Xây dựng sự đồng thuận xã hội ở nước ta hiện nay
Trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm tạo ra sự đồng thuận, thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn xã hội, toàn dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trong nước và trên thế giới có nhiều biến đổi nên cần có nhận thức mới về vấn đề đại đoàn kết dân tộc cũng như sự đồng thuận xã hội để có thể tập hợp được mọi lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới đất nước.
Có thể hiểu đồng thuận xã hội là sự đồng tình, nhất trí của đa số thành viên trong xã hội về một vấn đề nào đó trên cơ sở những điểm tương đồng, trong lúc vẫn thừa nhận những điểm khác biệt với điều kiện không làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Đồng thuận xã hội là điều kiện khách quan cho sự tồn tại của mỗi một hệ thống chính trị - xã hội. Đó là một phương thức tập hợp lực lượng có tính khả thi nhất trong đời sống chính trị - xã hội của xã hội hiện đại. Sự tập hợp lực lượng đó dựa trên những tiêu chí mà các giai cấp, tầng lớp, các lực lượng xã hội dù có lợi ích khác nhau nhưng vẫn có thể gắn kết ở mức độ nhất định và vẫn bảo tồn được những đặc thù riêng của mình, không bị hoà tan, không biến thành kẻ khác. Những tiêu chí đó là:
Thứ nhất, dựa trên cơ sở những giá trị, chuẩn mực chung. Những giá trị, chuẩn mực chung đó chính là điểm tương đồng để gắn kết với nhau. Tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi giai đoạn lịch sử có những giá trị, chuẩn mực chung khác nhau. Ở nước ta, trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, giá trị, chuẩn mực chung được các giai tầng trong xã hội đồng tình, nhất trí, chung sức, chung lòng thực hiện chính là độc lập dân tộc. Trong các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, giá trị, chuẩn mực chung là giành độc lập dân tộc. Trong giai đoạn hiện nay, giá trị, chuẩn mực chung là “Giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ”. Đó là cơ sở để các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân và người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể gắn kết với nhau.
Thứ hai, liên kết, hợp lực với nhau, nhưng những sự khác biệt vẫn được tôn trọng và thừa nhận, miễn là không ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Đặc biệt, trong một xã hội còn có sự khác biệt về tôn giáo, dân tộc, giai cấp thì tiêu chí này càng phải được coi trọng. Mỗi quốc gia, dân tộc, mỗi giai cấp, tầng lớp xã hội đều có những lợi ích riêng. Những lợi ích này biểu hiện bản chất của cái đơn nhất để “nó là nó, không phải là cái khác”. Vì thế, sự áp đặt những giá trị chung của quốc gia này cho quốc gia khác, của dân tộc này cho dân tộc khác, của lực lượng xã hội này cho lực lượng xã hội khác là đi ngược lại quy luật phát triển chung. Điều phù hợp với cá nhân này có thể là cái cản trở đối với cá nhân khác. Cùng một lối sống, đối với người này là sự phấn khích, lành mạnh, phát huy được khả năng hoạt động và đem lại niềm vui tột độ, trong khi đối với người khác lại như một gánh nặng khổ sở, làm ngưng trệ và đè nát cuộc sống nội tâm. Cũng cần thấy rằng, sự phản kháng để chống lại sự áp đặt có thể dẫn đến những xung đột xã hội.
Thứ ba, liên kết, hợp lực với nhau, nhưng không phải là sự bắt buộc mà là trên cơ sở tự nguyện của các bên. Đây là tiêu chí thể hiện giá trị dân chủ trong phương thức tập hợp lực lượng. Để đạt được điều đó, công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thảo luận rất được coi trọng. Một khi đã thấu hiểu, người ta có thể dễ dàng thống nhất về những giá trị chung. Trong xã hội hiện đại, khi khuynh hướng đối đầu dần chuyển sang khuynh hướng hợp tác thì hiệp thương ngày càng đóng vai trò quan trọng. Hiệp thương có thể làm thay đổi tình thế, chẳng hạn như chuyển lực lượng đối địch thành lực lượng đối tác. Chính sự gắn kết trên cơ sở tự nguyện làm cho sự hợp tác trở nên bền vững, lâu dài. Ngược lại, sự gắn kết trên cơ sở cưỡng bức thì sớm muộn gì cũng tan vỡ. Đồng thuận xã hội cũng không có nghĩa là không còn đấu tranh, mà đấu tranh vẫn diễn ra trên các lĩnh vực của đời sống xã hội dựa trên những điểm tương đồng để đạt được sự thống nhất. Ở đây cần thấy rằng, sự đồng tình, nhất trí trong xã hội về một vấn đề nào đó chỉ đạt ở mức tương đối, nghĩa là không thể có đồng thuận tuyệt đối.
* *
*
Trong lịch sử dân tộc ta, đa số các triều đại đều rất coi trọng việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Sự đồng tình, nhất trí của nhân dân là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc cũng như trong xây dựng đất nước. Không phải vô cớ mà khi giặc Minh sang xâm lược nước ta, Hồ Nguyên Trừng đã nói với vua cha: “Không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”. Bởi vì, viên tướng tài của triều đình đã hiểu rằng, nếu dân chúng không đồng tình, ủng hộ thì không thể tập hợp được nguồn sức mạnh để chiến thắng quân giặc. Sự thất bại của nhà Hồ chỉ sau mấy tháng kháng chiến đã minh chứng điều đó. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của hơn 20 năm đổi mới đất nước có nguyên nhân cơ bản là sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc. Người nói đến đại đoàn kết cũng chính là nói đến đồng thuận xã hội. Dù trong bối cảnh nào, với bất cứ đối tượng nào, Người cũng tìm được điểm tương đồng để kêu gọi toàn dân đoàn kết với nhau vì mục tiêu chung. Ngay cả với những người Việt Nam lầm đường lạc lối, Người vẫn coi là cùng dòng dõi của tổ tiên ta, đều mang dòng máu “con Lạc cháu Hồng”, nên phải lấy tình thân ái mà cảm hoá họ. Với các tầng lớp nhân dân, Người kêu gọi đoàn kết tất cả những người thật sự yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, không phân biệt họ thuộc đảng phái, tôn giáo, tầng lớp nào và trong quá khứ họ đã hợp tác với phe nào.
Để xây dựng sự đồng thuận xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục để các giai cấp, tầng lớp tự nguyện thống nhất với nhau vì mục tiêu chung, chứ không phải là ép buộc, cưỡng bức. Người nói: “Phải đi đường lối quần chúng, không được quan liêu, mệnh lệnh và gò ép nhân dân”[1]. Với Người, đồng thuận không có nghĩa là không còn đấu tranh, mà vẫn phải đấu tranh với tất cả tính phức tạp, uyển chuyển của nó. Trong Báo cáo tại Hội nghị Trung ương 3, khoá II, Người đã phê bình tình trạng “Thiên về đoàn kết một chiều, kém đấu tranh, giúp đỡ, phê bình, giáo dục”[2]. Người còn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Chống khuynh hướng đoàn kết một chiều, đoàn kết mà không có đấu tranh đúng mức”[3]. Vậy là, cần đấu tranh chống cả sự đồng thuận theo kiểu "bằng mặt mà không bằng lòng". Đó là sự đồng thuận một cách hình thức, không bền vững.
Kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình đổi mới, Đảng ta luôn trăn trở để tìm ra phương thức tập hợp lực lượng phù hợp với thực tế phát triển của đất nước và thời đại, nhằm phục vụ cho mục tiêu chung. Nghị quyết số 07/NQ – TW, ngày 17-11-1993, của Bộ Chính trị về tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã đưa ra mục tiêu chung là: “giữ vững độc lập, thống nhất, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh”[4].
Tại Đại hội VIII và Đại hội IX, Đảng ta đã tiếp tục kế thừa, phát triển tư tưởng về đồng thuận xã hội. Nghị quyết Đại hội IX bổ sung vào mục tiêu chung nội dung “dân chủ”, coi dân chủ là một mục tiêu quan trọng mà chúng ta phải phấn đấu trong quá trình xây dựng đất nước. Đặc biệt, để đưa tư tưởng đó vào cuộc sống, Hội nghị Trung ương 7, khoá IX đã ra Nghị quyết về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Ở nghị quyết này, Đảng ta chính thức đặt vấn đề xây dựng sự đồng thuận xã hội. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh yêu cầu: Chúng ta cần làm rất nhiều để các điểm tương đồng ngày càng được phát huy và nhân lên, những điểm còn khác nhau ngày càng giảm thiểu. Kế thừa và phát triển tư tưởng về đồng thuận xã hội ở các đại hội trước, Đại hội X của Đảng khẳng định: Lấy mục tiêu giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng để gắn bó đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; xoá bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, thành phần giai cấp. Tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích của dân tộc. Nghị quyết Đại hội còn chỉ rõ: Cần đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, một yếu tố quan trọng để đạt được đồng thuận xã hội.
Chủ trương xây dựng sự đồng thuận xã hội của Đảng ta được hoạch định, phát triển dựa trên những cơ sở, điều kiện nhất định. Về cơ sở lý luận, xây dựng sự đồng thuận xã hội chính là giải quyết mâu thuẫn giữa những mặt đối lập, giữa những sự bất đồng, khác biệt. Nhưng đấu tranh ở đây không phải là bằng bạo lực, mà bằng hiệp thương, thảo luận để đi đến sự thống nhất, tạo điều kiện cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước thu được nhiều thắng lợi. Về mặt tư tưởng, dân tộc ta vốn là một dân tộc có truyền thống đồng thuận, khoan dung. Vì thế, việc đề ra chủ trương, này cũng là nhằm phát huy truyền thống đó trong điều kiện mới. Về điều kiện thực tế, xã hội ta hiện nay tuy còn nhiều sự khác biệt về kinh tế, văn hoá, dân tộc, tín ngưỡng... nhưng vẫn có những điểm tương đồng về lợi ích và mục tiêu chung. Xây dựng sự đồng thuận xã hội cũng là nguyện vọng tha thiết của nhân dân. Với bản tính nhân nghĩa, khoan dung, hiền hoà, nhân dân ta bao giờ cũng muốn tìm đến sự đồng tình, nhất trí để cùng chung sống yên bình chứ không muốn sự chia rẽ, xung đột. Đa số nhân dân đều hiểu rằng, đất nước mình còn nghèo và có nhiều khó khăn, thử thách trên con đường phát triển, vì thế nếu không đồng tình, đồng sức thì không thể tập hợp được mọi nguồn sức mạnh để đứng vững và phát triển.
Với chủ trương này của Đảng, việc xây dựng sự đồng thuận xã hội không phải chỉ dừng lại ở một ý niệm chính trị, mà là một phương thức tập hợp lực lượng có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có đồng thuận xã hội thì mới quy tụ được lực lượng của toàn dân, mới có thể xây dựng được cơ sở xã hội – chính trị vững chắc của Đảng và Nhà nước. Và chỉ với phương thức đó mới tập hợp được các nguồn lực để thực hiện mục tiêu đã đề ra; mới có thể chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, đánh bại âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch... Vì vậy, đồng thuận xã hội không phải là một sách lược mà là một chiến lược của Đảng.
Xét ở góc độ nào đó, đồng thuận xã hội cũng chính là đại đoàn kết, nhưng hai khái niệm này không đồng nhất với nhau. Có thể nói, đồng thuận xã hội là phương thức thực hiện, còn đại đoàn kết là mục đích cần đạt được. Kể từ khi ra đời, Đảng ta luôn chú trọng việc tập hợp lực lượng dựa trên những điểm tương đồng, bằng vận động, thuyết phục, hiệp thương. Trong bối cảnh hiện nay, do yêu cầu của tình hình mới, vì lợi ích chung của dân tộc, vì tương lai của đất nước, nên đó không chỉ là một chủ trương mà còn là một cơ chế để thực hiện đại đoàn kết dân tộc.
* *
*
Trong thời gian tới, để sự đồng thuận xã hội đạt được ở mức độ cao hơn, với phạm vi rộng hơn, theo chúng tôi, nên chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng sự đồng thuận xã hội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của tất cả các giai cấp, tầng lớp. Với vị trí, vai trò của mình trong hệ thống chính trị, mỗi tổ chức chính trị và chính trị - xã hội đều có nhiệm vụ và phương thức hoạt động khác nhau, nhưng giữa chúng cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cần chú trọng tất cả các khâu hoạt động, từ khâu ra nghị quyết, chính sách; đến khâu kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chính sách đó... Ở từng khâu, các tổ chức, nhất là các tổ chức giữ vai trò trọng yếu, có thực hiện tốt thì mới có thể tạo nên sự đồng thuận. Trong các tổ chức thuộc hệ thống chính trị, trước hết Đảng nên tạo điều kiện thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát huy vai trò của mình trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội. Thực tế khẳng định, Mặt trận Tổ quốc không chỉ là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc, mà còn là tổ chức tập hợp đông đảo, rộng rãi nhất các tầng lớp nhân dân mong muốn xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, giàu mạnh. Sinh hoạt của Mặt trận dù ở diễn đàn nào, lĩnh vực nào cũng là nơi biểu thị ý chí thống nhất và sự đồng thuận xã hội.
Thứ hai, việc đề ra và thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước hết phải thể hiện lợi ích chung của các giai tầng trong xã hội và có một sự hài hoà, cân đối nhất định. Nếu đường lối, chính sách đề ra và được thực hiện, nhưng lợi ích của đại bộ phận nhân dân không được bảo đảm thì khó có thể tạo nên sự đồng thuận ở mức độ cao. Đảng và Nhà nước nên coi trọng việc lấy ý kiến của nhân dân trước khi ban hành chính thức cũng như trong quá trình thực hiện đường lối, chính sách. Muốn vậy, cần tạo cơ chế và các điều kiện khác để Mặt trận Tổ quốc thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội. Đó cũng là một phương thức tối ưu nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Giám sát, phản biện tốt sẽ hạn chế được những sai lầm, khiếm khuyết trong việc đề ra và thực hiện chủ trương, chính sách.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nhân dân, nhất là những đường lối, chính sách liên quan đến các vấn đề dân tộc, đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Trong quá trình tuyên truyền, cần tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, thái độ của các tầng lớp nhân dân để có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bởi vì, có đạt được sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân thì đường lối, chính sách đó mới có thể trở thành hiện thực. Cùng với việc tuyên truyền đường lối , chính sách của Đảng và Nhà nước, cần chú trọng công tác đấu tranh chống lại âm mưu, hành động thâm độc của những lực lượng phản động nhằm chia rẽ các giai tầng, các dân tộc, tôn giáo; chia rẽ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Những âm mưu và hành động đó nếu không vạch trần, ngăn chặn kịp thời, sẽ làm sâu sắc thêm những bất đồng đã có trong xã hội, cản trở việc xây dựng sự đồng thuận xã hội.
Thứ tư, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Các phong trào này với nhiều nội dung khác nhau nhưng đều phản ánh hành động cách mạng của quần chúng. Chúng làm cho sự đồng thuận xã hội không chỉ dừng lại ở tư tưởng, chủ trương, nguyện vọng mà thực sự trở thành hành động của hàng triệu quần chúng, mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Đó là các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Thanh niên tình nguyện”..., là các cuộc vận động “Xóa đói giảm nghèo”, “Sống tốt đời, đẹp đạo”... Các phong trào thi đua, các cuộc vận động đó có tác dụng khơi dậy tình yêu thương, gắn bó, sự hòa hợp tương đồng giữa các tầng lớp nhân dân, phát huy nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần trong toàn xã hội.
Thứ năm, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong các tầng lớp nhân dân, trước hết là phát huy truyền thống nhân nghĩa, khoan dung của dân tộc. Khi người ta có lòng khoan dung thì có thể chấp nhận được sự khác biệt của các cá nhân, các lực lượng xã hội khác.Có lòng khoan dung, những khác biệt và phiến diện về nhân sinh quan có thể khoan hoà được với nhau mà không bị hoà tan hay triệt tiêu. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, điều hoà của bản thân các dị biệt. Hiện nay, xu hướng hoà bình, đối thoại và hợp tác đang ngày càng chiếm ưu thế trên khắp thế giới. Để phù hợp với xu hướng này, cần có sự điều chỉnh quan niệm về đạo đức, lối sống và nhiều vấn đề khác. Nói cách khác, cần có được những điều kiện, khả năng chung sống hoà bình trong một trật tự thế giới đa dạng, nhiều màu sắc. Việc Đảng ta chủ trương thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” cũng bao hàm cả mục đích đó.
Thứ sáu, thực hiện tốt dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Có thể nói, đồng thuận xã hội là một biểu hiện của dân chủ. Bởi vậy, mọi đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cần được sự tán thành của tuyệt đại đa số các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở tôn trọng quyền tự do, tự nguyện của mỗi người. Tuy nhiên, khi thảo luận, đóng góp ý kiến đối với những vấn đề khác nhau trong đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những ý kiến của thiểu số cũng cần được tôn trọng, chứ không phải là cứ đa số thì sẽ áp đặt được ý chí cho thiểu số. Đó cũng là sự biểu hiện của dân chủ. Giữa đồng thuận xã hội và dân chủ có mối quan hệ chặt chẽ, tác động lẫn nhau. Cho nên, xây dựng sự đồng thuận xã hội chính là tiến tới xây dựng, hoàn thiện nền dân chủ; ngược lại, dân chủ càng được bảo đảm, các nguyên tắc của dân chủ càng được coi trọng thì càng đạt được sự đồng thuận ở mức độ cao. Về vấn đề này, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã chỉ rõ: “Ở đâu có dân chủ, ở đó có đoàn kết, đồng thuận, ổn định và phát triển”[5].
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr 606
[2] Hồ Chí Minh: Sđd, t6, tr 462
[3] Hồ Chí Minh: Sđd, t10, tr 19
[4] Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới về đại đoàn kết toàn dân tộc, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr 36
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 344
Các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 1950 đến nay  (18/12/2007)
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về kinh tế tập thể  (18/12/2007)
Cần đặt trọng tâm vào khâu “Làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”  (17/12/2007)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên