Động cơ thật của một nhà “giả” tu

Vũ Phong
16:21, ngày 28-08-2007

Chân dung nhà "giả tu" Thích Quảng Độ

Trong những vụ gây rối an ninh trật tự thời gian gần đây đã bị các cơ quan chức năng phát hiện và ngăn chặn kịp thời, có một nhân vật nổi lên đóng vai trò kích động, cung cấp tiền nong, tổ chức những người khiếu kiện gây rối loạn, làm mất trật tự xã hội, vì mục đích tư lợi cũng như phục vụ âm mưu của các thế lực chống phá hòa bình và sự ổn định của đất nước.

Nhân vật đó là Thích Quảng Độ.

Thích Quảng Độ quê Thái Bình, tu hành theo Phật giáo, nhưng lại là người có đầy đủ “tham sân si” và từng có nhiều tiền án tiền sự!

Sự thâm thù của Thích Quảng Độ với cách mạng, với dân tộc bắt nguồn từ mối thâm thù riêng vì từ lâu, ông ta vẫn cho rằng người đỡ đầu về tinh thần của ông ta đã bị Việt Minh xử tử trong thời kỳ cách mạng 1945 do mang tội Việt gian.

Cùng với thời gian, mối thâm thù riêng này càng lớn lên và Thích Quảng Độ đã lợi dụng mọi cơ hội để trả mối thù riêng.

Tháng 3-1977, do bất mãn, Thích Quảng Độ đã ra cái gọi là “Thông tư” số 02 (một nhà sư mà ra “thông tư” đã là chuyện lạ đời!), kích động tăng ni “sẵn sàng hy sinh nếu cần”! Khi ấy, nhân vụ sư cô Như Hiền vì hoang thai nên uống thuốc tự vẫn chết, Thích Quảng Độ cùng một số đối tượng khác trong Phật giáo tung tin là sư cô Như Hiền chết để phản đối chính quyền “đàn áp, vi phạm nhân quyền”(!?).

Do hoạt động chống đối nhà nước, vi phạm pháp luật như vậy nên tháng 4-1977, Quảng Độ cùng một số đối tượng khác như Huyền Quang, Thông Bửu, Thông Huệ, Thanh Thế, Nhật Thiện…bị bắt và tháng 12-1978 bị đưa ra xét xử tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nhà nước đã thực hiện chính sách khoan hồng, cho Thích Quảng Độ về tại Thanh Minh Thiền Viện ở 90 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến năm 1981 thì sự bất mãn của Thích Quảng Độ dâng cao cũng như bản chất “tham sân si” của vị hòa thượng này bộc lộ một cách rõ nét. Tháng 11-1981, Nhà nước ta có chủ trương thống nhất Phật giáo. Là Tổng thư ký Viện hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất được hình thành trước năm 1975, nhưng Thích Quảng Độ cũng chỉ là người của một hệ phái là Ấn Quang (trong khi có tới 9 hệ phái). Do không đạt được mục đích là chiếm một vị trí cao trong cơ cấu mới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên Thích Quảng Độ càng trở nên giận dữ, bất mãn.

Cùng với Huyền Quang, Quảng Độ công khai chống lại chủ trương thống nhất Phật giáo của Nhà nước, tiến hành nhiều hoạt động nhằm cản trở việc chuẩn bị cho Đại hội thống nhất Phật giáo toàn quốc, tiếp tục duy trì các hoạt động mang danh nghĩa của cái gọi là Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, sử dụng tổ chức không được các Phật tử chân chính công nhận này vào những mục đích cá nhân, vụ lợi

Một trong những “chiêu” mà vị “giả” tu này hay sử dụng để “đánh bóng” tên tuổi là mỗi khi có những hoạt động nào đó nhằm chống phá Nhà nước, kích động người dân thì ông ta thường chỉ đạo đồ đệ quay phim, chụp ảnh, sau đó tiếp cận với những vị khách nước ngoài để cung cấp tài liệu gây thanh thế, tạo dựng hình ảnh mình như là một trong những phần tử chống đối nổi bật với hy vọng là sẽ nhận được sự trợ giúp từ bên ngoài.

Tất nhiên là những sự trợ giúp đó không chỉ giới hạn trong những lời hô hào, kích động suông mà còn kèm theo các lợi ích vật chất.

Cũng có một câu hỏi được đặt ra là vì sao từ trước đến nay, Thích Quảng Độ luôn tiến hành các hoạt động kích động, mang đậm màu sắc chính trị để khuếch trương hình ảnh của “một nhà bất đồng chính kiến” thì nay lại chỉ đạo thủ hạ mang tiền đi “phát” cho người dân khiếu kiện?

Cái gì cũng có lý do của nó.

Quãng năm 2000-2001, Võ Văn Ái, người đang định cư tại Pháp và được Thích Quảng Độ, trước đó nhân danh Viện trưởng viện hóa đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, ký quyết định cử làm Giám đốc phòng thông tin Phật giáo quốc tế, đã mở một chiến dịch vận động trao giải Nobel Hòa bình cho Thích Quảng Độ. Chiến dịch vận động này không thành.

Đến năm 2006, Thích Quảng Độ được một tổ chức nước ngoài có tên là Rafto trao một giải thưởng của tổ chức này (việc trao giải thưởng được dự định thông qua một người nước ngoài vào Việt Nam theo đường...du lịch!). Năm 2007 này, Võ Văn Ái lại tiếp tục chiến dịch đề cử Thích Quảng Độ cho giải thưởng Noben Hòa bình 2007. Nhưng rút kinh nghiệm từ lần thất bại 2000-2001, bên cạnh “thành tích” chống đối, Thích Quảng Độ cần phải có thêm “thành tích” hoạt động trong lĩnh vực từ thiện thì mới có cơ may đoạt giải.

Bởi vậy nên mới nảy sinh ra chuyện Thích Quảng Độ xuất 300 triệu đồng giao cho Thích Không Tánh mang ra Hà Nội định để phát cho những người đi khiếu kiện, kích động họ biểu tình sáng 23-8 vừa qua (đi khiếu kiện được trả tiền công!). Số tiền này chắc chắn không phải là tiền túi của Thích Quảng Độ mà hoặc từ các tổ chức phản động nước ngoài trợ cấp, hoặc từ những đồng tiền công đức của các Phật tử chân chính đóng góp công quả, nhưng đã bị Thích Quảng Độ cùng với một vài thủ hạ sử dụng vào những mục đích cơ hội cá nhân, nhằm “lấy điểm” với Ủy ban xét giải thưởng Noben Hòa bình.

Như vậy, xét một cách có hệ thống, toàn bộ các hoạt động chống phá Nhà nước, chống phá cuộc sống bình yên nhân dân của Thích Quảng Độ đều dựa trên một sự nhất quán là mối thâm thù cá nhân, những động cơ vụ lợi hoặc để kiếm danh, hoặc để kiếm lợi chứ hoàn toàn không phải vì muốn “chia sẻ nỗi oan khiên, khổ cực của đồng bào” như ông ta đã từng rêu rao qua loa pin trong buổi kích động người dân khiếu kiện ở Thành phố Hồ Chí Minh ngày 17-7-2007.

Những Phật tử chân chính đều hiểu rõ bộ mặt thật của bậc “giả tu hành” này, bởi vì trong số những bổn phận mà người tu hành chân chính thực thi trên con đường hành đạo, có một hành động phải làm là đền ơn quốc gia, đền ơn nhân dân thì Thích Quảng Độ đã không thực thi. Ông ta đã đi chệch khỏi bát chính đạo trong Phật giáo, sa vào lầm lạc. Thích Quảng Độ và một số ít người đi theo ông ta cần nhanh chóng giác ngộ là một đất nước đang sống trong ổn định và yên bình không cần những hành vi phá rối, gây chia rẽ thù hận như ông ta và những kẻ đứng sau lưng đã làm trong thời gian qua. “Hồi đầu thị ngạn”-Phật pháp đã dạy như thế. Quay đầu lại là thấy bờ...