Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam: “Hòa bình muôn đời là mục tiêu cốt lõi”
TCCSĐT - Hơn 16 năm xây dựng, trưởng thành (thành lập ngày 28-8-1998), nhưng có lẽ vào tháng 5-2014, cả nước mới nghe nhắc nhiều đến cảnh sát biển, gắn liền với những ngày Biển Đông dậy sóng, khi Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (HD-981) vào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam... Trước thềm năm mới, chúng tôi có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam về lực lượng cảnh sát biển, về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, những khát vọng hòa bình ở Biển Đông...
Xin đồng chí cho biết những nét khái quát về sự phát triển của lực lượng cảnh sát biển qua hơn 16 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành?
Hơn 16 năm vừa xây dựng, vừa triển khai thực hiện nhiệm vụ, đối với lực lượng cảnh sát biển cũng không phải là mới, nhưng so với các lực lượng khác, các quân, binh chủng khác thì đúng là chưa có bề dày, còn non trẻ. Mới hơn 16 năm nhưng lực lượng này đã có 3 giai đoạn, xin khái quát mấy vấn đề như sau:
- Thứ nhất, sự ra đời của lực lượng cảnh sát biển - lực lượng chuyên trách của Nhà nước thực thi pháp luật trên các vùng biển, đảo của Tổ quốc được xuất phát từ yêu cầu tình hình quản lý, bảo vệ vùng biển trong tình hình mới. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, đất nước đang chuyển mình trong công cuộc đổi mới và hội nhập; phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phát triển kinh tế biển được quan tâm. Điều đó đặt ra yêu cầu quản lý, bảo vệ vùng biển phải có bước phát triển mới. Phải có lực lượng chuyên trách để duy trì pháp luật Việt Nam và pháp luật, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam tham gia, công nhận trên các vùng biển, đảo. Lực lượng đó phải có thẩm quyền pháp luật, có tính thống nhất cao và phù hợp với thông lệ, tập quán về quản lý, bảo vệ vùng biển trong khu vực và thế giới.
- Thứ hai, với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền đã được Chính phủ quy định xuyên suốt, rõ ràng; nhưng trong hơn 16 năm, lực lượng cảnh sát biển đã 3 lần thay đổi tổ chức và cơ chế chỉ huy, lần sau hoàn thiện hơn lần trước. Năm 2013, Chính phủ quyết định nâng cấp Cục Cảnh sát biển thành Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và sửa đổi, bổ sung Nghị định 86-NĐ/CP về Pháp lệnh Cảnh sát biển. Năm 2014, Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng Lực lượng cảnh sát biển đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Đây là Đề án xây dựng toàn diện về tổ chức, biên chế trang thiết bị, cơ sở vật chất và đào tạo cán bộ.
Điều đó cho thấy, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ, lực lượng cảnh sát biển đã và đang được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm đầu tư xây dựng, phát triển ngày càng vững mạnh để đủ sức thực hiện nhiệm vụ; xứng đáng và xứng tầm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước duy trì luật pháp Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế trên tất cả các vùng biển, đảo của Tổ quốc.
- Thứ ba, hiện nay về tổ chức lực lượng cảnh sát biển cơ bản hoàn thiện, trang bị đã và đang được đầu tư theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Trong những năm qua, lực lượng cảnh sát biển đã hoạt động tích cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn, đấu tranh chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và cứu hộ, cứu nạn trên biển; cùng với các lực lượng khác quản lý và bảo vệ vững chắc các vùng biển đảo của Tổ quốc, góp phần khẳng định Việt Nam là một quốc gia có trách nhiệm trong giữ gìn và duy trì an ninh, an toàn hàng hải trên các vùng biển của khu vực và thế giới.
Thời gian qua, tình hình Biển Đông có những diễn biến phức tạp. Những ngày tháng biển động, lực lượng cảnh sát biển đã kiên trung, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Xin đồng chí cho biết những kinh nghiệm, bài học chính?
Qua thực tiễn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo trong thời gian vừa qua, chúng tôi có một số kinh nghiệm chia sẻ, đó là:
1. Tinh thần yêu nước và lòng chính nghĩa chính là động lực to lớn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt để xây dựng ý chí quyết tâm, động cơ trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng nói chung, những đồng chí trực tiếp tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền hợp pháp, quyền chủ quyền chính đáng của dân tộc mình.
2. Phải tin tưởng tuyệt đối và kiên trì đường lối, đối sách đấu tranh hòa bình, thực hiện biện pháp pháp luật để nhằm vừa giữ vững được chủ quyền vừa không để xảy ra xung đột, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định trên biển để phát triển kinh tế đất nước. Sự tin tưởng và kiên trì đó đã được cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam cụ thể hóa bằng tất cả sự kiềm chế, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo, linh hoạt trên thực địa trong suốt thời gian đấu tranh chống Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhờ vậy, chúng ta đã giành được những thắng lợi nhất định, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
3. Quá trình chỉ đạo, chỉ huy, sử dụng lực lượng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo phải quán triệt sâu sắc chủ trương, biện pháp, đối sách của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng. Phải kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh trên thực địa với đấu tranh pháp lý, đấu tranh chính trị, đấu tranh ngoại giao để tạo sức mạnh tổng hợp. Đồng thời phải thực thi một cách thông minh, linh hoạt nhất việc huy động sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó coi trọng sức mạnh đoàn kết mà nói theo ngôn ngữ hiện đại là sức mạnh hội tụ: hội tụ dân tộc (trong và ngoài nước); hội tụ khu vực và hội tụ quốc tế.
Cảnh sát biển Việt Nam bên cạnh việc duy trì pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn trên các vùng biển, chúng tôi luôn nỗ lực xử lý linh hoạt, đúng đối sách các tình huống trên biển, dựa trên cơ sở pháp luật của Việt Nam và luật pháp quốc tế, hướng tới môi trường hòa bình, hữu nghị, mang lại lợi ích quốc gia và lợi ích cho các nước trong khu vực, vì sự hòa bình và ổn định lâu dài cho thế giới. Đây là trách nhiệm cao cả, nhiệm vụ quan trọng của lực lượng cảnh sát biển để góp phần thực hiện trách nhiệm quốc tế của mỗi quốc gia trên biển.
Những ngày tháng đó, cả nước sát cánh cùng lực lượng cảnh sát biển cũng như gia đình các cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đầu sóng. Đồng chí có thể chia sẻ cảm nhận của mình thay mặt lực lượng?
Chúng tôi rất cảm động về tình cảm, lòng yêu nước của nhân dân cả nước luôn quan tâm hướng về biển, đảo Tổ quốc, quan tâm tới các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển, trong đó có lực lượng cảnh sát biển. Điều đó khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc gắn với truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân đã lên một tầm cao mới. Tình cảm đó đã động viên, khích lệ và là nguồn cổ vũ to lớn đối với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn, thực thi pháp luật trên các vùng biển của Tổ quốc.
Chúng tôi cũng xin chia sẻ và nhắn gửi tới nhân dân cả nước rằng: chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, chính sách, phương châm đối sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại quốc phòng an ninh, trong giải quyết các vấn đề xảy ra trên biển, tin tưởng vào pháp luật của Việt Nam, luật pháp quốc tế. Đó cũng là cách để tạo lên sức mạnh đoàn kết - sức mạnh vô địch của dân tộc. Trên thực tế, tất cả đều rõ, nếu chỉ dựa vào sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế,… Việt Nam khó có thể đứng vững trước cơn bão khát vọng “độc chiếm Biển Đông” của nước khác đang có sức mạnh vượt trội so với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có đủ sức mạnh nội lực để thực hiện cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc trên đất liền cũng như chủ quyền biển đảo tại Biển Đông. Đó là sức mạnh đoàn kết, hội tụ trong nước và quốc tế của một dân tộc vốn có truyền thống đoàn kết lâu đời đã được minh chứng bởi lịch sử chống ngoại xâm trong nhiều thế kỷ qua. Một khi tất cả những người dân có cùng dòng máu Lạc Hồng đồng lòng nhất trí và được sự ủng hộ vô tư của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới thì không một kẻ nào có thể khuất phục được dân tộc Việt Nam.
Trong thời gian đấu tranh chống Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981, đã xảy ra một số vụ đập phá các doanh nghiệp nước ngoài như ở Bình Dương, Hà Tĩnh... Đó là lòng yêu nước đã bị lợi dụng, kích động. Những hành động này đi ngược lại truyền thống, bản chất văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.
Không chỉ bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo, lực lượng cảnh sát biển còn giữ vững an ninh trật tự, an toàn hàng hải, trấn áp và đấu tranh có hiệu quả với các loại vi phạm, tội phạm trên biển, góp phần tích cực vào công tác tìm kiếm cứu nạn, tăng cường hợp tác quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế biển của đất nước. Đồng chí có thể khát quát vấn đề này?
Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam được giao các nhiệm vụ như bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống tội phạm, thực hiện cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn hàng hải và hợp tác quốc tế; sử dụng các lực lượng tham gia xây dựng thế trận quốc phòng an ninh trên biển… Như vậy, ngoài nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, sự toàn vẹn vùng biển đảo, lực lượng cảnh sát biển phải thực hiện các nhiệm vụ duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên tất cả các vùng biển, đảo của cả nước.
Trong những năm qua, lực lượng cảnh sát biển triển khai toàn diện các biện pháp công tác của mình để thực hiện các nhiệm vụ đó. Cụ thể, lực lượng cảnh sát biển thường xuyên đạt hiệu quả cao trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống tội phạm an ninh, trật tự. Gần đây, hằng năm, lực lượng cảnh sát biển đã bắt giữ hàng trăm vụ liên quan đến tội phạm ma túy, thực hiện thành công hàng chục vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm quốc tế về cướp biển và cướp có vũ trang.
Kết quả đấu tranh của cảnh sát biển góp phần tích cực trong quản lý bảo vệ vùng biển; được Đảng và Nhà nước đánh giá cao. Riêng năm 2014, lực lượng cảnh sát biển được Chủ tịch nước tặng thưởng 12 huân chương các hạng, 4 năm liền được tặng cờ thi đua của Chính phủ.
Việt Nam đã trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, chúng ta cảm nhận rõ những hy sinh, mất mát và càng khát khao hòa bình, phát triển. Cũng vì thế, chúng ta càng thấm rõ hơn giá trị của từng tấc đất, sải biển... Đồng chí có thể cho biết, lực lượng cảnh sát biển làm gì để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo đảm sự tin yêu của cả nước?
“Dựng nước đi đôi với giữ nước” đã thành quy luật phát triển của dân tộc ta. Lịch sử dân tộc ta thật hào hùng, ghi nhận biết bao sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh vì sự toàn vẹn lãnh thổ. Do vậy, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chủ quyền đất nước là trách nhiệm chính trị thường trực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong đó có lực lượng cảnh sát biển. Nhận thức được điều đó, được Đảng, Nhà nước, Quân đội quan tâm, hiện nay cảnh sát biển Việt Nam đang được xây dựng và phát triển toàn diện theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Cụ thể là: cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển Việt Nam phải có phẩm chất chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, sẵn sàng hy sinh vì chủ quyền dân tộc, vì sự bình yên của biển, đảo và vì sự an toàn của các ngư dân. Đồng thời phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, có trình độ ngoại ngữ cao, có nếp sống văn hóa… Lực lượng phải thực sự vững mạnh toàn diện với trang bị, phương tiện hiện đại và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao.
Để có chất lượng đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã triển khai đồng bộ các biện pháp, từ giáo dục chính trị đến huấn luyện nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ hiệp đồng của nhân dân và các lực lượng khác để tạo nên sức mạnh tổng hợp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó.
Xin đồng chí chia sẻ về khát vọng hòa bình trên Biển Đông của cá nhân mình?
Hòa bình là khát vọng muôn đời của nhân loại, nhất là đối với dân tộc ta, hòa bình muôn đời là mục tiêu cốt lõi. Rất tiếc rằng, tuy xu thế chung của thế giới là hòa bình, ổn định nhưng vẫn còn xung đột, chiến tranh do mưu đồ tham vọng của các thế lực khác nhau. Chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta trên Biển Đông đang bị đe dọa, còn tiềm ẩn nhiều tình huống phức tạp, có nguy cơ trở thành một khu vực “nóng” không còn hòa bình.
Trong quản lý, bảo vệ vùng biển, do lịch sử và tính pháp lý mỗi vùng khác nhau; do yêu sách và nhận thức khác nhau về chủ quyền nên không tránh khỏi những mâu thuẫn, vi phạm và có thể là cả xung đột. Với vị trí công tác của mình là người đứng đầu một lực lượng trực tiếp đấu tranh gìn giữ chủ quyền chính đáng vì hòa bình ổn định trên biển, mong muốn cụ thể của tôi là các quốc gia trong khu vực cùng nhau giải quyết một cách thực chất những tồn tại bằng biện pháp hòa bình, trên nguyên tắc tôn trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982), trên cơ sở những quy định của luật pháp quốc tế, các thỏa thuận song phương, đa phương với tinh thần nhân đạo và có tránh nhiệm. Bất cứ biện pháp nào khác, nếu có duy trì được sự ổn định thì sự ổn định đó cũng chỉ là tạm thời, không lâu dài và cơ bản. Mọi nguy cơ cần phải được đẩy lùi, nhất là các nguy cơ do chính con người gây ra.
Trân trọng cảm ơn đồng chí!
Giải thưởng về thông tin đối ngoại đầu tiên dành cho báo chí  (09/02/2015)
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương gặp gỡ cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí nhân dịp đón xuân Ất Mùi 2015  (09/02/2015)
Đắk Lắk cần quan tâm công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc  (09/02/2015)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 02 đến ngày 08-02-2015  (09/02/2015)
Thủ tướng phát lệnh thông xe tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam  (09/02/2015)
- Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp xúc cử tri Hưng Yên sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; tình hình kinh tế - xã hội và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Phát triển Thủ đô gắn với bảo vệ môi trường sinh thái
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm