Hiến pháp năm 1992 và phát triển nền kinh tế nhiều thành phần

Trần Thị Minh Châu PGS, TS, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
22:02, ngày 07-06-2012
TCCS - Hiến pháp là văn bản pháp lý quan trọng nhất ảnh hưởng lớn tới sự phát triển kinh tế của một đất nước. Dưới khía cạnh nhằm tạo thuận lợi cho các thành phần kinh tế ở nước ta phát triển, bài viết phân tích và góp ý về một số vấn đề trong Hiến pháp hiện nay.
Hiến pháp năm 1992 - cơ sở pháp lý để phát triển nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ đổi mới

Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố xây dựng “...nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(1) (Điều 15). Cụ thể hóa tuyên bố này, Hiến pháp năm 1992 đã xác định 3 nguyên tắc cơ bản của chế độ kinh tế là: đa thành phần; điều tiết của cơ chế thị trường kết hợp với điều tiết của Nhà nước; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cơ cấu đa thành phần của nền kinh tế được Hiến pháp năm 1992 xác định gồm: “kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức” (Điều 16)(2).

Sau gần 10 năm triển khai xây dựng chế độ kinh tế theo tinh thần Hiến pháp năm 1992, vào những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, điều kiện kinh tế trong nước, các quan hệ kinh tế của nước ta với nước ngoài, nhận thức chung của xã hội về chế độ kinh tế và chủ nghĩa xã hội đã có sự phát triển mới. Để thích ứng với hoàn cảnh mới, Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2001** theo hướng chính xác hơn các đặc trưng của chế độ kinh tế trên một số nội dung sau:

Ở tầm tổng quát, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) khẳng định mô hình kinh tế của nước ta là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Điều 15). Khẳng định này mang hai ý nghĩa: 1 - nền kinh tế nước ta có đặc điểm chung của kinh tế thị trường đang hiện diện ở nhiều nước trên thế giới; 2 - quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phải không ngừng được củng cố để dần xác lập địa vị thống trị (sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể là nền tảng).

Về phương diện đặc trưng cụ thể, Hiến pháp quy định lại cho rõ hơn trên các mặt:

- Xác định ba chế độ sở hữu cơ bản là toàn dân, tập thể và tư nhân tồn tại trong nhiều hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh đa dạng (Điều 15).

- Thay thuật ngữ kinh tế quốc doanh bằng thuật ngữ kinh tế nhà nước và tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân (Điều 19). Nội hàm của kinh tế nhà nước, theo tinh thần Hiến pháp sửa đổi (dù vẫn dựa trên sở hữu toàn dân) đã có sự điều chỉnh bằng việc tách biệt rõ vai trò của doanh nghiệp nhà nước (tổ chức sản xuất, kinh doanh theo nguyên tắc thị trường) với vai trò của tài chính nhà nước (lực lượng vật chất để vận hành luật pháp và chính sách kinh tế). Ở đây hàm chứa yêu cầu phải tiếp tục giải thích rõ hơn vai trò thực sự và quyền hạn của doanh nghiệp nhà nước, cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong các văn bản pháp lý cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp.

- Thay đổi cách ứng xử giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp thuộc sở hữu tư nhân theo hướng hạn chế phạm vi kiểm soát của cơ quan nhà nước theo luật, đồng thời, mở rộng quyền tự do lựa chọn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo tinh thần “Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế được sản xuất, kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm; cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật” (Điều 16). Tinh thần này của Hiến pháp sửa đổi đã phản ánh được yêu cầu khách quan của kinh tế thị trường là người sản xuất, người tiêu dùng được tự do lựa chọn theo quy luật của thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp khi thị trường hoạt động không hiệu quả hoặc thiếu vắng cơ chế thị trường. Hơn nữa, tinh thần tự do mà Hiến pháp sửa đổi tuyên bố là nguyên tắc căn bản của chế độ dân chủ pháp quyền, trong đó Nhà nước được công dân ủy quyền đại diện cho họ để quản lý xã hội và chỉ được hành xử trong phạm vi ủy quyền đó.

Với tinh thần như vậy, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2001 đã xác lập nền tảng pháp lý cho việc ban hành và thực thi nhiều văn bản luật pháp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế của Nhà nước vừa phù hợp với kinh tế thị trường, vừa bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế, như Luật Doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Thương mại, Luật Đầu tư...

Tinh thần mới của khung khổ luật pháp đã tạo ra sức phát triển kinh tế vượt trội. Từ năm 1992 đến năm 1997, tốc độ tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức 8,08% - 9,54%. Chưa bao giờ, kinh tế nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng cao liên tục trong một thời kỳ khá dài như vậy. Từ năm 1998 đến nay, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do chính sự yếu kém trong nước cũng như do tác động của các cuộc khủng hoảng trên thế giới, nhưng chúng ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, các quan hệ kinh tế không bị rối loạn đến mức vượt tầm kiểm soát, người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, các ngành nghề kinh tế được mở rộng, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện. Quy mô GDP năm 2009 gấp hơn 2,6 lần năm 1995, thu nhập đầu người tăng từ 402 USD (năm 2000) lên 1.168 USD (năm 2010). Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 28,76% (năm 1995) lên 40,24% (năm 2009).

Đi đôi với các thành tích ấn tượng về quy mô tăng trưởng, kinh tế nước ta vẫn nằm trong quỹ đạo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện rõ nét không chỉ ở tỷ trọng khá cao của kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (44,61% năm 2005 và 40,59% năm 2009), mà còn ở khả năng của Nhà nước kiểm soát các cân đối lớn và các quá trình kinh tế chủ yếu. Giai đoạn 1997 - 2002, nước ta đã chống chọi thành công với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ ở các nước Đông Nam Á; năm 2008 - 2010, Nhà nước cũng thành công trong chống lạm phát và đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nguyên tắc xã hội chủ nghĩa trong phân phối của cải cũng được duy trì thông qua các chính sách an sinh xã hội và cung cấp hàng hóa công cộng của Nhà nước.

Có được những thành tích ấn tượng đó là do Nhà nước và dân cư đã đồng thuận nỗ lực phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo tinh thần tự do có tổ chức, quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa và quyết tâm tự đổi mới để phát triển. Những nỗ lực đó thể hiện trên các mặt sau:

- Nhà nước ta đã thực hiện chủ trương tái cơ cấu mạnh mẽ doanh nghiệp nhà nước, thu gọn đầu mối để doanh nghiệp nhà nước có thể hoạt động hiệu quả trong những lĩnh vực cần thiết và thích hợp. Từ năm 1990 đến nay, các ngành, các cấp và doanh nghiệp đã nỗ lực sắp xếp lại, đổi mới mô hình tổ chức quản lý doanh nghiệp nhà nước theo thông lệ của kinh tế thị trường, đổi mới mối quan hệ quản lý của các cơ quan nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước theo hướng tách bạch tài chính nhà nước với tài chính doanh nghiệp, chuyển chế độ chủ quản hành chính sang chế độ quản lý của chủ sở hữu, giao quyền chủ động sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp nhà nước, đa dạng hóa chế độ sở hữu ngay trong nội bộ doanh nghiệp nhà nước... Nhờ vậy, sức mạnh và địa vị của doanh nghiệp nhà nước không giảm, mặc dù tỷ trọng giảm.

- Hợp tác xã kiểu cũ đã được chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 1997 để có thể hoạt động hiệu quả và thích nghi với kinh tế thị trường.

- Kinh tế hộ gia đình và kinh tế tư bản tư nhân có sự phát triển vượt trội thể hiện sức sáng tạo, năng động của nhân dân cũng như chính sách khuyến khích đúng hướng của Nhà nước thông qua việc sửa đổi liên tục Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, cải cách hành chính nhà nước, đổi mới chính sách tài chính công... Từ chỗ hầu như vắng bóng trong nền kinh tế, sau 20 năm, kinh tế tư nhân đã chiếm 42,32% vào năm 2010 và là thành phần kinh tế nuôi sống bộ phận dân cư lớn nhất.

- Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Nếu như năm 1994, bộ phận này mới chiếm 6,3% GDP thì năm 2010 đã chiếm 18,2%. Đầu tư nước ngoài không những tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế mà còn cung cấp việc làm với mức thu nhập cao hơn mức bình quân chung và đóng góp lớn vào thực hiện chiến lược công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu của nước ta. Năm 2010, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp 54,1% kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Một số bất cập trong Hiến pháp năm 1992 liên quan đến phát triển nền kinh tế nhiều thành phần và quan điểm khắc phục

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992 cũng cho thấy trong một số lĩnh vực và một số vấn đề pháp lý đã xuất hiện các rào cản. Một trong những rào cản đó là mô hình kinh tế tổng thể. Đặc trưng kinh tế thị trường đa thành phần và định hướng xã hội chủ nghĩa của mô hình kinh tế theo tinh thần Hiến pháp sửa đổi năm 2001 cho đến nay vẫn nguyên giá trị. Tuy nhiên, những tuyên bố cụ thể hơn về các đặc trưng đó cần được thảo luận để đi đến một cách hiểu chính xác hơn.

Trước hết là về tính đa thành phần. Thực tiễn cho thấy, nền kinh tế của tất cả các quốc gia trong thế giới hiện đại đều là sự đan xen giữa các thành phần kinh tế của cả 3 phương thức sản xuất kế tiếp nhau (phương thức lạc hậu đã bị thay thế, phương thức thống trị và phương thức sẽ thay thế phương thức thống trị trong tương lai), thậm chí của cả những phương thức lạc hậu hơn nữa, nếu như những điều kiện khách quan cho sự duy trì của chúng còn tồn tại. Vì thế, tuyên bố về nền kinh tế đa thành phần chỉ có giá trị cách mạng khi chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế dựa chủ yếu trên chế độ công hữu trước kia. Ở giai đoạn hiện nay, tương quan vị thế giữa ba bộ phận kinh tế chính: kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân trong nước và kinh tế tư nhân nước ngoài mới là vấn đề trung tâm mà Hiến pháp cần xác định. Trong Hiến pháp sửa đổi năm 2001, nguyên tắc kinh tế nhà nước được củng cố và phát triển, nhất là trong những ngành và lĩnh vực then chốt, giữ vai trò chủ đạo, cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân (Điều 19) được khẳng định. Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể trong những năm gần đây đặt ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, ngoài ngân sách và dự trữ nhà nước với tư cách tiềm lực kinh tế để thực thi luật và chính sách kinh tế, bộ phận quan trọng của kinh tế nhà nước là các doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân trên hai phương diện: tính minh bạch và hiệu quả.

Mặc dù doanh nghiệp nhà nước đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, nhưng sự đóng góp đó chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên mang tính độc quyền cũng như sử dụng phần tài sản sản xuất rất lớn đã tích lũy được của đất nước. Nhờ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước cũng như hỗ trợ đáng kể các cơ quan nhà nước trong kiểm soát vĩ mô, nên doanh nghiệp nhà nước có ảnh hưởng lớn đến chính sách kinh tế của Nhà nước theo hướng không bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp khác, thậm chí không bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước chiếm lợi thế và doanh nghiệp nhà nước không có lợi thế. Nếu tình trạng này không được khắc phục thì sẽ có nguy cơ chính sách, thậm chí luật kinh tế sẽ được hoạch định theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước có tầm ảnh hưởng lớn đến các cơ quan hoạch định chính sách nhà nước, tạo ra tình trạng không minh bạch, không bình đẳng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như kẽ hở cho nạn tham ô, tham nhũng phát triển. Thực tế cho thấy tình trạng kém minh bạch trong quản lý doanh nghiệp nhà nước tiềm ẩn nguy cơ mất vốn nhà nước khá lớn.

Trong nhiều năm gần đây, hiệu suất đầu tư của doanh nghiệp nhà nước rất thấp. Trừ một số doanh nghiệp khai thác tài nguyên và ngân hàng thương mại quốc doanh, các doanh nghiệp nhà nước còn lại, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, thường có tỷ suất lợi nhuận trên vốn kinh doanh thấp hơn khu vực tư nhân và thậm chí có doanh nghiệp, có thời kỳ còn thấp hơn cả lãi suất thị trường. Tình trạng hiệu quả thấp như vậy có nguyên nhân từ lĩnh vực đầu tư có tỷ suất sinh lời thấp, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do xã hội chưa có cơ chế quản lý và kiểm soát hiệu quả việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân trong các doanh nghiệp nhà nước.

Mất vốn hay vốn nhà nước không được đầu tư một cách hiệu quả là nguyên nhân gây bức xúc lớn trong xã hội và làm giảm niềm tin của nhân dân vào bản chất xã hội chủ nghĩa của doanh nghiệp nhà nước.

Về mặt nhận thức lý luận, doanh nghiệp nhà nước, với cơ chế được tự chủ rộng rãi của giới quản trị doanh nghiệp và sự ủy quyền gần như tuyệt đối của người dân cho các cơ quan nhà nước kiểm soát như hiện nay, không nhất thiết là hiện thân của quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, mà chỉ là các mô hình thử nghiệm để tìm ra phương thức sản xuất vừa có hiệu quả, vừa mang bản chất xã hội chủ nghĩa (do nhân dân lao động làm chủ và phục vụ lợi ích của nhân dân lao động). Nếu cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước hiện tại không hiệu quả thì phải tiếp tục cải cách chúng để đạt được mục tiêu này.

Nguyên nhân sâu xa của tình trạng doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả chính là quy mô hiện tại quá lớn và cơ chế giám sát của Nhà nước chưa hợp lý. Kinh nghiệm cho thấy, một khi cơ quan hành chính nhà nước trực tiếp kinh doanh vốn nhà nước thì rất dễ vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong kinh doanh, vì cơ quan nhà nước vừa làm luật, vừa kinh doanh, đương nhiên sẽ ưu đãi riêng cho mình. Nhưng nếu giao quyền tự chủ cho giới quản lý doanh nghiệp nhà nước rộng rãi như doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thì sẽ xuất hiện hai nguy cơ: Chủ sở hữu mất quyền kiểm soát, hệ quả là hoặc doanh nghiệp nhà nước hoạt động quá an toàn nên kém hiệu quả, hoặc Nhà nước mất vốn. Hơn nữa, ở đây tiềm ẩn nguy cơ công chức nhà nước câu kết với giới quản trị doanh nghiệp nhà nước tham ô tài sản của toàn dân. Vốn nhà nước trong doanh nghiệp ở nước ta thuộc sở hữu toàn dân, vì thế toàn dân phải có quyền kiểm soát với tư cách chủ sở hữu. Theo tinh thần của Hiến pháp năm 1992, toàn bộ tài sản thuộc sở hữu toàn dân giao cho Nhà nước thống nhất quản lý, nhưng không quy định công dân và các tổ chức xã hội của công dân có quyền tham gia quản lý và giám sát. Do vậy, nếu các cơ quan nhà nước không công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước thì công dân cũng không có quyền đòi hỏi. Nếu doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, công dân cũng không có quyền yêu cầu người quản lý doanh nghiệp đó giải trình cũng như phế truất họ. Việc ủy quyền gần như toàn bộ việc quản lý tài sản toàn dân cho cơ quan nhà nước đã dẫn người dân đến tâm trạng bàng quan, thờ ơ với chính tài sản của mình giao cho doanh nghiệp nhà nước sử dụng. Nên chăng, cần bổ sung vào Hiến pháp quy định về quyền của công dân và các tổ chức của họ trong kiểm soát việc sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Nếu không, chúng ta sẽ biến tài sản toàn dân thành tài sản của bộ máy nhà nước và công dân chỉ có quyền bầu đại diện của mình vào chỉ một cấp duy nhất có khả năng hạn chế trong kiểm soát tài sản toàn dân trong doanh nghiệp, đó là Quốc hội. Cũng như vậy, nên chăng Hiến pháp sửa đổi cần mở rộng quyền cho Quốc hội trong tiếp cận thông tin và yêu cầu giải trình về hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, quy mô của khu vực doanh nghiệp nhà nước có cần phải lớn như hiện nay không cũng là vấn đề đáng bàn. Do năng lực kiểm soát của chủ sở hữu, kể cả của các cơ quan nhà nước còn hạn chế, phải chăng Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực có tính hàng hóa công cộng, hàng hóa khuyến dụng và cung cấp các hàng hóa, dịch vụ bảo đảm quyền cơ bản của con người. Những phúc lợi xã hội khác có thể được cung cấp thông qua phân phối lại nhằm bảo đảm công bằng, hoặc, cũng có thể được thực hiện thông qua ngân sách nhà nước.

Thứ hai, trên thực tế kinh tế tập thể, theo Hiến pháp năm 1992, chủ yếu là các hợp tác xã, có thể gánh vác vai trò cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của kinh tế quốc dân không? Lịch sử phát triển hợp tác xã trên thế giới cho thấy, hợp tác xã không phải là hình thức riêng có của chủ nghĩa xã hội, càng không thể trở thành chế độ sở hữu phổ biến. Hợp tác xã là sự liên kết ở trình độ thấp giữa các chủ thể kinh tế cá thể nhằm 3 mục đích: Tạo ra hiệu quả nhờ quy mô khi không thể tổ chức sản xuất, kinh doanh dưới hình thức công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn (các hình thức hợp vốn phổ biến trong kinh tế thị trường giữa các nhà đầu tư tư nhân); mang tính tương trợ xã hội nhiều hơn mối liên kết hợp tác của kinh doanh tài chính; chỉ hoạt động trong các lĩnh vực rất đặc thù, như nông nghiệp, dịch vụ sinh hoạt..., nơi quy mô sản xuất cá thể còn có ưu thế. Với các đặc trưng như vậy, không thể mở rộng quy mô của kinh tế hợp tác để nó góp phần tạo nền tảng cho kinh tế quốc dân. Thậm chí, trong điều kiện khoa học - công nghệ hiện đại, với sự hỗ trợ của máy móc, công nghệ sinh học và điện tử, hộ gia đình nông dân có thể canh tác ở quy mô lớn mà không cần phải hợp tác với người khác. Hơn nữa, quá trình chuyên môn hóa theo chi tiết sản phẩm, dịch vụ cho phép các doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ có thể tham gia chuyên môn hóa sâu nhờ mối liên hệ nối mạng và hệ thống đối tác thương mại điện tử, phục vụ tại nhà...

Nói cách khác, đặc trưng xã hội chủ nghĩa không nên gắn cứng nhắc với kinh tế nhà nước hay kinh tế tập thể. Nên trở lại đặc trưng đích thực của phong trào xã hội chủ nghĩa là giải phóng người lao động, tạo cơ chế và điều kiện để người lao động tự quyết định chính cuộc sống và chế độ xã hội của họ. Hơn nữa, xã hội xã hội chủ nghĩa phải dựa trên tiền đề là con người ngày càng được sống hạnh phúc hơn, văn minh hơn, tiến bộ hơn. Muốn vậy, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phải tạo ra động lực kích thích lực lượng sản xuất phát triển hiệu quả hơn so với các quan hệ sản xuất đã có.

Về kinh tế tư nhân trong nước, Hiến pháp sửa đổi năm 2001 nhấn mạnh quyền của công dân Việt Nam được tự do kinh doanh những ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm và được Nhà nước bảo hộ quyền tài sản hợp pháp. Nếu xét riêng tinh thần này thì kinh tế tư nhân của Việt Nam có quyền như kinh tế tư nhân ở các nước có kinh tế thị trường phát triển khác. Tuy nhiên, đặt trong mối quan hệ với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo và kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, thì dường như kinh tế tư nhân bị đặt ở vị thế yếu. Vậy nên chăng lấy mục tiêu hiệu quả làm thước đo sự tồn tại hay không tồn tại của một thành phần kinh tế nào đó (tất nhiên là hiệu quả được hiểu theo nghĩa giá trị gia tăng quốc gia). Một bộ phận kinh tế cung cấp gần 1/2 năng lực sản xuất và nuôi sống hơn 2/3 dân số đáng được bảo đảm tương lai để yên tâm phát triển sản xuất. Do đó, nên chăng cùng với việc nhấn mạnh mọi thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật như tuyên bố của Hiến pháp sửa đổi năm 2001, còn phải nhấn mạnh rằng, mọi chế độ sở hữu, mọi hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, nếu phục vụ lợi ích của người lao động, của đất nước thì không đối lập với chủ nghĩa xã hội.

Đến nay, việc kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm gần 1/5 năng lực sản xuất của nước ta, cung cấp hơn 1/2 kim ngạch xuất khẩu có gây những lo ngại để phải điều chỉnh Hiến pháp hay không? Tinh thần chung của Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp sửa đổi năm 2001 đều chỉ đề cập đến thái độ khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đến làm ăn ở Việt Nam theo nguyên tắc phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế; Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp đối với vốn, tài sản và các quyền lợi khác của các tổ chức, cá nhân nước ngoài. Vì Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia với nhà đầu tư nước ngoài nên Hiến pháp khó có thể quy định một thái độ ứng xử cụ thể hơn. Chính vì thế, những vấn đề nổi cộm trong hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam gây bức xúc trong xã hội như thời gian qua nên được xử lý trong các luật chuyên ngành, như Luật Môi trường, Luật Lao động,...

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tuyên bố “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(3). Trong Cương lĩnh, vấn đề chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa đã không gắn với sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể. Khẳng định “nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp” trong Cương lĩnh mang tính mở. Song, đường lối phát triển kinh tế trong thực tiễn phải bảo đảm được 3 nguyên tắc xã hội chủ nghĩa: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; nền kinh tế phát triển cao; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Thiết nghĩ, các đặc trưng này sẽ được làm rõ ràng và cụ thể hơn trong những tuyên bố của Hiến pháp mới về chế độ kinh tế, nhất là về mối quan hệ giữa các thành phần kinh tế./.

 
---------------------------------------------------

(1), (2) Hiến pháp Việt Nam (năm 1946, 1959,
1980 và 1992), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 141 - 142

** Từ đây khi nói đến Hiến pháp năm 1992, tức là muốn nói đến Hiến pháp năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung  năm 2001

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 70