Nhờ có ổn định chính trị, tăng trưởng kinh tế và những nỗ lực của các chính đảng thiên tả cầm quyền với các chính sách xã hội đặt mục tiêu vào người nghèo, tỷ lệ nghèo khổ ở Mỹ La-tinh đang giảm nhanh chóng, cuộc sống của người dân khu vực này đang ngày càng ổn định và thịnh vượng.

Số người nghèo khổ đang giảm nhanh chóng

Việc thực hiện mô hình "chủ nghĩa tự do mới" ban đầu tuy đạt được một số kết quả, nhưng sau một thời gian, nhất là vào những năm 80 và 90 của thế kỷ XX, nhiều nước Mỹ La-tinh đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đói nghèo, thất nghiệp, tham nhũng, nợ nước ngoài và khủng hoảng xã hội diễn ra triền miên. Mỹ La-tinh còn được coi là khu vực bất bình đẳng nhất trên thế giới. Những người giàu nhất chỉ chiếm 10% dân số nhưng lại sở hữu 48% GDP, trong khi thu nhập của 10% số người nghèo nhất chỉ bằng 1,6% GDP. Từ năm 1990 đến 2003, số người nghèo từ 200 triệu đã tăng lên 225 triệu (chiếm 44% dân số khu vực). Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 7,5% năm 1990 lên hơn 10% trong năm 2001... Nhưng, nhờ sự ổn định, tăng trưởng kinh tế và những nỗ lực đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống đói nghèo của các chính đảng thiên tả cầm quyền, các nước Mỹ La-tinh đã dần đi vào ổn định. Theo báo cáo của Ủy ban kinh tế Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê thuộc Liên hợp quốc, năm 2006, nền kinh tế khu vực đạt mức tăng trưởng khoảng 5,3%/năm, tỷ lệ người nghèo giảm xuống còn 39,8% dân số khu vực.

Theo tính toán của ngân hàng Banco Santander (Tây Ban Nha), ở Mỹ La-tinh có khoảng 15 triệu hộ gia đình đã thoát khỏi nghèo khổ trong thời gian 2000 - 2006. Nếu tiếp tục theo xu hướng này, vào năm 2010 một bộ phận dân cư trong khu vực sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu, với thu nhập hằng năm trên 12.090 USD tính theo sức mua tương đương. Ở Mê-hi-cô, vào năm 2012, có thể khoảng 15 trong số 27 triệu hộ gia đình có thu nhập ở mức trung lưu. Thành công này là do kể từ năm 2004 đến nay, các nền kinh tế khu vực đã tăng trưởng với tốc độ 5%/năm, chưa ngoạn mục, nhưng không tồi, bởi vì dân số chỉ tăng khoảng 1,4%/năm. Sự tăng trưởng này đang tạo ra những tác động xã hội lớn.

Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Mỹ La-tinh có sự bùng nổ tăng trưởng được thúc đẩy bởi luồng vốn đầu tư cùng với tỷ giá hối đoái rất cao. Sự kết hợp này có xu hướng thúc đẩy giá tương đối các dịch vụ phi thương mại và thu nhập của những người trong nền kinh tế không chính thức. Theo ông G. Pe-ry (Guillermo Perry), Trưởng kinh tế khu vực Mỹ La-tinh của Ngân hàng thế giới, trong thời kỳ này, xuất khẩu bùng nổ một phần bởi vì giá cao cho nguyên liệu thô của Mỹ La-tinh và hai thập kỷ đổi mới kinh tế, mở cửa thị trường.

Tăng trưởng đang tạo ra nhiều công việc trong thành phần kinh tế chính thức. Ở Mê-hi-cô, kinh tế đã tăng trưởng 4,8% trong năm 2006 (phù hợp với sự tăng trưởng lực lượng lao động) và tạo ra 900.000 việc làm mới. Ở Bra-xin cũng vậy, tỷ lệ lực lượng lao động có việc làm không chính thức đang bị thu hẹp lại. Nhân tố mới khác nữa là sự đổi mới của các chính sách xã hội được thực hiện trong khu vực. Tại Bra-xin, Chính phủ đang triển khai chương trình xã hội "Không có người đói" được coi là lớn nhất thế giới từ trước đến nay, trợ cấp 325 triệu USD hằng tháng cho 45 triệu trong tổng số 185 triệu người dân, giúp cho hàng triệu trẻ em nghèo được đi học và được chăm sóc y tế. Ở Mê-hi-cô chính phủ cũng trợ cấp cho người dân (gia đình 5 người) một khoản nhỏ để con cái họ được đến trường và chăm sóc y tế. Do đó, thu nhập của một nửa dân số nghèo nhất đang tăng lên nhanh hơn mức trung bình. Tỷ lệ nghèo khổ đã giảm từ 37% xuống còn 14% trong vòng một thập kỷ (tính đến năm 2006) và phân phối thu nhập đang trở nên bình đẳng hơn.

Từ khi lên nắm quyền, các chính phủ cánh tả ở Mỹ La-tinh, đặc biệt là Vê-nê-xu-ê-la và Bô-li-vi-a, đã thực hiện hàng loạt các chính sách vĩ mô về quản lý nhà nước đối với nền kinh tế. Một trong những chính sách được lòng dân nhất là quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước để chống đói nghèo, đầu tư cho các chương trình xã hội. Chính phủ Vê-nê-xu-ê-la đã tiến hành một loạt cải cách về thể chế, thông qua nhiều điều luật, đặc biệt là luật đất đai có lợi cho người nghèo; quốc hữu hóa ngành dầu khí - trụ cột kinh tế của đất nước; xóa đói, giảm nghèo, nâng cấp kết cấu hạ tầng, xây thêm nhiều trường học, cải thiện dịch vụ y tế... Năm 2006, số người nghèo ở Vê-nê-xu-ê-la đã giảm từ 50% xuống còn 38%.

Ở Bô-li-vi-a, từ tháng 6-2006, Chính phủ đã chia hơn 30.000 km2 đất canh tác cho các cộng đồng nông dân nghèo và tuyên bố sẽ thu hồi thêm những diện tích đất tư không sản xuất nhằm đạt mục tiêu phân phối một phần diện tích đất trong những năm tới.

Tình trạng nghèo khổ ở Chi-lê cũng đang giảm rất nhanh bởi tăng trưởng kinh tế bền vững và nhiều công ăn việc làm được tạo ra kể từ giữa thập niên 80, thế kỷ XX cũng như do tỷ lệ sinh đẻ trong số những người nghèo đã giảm đi. Những năm gần đây, các chính sách xã hội, trong đó có Chương trình xã hội Chile Solidario đã đóng vai trò rất lớn trong việc giúp những người nghèo nhất được hưởng những phúc lợi xã hội đa dạng, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe và tạo điều kiện cho con cái họ được học hành, đào tạo và trợ cấp cho người nghèo để họ tổ chức những ngành kinh doanh, sản xuất nhỏ.

Tầng lớp trung lưu mới

Khi nhiều người thoát khỏi đói nghèo cũng có nghĩa là ngày càng có nhiều người giàu lên. Hiện nay ở Mỹ La-tinh đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu mới. Cuộc sống thịnh vượng của họ đang thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển một thị trường tiêu dùng rộng lớn tại khu vực từ rất lâu đã bị "khô héo" bởi sự tương phản giữa một thiểu số tinh hoa đặc quyền và đa số người nghèo.

Tầng lớp trung lưu mới ở Mỹ La-tinh thường là những người có một gia sản tương đối với một vài người giúp việc, con cái họ theo học trong trường tư và họ có những kỳ nghỉ ở châu Âu hay Mai-a-mi (Mỹ). Những năm 40 - 70 của thế kỷ XX, tầng lớp trung lưu ở Mỹ La-tinh chủ yếu là các nhà chính trị, quản lý và một tầng lớp những người lao động lành nghề. Nhưng các chính sách hỗ trợ họ đã bị bãi bỏ sau cuộc khủng hoảng nợ nần năm 1982 đã gây ra một thập kỷ tăng trưởng đình đốn và lạm phát cao. M. Pô-xơ-man (Marcio Pochmann), nhà kinh tế tại trường Đại học tổng hợp Campinas cho rằng, sau năm 1980 ở Bra-xin có 7 triệu người bị loại ra khỏi tầng lớp trung lưu trong khi chỉ có gần 3 triệu người chuyển lên tầng lớp trên.

Tầng lớp trung lưu mới ở Mỹ La-tinh rất đa dạng, thường được miêu tả như một tầng lớp trung lưu bậc thấp. F. H. Ca-đô-xô (Fernando Henrique Cardoso) nguyên Tổng thống Bra-xin và là một nhà xã hội học nói rằng, tầng lớp này có quan hệ với thị trường nhiều hơn là với nhà nước. Nhiều thành viên của nó là những thương gia nhỏ, những người khác là các nhà tư vấn.

Theo nhà khoa học chính trị G. Ca-xta-nê-đa (Jorge Castaneda), một số thành viên của tầng lớp trung lưu mới ở Mê-hi-cô đến từ thành phần kinh tế không chính thức, một số khác từ ngành dịch vụ hoặc công nghiệp mới. Xu hướng này cũng đang phát triển ở Chi-lê, nhưng mạnh mẽ nhất vẫn là ở Bra-xin và Mê-hi-cô, hai nước chiếm hơn một nửa trong số 560 triệu người Mỹ La-tinh. Ở Bra-xin, trong khoảng thời gian từ năm 2000 - 2005, số hộ gia đình có thu nhập hằng năm từ 5.900 USD tới 22.000 USD đã tăng từ 14,5 triệu lên 22,3 triệu, trong khi những hộ có thu nhập chưa tới 3.000 USD một năm giảm nhanh chóng, chỉ còn 1,3 triệu. Ở Mê-hi-cô, số gia đình có thu nhập hằng tháng từ 600 đến 1.600 USD đã tăng từ 5,7 triệu năm 1996 lên 10,7 triệu năm 2006. Một điều tương tự như vậy cũng đang bắt đầu diễn ra ở Cô-lôm-bi-a và Pê-ru.

Ở Ác-hen-ti-na, sự suy giảm tầng lớp trung lưu từ những năm 70 đã tới mức bĩ cực trong sự sụp đổ của nền kinh tế năm 2001 - 2002, khi đời sống của đa số người dân nước này rơi xuống dưới ngưỡng nghèo khổ. Nhưng sự phục hồi kinh tế nhanh chóng đã phục hưng tầng lớp trung lưu. E. Krít (Ernesto Kritz), nhà kinh tế ở Bu-ê-nốt Ai-rét cho rằng, 40% các gia đình Ác-hen-ti-na, tăng từ 20% trong năm 2003, có thu nhập hằng tháng là 1.000 USD và ông xem đó là điều cần thiết cho một phong cách sống của tầng lớp trung lưu.

Các con số so sánh của Ủy ban kinh tế Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê thuộc Liên hợp quốc cũng cho thấy nghèo khổ đang giảm rất nhiều ở Mỹ La-tinh. Điều này được thể hiện qua chỉ số tiêu thụ và tỷ lệ lạm phát thấp, đạt được khi phần lớn các chính phủ Mỹ La-tinh cân bằng được ngân sách và bởi vì tự do hóa kinh tế khiến cho hàng hóa trở nên rẻ hơn. Số lượng ô tô, máy tính và hàng điện tử dân dụng ở Mỹ La-tinh đang tăng ở mức kỷ lục. Một nghiên cứu của Fernand Braudel Institute - cơ quan hoạch định chính sách của thành phố (năm 2005) về các gia đình có thu nhập thấp tại 4 favela (khu phố tồi tàn ở ngoại ô) ở Sao Pao-lô cho thấy, tất cả các hộ gia đình được phỏng vấn đều có tủ lạnh và vô tuyến màu (thường từ hai cái trở lên), gần một nửa có điện thoại di động, 30% có đầu DVD và 29% có ô tô.

T. Phran-ci (Tracy Francis), nhà tư vấn quản lý của cơ quan McKinsey ở Sao Pao-lô cho biết, trong năm 2005, các tầng lớp xã hội từ D tới B2 (những người có thu nhập hằng năm từ 3.000 đến 22.000 USD) chiếm tới 69% lượng tiêu dùng ở Bra-xin, tăng 18% so với 10 năm trước. Tầng lớp trung lưu mới còn tiêu tiền vào thú nuôi, cho chúng ăn thức ăn dành riêng cho thú và cho chúng đi khám bệnh. Họ cũng đi bằng máy bay do ngành công nghiệp này đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây. Một cuộc điều tra do hãng hàng không giá rẻ tiến hành ở Mê-hi-cô năm 2006 cho biết, có 47% hành khách của hãng trước đây chưa từng đi máy bay.

Tầng lớp trung lưu mới ở Mỹ La-tinh được học hành đầy đủ hơn cha mẹ họ, một số người học tại các trường đại học tư nhân đang mở ra rất nhiều. Tuy nhiên, trình độ học vấn của họ thấp hơn tầng lớp trung lưu cũ được đào tạo tại các trường đại học danh tiếng của nhà nước. Dẫu sao nhiều người dân Mỹ La-tinh đang tiến vào xã hội trung lưu nhanh hơn họ có thể nghĩ 20 năm trước đây. Chính sự ổn định chính trị của Mỹ La-tinh đã đem đến sự tăng trưởng kinh tế và cuộc sống thịnh vượng cho người dân khu vực.

Lan Hương
(tổng thuật)