Tại khoá họp thường niên lần thứ 63 của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 23-9-2008. Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy), Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chủ chốt của thế giới tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 11 tới để rút ra bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, đồng thời tái xây dựng “một chủ nghĩa tư bản điều chỉnh”.

Vấn đề đặt ra là, vì sao lại phải tái xây dựng chủ nghĩa tư bản điều chỉnh? Phải chăng nó đã hoàn toàn không có khả năng tránh khỏi khủng hoảng chu kỳ?

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, khi chủ nghĩa xã hội rơi vào khủng hoảng, thoái trào, chủ nghĩa tư bản không những không “giãy chết” mà còn tiếp tục phát triển, thậm chí, còn có những bước phát triển ngoạn mục; những con rồng, con hổ về kinh tế như Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á, xuất hiện như là một minh chứng cho sự “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản hiện đại, các nhà nghiên cứu lý luận và hoạch định chính sách của chủ nghĩa xã hội lúc đó không khỏi lúng túng khi luận quan điểm của V.I.Lê-nin:“chủ nghĩa đế quốc giai đoạn tột cùng của chủ nghĩa tư bản”.

Các nhà lý luận tư sản khi đó đã đưa ra lý thuyết về chủ nghĩa tư bản hiện đại hay chủ nghĩa tư bản thích nghi, tự điều chỉnh... Đây là một bước tiến về nhận thức lý luận, tuy nhiên, người ta lại quá nhấn mạnh đến khả năng tự thích nghi, mà quên mất tính tự phát tư bản chủ nghĩa. Mặc dù, trong chủ nghĩa tư bản hiện đại, nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc điều hành vĩ mô nền kinh tế, khiến cho cơ chế tự điều chỉnh của chủ nghĩa tư bản có hiệu quả hơn nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản bắt nguồn từ thị trường tài chính - địa ốc Mỹ hồi đầu năm nay, và hiện đang lan rộng ra toàn cầu đã chứng minh rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã không thể tránh khỏi quy luật khủng hoảng kinh tế vốn có của nó mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã phát hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Một câu hỏi lớn đã làm đau đầu các nhà lý luận tư sản rằng: vì sao các nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ, là nền kinh tế lớn nhất hành tinh, chiếm hơn 30% GDP thế giới lại không thể loại trừ,ngăn chặn, hạn chế được cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay? Trả lời câu hỏi này, có các ý kiến khác nhau, trong đó, có những nghiên cứu cho rằng: Chủ nghĩa tư bản điều chỉnh chỉ làm trầm trọng thêm tính chất của khủng hoảng kinh tế.

Chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước là sự dung hợp hay kết hợp sức mạnh của tổ chức độc quyền với sức mạnh của nhà nước tư sản thành một cơ cấu thống nhất, trong đó, nhà nước đóng vai trò trung tâm điều chỉnh nền kinh tế, nhằm bảo vệ lợi ích tối đa cho các tổ chức độc quyền, duy trì và củng cố quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Về đặc trưng bản chất của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước thể hiện trên hai khía cạnh: thứ nhất, sự kết hợp giữa hai thế lực, kinh tế và chính trị, tổ chức độc quyền và bộ máy nhà nước thành một cơ cấu thống nhất trong đó nhà nước có chức năng bảo vệ cho các tổ chức độc quyền; thứ hai, nhà nước có vai trò là trung tâm điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế.

Trải qua các giai đoạn phát triển quan trọng gắn với các cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, nhất là những năm 80 của thế kỷ XX, với sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ mới đã dẫn đến toàn cầu hoá về kinh tế, chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước đã chuyển hoá thành chủ nghĩa tư bản độc quyền xuyên quốc gia. Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, các công ty độc quyền xuyên quốc gia, siêu quốc gia là lực lượng chủ đạo chi phối thị trường thế giới. Người ta đã thống kê được rằng, khoảng hơn 200 công ty khổng lồ xuyên quốc gia đang chiếm giữ 30% GDP của thế giới, thu hút 70% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 70% mậu dịch quốc tế và trên 70% các hợp đồng chuyển nhượng kỹ thuật - công nghệ của thế giới. Trong bối cảnh toàn cầu hoá với độ sâu và diện rộng như hiện nay, khi một trong các công ty xuyên quốc gia lâm vào khủng hoảng thì tính hệ thống của nó cũng có nguy cơ bị phá vỡ và sự tác động gây khủng hoảng toàn cầu là khó tránh khỏi. Sự khủng hoảng của các “đại gia” tài chính ở Mỹ vừa qua đã nói lên điều đó.

Đảm nhận vai trò điều hành vĩ mô nền kinh tế của nhà nước tư bản chủ nghĩa. Ngày nay nhiều nước tư bản chủ nghĩa đã có luật chống độc quyền nhằm khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, trên cơ sở luật pháp như là một động lực của sự phát triển. Tuy nhiên, quy luật tự do cạnh tranh vẫn tiếp tục phát huy tác dụng, nhất là trong lĩnh vực cơ cấu kinh tế (ngành, vùng, lĩnh vực), đặc biệt là thị trường chứng khoán - thị trường phái sinh của nền kinh tế. Tính chất “ảo” của thị trường chứng khoán đã che lấp đi những tín hiệu thực của nền kinh tế, làm cho những dấu hiệu tiền khủng hoảng của nền kinh tế không biểu hiện rõ nét. Vì thế, vai trò điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế của nhà nước tư bản chủ nghĩa đã bị “chủ quan hoá”, để khi nhận ra thì đã quá muộn. Điều đó giải thích vì sao giải pháp bơm 168 tỉ USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và 700 tỉ USD của Chính phủ Mỹ vừa qua, theo dự báo của các nhà nghiên cứu, sẽ không mấy hiệu quả.

Thực tiễn nhiều năm qua đã cho thấy, vai trò quản lý vĩ mô nền kinh tế của các nhà nước tư bản chủ nghĩa chỉ có thể làm giảm độ sâu, biên độ của các cuộc khủng hoảng, kéo dài thời gian giữa các chu kỳ khủng hoảng. Nếu như trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh (thế kỷ XVIII, XIX), thời gian giữa các cuộc khủng hoảng chu kỳ thường là 8-10 năm, còn đến giai đoạn thống trị của chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, khoảng cách giữa các chu kỳ khủng hoảng đã được kéo dãn ra, và tính chất không đều của các cuộc khủng hoảng cũng xuất hiện. Cuộc khủng hoảng đầu tiên xảy ra vào năm 1825-1828; tiếp đó là các cuộc khủng khoảng với quy mô, tính chất có sự khác nhau: năm 1914-1918; năm 1929-1933; năm 1939-1945; và các cuộc khủng hoảng kinh tế gần nhất là trước cuối thế kỷ XX: năm 1974-1975 và năm 1980-1982...

Cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ lần đầu tiên của thế kỷ XXI có sự khác biệt so với các cuộc khủng hoảng trước đây cả về quy mô và tính chất. Do tính chất thời đại nên các cuộc khủng hoảng kinh tế ngày nay thường không gắn liền với chiến tranh đế quốc để phân chia lại thị trường thế giới như trước đây. Tuy nhiên, những biểu hiện mới của khủng hoảng thường gắn liền với khủng hoảng tài chính, dầu mỏ, nguyên liệu và cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu đầu tư, xuất - nhập khẩu... Điều đó cho thấy, sự tích luỹ của các nhân tố tiền khủng khoảng lại là tiền đề cho các cuộc khủng hoảng lớn hơn. Như vậy, chủ nghĩa tư bản điều chỉnh với tham vọng loại trừ quy luật khủng hoảng kinh tế chu kỳ là điều không thể thành hiện thực.

Chúng ta không phủ nhận, trong các thập kỷ vừa qua chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có sự thích nghi đáng kể nên đã kéo dài sự tồn tại và phát triển của mình, nhà nước tư bản chủ nghĩa đã có những chính sách, những giải pháp để hạn chế mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Tuy nhiên, sự can thiệp của nhà nước vào thị trường nói chung, bao gồm cả thị trường chứng khoán cũng chỉ là giảm bớt độ sâu biên độ của chu kỳ khủng hoảng chứ không thể khắc phục hoàn toàn tính chu kỳ của khủng hoảng kinh tế. Cần thiết phải nhắc lại rằng, C.Mác trong khi đánh giá rất cao vai trò của con người, vai trò nhân tố chủ quan, “con người không chỉ nhận thức thế giới mà còn cải tạo thế giới”, nhưng C.Mác cũng cho rằng có điều mà con người không thể làm được, đó là: xoá đi một quy luật này hay tạo ra một quy luật khác. Con người dù có thiên tài đến đâu cũng chỉ có thể vận dụng quy luật bằng cách tác động vào những yếu tố, điều kiện, môi trường mà quy luật đang vận động theo hướng có lợi cho mình mà thôi. Điều này rất quan trọng khi xem xét nguyên nhân và tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, trong đó có giải pháp cắt giảm lãi suất ngân hàng, bơm tiền vào lưu thông, hay liệu pháp “sốc” 700 tỉ USD đang được thực hiện ở Mỹ và một số nước Tây Âu.

Khó có thể phủ nhận rằng chủ nghĩa xã hội vẫn là giải pháp tối ưu để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế chu kỳ. Đây là vấn đề mà cả nhân loại, nhất là các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách phát triển của các quốc gia cần phải quan tâm./.