Chính sách “Tô nhượng” của V.I. Lê-nin – 90 năm nhìn lại
Theo V.I. Lê-nin, tô nhượng là hợp đồng giữa Nhà nước và một nhà tư bản, người này cam kết tổ chức hoặc hoàn thiện sản xuất (chẳng hạn như đẵn và chở gỗ, khai thác than, dầu lửa, khoáng sản v.v..) trả cho Nhà nước một phần sản phẩm sản xuất và nhận được một phần khác dưới danh nghĩa là lãi.
Trong bài viết này tác giả chỉ tập trung làm rõ một vấn đề mà lâu nay còn ít được đề cập. Đó là tư tưởng của V.I. Lê-nin về sử dụng tô nhượng như một kế sách tối ưu lợi dụng mâu thuẫn của kẻ thù để phân hóa kẻ thù thông qua các quan hệ kinh tế mà ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tạo môi trường hòa bình, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng.
Mặc dù 90 năm đã trôi qua và thế giới ngày nay đã có nhiều biến đổi to lớn, nhưng những tư tưởng của V.I.Lê-nin về vấn đề này vẫn rất mới mẻ và mang tính thời sự đối với công cuộc đổi mới đất nước ta hôm nay. Nghiên cứu những tư tưởng của Người giúp chúng ta một lần nữa khẳng định lại những giá trị khoa học của học thuyết Mác – Lê-nin về bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đó còn là những luận cứ khoa học, cách mạng làm cơ sở cho việc vận dung vào thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay.
Ngay sau khi cách mạng Tháng Mười Nga thành công ít lâu, nước Nga Xô viết lại phải bước vào cuộc chiến tranh chống bọn phản cách mạng trong nước và sự can thiệp của 14 cường quốc đế quốc chủ nghĩa. Vốn đã bị tan hoang sau cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, giờ đây nước Nga lại phải đương đầu với những khó khăn thử thách mới. Như Lê-nin nhận xét: “Nước Nga ra khỏi chiến tranh trong tình cảnh giống hệt như một người đã bị đánh gần chết: trong bảy năm trời, nó bị đánh khắp mình mẩy, và may mắn mà nó vẫn có thể chống nạng mà đi được”(1). Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của chính quyền Xô viết là phải nhanh chóng khôi phục kinh tế, đưa nước Nga sớm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, bởi đói nghèo, bệnh tật và tình trạng bất mãn xã hội gia tăng đang hằng ngày, hằng giờ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội mới. Giờ đây, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã trở thành vấn đề quan trọng đặt lên hàng đầu.
Việc thi hành “Chính sách kinh tế mới” đã nhanh chóng cải thiện được tình hình nước Nga. Tuy nhiên, cùng với việc tự do trao đổi, mở rộng các quan hệ hàng hóa - tiền tệ là sự phục hồi kinh tế tư bản tư nhân và các quan hệ kinh tế tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là việc chính quyền Xô viết cho phép các nhà tư bản đế quốc tiếp tục quay trở lại nước Nga đã gây nên những lo ngại đối với một số người trong Đảng và trong nhân dân. Do không hiểu thực chất của “chính sách kinh tế mới” họ đã quyết liệt phản đối Lê-nin và cho đây là hành động thỏa hiệp giai cấp tư sản quốc tế. Trước tình hình đó, Lê-nin đã kiên trì thuyết phục để làm cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chính sách kinh tế mới, đặc biệt là về vấn đề tô nhượng. Vì tô nhượng, không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế mà còn bao hàm cả ý nghĩa quốc phòng, an ninh.
Một là, tô nhượng, không phải là sự thỏa hiệp với tư bản quốc tế, tô nhượng không phải là hòa bình mà là tiếp tục chiến tranh dưới hình thức kinh tế
V.I. Lê-nin coi tô nhượng là một luận cứ kinh tế và chính trị để ngăn ngừa và chống lại chiến tranh. Người chỉ rõ tô nhượng cũng là một cuộc đấu tranh với thế giới tư bản, khi mà cuộc chiến tranh bằng súng đạn và xe tăng đã được thay thế bằng cuộc chiến tranh trên mặt trận kinh tế, “Tô nhượng tức là tiếp tục chiến tranh trên lĩnh vực kinh tế, nhưng ở đây chúng ta không làm cho lực lượng sản xuất của chúng ta bị phá hoại, mà lại làm cho lực lượng đó phát triển lên” (2).
Trong hoàn cảnh của nước Nga lúc đó, V.I.Lê-nin cho rằng, không thể và không có cách nào tốt hơn là chung sống với giai cấp tư sản và chấp nhận sự hy sinh lợi ích ở một chừng mực nhất định. Nhưng sự hy sinh đó là hết sức cần thiết để cứu nước Nga ra khỏi tình cảnh khốn cùng và tránh được cuộc chiến tranh với các cường quốc đế quốc chủ nghĩa. Tô nhượng là một hình thức kinh tế nhằm lợi dụng tư bản để khôi phục phát triển kinh tế. Đây không phải là sự thỏa hiệp hòa bình mà là cuộc chiến tranh mới diễn ra trên lĩnh vực kinh tế. Nghệ thuật của những người cộng sản và chính quyền Xô viết là phải biết khéo léo sử dụng bàn tay của giai cấp tư sản để xây dựng chủ nghĩa xã hội, khiến giai cấp tư sản phải cày trên mảnh đất đã sinh ra nó nhưng không thể tái sinh ra nó lần thứ hai dưới chính quyền vô sản. Trong hoàn cảnh như vậy, “Có thể họ sẽ tìm cách khôi phục tự do buôn bán, nhưng họ sẽ không thể bỏ qua chúng ta được. Sau nữa, họ buộc phải phục tùng tất cả mọi luật pháp của chúng ta; công nhân của chúng ta có thể học tập họ, và trong trường hợp xảy ra chiến tranh – mà chúng ta luôn phải đề phòng có chiến tranh với giai cấp tư sản - tất cả tài sản của họ sẽ thuộc về chúng ta theo luật chiến tranh”(3)
Theo V.I.Lê-nin, tô nhượng cũng giống như một bản hòa ước về quân sự, mà mỗi một hòa ước ký với các quốc gia tư sản đều là một văn bản ghi một số điểm của chiến tranh... Và phải biết đặt vấn đề thế nào để trong cuộc chiến tranh đó, chúng ta bảo vệ được quyền lợi của mình, “Cần phải theo dõi từng bước của kẻ thù. Chúng ta sẽ cần đến tất cả các biện pháp: quản lý, giám sát, ảnh hưởng tác động. Như thế cũng giống như là chiến tranh vậy”(4)
Hai là, tô nhượng là cách thức tốt nhất lợi dụng lòng tham của tư bản để phân hóa kẻ thù, tạo ra sự đan xen lợi ích kinh tế nhằm tạo ra những ràng buộc về chính trị, theo đó ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, tạo môi trường hòa bình để khôi phục kinh tế, củng cố quốc phòng
V.I.Lê-nin cho rằng, “trong vòng vây tư bản chủ nghĩa, chúng ta phải biết lợi dụng lòng tham của tư bản đối với lợi nhuận và sự thù địch giữa tơ-rớt này với tớ-rơt khác, để tạo ra những điều kiện khiến cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa tồn tại được; mà nước Cộng hòa ấy không có những quan hệ thế giới thì không tồn tại được, cho nên, trong những điều kiện hiện nay, nó phải gắn liền sự tồn tại của bản thân mình với những quan hệ tư bản chủ nghĩa”(5) - nghĩa là phải mở rộng các quan hệ kinh tế với tư bản nước ngoài.
Trong hợp tác kinh tế với tư bản nước ngoài cũng là một nghệ thuật, không chỉ là vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn bao hàm ý nghĩa chính trị sâu xa, liên quan đến bảo vệ lợi ích quốc gia, độc lập chủ quyền dân tộc. Sự hợp tác đó phải nhằm vào: “lợi dụng những mâu thuẫn và những sự đối lập giữa hai nước đế quốc, giữa hai nhóm nước tư bản chủ nghĩa, khích động chúng chống lại nhau... chừng nào về hai mặt kinh tế và quân sự, chúng ta còn yếu hơn thế giới tư bản chủ nghĩa, thì chúng ta còn phải giữ vững nguyên tắc này. Phải biết lợi dụng những sự đối lập và những mâu thuẫn giữa bọn đế quốc chủ nghĩa”(6).
Mặc dù, trên thực tế việc thi hành các hiệp định tô nhượng với tư bản Mỹ không tiến triển được bao nhiêu do tác động của tình hình chính trị quốc tế lúc đó, nhưng những tư tưởng của V.I.Lê-nin trên đây về kế sách giữ nước trong hoàn cảnh nhà nước xã hội chủ nghĩa non trẻ đầu tiên trên thế giới (một mình đương đầu với sự đe dọa xâm lược của các cường quốc đế quốc chủ nghĩa) là những bài học lịch sử vô cùng quý giá đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của chúng ta hôm nay.
Thế giới ngày nay đã khác xa với thời kỳ của V.I.Lê-nin, nhưng những nội dung tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị và gợi ra cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm. Hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hội nhập quốc tế. Nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn đã và đang đặt ra đòi hỏi phải tìm lời giải đáp. Làm thế nào để vừa tận dụng cơ hội để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững đồng thời lại phải giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, không chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là những vấn đề hết sức khó khăn và phức tạp cả về mặt lý luận và thực tiễn đang đặt ra cho chúng ta.
Những năm qua, cùng với công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước, thực hiện chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta đã thu được những kết quả rất đáng khích lệ. Nhờ thu hút đầu tư nước ngoài dưới nhiều hình thức chúng ta đã khai thác và phát huy được mọi tiềm năng vốn có của nền kinh tế, tạo ra thế và lực mới của nước ta trong tiến trình hội nhập quốc tế. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài luôn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng, nhờ đó đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng chung của nền kinh tế; tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ; khoa học - công nghệ được đổi mới và lan tỏa trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân, theo đó trình độ quản lý, kinh tế - xã hội và chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đã được nâng cao không ngừng, từng bước thích ứng với tiến trình hội nhập của đất nước. Sự đóng góp của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngân sách Nhà nước đã góp phần tích cực và là cơ sở tạo điều kiện để chúng ta thực hiện chính sách xã hội tốt hơn, từng bước xóa đói giảm nghèo và làm thay đổi căn bản diện mạo của nhiều vùng quê vốn trước đây còn hết sức lạc hậu, thấp kém.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã và đang nảy sinh không ít những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội vốn từ mặt trái của kinh tế thị trường gây ra. Những hạn chế, yếu kém, bất cập của công tác quản lý nhà nước trong định hướng đầu tư, quy hoạch và bố trí cơ cấu đầu tư cũng như quản lý và giám sát quá trình đầu tư đã gây nên những tác động ngoài mong muốn của chúng ta, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa. Đáng chú ý là xu hướng chạy theo lợi nhuận, lợi ích kinh tế một cách đơn thuần, chỉ lo lợi ích cục bộ mà xem nhẹ hoặc bỏ qua lợi ích cộng đồng, lợi ích xã hội, thậm chí cả lợi ích quốc phòng-an ninh quốc gia đang có chiều hướng gia tăng và diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Sự tha hóa biến chất của một bộ phận không nhỏ cán bộ của Đảng trong bộ máy quản lý nhà nước cộng thêm sự phân hóa giàu nghèo đang gia tăng giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng, miền; tình trạng buông lỏng kỷ cương pháp luật và sự tha hóa về đạo đức lối sống đã và đang là những nguy cơ tiềm ẩn gây nên những bất ổn xã hội, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và bộ máy quản lý của Nhà nước. Thực trạng đó, sẽ tạo ra cơ hội và môi trường thuận lợi cho các thế lực thù địch chớp lấy để thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm lật đổ chế độ mà nhiều thế hệ người Việt Nam đã phải mất bao nhiêu xương máu mới có được.
Trong hoàn cảnh thế giới ngày nay, chúng ta có những thuận lợi rất cơ bản để củng cố quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích của dân tộc. Thực hiện đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế cho phép chúng ta mở rộng quan hệ với tất cả các quốc gia trên thế giới trên nhiều lĩnh vực, mở ra nhiều khả năng thực tế để tìm kiếm các đối tác cùng hợp tác làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Trên nguyên tắc: Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, bình đẳng cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh. Đó là những cơ sở, là tiêu chí để chúng ta xác định đối tượng, đối tác trong hợp tác làm ăn với nước ngoài. Trong điều kiện hiện nay, giữa đối tượng và đối tác luôn có sự đan xen. Trong khi là đối tượng đấu tranh, nhưng vẫn có những mặt cần tranh thủ, hợp tác; ngược lại, là đối tác trong quan hệ làm ăn, nhưng vẫn có mặt đối lập phải cảnh giác và đấu tranh. Do vậy, đối tượng và đối tác có thể chuyển hóa cho nhau, nên cần đánh giá một cách khách quan, toàn diện để có đối sách đúng, khắc phục tình trạng mơ hồ, mất cảnh giác hoặc quá máy móc cứng nhắc trong quan hệ.
Những tranh chấp trên vùng biển thềm lục địa của nước ta thời gian gần đây cũng đã và đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp mới trong quan hệ ngoại giao giữa các nước trong khu vực và láng giềng. Đảng và Nhà nước ta luôn kiên trì đường lối đối ngoại hòa bình, chủ trương bằng các biện pháp thương lượng để giải quyết những tranh chấp, tránh những xung đột vũ trang đáng tiếc xảy ra. Chúng ta đã nỗ lực tìm kiếm các phương thức và bằng nhiều con đường nhằm tìm giải pháp tối ưu để đạt được sự thỏa thuận thống nhất giữa các quốc gia có cùng chung đường biên giới lãnh thổ trên biển và trên đất liền. Những tư tưởng của V.I.Lê-nin về chính sách tô nhượng có thể là những gợi ý quý báu đối với chúng ta, cần tạo ra thế cân bằng các lợi ích, ngăn ngừa và đẩy lùi các nguy cơ gây ra xung đột vũ trang, giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển mà vẫn bảo vệ đựợc chủ quyền quốc gia, lợi ích của dân tộc một cách tối ưu không làm phương hại đến quan hệ láng giềng thân thiện. Tuy nhiên, cũng cần phải hết sức cảnh giác với âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch, lợi dụng sự tranh chấp chủ quyền trên biển, đảo giữa ta với các nước láng giềng để xuyên tạc, khích động, gây nên những căng thẳng và bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và làm mất uy tín Đảng và Nhà nước ta, gây hoang mang mất lòng tin trong nhân dân.
Những nỗ lực cố gắng trong các hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta thời gian gần đây cũng chính là thực hiện phương châm “thêm bạn, bớt thù” “tương kế, tựu kế” tranh thủ mọi khả năng, điều kiện để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời cũng là sự thể hiện sinh động những tư tưởng của V.I.Lê-nin về vấn đề tô nhượng đã được Đảng, Nhà nước ta nhận thức và vận dụng sáng tạo trong điều kiện của nước ta hiện nay./.
(1) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 43, Nxb Tiến bộ. 1978, tr. 81
(2) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ. 1978, tr. 54
(3) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 42, Nxb Tiến bộ. 1978, tr. 54
(4) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 42, tr.93
(5) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 43, tr. 216
(6) V.I.Lê-nin, Toàn tập, tập 42, tr. 67
- Phát triển vùng Đông Nam Bộ bền vững: Cần khơi thông “điểm nghẽn” về phát triển hạ tầng kỹ thuật
- Xây dựng và phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới
- Bất ngờ chiến lược trong quan hệ quốc tế và một số hàm ý chính sách
- Một số suy nghĩ về công tác cán bộ của Đảng trong tình hình mới
- Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người trong bối cảnh mới ở Việt Nam hiện nay
-
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Cách mạng công nghiệp 4.0 - Cơ hội và thách thức của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay