TCCS - Dịch bệnh COVID-19 đã làm bộc lộ những rủi ro khi cung ứng các sản phẩm, thiết bị thiết yếu bị gián đoạn, không kịp thời do mạng lưới chuỗi cung ứng trải rộng toàn cầu cũng như nhiều chuỗi cung ứng quá phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất và các thị trường lớn, nhất là Trung Quốc. Bên cạnh việc tối ưu hóa sản xuất và chi phí, việc dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng còn nhằm để phân tán và giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc ngày càng quyết liệt, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu đang thể hiện mạnh mẽ, đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức đan xen.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của dịch bệnh COVID-19

Thứ nhất, dịch chuyển chuỗi cung ứng kéo theo dịch chuyển đầu tư, di chuyển toàn bộ hoặc một phần sản xuất về nước (reshoring) hoặc sang các nước khác trong khu vực (near-shoring) để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số chuỗi cung ứng được cơ cấu, sắp xếp lại thông qua mở rộng mạng lưới nhà cung cấp (outsourcing) để phân tán rủi ro, như đặt hàng mua linh kiện, nguyên liệu từ nhiều nhà cung cấp ở các nước khác nhau, mà không nhất thiết kéo theo dịch chuyển vốn đầu tư và sản xuất.

Các ngành, lĩnh vực đang có nhiều dịch chuyển, bao gồm: dệt may, thiết bị điện tử, viễn thông, phụ tùng, linh kiện ô-tô... (Trong ảnh: Công nhân làm việc tại nhà máy dệt ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc)_Ảnh: AFP

Thứ hai, các cấu phần/công đoạn thượng nguồn hoặc gắn với công nghệ cao thường được dịch chuyển về nước(1), trong khi các công đoạn hạ nguồn (lowstream)(2), gia công, lắp ráp thường được dịch chuyển ra nhiều nước nhằm phân tán rủi ro và tối ưu hóa chi phí sản xuất. Các ngành, lĩnh vực đang có nhiều dịch chuyển, bao gồm: dệt may, thiết bị điện tử, viễn thông, phụ tùng, linh kiện ô-tô, hàng hóa, trang thiết bị y tế và dược phẩm thiết yếu, năng lượng, tài chính, bất động sản.

Thứ ba, các tập đoàn có khả năng dịch chuyển đầu tư hoặc chuỗi cung ứng chủ yếu là các tập đoàn tiếp cận các thị trường ngoài Trung Quốc có nhu cầu tối ưu hóa về chi phí, các tập đoàn đang đầu tư nhiều vào Trung Quốc có nhu cầu phân tán rủi ro, các tập đoàn chịu tác động trực tiếp của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc. Đơn cử như, một số tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ, máy tính, điện tử, điện thoại, như Foxconn, Winstron, Qishda, Pegatron, Inventec, Apple, Intel…, đã và đang xúc tiến kế hoạch đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại nhiều nước ngoài Trung Quốc, như Ấn Độ, Mexico, một số nước Đông Nam Á để giảm thiểu rủi ro gián đoạn cung ứng khi xảy ra biến động ở thị trường Trung Quốc.

Có thể thấy, dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc thực chất là một xu hướng khách quan đã diễn ra trong nhiều năm nay với động lực chính được thúc đẩy bởi mục tiêu lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất, chi phí và sự phát triển của khoa học - công nghệ. Dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, xu hướng này được đẩy mạnh hơn, bởi ngoài các động lực nói trên nay có thêm động lực phân tán và giảm thiểu rủi ro.

Dù được đẩy mạnh hơn, song thực tế cho thấy, trước mắt, xu hướng này chưa tạo ra làn sóng mạnh mẽ về dịch chuyển đầu tư trên toàn cầu, cũng như trong khu vực vì chưa có quốc gia nào thay thế được Trung Quốc trong chuỗi cung ứng - sản xuất toàn cầu cả về thị trường lẫn sản xuất. Trong số các nền kinh tế đang phát triển, Trung Quốc đến nay vẫn có năng lực cạnh tranh vượt trội về thị trường, hiệu quả theo quy mô, kết cấu hạ tầng, hệ thống logistics, mạng lưới công nghiệp hỗ trợ và nguồn cung lao động có kỹ năng. Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn toàn cầu gắn kết lợi ích chặt chẽ với Trung Quốc về thị trường và sản xuất, nhiều năm đầu tư lớn cho phát triển chuỗi cung ứng tại Trung Quốc nên khó có thể rời đi trong thời gian ngắn(3), nên cho đến nay, hầu như chưa thay đổi chiến lược và kế hoạch đầu tư ở Trung Quốc. Nhiều tập đoàn thuộc nhóm 500 tập đoàn hàng đầu thế giới (Fortune 500) chưa sẵn sàng dịch chuyển toàn bộ hoặc phần lớn sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Theo điều tra của Phòng Thương mại Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, hơn 70% số doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc và 90% số doanh nghiệp Nhật Bản ở miền Đông Trung Quốc chưa có kế hoạch rút khỏi Trung Quốc… Nhiều tập đoàn trong số này mặc dù chưa rút khỏi Trung Quốc nhưng vẫn tìm kiếm các nước khác để đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và phân tán rủi ro.

Về lĩnh vực chuyển dịch, nhiều sản phẩm/chi tiết/công đoạn thượng nguồn vẫn được giữ lại ở Trung Quốc hoặc nếu dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì chủ yếu được đưa về nước như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU... Những cấu phần sản xuất trong chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu đang hoặc có thể dịch chuyển sang các nước khác chủ yếu là công đoạn hạ nguồn bởi không đòi hỏi cao về công nghệ, cũng như trình độ lao động nên dễ tìm kiếm được địa bàn để phân tán rủi ro. Bên cạnh đó, việc di chuyển các công đoạn hạ nguồn sang các nước có chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc còn nhằm kéo dài vòng đời dây chuyền công nghệ.

Chính sách của một số quốc gia trước xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng

Các nước cung cấp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp của mình đầu tư về nước. Mỹ ban hành nhiều chính sách để thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Mỹ, như miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp Mỹ (giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%), cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, đưa ra các tiêu chuẩn linh hoạt hơn nhằm nâng cao tính cạnh tranh của một số ngành công nghiệp Mỹ (năng lượng, ô-tô, nhôm, thép…). Các nước EU thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược”, kiểm soát đầu tư ra nước ngoài, như Đức, Italia quy định chặt chẽ hơn đối với đầu tư ra nước ngoài trong các ngành chiến lược; Pháp triển khai chiến lược “sản xuất tại Pháp” nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước trong các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, như ô-tô, hàng không, công nghệ số… Nhật Bản dành ngân sách 2,2 tỷ USD, trong đó 2 tỷ USD hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đưa sản xuất từ Trung Quốc về nước và khoảng 200 triệu USD hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản di chuyển sản xuất, đa dạng hóa nguồn cung trong một số ngành ưu tiên (thiết bị y tế, phụ tùng ô-tô, điện tử, kim loại hiếm…). Hàn Quốc ban hành luật thu hút các doanh nghiệp đã đầu tư ở nước ngoài quay về sản xuất, kinh doanh tại Hàn Quốc…

Công nhân làm việc tại nhà máy của hãng Foxconn ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc_Ảnh: reuters

Một số nước tăng cường ngăn chặn nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, kết cấu hạ tầng quan trọng, an ninh - quốc phòng. Mỹ mở rộng phạm vi kiểm duyệt đầu tư đối với các dự án liên quan đến an ninh quốc gia; trao quyền cho Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) sàng lọc đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ và kết cấu hạ tầng trọng yếu. Ấn Độ điều chỉnh chính sách quản lý đầu tư, theo đó, tất cả đầu tư từ các quốc gia láng giềng có chung biên giới với Ấn Độ đều phải được chính phủ xét duyệt. Đức tăng cường kiểm soát đầu tư nước ngoài vào kết cấu hạ tầng quan trọng. Pháp đưa ra danh sách công nghệ chịu sự kiểm soát của chính phủ, giảm tỷ lệ góp vốn của các nhà đầu tư ngoài EU được phép đầu tư vào các doanh nghiệp Pháp, từ 25% xuống 10%. Tây Ban Nha quy định các khoản đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng quan trọng, cung ứng các nguyên liệu chủ chốt, phải được chính phủ phê duyệt.

Trong khi đó, một số nước tiếp nhận FDI đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư nhằm cạnh tranh thu hút FDI. Ấn Độ xem xét miễn thuế cho các dự án đầu tư mới trên 500 triệu USD, miễn thuế 4 năm cho các dự án đầu tư trên 100 triệu USD trong các lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm. Indonesia ban hành các chính sách ưu đãi mới, hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài chuyển từ Trung Quốc sang Indonesia, thiết lập Khu công nghiệp Brebes dành riêng cho doanh nghiệp Mỹ. Thái Lan đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực thiết bị y tế, ưu tiên các dự án công nghệ cao. Malaysia tăng ưu đãi thuế để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược.

Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp khá mạnh mẽ nhằm “giữ chân” nhà đầu tư, giảm thiểu việc dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng ra ngoài Trung Quốc, như xây dựng các chính sách ưu đãi đặt biệt đối với các doanh nghiệp hàng đầu thế giới, nhất là các tập đoàn đa quốc gia của phương Tây; ban hành Luật Đầu tư nước ngoài sửa đổi; mở rộng các khu thí điểm tự do thương mại (FTZ) với nhiều ưu đãi; tăng cường hợp tác kinh tế với khu vực, trọng tâm là hợp tác khu vực Đông Bắc Á, ASEAN+1, ASEAN+3, thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); áp dụng một số rào cản kỹ thuật nhằm hạn chế nhà đầu tư rút vốn, chuyển sản xuất ra ngoài Trung Quốc...

Cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

So với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam có một số lợi thế để tranh thủ sự dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng, như chính trị - xã hội ổn định, nguồn lao động trẻ dồi dào, tiềm năng thị trường gần 100 triệu dân với tầng lớp khá giả ngày càng tăng... Mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia được nhiều doanh nghiệp đánh giá là một lợi thế lớn của Việt Nam để thu hút các nhà đầu tư di chuyển sản xuất sang Việt Nam nhằm tiếp cận các thị trường có FTA với Việt Nam. Đơn cử như, FTA Việt Nam - EU (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8-2020, tạo cho Việt Nam lợi thế đi trước hầu hết các nước trong khu vực từ 7 - 10 năm về đặc quyền tiếp cận thị trường EU rộng lớn với cam kết giảm thuế quan đối với gần 100% dòng thuế.

Dây chuyền sản xuất và lắp ráp sản phẩm tại nhà máy Daikin Việt Nam_Ảnh: Tư liệu 

Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép: vừa khống chế được dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã nâng cao uy tín của Việt Nam như một điểm đến đầu tư an toàn, có năng lực quản trị, cũng như khả năng kháng chịu, thích ứng tương đối tốt trước những biến động của thế giới. Đây cũng là lợi thế của Việt Nam so với nhiều nước trong khu vực còn chưa khống chế được dịch bệnh COVID-19 (Ấn Độ, Indonesia, Philippines…) trong cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu phát huy và khai thác tối đa những lợi thế trên, Việt Nam có cơ hội lớn với vị thế thuận lợi, đa dạng hóa, đa phương hóa việc tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ thu hút các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ có nhu cầu dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng, nhờ đó thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh cơ hội có ý nghĩa lâu dài này, việc thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực đang dịch chuyển sản xuất và chuỗi cung ứng (điện tử, dệt may, linh kiện ô-tô…) còn trực tiếp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trong và sau dịch bệnh COVID-19.

Tuy nhiên, cơ hội, thuận lợi luôn đan xen với thách thức, khó khăn. Môi trường đầu tư của Việt Nam hiện còn nhiều điểm yếu, chậm được khắc phục, như hạn chế về năng lực quản lý, kết cấu hạ tầng, thủ tục đầu tư, thiếu lao động có kỹ năng, công nghiệp phụ trợ và mạng lưới logistics… Năng lực các doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, là một trở ngại lớn để thu hút các chuỗi cung ứng của các tập đoàn công nghệ vào Việt Nam cũng như hạn chế khả năng Việt Nam tham gia các công đoạn cao trong mạng lưới sản xuất toàn cầu. Những điểm yếu này nếu không sớm khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ lún sâu vào bẫy gia công, lắp ráp, khó kiểm soát được các dòng đầu tư chất lượng thấp, đầu tư thâu tóm thị trường và doanh nghiệp trong nước, đầu tư “núp bóng”...

Việc tranh thủ được cơ hội tới đâu và có vượt qua được thách thức hay không phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách của Nhà nước, ý chí và nỗ lực vươn lên của các doanh nghiệp trong nước. Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019, của Bộ Chính trị (khóa XII), “Về đinh hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, có chủ trương xuyên suốt là thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết này, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề đặt ra là cần sớm đưa các chủ trương, chính sách, giải pháp đúng đắn đi vào cuộc sống bằng các biện pháp căn cơ và quyết liệt.

Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu vừa là cơ hội, vừa là thách thức, nên trong thu hút FDI hiện nay và thời gian tới cần quán triệt quan điểm phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường. Muốn vậy, cần tăng cường sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Trước hết, đó là chủ động, tích cực hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đầu tư; chủ động tiếp cận các dòng vốn đầu tư có chất lượng thông qua đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tiếp cận, vận động các tập đoàn lớn, tập đoàn công nghệ; chủ động thúc đẩy hợp tác đầu tư và chuỗi cung ứng trong các khuôn khổ hợp tác với các đối tác có tiềm lực tài chính và công nghệ; chủ động chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, kiên quyết từ chối các dự án không phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn công nghệ, môi trường…

Xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với Việt Nam (Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy của Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) trong Khu kinh tế mở Chu Lai (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam)) _Nguồn: thacochulai.vn

Bên cạnh việc tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực khoa học - công nghệ và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, các cơ quan liên quan cần sớm có quy định, chính sách ưu đãi cụ thể đi kèm với điều kiện được hưởng ưu đãi để thu hút đầu tư vào một số lĩnh vực, như hình thành các chuỗi sản xuất, cung ứng có giá trị gia tăng ở Việt Nam, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu - phát triển tại Việt Nam, liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định có tính sàng lọc đầu tư nước ngoài, như quy định, cơ chế đánh giá yếu tố quốc phòng - an ninh, tiêu chuẩn công nghệ, môi trường, lao động, xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trong thẩm định và cấp phép đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư gắn với công nghệ cao; đồng thời, ngăn ngừa các dự án đầu tư tiềm ẩn rủi ro về mất an ninh, ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu, đầu tư "núp bóng", trốn tránh thuế quan, chuyển giá, gian lận thương mại…

Ngoài các biện pháp trước mắt, biện pháp căn cơ và lâu dài là tiếp tục đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh có năng lực liên kết với các tập đoàn công nghệ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Có như vậy, Việt Nam mới tranh thủ được cơ hội, cũng như giảm thiểu các thách thức từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu để phát triển nhanh, bền vững và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới./.

--------------------

(1) Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Liên minh châu Âu (EU)…
(2) Các công đoạn giản đơn, giá trị gia tăng thấp
(3) Theo tính toán trong kịch bản thuận lợi nhất, tập đoàn Apple cần 5 năm để di chuyển 50% cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc, hiện vẫn xác định Trung Quốc là địa bàn chính