Tìm hiểu những quan điểm cơ bản của C.Mác về quyền sở hữu ruộng đất để phát triển nông nghiệp

Đỗ Thế Tùng GS, TS, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
20:38, ngày 13-07-2012
TCCS - Trên cơ sở trình bày, phân tích những quan điểm cơ bản của C. Mác về quyền sở hữu ruộng đất để phát triển nông nghiệp, bài viết rút ra một số điểm cần lưu ý, liên quan trực tiếp đến thực trạng quản lý và sử dụng ruộng đất ở nước ta hiện nay.

Những năm qua, việc quản lý và sử dụng ruộng đất ở nước ta bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý. Vì vậy, gần đây rộ lên một luồng dư luận đòi hỏi phải chỉnh lý Luật Đất đai theo hướng trao quyền sở hữu cho người sử dụng ruộng đất vô thời hạn. Một cựu cán bộ cao cấp nhiều năm từng quản lý lĩnh vực nông nghiệp coi việc trao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân là “chính sách nhân văn nhất, cao quý nhất. Khi đó, việc mua bán đất đai công khai, người tích tụ đất đai yên tâm bỏ tiền đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa”. Thậm chí, đây được “coi như cuộc cách mạng đối với họ một lần nữa, phấn khởi lắm. Bởi đây là nút thắt cuối cùng của quá trình đổi mới chính sách đất đai sau 60 năm. Đến lúc này coi như chính sách đất đai nông nghiệp đã hoàn thiện”(1).

Nếu trực tiếp tranh luận về từng điểm cụ thể thì sẽ rất khó phân biệt đúng, sai và sẽ tốn nhiều thời gian mà không đi tới nhận thức chính xác về vấn đề nói trên, như V.I. Lê-nin đã từng chỉ dẫn: Người nào bắt tay vào những vấn đề riêng trước khi giải quyết các vấn đề chung, thì kẻ đó, trên mỗi bước đi, sẽ không sao tránh khỏi “vấp phải” những vấn đề chung đó một cách không tự giác. Mà mù quáng vấp phải những vấn đề đó trong từng trường hợp riêng, thì có nghĩa là đưa chính sách của mình đến chỗ có những sự dao động tồi tệ nhất và mất hẳn tính nguyên tắc.

Bởi vậy, chúng tôi tìm hiểu những quan điểm cơ bản của C. Mác về quyền sở hữu ruộng đất để phát triển nông nghiệp, với hy vọng qua đó, rút ra một số điểm cần lưu ý, có thể “làm kim chỉ nam” cho việc chỉnh sửa Luật Đất đai ở nước ta.

Những ưu điểm và nhược điểm của chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ

Theo C. Mác, chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ phù hợp với điều kiện đa số dân cư sống ở nông thôn, trong một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kinh tế nông hộ là loại hình phổ biến, bản thân những người sản xuất, tức là nông dân, tiêu dùng đại bộ phận sản phẩm nông nghiệp, chỉ có phần dư ra mới đi vào giao lưu buôn bán với thành thị với tư cách là hàng hóa.

Ở đây, quyền chiếm hữu ruộng đất là một trong những điều kiện sản xuất, còn quyền sở hữu ruộng đất là điều kiện thuận lợi nhất cho sự phồn vinh của phương thức sản xuất của những người sản xuất trực tiếp. Chế độ sở hữu của những người nông dân tự canh tác cho phép họ trở thành kẻ sở hữu sản phẩm lao động của mình và không phải nộp địa tô. Người nào mà lao động được thực hiện trong những điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn thì còn thu được sản phẩm thặng dư siêu ngạch nữa. Trong trường hợp này, quyền sở hữu ruộng đất là cơ sở để phát triển sự độc lập cá nhân.

Thế nhưng, đến một trình độ nhất định, kinh tế tiểu nông sẽ phát huy hết tiềm năng của nó và bộc lộ các nhược điểm khiến cho chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ bị sụp đổ. Những nhược điểm chủ yếu là:

Thứ nhất, nguồn vốn hạn hẹp, khó tiếp cận tín dụng, phần nhiều phải vay nặng lãi. Trong khi đó, muốn mở rộng sản xuất thì phải mua thêm ruộng hoặc thuê ruộng. Tiền mua ruộng sẽ hạn chế việc đầu tư vào thâm canh, thậm chí giá cả ruộng đất có thể lên cao đến mức khiến cho việc sản xuất không thể tiến hành được. Do năng suất lao động thấp, cho nên nếu thuê ruộng thì tiền thuê ruộng nhiều khi không những “nuốt” hết phần lợi nhuận, nghĩa là phần lao động thặng dư, cái phần mà đáng lẽ người nông dân được hưởng với tư cách là người sở hữu công cụ lao động của mình, mà còn ngốn mất một phần tiền công, nghĩa là phần lao động tất yếu của họ.

Thứ hai, sức sản xuất thấp: Tư liệu sản xuất thô sơ, lao động sống chiếm ưu thế, nhân lực bị lãng phí rất lớn, người lao động bị cô lập, vì chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ loại trừ sự phát triển những sức sản xuất xã hội của lao động, loại trừ việc trồng trọt, chăn nuôi quy mô lớn và việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nông nghiệp.

Nhận xét về phạm vi hạn hẹp của kinh tế tiểu nông, C. Mác nhấn mạnh: “Đối với người nông dân có một mảnh đất nhỏ, giới hạn kinh doanh, một mặt, không phải là lợi nhuận trung bình của tư bản, chừng nào bản thân anh ta là một nhà tư bản nhỏ; và mặt khác, giới hạn đó cũng không phải là sự cần thiết phải nộp địa tô, chừng nào người nông dân vẫn còn là kẻ sở hữu ruộng đất. Với tư cách là một nhà tư bản nhỏ, giới hạn tuyệt đối duy nhất là tiền công mà anh ta tự trả cho mình, sau khi đã trừ các chi phí theo đúng nghĩa của danh từ đó đi. Chừng nào giá cả của sản phẩm còn đem lại tiền công ấy cho anh ta thì anh ta vẫn sẽ còn canh tác mảnh đất của mình, thường thường cho đến khi chỉ mang lại có một tiền công tối thiểu cần thiết để nuôi sống mình”(2).

Đó là lý do làm cho giá cả ngũ cốc trong những nước mà chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ chiếm địa vị thống trị thường thấp hơn so với những nước có nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Một bộ phận lao động thặng dư của những nông dân làm việc trong những điều kiện bất lợi nhất, được “biếu” không cho xã hội. Như vậy, giá cả thấp ấy là hậu quả của sự bần cùng của những người sản xuất, chứ không phải là kết quả của năng suất lao động của họ.

Tình trạng trên gây trở ngại cho việc mở rộng phân công lao động xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bởi vì, theo quy luật, cùng với sự phát triển sản xuất, nhân khẩu nông nghiệp sẽ dần dần giảm, cả theo nghĩa tuyệt đối và tương đối. Muốn vậy, “toàn bộ lao động nông nghiệp - lao động cần thiết và lao động thặng dư - của một bộ phận xã hội phải đủ để sản xuất ra tư liệu sinh hoạt cần thiết cho toàn thể xã hội, và do đó, cho cả những người lao động phi nông nghiệp; do đó, để cho sự phân công lớn giữa những người làm nông nghiệp, và những người làm công nghiệp, cũng như sự phân công giữa những người làm nông nghiệp sản xuất lương thực và những người làm nông nghiệp sản xuất nguyên liệu, có thể thực hiện được”(3).

Thứ ba, sức cạnh tranh kém, không đương đầu được với sự phát triển của sản xuất lớn. Thủ công nghiệp gia đình gắn với kinh tế hộ bị thủ tiêu do sự phát triển của đại công nghiệp. Đại nông nghiệp không kể là được tiến hành theo kiểu kinh tế đồn điền hay theo phương thức tư bản chủ nghĩa và những sự cải tiến kỹ thuật nông nghiệp, tuy đòi hỏi những điều kiện sản xuất vật chất đắt tiền hơn với tổng chi phí lớn hơn, nhưng lại làm cho giá nông phẩm hạ thấp.

Bởi vậy, những năm được mùa lại là một sự rủi ro cho những người nông dân canh tác theo chế độ sở hữu ruộng đất nhỏ.

Những ưu điểm và nhược điểm của chế độ đại sở hữu ruộng đất trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa

C. Mác nhận định: “Những công lao lớn của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là, một mặt thì hợp lý hóa nông nghiệp, việc hợp lý hóa này lần đầu tiên đã tạo khả năng kinh doanh nông nghiệp theo phương thức xã hội, và mặt khác làm cho quyền sở hữu ruộng đất trở thành một điều phi lý”(4).

Phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, một mặt, đã tách hoàn toàn quyền sở hữu ruộng đất ra khỏi mọi quan hệ thống trị và nô lệ; mặt khác, tách hoàn toàn ruộng đất với tư cách là tư liệu lao động ra khỏi quyền sở hữu ruộng đất và người sở hữu ruộng đất, đến mức là người chủ đất có thể suốt đời sống ở tỉnh này trong khi ruộng đất của họ lại ở tỉnh khác, họ chỉ cần thu được địa tô. Địa tô là hình thái mà trong đó, quyền sở hữu ruộng đất được thực hiện về mặt kinh tế, tức là đem lại thu nhập. Cũng có trường hợp nhà tư bản đồng thời là địa chủ hay địa chủ lại trực tiếp là nhà tư bản kinh doanh nông nghiệp, nhưng đó chỉ là ngoại lệ, không phải là hiện tượng phổ biến.

Ở đây, phéc-mi-ê (nhà tư bản nông nghiệp) chỉ là người chiếm hữu ruộng đất chứ không phải là người sở hữu, vì thế mà chỉ phải trả địa tô, ngoài ra không phải trả gì hết, không phải bỏ tư bản ra mua ruộng đất, nên tư bản hoạt động trong nông nghiệp tách rời với tư bản do địa chủ bỏ ra để mua ruộng đất. Tiền mua ruộng đất không bao giờ lại có thể làm chức năng tư bản nữa, tuy nó đem lại cho người mua ruộng đất cái quyền thu địa tô, nhưng nó lại hoàn toàn không dính dáng gì đến việc sản xuất ra địa tô ấy. Người chiếm hữu ruộng đất sẽ được quyền kinh doanh và thu lợi nhuận; và khi thâm canh thì có thể thu được địa tô chênh lệch II trong thời hạn hợp đồng thuê đất còn hiệu lực. Còn người trực tiếp sản xuất là công nhân làm thuê. Như vậy, trong nông nghiệp tư bản chủ nghĩa tập hợp ba giai cấp cấu thành “bộ xương sống” của xã hội cận đại - địa chủ, nhà tư bản và công nhân làm thuê.

Khi nghiên cứu quá trình tuần hoàn của tư bản, C.Mác đã rút ra kết luận: “…nền sản xuất tư bản chủ nghĩa (và do đó, cả nền sản xuất hàng hóa) chỉ xuất hiện với tất cả phạm vi rộng lớn của nó, khi nào mà ngay cả người sản xuất nông nghiệp trực tiếp cũng là người lao động làm thuê”(5).

Thế nhưng, không chỉ chế độ tư hữu ruộng đất nhỏ mà cả chế độ tư hữu ruộng đất lớn cũng mâu thuẫn với một nền nông nghiệp hợp lý hóa. Bởi vì, những người chủ đất không những thu địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch I, mà còn tìm cách hết sức rút ngắn thời hạn cho thuê đất, để khi hết hạn hợp đồng sẽ gộp những thành tựu cải thiện ruộng đất do các phéc-mi-ê đã thực hiện vào sở hữu của mình. Khi chuyển sang hợp đồng cho thuê mới, người chủ đất đem tính thêm vào địa tô chính cống số lợi tức về khoản tư bản đã bỏ vào ruộng đất, chẳng kể là cho chính những phéc-mi-ê đã tiến hành những việc cải thiện ấy thuê tiếp hay cho người khác thuê. Điều này giải thích vì sao các địa chủ ngày càng giàu thêm. Mặt khác, do thời hạn thuê đất ngắn, nên các phéc-mi-ê tránh mọi việc cải thiện chất đất và mọi khoản chi phí mà họ không mong thu về được hết trong thời hạn hợp đồng.

Quyền tư hữu về ruộng đất cho phép người chủ đất thu địa tô tuyệt đối, không những là một nguyên nhân làm tăng giá cả nông phẩm mà còn là hàng rào ngăn cản việc đầu tư và việc tự do sử dụng tư bản vào ruộng đất. Hàng rào này khiến tư bản đầu tư vào nông nghiệp không tham gia  việc bình quân hóa tỷ suất lợi nhuận. Do đó, giá cả nông phẩm vận động xoay quanh giá trị thị trường của nó chứ không được bán theo giá cả sản xuất. Vì cấu tạo hữu cơ tư bản trong nông nghiệp thấp hơn cấu tạo hữu cơ trung bình của tư bản xã hội, nên giá trị thị trường nói trên cao hơn giá cả sản xuất. Khoản chênh lệch này hình thành địa tô tuyệt đối để nộp cho địa chủ. Nhưng nếu cấu tạo trung bình của tư bản nông nghiệp cao bằng hoặc cao hơn cấu tạo của tư bản xã hội trung bình, thì phéc-mi-ê sẽ không thu được khoản chênh lệch nói trên để nộp địa tô tuyệt đối nữa, nên sẽ không thể tiếp tục kinh doanh.

Tóm lại, quyền tư hữu về ruộng đất, cả trong chế độ sở hữu nhỏ và chế độ sở hữu lớn đều là một giới hạn và một trở ngại đối với nông nghiệp.

C. Mác đã thừa nhận quan điểm sau đây của Đ. Ri-các-đô là đúng đắn: “Trong thế giới cổ đại và trung cổ, kẻ sở hữu ruộng đất có những chức năng trọng yếu trong sản xuất bao nhiêu thì trong thế giới công nghiệp hắn lại là một cái bướu vô dụng bấy nhiêu. Vì thế cho nên về mặt lý luận, nhà tư bản cấp tiến… đi tới chỗ phủ nhận quyền sở hữu ruộng đất mà họ muốn biến thành sở hữu chung của giai cấp tư sản, của tư bản, dưới hình thái sở hữu nhà nước. Nhưng trong thực tiễn, hắn ta lại không có đủ can đảm, bởi vì tấn công vào một hình thái sở hữu - vào một hình thái sở hữu tư nhân đối với các điều kiện lao động - sẽ rất nguy hiểm đối với cả hình thái khác. Ngoài ra, bản thân nhà tư bản cũng tậu ruộng đất”(6).

Từ những điều trình bày ở trên, có thể rút ra một số điểm sau:

Một là, quan hệ sở hữu ruộng đất bao gồm ba quyền cơ bản: quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và quyền sử dụng ruộng đất. Trong sản xuất nhỏ, người tiểu nông thường nắm cả ba quyền. Nhưng xu hướng chung là, cùng với sự phát triển sản xuất hàng hóa lớn, ba quyền ấy sẽ tách rời nhau. Song trong các văn bản pháp luật ở nước ta thường chưa đề cập đến quyền chiếm hữu ruộng đất và chưa quy định đầy đủ, rõ ràng phạm vi và lợi ích gắn với từng quyền nói trên. Vì thế mà có tình trạng vô chủ.

Hai là, quyền sở hữu ruộng đất chỉ liên quan đến việc thu địa tô, không liên quan đến việc canh tác. Quyền tư hữu về ruộng đất mâu thuẫn với nền nông nghiệp hợp lý hóa. Nó cản trở việc thâm canh tăng năng suất lao động xã hội để chuyển bớt lao động nông nghiệp trong lĩnh vực trồng cây lương thực sang sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp và sang các lĩnh vực phi nông nghiệp. Bởi vậy, trao quyền sở hữu ruộng đất cho các hộ nông dân ở nước ta hiện nay là kéo lùi lịch sử, ngăn cản việc đưa sản xuất nông nghiệp lên sản xuất lớn, gây trở ngại cho việc chuyển từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu.

Việc quy định ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý là phù hợp với quy luật tiến hóa và xu hướng phát triển của nông nghiệp hiện đại. Nhà nước sẽ xóa bỏ địa tô tuyệt đối, chỉ thu địa tô chênh lệch I và gộp vào thuế nông nghiệp để phục vụ trở lại cho phát triển nông nghiệp cả nước và hỗ trợ những vùng khó khăn. Việc miễn thu thuế nông nghiệp hiện nay là thực hiện “khoan thư sức dân” sau những năm chiến tranh, về thực chất là trao cả địa tô chênh lệch I cho nông dân, nhưng không nên kéo dài chính sách này. Bởi vì, lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam được bảo vệ là nhờ công lao của toàn thể nhân dân, nhưng độ màu mỡ và vị trí của các vùng đất lại không đồng đều và do vậy, nếu tiếp tục miễn thuế nông nghiệp thì những vùng có điều kiện tự nhiên thuận lợi được hưởng địa tô chênh lệch I, còn các vùng khó khăn chịu thiệt, sẽ không bảo đảm công bằng xã hội. Không những thế, nhiều trường hợp Nhà nước đầu tư hạ tầng giao thông, tạo ra địa tô chênh lệch I rất lớn cho quỹ đất hai bên đường, nhất là tại những vị trí có lợi thế thương mại ở các đô thị có giá đất cao, nhưng Nhà nước lại không thu được vào ngân sách. Nhà nước có trách nhiệm quy hoạch sử dụng đất. Pháp luật cần quy định rõ: khi thu hồi đất để phục vụ an ninh, quốc phòng hay các công trình công cộng vì quốc kế dân sinh, thì phải đền bù thích đáng lợi ích của người chiếm hữu ruộng đất bị thu hồi; còn khi cho phép chuyển quyền chiếm hữu ruộng đất từ người làm nông nghiệp sang tay những người làm công nghiệp và dịch vụ thì phải theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.

Ba là, quyền chiếm hữu ruộng đất là một điều kiện của sản xuất, vì ruộng đất là tư liệu lao động quan trọng của nông nghiệp. Bởi vậy, để khuyến khích thâm canh và trồng cây lâu năm, phải quy định thời hạn dài cho quyền này. Mặt khác, muốn đáp ứng nhu cầu tập trung ruộng đất nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, cần khuyến khích tự do chuyển nhượng quyền chiếm hữu ruộng đất theo cơ chế thị trường và bỏ quy định hạn điền.

Pháp luật còn phải quy định các quyền phái sinh khác, như thừa kế quyền chiếm hữu, thế chấp quyền này để vay vốn, vv..

Bốn là, những nông dân không đủ điều kiện và khả năng cần thiết để tự kinh doanh nông nghiệp mà trở thành công nhân nông trường hay công nhân làm thuê cho các chủ trang trại, dĩ nhiên sẽ không còn quyền chiếm hữu tư nhân về ruộng đất mà chỉ còn quyền sử dụng ruộng đất. Phải coi đây là một tiến bộ, bởi vì đó là biểu hiện sự phát triển sản xuất hàng hóa lớn và xã hội hóa nông nghiệp, sẽ dẫn đến tăng năng suất lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động./.

---------------------------------------------

(1) “Giao quyền sở hữu ruộng đất cho nông dân: Cách mạng trong sản xuất nông nghiệp”, Báo Tiền phong, số 44, ngày 13-2-2012

(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 25, phần II, tr. 521 - 522

(3), (4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, tr. 271, 245

(5) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t. 24, tr. 178

(6) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, t. 26, phần II, tr. 56