Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân khu 3 có vị trí chiến lược quan trọng đối với sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh của miền Bắc và cả nước. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang Quân khu 3 có nhiều thời cơ và thuận lợi mới, song cũng gặp không ít những khó khăn, thách thức trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương nói chung và quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo nói riêng.

Địa bàn Quân khu 3 hiện nay gồm 9 tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương, 94 huyện (quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh); 1.821 xã (phường, thị trấn), có 132,8 km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, 3 cửa khẩu trên bộ; trong đó, có 1 cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh); 425 km bờ biển, trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, với 3 cửa khẩu quốc tế cảng biển thông thương trong nước và quốc tế. Tuyến biên giới, biển đảo Quân khu 3 có tiềm năng rất lớn về tài nguyên, khoáng sản, du lịch, dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng biển... phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời đây cũng là khu vực rất nhạy cảm trong quá trình phân định, cắm mốc biên giới và phân định chủ quyền trên vịnh Bắc Bộ. Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương và giải pháp xây dựng khu vực biên giới, ven biển, hải đảo vững mạnh toàn diện. Ngày 30-12-1999 và ngày 25-12-2000, Việt Nam và Trung Quốc đã ký Hiệp ước biên giới bộ và Hiệp định phân định chủ quyền và hợp tác về nghề cá ở vịnh Bắc Bộ tạo hành lang pháp lý và môi trường ổn định, thông thoáng, thuận lợi cho giao lưu hợp tác quốc tế, tham gia hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Những năm gần đây, tình hình an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn Quân khu tiếp tục được củng cố, ổn định; tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Trên tuyến biên giới trên bộ Quảng Ninh, vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư, chăn thả gia súc, khai thác trộm lâm thổ sản. Bằng nhiều con đường, một lượng hàng hóa trốn thuế, hàng giả, kém chất lượng tràn vào địa bàn Quân khu gây khó khăn trong quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát về an toàn thực phẩm, dịch bệnh. Tệ nạn xã hội, tội phạm (tiền giả, ma túy, cờ bạc, mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới...) vẫn chưa được ngăn chặn. Trên biển đảo, vẫn còn xảy ra hiện tượng tàu ngư dân nước ngoài xâm nhập vùng biển trái phép để đánh bắt trộm hải sản... khảo sát, thăm dò khoáng sản ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.

Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, mà thường xuyên, trực tiếp là của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang Quân khu đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu hoàn thành đồng đều, toàn diện mọi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc. Một trong những nhiệm vụ tiêu biểu là, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xác định chủ trương và biện pháp, chỉ đạo lực lượng vũ trang phối hợp hiệp đồng cùng các lực lượng chức năng trên địa bàn làm tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn.

Để làm tốt công tác này, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn thường xuyên làm tốt tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, về vị trí, vai trò quan trọng của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên bộ và biển đảo. Cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, Quân khu chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương làm tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành Trung ương, địa phương làm tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia theo tinh thần Nghị quyết số 02 của Bộ Chính trị (khóa VI), Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VIII) "Về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", các văn bản pháp quy cũng như văn bản chỉ đạo của Chính phủ về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Thực hiện sự chỉ đạo của hai chính phủ Việt Nam và Trung Quốc, Bộ Tư lệnh Quân khu phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, Bộ đội biên phòng Quảng Ninh tiến hành khảo sát, phân định và tổ chức cắm mốc biên giới giữa hai nước. Đến tháng 9-2008, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc thuộc địa bàn Quân khu 3, đã tổ chức cắm được 73/74 mốc biên giới (đạt 98% so với kế hoạch đề ra trong năm 2008) và phân định biên giới 107/132,8 km.

Trong xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, Quân khu và các địa phương thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng dân quân tự vệ trên tuyến biên giới và biển đảo. Chỉ đạo xây dựng và duy trì hoạt động các tổ quân dân thường trực tại thị xã Móng Cái, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và đảo Cát Bà (Hải Phòng). Trên tuyến biển đảo, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối kết hợp với lãnh đạo các tỉnh (thành phố) có tuyến biển đảo như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình chỉ đạo xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng dân quân tự vệ biển, bảo đảm kết hợp kinh tế biển với giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên biển đảo. Đến nay, tỷ lệ dân quân tự vệ biển đạt 0,9% so với tổng số dân quân tự vệ.
 
Cùng với xây dựng và tăng cường lực lượng vũ trang cho tuyến biên giới, biển đảo, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh (thành phố) có biên giới, biển đảo chủ động xây dựng phương án, kế hoạch và các công trình phòng thủ biên giới, hải đảo vừa bảo đảm tốt cho phát triển kinh tế - xã hội vừa củng cố thế trận quốc phòng - an ninh. Thường xuyên làm tốt công tác huấn luyện quân sự, diễn tập, luyện tập các phương án tác chiến bảo vệ mục tiêu quan trọng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, cháy rừng và bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong 5 năm (2003 - 2008), cơ quan quân sự huyện của các địa phương Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định phối hợp cùng với các đồn biên phòng huấn luyện cho gần 22.500 cán bộ, chiến sỹ dân quân tự vệ các xã biên giới, ven biển, hải đảo.

Các đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, biển đảo đã chủ động phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển, hải quan, quản lý thị trường... thường xuyên nắm tình hình địa bàn, tuần tra bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên tuyến biên giới đất liền và trên biển đảo, thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương phép nước trên biên giới, vùng biển đảo, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ; đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương và biện pháp giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề liên quan đến chủ quyền, an ninh, trật tự trên tuyến biên giới, biển đảo.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng, để củng cố thế trận quốc phòng toàn dân trên tuyến biên giới, biển đảo ngày càng vững chắc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương trong gắn phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo. Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo lực lượng công binh rà phá bom mìn trên tuyến biên giới Quảng Ninh; chỉ đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Ban Quản lý dự án kết hợp kinh tế - quốc phòng Quân khu phối hợp cùng các cấp, ngành làm đường tuần tra biên giới, đường dân sinh, xây dựng đường điện cao thế, xây dựng trường học, bệnh xá, bệnh xá quân dân y kết hợp, xóa nhà tranh vách đất, di giãn dân ra sát biên giới. Quá trình di giãn dân ra vùng biên giới bảo đảm đúng chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, tạo mọi điều kiện để các hộ gia đình nhanh chóng ổn định nơi ăn ở, có điều kiện phát triển sản xuất. Trên tuyến ven biển, hải đảo các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quân khu và địa phương đang triển khai nhiều dự án kinh tế - quốc phòng, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, đồng thời góp phần tăng cường bảo vệ chủ quyền, an ninh trên tuyến biển đảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo của Quân khu 3 thời gian qua còn có những mặt hạn chế, bất cập như: việc quán triệt về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng như bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới trên bộ, biển đảo quốc gia ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; việc triển khai ký kết văn bản phối hợp hoạt động giữa cơ quan quân sự tỉnh (huyện) với đồn biên phòng còn chậm; các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (công an, biên phòng, hải quan, quản lý thị trường...) phối hợp với nhau trong thực hiện một số vụ việc chưa thật chặt chẽ, nhất là phối hợp xử lý các vụ việc có tính chất nghiêm trọng; chất lượng hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ biển, dân quân tập trung ở vùng biên giới trọng điểm còn hạn chế; công tác phối hợp kiểm tra đôn đốc ở các cấp chưa thường xuyên, chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn trong những năm qua, Bộ Tư lệnh Quân khu bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau:

Một là, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã thường xuyên phối kết hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) trên địa bàn tổ chức quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, quyết định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, có nhiều sáng tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn.

Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang được tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức và biện pháp phong phú, sáng tạo, sát thực, phù hợp với đặc điểm tập quán và sinh hoạt của nhân dân các dân tộc trên địa bàn; trong đó tập trung vào các đợt quán triệt nghị quyết Trung ương, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ chủ trì các cấp, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, chương trình giáo dục quốc phòng cho học sinh, sinh viên. Tỉnh Quảng Ninh tổ chức bồi dưỡng quốc phòng - an ninh đến đại diện chủ hộ gia đình các xã biên giới, chủ hộ tàu thuyền đánh bắt hải sản trên biển (đã mở 10 lớp, bồi dưỡng cho trên 1.100 người). Nội dung tập trung vào quán triệt các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản chỉ đạo của Chính phủ về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, nâng cao cảnh giác chống âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, vạch trần mọi âm mưu lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, biên giới, lãnh thổ để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, chia rẽ quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai bên biên giới.

Quân khu phối kết hợp với các địa phương chủ động khắc phục khó khăn, sáng tạo, đi đầu cả về nội dung và phương pháp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia: chăm lo xây dựng lực lượng dân quân thường trực trên tuyến biên giới, dân quân tự vệ biển, triển khai có hiệu quả các dự án kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh tuyến biên giới bộ và ven biển, hải đảo, chỉ đạo lực lượng vũ trang Quân khu phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên nắm tình hình biên giới, biển đảo, tổ chức canh gác, tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, giải quyết tốt các vụ việc liên quan đến biên giới, biển đảo.

Hai là, thường xuyên chăm lo, tạo sự đoàn kết, thống nhất, gắn bó giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu với các Tỉnh ủy, Thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân trên tuyến biên giới, biển đảo ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng mối đoàn kết gắn bó, thống nhất với các Tỉnh, Thành ủy, ủy ban nhân dân các tỉnh (thành phố) trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung và quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo nói riêng. Hằng năm, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức hội nghị giao ban, sơ kết công tác quốc phòng - quân sự địa phương với lãnh đạo các tỉnh (thành phố) trên địa bàn. Tại hội nghị, các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương được thông báo tình hình chung trên địa bàn, trong đó có tình hình biên giới, biển đảo, bàn chủ trương và biện pháp phối hợp thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương. Ngoài nhiệm vụ giáo dục quốc phòng toàn dân, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, tuyển quân, xây dựng lực lượng vũ trang, thực hiện chính sách hậu phương quân đội..., Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu còn trao đổi thống nhất biện pháp quản lý nhà nước, giải quyết các vụ việc liên quan đến an ninh biên giới, phối kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trên tuyến biên giới, biển đảo.

Quân khu phối hợp với tỉnh Quảng Ninh thực hiện các dự án kết hợp kinh tế với quốc phòng trên tuyến biên giới: xây dựng kết cấu hạ tầng, di giãn dân, tạo thế trận chiến tranh nhân dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo lực lượng công binh rà phá bom mìn trên tuyến biên giới Quảng Ninh được 300 ha, tạo điều kiện cho nhân dân biên giới phát triển kinh tế và cho việc phân định, cắm mốc biên giới. Quân khu chỉ đạo Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, các chủ dự án kết hợp kinh tế - quốc phòng phối hợp cùng các cấp, ngành làm 125/132,8 km đường tuần tra biên giới, 152 km đường dân sinh, xây dựng 70 km đường điện cao thế, xây dựng 2.800 m2 trường học, 5 bệnh xá quân dân y kết hợp (đã tổ chức khám và chữa bệnh cho trên 18.600 lượt người dân), xóa nhà tranh vách đất cho 380 hộ.
 
Đến nay, Đoàn kinh tế - Quốc phòng 327 phối hợp với tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện di giãn dân được 1.287 hộ gia đình. Các dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng - an ninh trên tuyến ven biển như: lấn biển Bắc Cửa Lục (Quảng Ninh); Cồn Vành (Tiền Hải - Thái Bình), Cồn Xanh (Nghĩa Hưng - Nam Định), Bình Minh 3 (Kim Sơn - Ninh Bình), nuôi trồng thủy sản (Thủy Nguyên - Hải Phòng) đang tích cực triển khai theo kế hoạch, nhiều hạng mục dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng có hiệu quả thiết thực; Dự án Biển Đông - Hải đảo (gồm 4 huyện đảo: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), từ năm 1994 đến nay, đã hoàn thành nhiều hạng mục lớn như đường xuyên đảo, bến cập tàu, năng lượng mặt trời, đường điện hạ thế...) đã góp phần tăng cường quốc phòng - an ninh trên tuyến biển đảo.

Ba là, lực lượng vũ trang Quân khu trên tuyến biên giới, biển đảo phối kết hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị, tổ chức quần chúng ở địa phương, các lực lượng chức năng trên địa bàn làm nòng cốt xây dựng thế trận an ninh nhân dân, tạo vành đai trong ngoài đủ sức đấu tranh bảo vệ tuyến biên giới, biển đảo.

Thực hiện các quyết định và sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về hiệp đồng phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu và Bộ Tư lệnh Biên phòng trong chỉ đạo, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ biên phòng và tác chiến phòng thủ, Quân khu nghiêm túc quán triệt và triển khai cơ quan và đơn vị thực hiện. Đến nay, 100% Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh (thành phố), 29 đồn biên phòng và 17 Ban Chỉ huy quân sự huyện ký kết phối hợp hiệp đồng giữa hai lực lượng quân sự và biên phòng. Thực hiện Quyết định số 107 của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giữa hai lực lượng quân đội, công an giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, 100% cơ quan quân sự địa phương trên tuyến biên giới, biển đảo ký kết phối hợp hoạt động với công an. Ngoài ra, Quân khu chỉ đạo các đơn vị quân đội đóng trên tuyến biên giới, biển đảo kết nghĩa với cấp ủy, chính quyền địa phương. Hoạt động phối kết hợp giữa hai lực lượng quân sự, biên phòng và hoạt động kết nghĩa ngày càng đạt được nhiều kết quả.

Lực lượng cảnh sát biển, biên phòng, dân quân tự vệ biển thường xuyên tuần tra bảo vệ chủ quyền (vành đai ngoài) kết hợp chặt chẽ với tinh thần cảnh giác của nhân dân trên sát tuyến biên giới, biên phòng tuyến nội địa, dân quân thường trực vùng trọng điểm, giáp biên, các lực lượng chức năng (vành đai trong) tạo thành thế trận quốc phòng toàn dân, kết hợp với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia (trong thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã huy động trên 18.700 lượt người tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, hơn 8.700 lượt người tham gia tuần tra, kiểm soát đường biên, 28/28 xã, 76 tổ và 8.758 hộ tham gia quản lý đường biên).

Bốn là, chỉ đạo lực lượng vũ trang thường xuyên, kịp thời nắm chắc tình hình, chủ động tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có chủ trương và biện pháp xử lý khôn khéo, linh hoạt các tình huống, sự việc xảy ra trên địa bàn.

Lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, biển đảo thường xuyên duy trì các chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác, kịp thời nắm chắc tình hình. Được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh, Thành ủy, ủy ban nhân dân tỉnh (thành phố), các lực lượng quân sự, công an, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ từ khâu nắm tình hình, đấu tranh phòng chống xâm nhập biên giới trái phép, phòng chống tội phạm, bảo vệ chủ quyền biên giới. Trong 2 năm (2006 - 2007) và 9 tháng đầu năm 2008, lực lượng biên phòng, cảnh sát biển, dân quân tự vệ biển đã ngăn chặn gần 17.300 lượt người nước ngoài xâm nhập lãnh thổ trái phép; phối hợp với các lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường bắt xử lý 52 vụ buôn bán vận chuyển chất ma túy, 24 vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, 8 vụ vận chuyển tiền giả Việt Nam, Trung Quốc... Là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, lực lượng vũ trang Quân khu đã ứng cứu kịp thời, cứu được hàng chục tàu thuyền, hàng trăm ngư dân đánh cá gặp nạn trên biển, bảo đảm an toàn về người và phương tiện. Quân khu phối kết hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết tốt những vụ việc xảy ra trên tuyến biên giới không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trên địa bàn Quân khu trong thời gian tới, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đề nghị Nhà nước sớm có chính sách hấp dẫn, thu hút mọi nguồn lực trong nước và các nhà đầu tư tạo điều kiện cho phát triển các ngành kinh tế biển để kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh trên tuyến biển đảo; tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương nghiên cứu bố trí lại dân cư, phân bố lại lực lượng sản xuất ở các địa bàn tỉnh, huyện trên tuyến biên giới, ven biển, hải đảo, góp phần củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng - an ninh trên các địa bàn trọng yếu; Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng và đầu tư trang thiết bị cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến biên giới, biển đảo có đủ sức hoàn thành nhiệm vụ./.