiên cứu. Trong nghiên cứu về dân tộc, nhất là nghiên cứu lý luận về dân tộc, đang còn nhiều ý kiến khác nhau, tập trung vào một số vấn đề, như lý luận về dân tộc; phạm vi và các cấp độ lý luận về dân tộc; quan hệ giữa lý luận về dân tộc và chính sách dân tộc; thực trạng lý luận về dân tộc và công tác lý luận về dân tộc ở nước ta; phương hướng, giải pháp bổ sung và phát triển lý luận về dân tộc ở nước ta hiện nay.

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui mừng được gặp bà con các dân tộc xã Du rơ Kmăn, huyện Krông A Na trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguồn: http://tinhuyhaiduong.vn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui mừng được gặp bà con các dân tộc xã Du rơ Kmăn, huyện Krông A Na trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguồn: http://tinhuyhaiduong.vn

Nghiên cứu lý luận về dân tộc trong khuôn khổ nghiên cứu này tập trung vào các tộc người thiểu số, được đặt trong bối cảnh lịch sử khác với các thời kỳ trước đây. Trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, việc nghiên cứu lý luận về dân tộc gắn liền với lý luận về đấu tranh giai cấp, xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, chống áp bức, đô hộ của ngoại bang nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Hạt nhân của lý luận về dân tộc là lý luận giải phóng để thoát ách nô lệ, giành độc lập, tự do. Ngày nay, khi nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc đã hoàn thành thì, một mặt, vẫn phải tiếp tục nghiên cứu lý luận về dân tộc thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh để giữ vững chủ quyền độc lập; mặt khác, lại phải gắn liền với lý luận về xây dựng và phát triển dân tộc ở thời kỳ toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc điểm đó chi phối lý luận và công tác lý luận dân tộc ở nước ta hiện nay.

Dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhiều quan điểm, lý luận, đường lối đúng đắn về dân tộc thiểu số đã được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng, Hiến pháp và nhiều chính sách dân tộc. Việc nghiên cứu về lĩnh vực dân tộc đã tập trung vào các tộc người thiểu số. Nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm và tâm huyết đã dày công nghiên cứu và đạt được kết quả không nhỏ, phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, góp phần tạo nên những thay đổi lớn lao trong đời sống vật chất và tinh thần của các tộc người thiểu số. Cùng với sự đổi mới trong quan điểm lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, quan điểm lý luận về dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết dân tộc cũng rõ dần. Tuy nhiên những tồn tại, hạn chế trong đời sống cộng đồng các tộc người thiểu số, trong quan hệ quốc gia dân tộc cho thấy, những kết quả phát triển của các tộc người thiểu số còn chưa tương xứng với tiềm năng của họ và những nỗ lực chủ quan trong việc hoạch định và thực thi các chính sách dân tộc. Bốn nguy cơ Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, có mặt còn nặng nề hơn đối với các tộc người thiểu số. Những kết quả nghiên cứu về quan điểm lý luận đã có là rất đáng trân trọng và kế thừa, nhưng trước những thay đổi của tình hình thế giới và trong nước, rất cần bổ sung, phát triển những quan điểm lý luận ở tầm chiến lược về phát triển dân tộc để làm cơ sở cho việc đổi mới công tác dân tộc theo yêu cầu của tình hình mới.

Hiện nay có hai vấn đề đang đặt ra cho công tác nghiên cứu lý luận về dân tộc, đó là:

Thứ nhất, làm thế nào để các tộc người thiểu số nâng cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức làm chủ, tinh thần tự lực, tự cường, lòng khát khao vươn lên, khai thác tiềm năng để tự làm chủ vận mệnh của mình, để đồng hành cùng cả nước phát triển mạnh mẽ, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thứ hai, làm thế nào để nâng cao nhận thức về lãnh đạo và quản lý công tác dân tộc lên tầng cao mới, khắc phục tình trạng “nhận thức của các cấp, các ngành và của nhiều cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc chưa sâu sắc, chưa toàn diện”,... “Một bộ phận cán bộ, đảng viên vùng dân tộc còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước” như Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương, về công tác dân tộc, đã chỉ rõ(1).
Để góp phần khắc phục những hạn chế đó, phải chăng định hướng của lý luận dân tộc ở nước ta hiện nay là: trên cơ sở nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu những giá trị tinh hoa của thế giới và phân tích thực tiễn nước ta, cần nghiên cứu để xây dựng hệ thống những lý luận cơ bản ở tầm vĩ mô về xây dựng và phát triển các tộc người thiểu số theo mục tiêu chung của đất nước, nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định và thực hiện đường lối, chính sách phát triển trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và con người của các tộc người thiểu số ở nước ta trong điều kiện hiện nay.

Theo định hướng chung đó, các định hướng cụ thể trong lý luận về tộc người thiểu số phải chăng gồm hệ thống các vấn đề sau đây:

Một là, khẳng định mối quan hệ không thể tách rời giữa các tộc người thiểu số với cộng đồng dân tộc quốc gia. Đó là triết lý xây dựng và phát triển, là cốt lõi của lý luận dân tộc. Sự phát triển của các tộc người thiểu số là một điều kiện để phát triển đất nước, đất nước sẽ không thể nào phát triển bền vững, toàn diện, độc lập, chủ quyền quốc gia sẽ khó giữ vững nếu các tộc người thiểu số không phát triển, mặc dù các tộc người thiểu số chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 14% dân số cả nước.

Hai là, khẳng định vai trò làm chủ thực sự của các tộc người thiểu số trong một quốc gia thống nhất trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, trước hết là làm chủ về kinh tế (bao gồm làm chủ sở hữu tư liệu sản xuất, quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm), làm chủ về xác định thành phần tộc người. Khẳng định vai trò làm chủ thực sự của các tộc người thiểu số có nghĩa là không chấp nhận sự làm thay và sự ban phát. Quan điểm này từ lâu đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, được khẳng định trong Cương lĩnh và Hiến pháp của nước ta.

Ba là, xác định mục tiêu phát triển của các tộc người thiểu số nằm trong mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của cả dân tộc, với nội hàm là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó là chủ thuyết phát triển của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh và được vận dụng cho phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của các tộc người thiểu số ở nước ta.

Dân giàu: là cả cộng đồng tộc người cùng nhau phát triển và trở nên giàu có, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì trở nên giàu có, người giàu có rồi thì giàu hơn nữa, không một ai bị bỏ rơi vào cảnh nghèo đói, đồng thời phát triển tầng lớp trung lưu trong các tộc người thiểu số.

Nước mạnh: là do sự lớn mạnh của các tộc người thiểu số và sự đóng góp của họ vào sự phát triển của cả dân tộc, đồng thời được thụ hưởng những thành quả chung của sự phát triển đất nước.

Dân chủ: là quyền làm chủ thực sự của các tộc người đối với đất nước, với quê hương và vận mệnh của tộc người trên các phương diện kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa.

Công bằng: thể hiện mối quan hệ xã hội tiến bộ giữa các tộc người và trong nội bộ tộc người, giữa tộc người với dân tộc theo đạo lý nhân văn “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, công bằng về nghĩa vụ và quyền lợi.

Văn minh: thể hiện quan hệ tốt đẹp theo những giá trị tinh hoa trong bản sắc văn hóa tộc người, bảo đảm quyền con người, quyền công dân cho mỗi thành viên tộc người được thực hiện tốt nhất.

Đó là mục tiêu lý tưởng, là đường lối cơ bản, lâu dài xây dựng và phát triển các tộc người thiểu số, đưa các tộc người thiểu số đồng hành cùng dân tộc, phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với đặc điểm một quốc gia thống nhất đa tộc người.

Bốn là, động lực chủ yếu để phát triển của các tộc người thiểu số là phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc, với nội hàm là xử lý hài hòa mối quan hệ lợi ích, không có sự phân biệt đối xử trong các tộc người thiểu số, giữa tộc người thiểu số và đa số, phòng ngừa và khắc phục xung đột tộc người, phê phán và loại trừ những tư tưởng ảnh hưởng đến đại đoàn kết toàn dân tộc, như tư tưởng dân tộc lớn, phân biệt kỳ thị, tự ti, thành kiến, ly khai...

Năm là, con đường phát triển của các tộc người thiểu số là con đường phát triển đa dạng, phong phú, không dập khuôn máy móc, áp đặt mà căn cứ vào điều kiện cụ thể từng lúc, từng nơi mà lựa chọn mô hình phát triển phù hợp theo nguyên tắc chung là “tôn trọng, tin cậy, khoan dung, bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển”. Tôn trọng, tin cậy, khoan dung chính là tiền đề và điều kiện để thực hiện bình đẳng, đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển.

Sáu là, quan điểm về xây dựng chính sách đối với tộc người thiểu số theo hướng đa dạng hóa chính sách, không chỉ là sự vận dụng chính sách chung cho các tộc người thiểu số. Các loại chính sách có thể bao gồm: Chính sách áp dụng chung cho các tộc người đa số và thiểu số; chính sách áp dụng cho các tộc người trong toàn dân tộc nhưng có phần vận dụng cho các tộc người thiểu số; chính sách chỉ dành riêng cho các tộc người thiểu số thể hiện tính riêng nhưng không trái với lợi ích chung của toàn dân tộc.

Bảy là, mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người với văn hóa dân tộc nói chung, thể hiện sự thống nhất trong đa dạng, hài hòa giữa cái chung và cái riêng. Mọi tộc người thiểu số đều là người Việt Nam, nhưng vẫn giữ tên riêng của tộc người. Ngôn ngữ phổ thông gọi là quốc ngữ, lấy tiếng Việt làm cơ sở. Mỗi tộc người có ngôn ngữ riêng của mình.

Tám là, xây dựng con người các tộc người thiểu số, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn lao động có chất lượng cao nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của các tộc người thiểu số.

Chín là, phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ xã hội đối với các tộc người thiểu số, khắc phục dần những hủ tục lạc hậu, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội.

Mười là, đấu tranh phê phán mọi sự xuyên tạc, lợi dụng vấn đề dân tộc để chia rẽ khối đoàn kết dân tộc và đấu tranh chống ảnh hưởng của các tư tưởng cực đoan về dân tộc xâm nhập vào nước ta, như những biến tướng của chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa ly khai, sự xuyên tạc quan hệ dân tộc với tôn giáo và vấn đề tộc người xuyên biên giới..., nhằm bảo vệ Cương lĩnh, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta.

Những định hướng cụ thể trên đây được cấu trúc dựa trên cơ sở vận dụng và phát triển lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tham khảo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và thực tiễn đang đặt ra ở Việt Nam, qua các dự án khảo sát về dân tộc của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chắt lọc kết quả và nghiên cứu lý luận. Các nội dung đó được sắp xếp theo lô-gíc nhất định và quan hệ hữu cơ với nhau.

Lý luận dân tộc là hệ thống tri thức về dân tộc, bao gồm tri thức về sự tồn tại và tri thức về sự phát triển dân tộc, được rút ra và hệ thống hóa từ thực tiễn sinh động, phong phú, đa chiều trong không gian và qua thời gian khác nhau của dân tộc. Đó là một lĩnh vực lý luận rất sâu rộng bao gồm rất nhiều nội dung đa dạng và phong phú, cũng rất phức tạp và nhạy cảm. Các nghiên cứu lý luận về dân tộc hầu như đã khẳng định rằng cần phân biệt hai khái niệm dân tộc - quốc gia và dân tộc - tộc người, và thống nhất cho rằng không nên lẫn lộn hai khái niệm này và dùng chung một thuật ngữ DÂN TỘC. Quá trình hội nhập quốc tế ngày nay lại càng cần phân biệt hai cách gọi đó phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong phạm vi nghiên cứu này, tập trung vào dân tộc - tộc người và chỉ hướng vào tộc người thiểu số và dùng cách gọi này thay cho cách gọi “dân tộc thiểu số” vẫn thường dùng.

Nghiên cứu về tộc người thiểu số ở Việt Nam đã giúp cho việc tìm hiểu về từng tộc người với tư cách là cộng đồng có chung ý thức tộc người, văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử. Tuy vậy những nghiên cứu về quá trình tộc người, quan hệ tộc người, phát triển tộc người, quản lý xã hội tộc người - dưới góc độ khoa học liên ngành và tiếp cận với thế giới... còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế đòi hỏi. Việc bổ sung, phát triển lý luận về tộc người thiểu số là một yêu cầu khách quan, song cũng khó tránh khỏi chịu tác động bởi nhiều yếu tố. Ngày nay trên thế giới đang diễn ra nhiều xu thế khác nhau, nhiều trào lưu lý luận về dân tộc với những hình thái biến đổi vô cùng đa dạng và phức tạp, không thể hình dung hết. Do nhiều nguyên nhân mà vấn đề dân tộc và tộc người ở nhiều nước, nhất là ở những nước phát triển, không giống như ở những nước đang phát triển, nhất là ở phương Đông. Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam nên quan tâm tham khảo một cách có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới để tiếp thu, bổ sung vào quá trình phát triển lý luận về dân tộc của nước ta. Đó là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ và tiến hành một số chủ trương sau đây:

- Tiến hành tổng kết ở tầm lý luận, đường lối về phát triển các tộc người thiểu số trên phạm vi cả nước và tổng kết chính sách về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... đối với các tộc người thiểu số. Trên cơ sở nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng mà phân tích sâu các nguyên nhân, rút ra những kinh nghiệm thiết thực, đồng thời đặt ra những vấn đề cần giải quyết về mặt lý luận đường lối xây dựng và phát triển dân tộc, cả về quan điểm chính sách. Việc tổng kết ở tầm lý luận, đường lối yêu cầu dựa vào nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tham chiếu những kinh nghiệm thế giới, phân tích những đặc điểm các tộc người thiểu số ở nước ta để đặt ra những vấn đề cho lý luận, đường lối, chính sách dân tộc.

- Tiến hành nghiên cứu lý luận một cách tổng thể và căn cơ ở tầm chủ thuyết phát triển các tộc người thiểu số ở nước ta trong điều kiện hiện nay. Lý luận đó sẽ là một bộ phận cấu thành và bổ sung cho lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, góp phần hình thành lý luận phát triển của một quốc gia đa tộc người.

- Xác định trách nhiệm và vai trò của hệ thống chính trị đối với sự phát triển của các tộc người thiểu số. Trung ương Đảng cần có nghị quyết mới về phát triển tộc người thiểu số thay cho Nghị quyết trước đây, thể hiện sự đổi mới lý luận, đường lối về dân tộc và công tác dân tộc trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm thực tế và chắt lọc kết quả nghiên cứu lý luận. Nhà nước ban hành Luật về hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi và xây dựng chiến lược phát triển tộc người thiểu số ở nước ta. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách người đại diện và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, trong đó có các tộc người thiểu số, có vai trò quan trọng tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện, giám sát và phản biện xã hội đối với nghị quyết của Đảng, luật pháp và chính sách của Nhà nước về tộc người thiểu số.

- Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác tộc người thiểu số từ vĩ mô đến vi mô, trước hết là tăng cường bộ máy tổ chức các cơ quan quản lý nhà nước chuyên trách, các cơ cấu chuyên môn về lĩnh vực tộc người thiểu số trong các cơ quan quản lý nhà nước khác nhau.

Trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: “Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”, trong đó có “nhân dân lao động ở miền xuôi cũng như ở miền núi”. Tăng cường công tác lý luận dân tộc để làm cơ sở và luận cứ cho kế hoạch, chính sách của Đảng và Nhà nước chính là nhằm mục đích thiết thực đó./.

---------------------------------------

(* )Bài viết là sản phẩm nghiên cứu của đề tài KHCN cấp nhà nước “Một số lý luận cơ bản về dân tộc trong thế giới đương đại và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”, Mã số CTDC.01.016/16-20 (UBDT)
(1) Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 33