TCCSĐT - Giáo sư Giô-sép Xti-glít-dơ (Joseph Eugene Stiglitz), chuyên gia kinh tế có uy tín hàng đầu ở Mỹ, người đã từng đoạt Giải thưởng Nô-ben về kinh tế năm 2001 cho rằng: bất bình đẳng quá lớn và ngày càng gia tăng về thu nhập của các tầng lớp dân cư ở Mỹ đang làm giảm hiệu quả kinh tế và có thể làm bùng phát các tâm trạng bất ổn trong xã hội.

Giáo sư Giô-sép Xti-glít-dơ đưa ra nhận xét: “Người Mỹ đang quan tâm đến phong trào nổi dậy chống lại các chế độ cầm quyền (ý nói ở Trung Đông và Bắc Phi), mà ở đó thiểu số trong giới tinh hoa chính trị đang nắm giữ những nguồn tài sản khổng lồ. Ở Mỹ có 1% dân số sở hữu tới gần 25% thu nhập quốc dân”. Trong khi đó thu nhập của tầng lớp trung lưu ngày một giảm sút. Một nhóm nhỏ “dân số vàng” ở Mỹ kiểm soát 40% tài sản của quốc gia này. Cách đây 25 năm, những người giàu có nhất ở Mỹ chỉ chiếm 12% thu nhập quốc dân.

Theo Giáo sư Giô-sép Xti-glít-dơ, xét về mức độ công bằng trong thu nhập, Mỹ đứng sau tất cả các nước châu Âu. Nhiều quốc gia được coi là có tình trạng bất bình đẳng lớn trước đây ở Mỹ La-tinh như Bra-xin, trong những năm gần đây chính phủ của họ đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện tình hình và nhờ đó sự bất bình đẳng trong thu nhập giữa các tầng lớp dân cư và tỷ lệ người nghèo đã giảm bớt đáng kể. Trong khi đó, ở Mỹ sự bất bình đẳng trong thu nhập của các tầng lớp ngày càng gia tăng.

Theo Giáo sư Giô-sép Xti-glít-dơ, sự suy giảm liên tục mức độ thu nhập của đa số dân chúng sẽ tạo ra những hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của Mỹ trong tương lai dài hạn và cả trong chính sách đối ngoại. Tầng lớp giàu có ở Mỹ, trước hết là giám đốc các hãng và các công ty thường là những người được lợi nhiều nhất khi Mỹ phát động các cuộc chiến tranh bền ngoài lãnh thổ Mỹ. Chỉ có những người dân Mỹ bình thường phải đóng thuế để tiến hành các cuộc chiến tranh đó là phải chịu gánh nặng ngân sách thâm hụt đến mức chưa từng có trong lịch sử Hoa Kỳ.

Ngày nay, ở Mỹ, các tầng lớp xã hội ngày càng cảm nhận rõ ràng hơn sự bất bình đẳng trong hệ thống chính trị - xã hội của họ. Theo Giáo sư Giô-sép Xti-glít-dơ, chính những mâu thuẫn hình thành trong hệ thống này là một trong những động lực dẫn tới làn sóng phản đối ở Trung Đông. Còn tình trạng giá cả leo thang đối với sản phẩm và nạn thất nghiệp trong số các lớp trẻ sẽ đóng vai trò là “ngòi nổ”.

Theo nhận xét của Giô-sép Xti-glít-dơ, hiện nay tính trung bình có khoảng 20% thanh niên ở Mỹ không có việc làm, còn tại một số địa phương và có nhiều nhóm xã hội con số này còn cao hơn nữa. Cứ 1 trong 6 người Mỹ không được làm việc theo đúng nghề nghiệp. Ở Mỹ, trong số 7 người dân có 1 người phải sống bằng thẻ phân phối lương thực thực phẩm trước đây chỉ dùng cho những người nghèo. Bất kỳ xã hội nào thì vấn đề phân phối phúc lợi xã hội cũng không bảo đảm công bằng hoàn toàn, nhưng riêng ở Mỹ thì càng không công bằng khi mà ở đó “ai phù hợp nhất thì tồn tại, còn ai yếu nhất sẽ bị loại ra”./.