Hà Nội: Bứt phá bằng nỗ lực thu hút, kêu gọi đầu tư
TCCS - Ngay từ cuối tháng 2-2020, đúng vào “tâm bão” của đại dịch COVID-19, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chuẩn bị tổ chức một sự kiện có quy mô chưa từng có nhằm thu hút đầu tư, phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, thành phố phải duy trì và tiếp tục phát triển kinh tế để không bị tụt hậu. Đây cũng là cơ hội để Hà Nội bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các thành phố khác trong khu vực... Từ những quan điểm ấy, thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp để cùng đồng hành trong cuộc bứt phá với nhiều quyết tâm và kỳ vọng đặt ra.
Buồn, vui từ những con số
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2020, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn ước tăng 3,39%. Đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây của thành phố. Nhiều con số cụ thể đã được nêu ra, Nhưng đều là những con số thấp, số giảm so với chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, không mấy bi quan khi trong bối cảnh bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19, những chỉ số này là khá cao so với nhiều tỉnh, thành phố và mức chung của cả nước.
Cụ thể, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 124.843 tỷ đồng, đạt 44,8% dự toán, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân vốn đầu tư toàn thành phố là 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch giao, trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp thành phố là 5.034 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch vốn giao. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng 6,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10%); tổng mức bán lẻ tăng 0,5%.
Cũng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 6,7%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 13,7 tỷ USD, giảm 9,2%. Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân ước tăng 3,68% (cùng kỳ tăng 4,1%). Chịu tác động mạnh bởi dịch COVID-19, ngành du lịch chịu tổn thất nặng nề. Tổng lượng khách du lịch đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%, trong đó khách quốc tế giảm 68,8%; tổng thu từ du lịch giảm 61,5%; công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%, giảm 38,35 điểm phần trăm so với cùng kỳ…
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền: Trong bối cảnh đó, thành phố đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đôn đốc tháo gỡ khó khăn, đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nội năm thứ hai liên tiếp duy trì vị trí thứ 9/63 tỉnh, thành phố; chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm thứ ba liên tiếp duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Tổng vốn đầu tư xã hội 6 tháng ước đạt 152.100 tỷ đồng, tăng 5,9% (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,02%). Vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tăng 3%, tổng dư nợ tăng 2,8%. Có 12.649 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 175 nghìn tỷ đồng; tuy giảm 7% về số lượng doanh nghiệp nhưng tăng 5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Đặc biệt, ngày 27-6, thành phố đã tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” nhằm thu hút đầu tư, phục hồi và thúc đẩy kinh tế phát triển. Đây là hội nghị quy mô lớn chưa từng có trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, thể hiện ý chí, bản lĩnh của lãnh đạo thành phố và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.
“Đốt đuốc” trong thực hiện nhiệm vụ “kép”
Vượt lên khó khăn chồng chất ập đến từ dịch COVID-19; vượt trên thách thức dai dẳng, Hà Nội đang dốc lực thắp lửa cho mình và tiếp lửa cho các địa phương khác để tất cả có chung khí thế “đốt đuốc” tiến về phía trước đúng theo mong muốn của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Địa phương mạnh, trung ương sẽ mạnh”. Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội khẳng định, Hà Nội không chỉ tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 mà còn phải tiên phong, gương mẫu và chiến thắng trong mặt trận phục hồi và phát triển kinh tế. Chính vì vậy, ngay từ cuối tháng 2 -2020, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố chuẩn bị tổ chức Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”.
Điều đó cho thấy, bên cạnh việc tập trung nguồn lực, công sức và thời gian cho mặt trận phòng, chống dịch COVID-19, thành phố đã không bỏ quên mặt trận kinh tế. Mặc dù hoàn cảnh chống dịch bệnh khiến mặt trận này phải âm thầm, lặng lẽ hơn nhưng không kém đi phần quyết liệt, với chủ trương phải thực hiện cho được “nhiệm vụ kép” từ những ngày đầu phòng, chống dịch.
Cũng theo đồng chí Vương Đình Huệ, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã làm việc, chỉ đạo nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách về phát triển kinh tế - xã hội như thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch đặt ra cho năm 2020 và vốn từ năm trước chuyển sang với khoảng 40.000 tỷ đồng. Các cấp, ngành triển khai hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công cho từng cấp độ công trình theo tinh thần “góp gió thành bão” để hoàn thành mục tiêu đặt ra, tạo động lực cho tăng trưởng, việc làm và an sinh xã hội. Cùng với đó là tăng cường sản xuất nông nghiệp để năm nay ngành này của thành phố tăng trưởng hơn 4%; thúc đẩy tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông và các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố; làm việc với Đảng bộ Khối doanh nghiệp Hà Nội và 11 tổng công ty lớn của thành phố thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, là địa phương đầu tiên cả nước được Thủ tướng Chính phủ quan tâm làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ngay trong thời gian cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội.
Việc chuẩn bị cho Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được các đơn vị bắt tay vào triển khai từ cuối tháng 2-2020 và đã diễn ra thành công vào ngày 27-6, khẳng định quyết tâm của Hà Nội trở thành địa phương tiên phong trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch COVID-19. Thực tế, qua 6 tháng đầu năm, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố dự kiến tăng khoảng 3,39%, cao hơn mức bình quân chung cả nước và khi nhiều tỉnh, thành phố, nhiều nước trên thế giới không tăng trưởng hoặc tăng trưởng âm; thu ngân sách đạt mức tương đương so với cùng kỳ năm 2019. Thành phố đặt ra mục tiêu tăng trưởng cả năm 2020 sẽ gấp 1,3 lần so với mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả nước và thu ngân sách đạt kế hoạch, ở mức 285.000 tỷ đồng. Quyết tâm này của Hà Nội đã nhận được sự biểu dương, đánh giá cao của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị cũng như đã “truyền lửa” trong khí thế chung của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục “chung vai” cùng Hà Nội trong giai đoạn vượt qua khó khăn.
Tuyến đầu trong tiếp nhận làn sóng đầu tư mới
Đó là sự tin tưởng, kỳ vọng của đại diện nhiều bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các vị đại sứ, đại diện các hiệp hội kinh tế một số quốc gia và khu vực tham dự Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, Hà Nội là một trong những Thủ đô đầu tiên trên thế giới kiềm chế được dịch COVID-19 và bước vào tái khởi động nền kinh tế. Đó là kỳ tích. Và việc Hà Nội tổ chức hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển tại thời điểm này, với tính chuyên nghiệp, sáng tạo, hiệu quả, đã thể hiện thông điệp cũng như tầm nhìn của thành phố bắt đầu giai đoạn phát triển mới.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kiến nghị: Để thực hiện thành công các dự án được ký kết, tận dụng làn sóng đầu tư mới và lan tỏa làn sóng này ra cả nước, thành phố cần phục vụ tốt nhất những dự án của các doanh nghiệp hiện có, bởi đây là cách xúc tiến quan trọng nhất. Tính tiên phong của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn ở top dẫn đầu nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Vì vậy, Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Các ý kiến từ đại diện Tập đoàn Ernst & Young tại Mỹ, đại diện Tập đoàn Ernst & Young tại Nhật Bản, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KBIZ) tại Hội nghị cũng đều đánh giá Hà Nội và Việt Nam đang có sức hút rất lớn với giới đầu tư quốc tế. Đó là vì Hà Nội là một thị trường năng động, dân số trẻ, người dân có mức thu nhập ngày càng tăng. Các nhà đầu tư nhìn thấy ở Hà Nội nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh với các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang được Việt Nam ký kết với các đối tác lớn.
Quyết tâm thực hiện 100% số dự án được trao chứng nhận đầu tư
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội đưa vào thực hiện được 60% số dự án được trao chứng nhận đầu tư tại Hội nghị. Tuy nhiên, với quyết tâm cao độ trong thực hiện nhiệm vụ “kép”, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành phố phấn đấu sẽ thực hiện 100% số dự án được trao chứng nhận đầu tư, đặc biệt là các dự án trọng điểm của thành phố, của các quận, huyện, thị xã; các dự án liên kết Hà Nội với các tỉnh, thành phố; các dự án giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc trên địa bàn Thủ đô như chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng, giảm ùn tắc giao thông, xử lý rác thải, nước thải, bảo vệ môi trường; các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề...
Khẳng định Hà Nội sẽ tập trung tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt bằng sản xuất để thu hút các nhà đầu tư, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chia sẻ, thành phố sẽ chuẩn bị thật tốt để có thể thu hút được những nhà đầu tư lớn; đồng thời tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vừa và nhỏ... Ngoài ra, sau Hội nghị này, thành phố sẽ tiếp tục chủ động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ hơn nữa để lựa chọn được các nhà đầu tư phù hợp, có công nghệ tiên tiến, các dự án sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, các dự án sẵn sàng kết hợp với doanh nghiệp Việt Nam để tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu...
Phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố xanh, giàu đẹp, văn minh, hiện đại; đến năm 2025, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh cao trong nước và khu vực; đến năm 2030, trở thành thành phố có năng lực cạnh tranh quốc tế, có thu nhập bình quân đầu người đạt từ 13.000 -14.000 USD; đến năm 2045, trở thành thành phố của nước Việt Nam phát triển, thành phố toàn cầu có thu nhập cao. Đây là chiến lược thể hiện sự tham vọng và sẽ đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực, quyết tâm thực hiện ngay từ bây giờ, trong đó có giải pháp tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đôn đốc tháo gỡ khó khăn, đối thoại, hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp... đích đến chắc chắn sẽ không ngoài tầm với!./.
Kiên định đồng hành cùng doanh nghiệp  (02/07/2020)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển”  (28/06/2020)
Vực dậy ngành hàng không sau đại dịch COVID-19  (26/06/2020)
Tác động của đại dịch COVID-19 đến tình trạng đói nghèo trên thế giới  (10/06/2020)
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
- Kỷ nguyên số - Bối cảnh và cơ hội cho kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng mục tiêu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Nhận diện những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức chủ yếu của Việt Nam trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX