TCCSĐT - Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khép lại với sự chuyển giao quyền lực từ thế hệ lãnh đạo thứ tư cho thế hệ lãnh đạo thứ năm. Sự kiện này mở ra một trang mới trong lịch sử Trung Quốc.

Thách thức tăng trưởng kinh tế trong thập kỷ tới 

Có thể khẳng định, Trung Quốc đang trong thời điểm bước ngoặt với những thuận lợi và khó khăn nhất định. 

Trung Quốc tuy là cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, song với việc còn khoảng 150 triệu người vẫn đang sống dưới mức đói nghèo và thu nhập bình quân đầu người hiện mới chỉ đạt hơn 5.000 USD/năm, thì việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao là bài toán khó. Trước thềm chuyển giao quyền lực, Chủ tịch Trung Quốc sắp mãn nhiệm Hồ Cẩm Đào đã tin tưởng khẳng định, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc có khả năng tăng gấp đôi vào năm 2020, với mức tăng trưởng bình quân là 7,5%/năm. Liệu điều này có khả thi? Những cải thiện gần đây về sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định và doanh số bán lẻ cho thấy, nền kinh tế Trung Quốc, vốn sụt giảm tăng trưởng trong thời gian qua, có thể đã được điều chỉnh. Tuy nhiên, Trung Quốc cần thận trọng, bởi chìa khóa hóa giải bài toán tăng trưởng kinh tế của nước này phụ thuộc không nhỏ vào tình hình bên ngoài, khi mà nền kinh tế vẫn chưa thể có sự cân bằng giữa xuất khẩu và kích cầu nội địa. Song, hiện có một tín hiệu đáng mừng đối với Trung Quốc là, hầu hết các nhà kinh tế độc lập đều dự báo mức tăng trưởng GDP trung bình của nước này trong giai đoạn 2013 - 2017 có thể đạt từ 7% đến 7,5%, trong khi dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn lạc quan hơn - đạt từ 8,2% đến 8,5%.

Trong bài toán tăng trưởng kinh tế cao này, Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã nhận thấy rằng, trong những năm tới, Trung Quốc phải có chính sách rõ ràng và hiệu quả nhằm chuyển từ tăng trưởng do xuất khẩu là trụ cột sang một mô hình kinh tế dựa nhiều hơn vào tiêu dùng trong nước. Việc chuyển đổi này càng trở nên cấp bách trong tình hình hiện nay, khi cả Mỹ và châu Âu - những bạn hàng lớn và truyền thống của Trung Quốc, đều ít nhiều phải “thắt chặt hầu bao”, bởi vẫn đang chịu áp lực từ cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế thế giới. 

Thủ tướng tương lai Trung Quốc Lý Khắc Cường đã đề xuất những lĩnh vực chủ chốt trong chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn mới của nước này, gồm công nghiệp hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, đô thị hóa và hiện đại hóa nông nghiệp. Thật ra, cụm từ “hiện đại hóa” không phải là khái niệm hoàn toàn mới trên diễn đàn chính trị của Trung Quốc. Trong những năm 60 của thế kỷ trước, Thủ tướng Chu Ân Lai khi đó đã là người đầu tiên kêu gọi Trung Quốc thực hiện hiện đại hóa trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, quốc phòng, khoa học - kỹ thuật. Vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, ông Đặng Tiểu Bình đã sử dụng lại cụm từ đó, gắn nó với việc gia tăng GDP bình quân đầu người lên mức 1.000 USD vào cuối thế kỷ XX. Nền kinh tế Trung Quốc từ đó đến nay liên tục tăng trưởng cao, để rồi trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào thời gian gần đây. GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện đã vượt mức 5.000 USD, vượt xa mục tiêu do ông Đặng Tiểu Bình đề ra. Thuật ngữ “hiện đại hóa” đã được Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng lại vào năm 2005 khi đề cập đến công nghiệp hóa, thị trường hóa, quốc tế hóa và đô thị hóa. Tuy nhiên, ở lần dùng lại cụm từ này, Ban lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn sẽ phải sáng tạo về đường hướng để giải quyết những thách thức mới mà Trung Quốc đang đối mặt. 

Để giải bài toán tăng trưởng kinh tế, Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cũng cần chú ý thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp trong xã hội cũng như giữa các vùng, miền trên toàn quốc, bởi thực tế cho thấy, khoảng cách giàu nghèo lớn luôn là lực cản của các nền kinh tế trên thế giới. Tại những nơi giàu nhất của Trung Quốc, như Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân, thu nhập bình quân đầu người là hơn 10.000 USD/năm, tương đương với thu nhập bình quân đầu người ở một số nước châu Âu; trong khi đó, tại những nơi tương đối nghèo, chẳng hạn như Quý Châu, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt hơn 2.000 USD/năm, tương đương với thu nhập bình quân đầu người ở một số quốc gia châu Phi, như Xu-đăng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cần chú ý đến việc mở rộng khu vực tài chính khi điều chỉnh các công ty quốc doanh và tự do hóa hệ thống ngân hàng. Cùng với tiến trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ (NDT) đang được chú trọng đẩy mạnh, việc nội địa hóa cũng cần được tiến hành song song, với sự hợp nhất toàn cầu sâu sắc hơn. Trong những năm tới, vấn đề then chốt mà Trung Quốc cần hóa giải thành công là giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước và thị trường. Những biện pháp cải cách phải được tiến hành liên tục, từng bước và áp dụng đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực, trước hết là trong ngành tài chính. 

Nhiều người Trung Quốc tin rằng, kỷ luật thị trường sẽ mang lại sự cạnh tranh công bằng hơn và giảm dần khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và người nghèo. Sự phân phối thu nhập của Trung Quốc hiện rất không bình đẳng, với hệ số Gini, đo lường sự bất bình đẳng thu nhập là 0,438. Việc phân chia các nguồn lực không công bằng, làm giàu cho các cá nhân và các nhóm lợi ích, đang ngày càng trở nên khó chấp nhận trong xã hội Trung Quốc. Vì thế, vấn đề chủ chốt trong thập kỷ tới là Trung Quốc phải duy trì được sự gắn kết xã hội, trong khi cần kiên trì thực thi những cải cách kinh tế và chính trị. Đường đi, nước bước dường như đã rõ ràng, tuy nhiên, điều đó phụ thuộc không nhỏ vào sự chèo lái của Ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc. Người ta đang chờ xem liệu họ có khả năng thiết kế những thay đổi thể chế cần thiết hay không.

Thay đổi là bí quyết của thành công 

Trong suốt thập kỷ qua, Ban lãnh đạo Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, đã có những thành công đáng kể trên lĩnh vực kinh tế, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới và là nước xuất khẩu số một thế giới, có thị trường xe hơi lớn nhất và thị trường trao đổi ngoại tệ lớn hơn hẳn bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, có lẽ quốc gia này cũng bỏ lỡ nhiều cơ hội, khi quá chú tâm và dồn mọi nỗ lực vào phát triển kinh tế. Đã đến lúc thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc cần tập trung vào việc chấn chỉnh, cải tổ thể chế nhằm bảo đảm nền kinh tế đất nước phát triển ổn định, cân đối và tăng trưởng mạnh. Vấn đề chỉ còn ở chỗ, thế hệ lãnh đạo mới có thực sự đối mặt với cải tổ và việc cải tổ được thực hiện triệt để đến mức nào. 

So với ba thập kỷ trước, Trung Quốc đã thực sự “lột xác”, bởi từ một trong những nước thuộc nhóm nghèo nhất thế giới, nay đã khiến người ta phải choáng ngợp trước những đô thị khổng lồ, đường phố rộng thênh thang với nhiều làn xe nối đuôi nhau, chật cứng xe hơi của các hãng nước ngoài, hè phố thì nối dài bởi các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu… Tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được dự đoán ở mức 7% trong năm nay và họ có cơ sở để tin tưởng rằng, trong vài năm tới, nền kinh tế của họ vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng này. Tuy nhiên, hơn ai hết, các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy cần phải thực hiện cải tổ một cách khẩn cấp và triệt để, nếu muốn có thêm một thập niên tăng trưởng đầy ấn tượng như thế. Rõ ràng, con đường phía trước của Trung Quốc còn dài, khi mà thu nhập bình quân đầu người còn ở mức rất khiêm tốn, và việc tăng thu nhập cũng như chia đều của cải hơn cho người dân đang thực sự là một thách thức lớn.

Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nếu cải tổ triệt để kinh tế tư nhân, tài chính, dịch vụ và công nghệ, Trung Quốc có thể đạt thu nhập cao vào năm 2025 và GDP bình quân đầu người sẽ lên tới con số ngoạn mục - 26.000 USD vào năm 2030. Chủ tịch ADB Ha-ru-hi-cô Cu-rô-đa (Haruhiko Kuroda) còn bày tỏ tin tưởng rằng, sau khi chạm đáy vào quý III-2012, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng tốc trong năm 2013, nếu nước này kiên quyết tiến hành nhiều biện pháp cải tổ triệt để để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Rõ ràng, để có thể đứng vào nhóm các nước có thu nhập cao, Trung Quốc sẽ phải tiến hành cải tổ triệt để và đẩy mạnh đầu tư công nghệ, đồng thời nỗ lực giảm phụ thuộc vào xuất khẩu và tăng cường tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, nhu cầu nội địa tăng phần lớn là do đầu tư, bởi vậy, đầu tư vào công nghệ sẽ là một trong những chìa khóa hóa giải bài toán tăng trưởng kinh tế bền vững của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc cần lưu ý đến các khoản chi tiêu tiêu dùng từ chính người dân Trung Quốc, bởi các khoản chi tiêu này hiện chỉ chiếm 1/3 tỷ trọng của nền kinh tế, bằng một nửa so với các quốc gia phương Tây. Mặc dù mức tiêu dùng ở trung Quốc tiếp tục tăng khoảng hơn 10%/năm, nhưng vẫn cần tăng nhanh hơn nữa để có thể xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững. 

Chính sách đối ngoại mềm dẻo là chìa khóa mở cánh cửa tương lai 

Dù giàu có đến đâu, Mỹ hay Trung Quốc cũng không thể tách khỏi thế giới này. Bởi thế, để tiếp tục củng cố vị thế kinh tế và vươn cao hơn trên vũ đài chính trị quốc tế, Trung Quốc không thể xem nhẹ chính sách đối ngoại của mình. So với trước đây, bài toán đối ngoại của Trung Quốc đang xuất hiện những ẩn số mới. Việc ông Ba-rắc Ô-ba-ma tái đắc cử Tổng thống Mỹ mà không phải chịu áp lực nhiều về vấn đề liên nhiệm cũng khiến cho ván cờ địa chính trị Mỹ - Trung có thêm những màu sắc mới. Là người “lớn lên” sau, nay Trung Quốc càng cần phải suy ngẫm để có thể nhanh chóng đổi vai, trở thành người “chạy trước”, thay vì cứ mãi “đuổi theo” Mỹ. 

Xét trên bình diện toàn cầu, rõ ràng là chỉ có Mỹ mới có năng lực cạnh tranh với Trung Quốc từ các góc độ như kinh tế, tài chính, công nghiệp, quân sự, hệ thống an ninh chính trị,… Bởi thế, trong thời gian tới cũng như về lâu dài, chiến lược đối ngoại của Trung Quốc nên lấy Mỹ làm đối trọng khi vạch ra những chính sách liên quan. 

Trong khi đó, với chiến lược rõ ràng, Mỹ ngày càng thể hiện sự tăng cường hiện diện tại khu vực “sân sau” của Trung Quốc. Chuyến đi nước ngoài đầu tiên ở nhiệm kỳ thứ hai của ông B. Ô-ba-ma là tới châu Á, và đây là bằng chứng cho thấy khu vực này đang trở thành đích ngắm của cường quốc số một thế giới. Chiến dịch ngoại giao được bắt đầu bằng chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ tới Thái Lan, Mi-an-ma và Cam-pu-chia. Nói đây là chuyến thăm lịch sử không phải là vì trước đây chưa từng có Tổng thống Mỹ nào đến thăm Cam-pu-chia hay Mi-an-ma, mà chủ yếu là vì Mỹ rất nỗ lực thiết lập sự hiện diện tại các khu vực vốn vẫn được coi là “sân nhà”, là “lãnh địa” của Trung Quốc. 

Với lựa chọn điểm đến đầu tiên là châu Á, ông B. Ô-ba-ma đã công khai “chủ đích” tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc trong một khu vực đầy tiềm năng. Lịch trình chuyến đi lần này chỉ gói gọn trong 4 ngày. “Bỏ qua” Nhật Bản, Hàn Quốc, Phi-líp-pin,… Thái Lan đã trở thành điểm đến đầu tiên; tiếp đó, ông ghé thăm Mi-an-ma trong vài giờ trước khi đến Cam-pu-chia tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 và Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 21. Tại đây, bên lề Hội nghị, Tổng thống Mỹ mới có buổi gặp gỡ riêng với hai nhà lãnh đạo Ôn Gia Bảo của Trung Quốc và Y-ô-si-hi-cô Nô-đa của Nhật Bản. Động thái này của ông B. Ô-ba-ma thể hiện sự tái khẳng định hướng ưu tiên của Mỹ đối với châu Á, một châu lục ngày càng có tiếng nói quan trọng trên thế giới. Tuy nhiên, ngoài mục tiêu kinh tế, chuyến công du của ông B. Ô-ba-ma tới châu Á lần này còn như một “lời tuyên chiến”, nhằm tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, hiện đang là đối tác thương mại hàng đầu của cả khối ASEAN, trên cả Nhật Bản, châu Âu và Mỹ.

Có thể thấy, cho mãi tới gần đây, châu Á vẫn bị coi là “hố đen” trong chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn, thì nay lại có tầm quan trọng mới, sau khi chính quyền Mỹ tuyên bố “chuyển hướng trục chiến lược” sang châu Á vào cuối năm 2011. Người ta còn nhớ, trong bài phát biểu ở Ha-oai, ngày 11-11-2011, Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ry Clin-tơn tuyên bố: “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ”. Một số nhà bình luận của Trung Quốc nhận định, một nguyên nhân quan trọng khiến Mỹ tìm cách tránh một lần nữa bị cuốn vào Trung Đông, quyết chí hoàn thành nhiệm vụ rút quân khỏi I-rắc, đồng thời tích cực chuẩn bị các công việc để rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan vào năm 2014, là dịch chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương, nơi được Mỹ cho là có vị trí chiến lược trọng yếu hơn, bởi Mỹ nhận thấy rằng, trong tương lai, sức mạnh tổng hợp của họ tương đối sụt giảm. Việc Mỹ mong muốn “trở lại” địa vị lãnh đạo ở châu Á - Thái Bình Dương là nhằm hướng đến hai mục tiêu: tận dụng thành quả phát triển kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh trong nước; và tạo ưu thế vượt trội trong cuộc đọ sức chiến lược mới ở khu vực này. Để đạt được mục tiêu đó, Mỹ đang cùng lúc bắt tay vào nhiều việc, từ kinh tế, chính trị, quân sự đến ngoại giao: đẩy mạnh các cuộc đàm phán về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); tăng cường quân đồn trú ở Ô-xtrây-li-a; tích cực xuất hiện trong các cơ chế hợp tác đa phương, như Hội nghị Cấp cao Đông Á, đồng thời thúc đẩy cơ chế hợp tác tiểu đa phương ở nhiều tầng nấc, như Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc; Mỹ - Nhật Bản - Ô-xtrây-li-a; Mỹ - Nhật Bản - Ấn Độ... 

Rõ ràng, hiện nay Mỹ không chỉ nỗ lực cản trở tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong những lĩnh vực Mỹ đặt mục tiêu chinh phục, mà điều quan trọng, còn tìm cách đẩy Trung Quốc ra khỏi các khu vực lâu nay vẫn được coi là “sân sau” của họ. Bởi vậy, Trung Quốc cũng cần phải áp dụng chính sách đối ngoại mềm dẻo và khôn khéo trước động thái này của Mỹ, nếu không muốn thua Mỹ ngay tại sân nhà trên bàn cờ địa - chính trị thế giới./.