Để đạt được “thắng lợi kép” trong trận chiến chống COVID-19
TCCS - Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng, nguy cơ kinh tế đình trệ, lạm pháp, thất nghiệp và suy thoái kinh tế đang đe dọa nền kinh tế thế giới. Cách ly và đóng cửa hoạt động làm cắt đứt nguồn cung, hạn chế hiệu quả của chính sách tiền tệ. Chính sách tài khóa không rõ mục tiêu sẽ gây mất cân đối vĩ mô. Hỗ trợ không công bằng, minh bạch, kịp thời, phi thị trường sẽ khuyến khích tham nhũng, lãng phí, làm ảnh hưởng tới ổn định cân đối vĩ mô lớn, tăng thâm hụt ngân sách, ăn vào thâm hụt tiết kiệm và đầu tư và gia tăng thâm hụt xuất nhập khẩu. Mở rộng chi tiêu của chính phủ nhằm tạo việc làm, thu nhập, giảm thất nghiệp, tập trung để điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), chuyển đổi sang nền kinh tế số và gia tăng giá trị sản xuất trên chuỗi cung ứng toàn cầu là những công việc cần làm lúc này.
Đại dịch COVID-19 và sự lựa chọn chính sách của các nước
Ngày 12-3-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc tháng 12-2019 là đại dịch toàn cầu. Đứng trước nguy cơ dịch bệnh lan rộng và suy thoái kinh tế, vai trò của chính phủ trong lựa chọn đối sách phù hợp sẽ quyết định thành công của các nước trong cuộc chiến kép.
Trên mặt trận kinh tế, bên cạnh “bàn tay vô hình” điều tiết nền kinh tế thị trường tự do, chính phủ các nước buộc phải can thiệp vào nền kinh tế để cứu trợ và kích thích nền kinh tế thoát khỏi "vòng luẩn quẩn” thất nghiệp - giảm thu nhập - giảm cầu mua sắm, giảm đầu tư - giảm cung ứng hàng hóa - gia tăng thất nghiệp. Khác với các cuộc khủng hoảng tài chính, khủng hoảng cung trong điều kiện đại dịch là bài toán làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách trên thế giới. Một cú sốc tới tổng cung như dịch bệnh, sẽ không dễ dàng được giải quyết bởi gói kích thích tài khóa và nới lỏng chính sách tiền tệ. Nền kinh tế bị đình trệ, sản xuất đình đốn do bị đứt chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tới cung cấp nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra. Các sân vận động, trung tâm thể thao, nhà hát, rạp chiếu bóng, trường học cung cấp các dịch vụ thu hút lượng lớn người tiêu dùng bị đóng cửa. Nhà máy, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ giải trí bị đóng cửa để tránh lây lan bệnh dịch. Tiêu dùng cá nhân bị giới hạn trong phạm vi nhu cầu thiết yếu, giảm nhu cầu đối với hàng không thiết yếu và dịch vụ du lịch, ăn uống, giải trí. Trong trường hợp cách ly toàn dân như Vũ Hán, Ý và Pháp, hoạt động sản xuất - kinh doanh hoàn toàn dừng lại như một kỳ nghỉ dài hoặc chỉ để đáp ứng nhu cầu cơ bản như ăn uống, vệ sinh. Tất cả các dịch vụ giáo dục, văn hóa, giải trí phải chuyển sang mô hình trực tuyến.
Trong điều kiện đại dịch bệnh, chính sách nới lỏng tiền tệ không khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực không được tiêu dùng trong thời kỳ đại dịch do đóng cửa bắt buộc, cũng không kích thích tiêu dùng do việc cắt giảm chi tiêu do bệnh dịch. Chính sách tài khóa và tiền tệ trong giai đoạn dịch bệnh chỉ để cứu các doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản và sa thải lao động hàng loạt. Đối với các nước không có dự trữ quốc gia hùng hậu, chính sách tài khóa không rõ mục tiêu sẽ gia tăng thâm hụt ngân sách, thâm hụt tiết kiệm và đầu tư, thâm hụt xuất nhập khẩu, gây bất ổn kinh tế. Đối với các nước nghèo, chính sách kích thích tài khóa của chính phủ cần được tập trung để điều chỉnh cơ cấu kinh tế vào khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và nhu cầu tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh. Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ chỉ có tác dụng khôi phục sản xuất, mở rộng tiêu dùng sau khi đại dịch kết thúc.
Đại dịch bệnh COVID-19 cộng với tác động của cuộc chiến dầu khí do bất đồng giữa Nga và OPEC, đứng đầu là A-rập Xê-út, đã làm thị trường chứng khoán thế giới chao đảo. Các nước chạy đua nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm vực dậy nền kinh tế bị đình trệ do lệnh cách ly và người lao động bị nhiễm dịch. Chính phủ các nước đã nhanh chóng hành động, đưa ra gói cứu trợ kinh tế chưa từng thấy. Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 23 tỷ USD, bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, trợ cấp lương cho người học việc và thanh toán một lần bằng tiền mặt cho người nhận phúc lợi xã hội. Ngân hàng Trung ương châu Âu công bố các biện pháp hỗ trợ cho vay ngân hàng và mở rộng chương trình mua tài sản của mình thêm 120 tỷ euro, thực hiện chương trình mua trái phiếu khẩn cấp lớn nhất từ trước tới nay, trị giá 750 tỷ euro để ổn định thị trường, giữ lãi suất cơ bản ở mức -0,5%. Anh công bố gói cứu trợ kinh tế khổng lồ trị giá 330 tỷ bảng Anh, tương đương 15% GDP, cắt giảm khẩn cấp lãi suất từ 0,75% xuống mức thấp nhất trong lịch sử là 0,25%. Pháp chuẩn bị bơm 45 tỷ euro vào nền kinh tế. Thụy Sĩ triển khai các biện pháp trị giá khoảng 30 tỷ USD để hỗ trợ các công ty và người lao động. Tây Ban Nha huy động các nguồn lực kinh tế lớn nhất trong lịch sử với gói cứu trợ 200 tỷ euro, chiếm khoảng 20% GDP. Niu Di-lân chi 12,1 tỷ NZD, tương đương 4% GDP, để hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, tăng cường phúc lợi cho người cao tuổi, các gia đình có thu nhập thấp và chi trả cho người lao động không thể đi làm vì bị cách ly. Mỹ đã thông qua gói cứu trợ 2.200 tỷ USD, người dân Mỹ sẽ nhận được tối đa 3.000 USD/hộ gia đình tùy theo mức thu nhập, hỗ trợ 500 tỷ USD cho các ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng từ dịch COVID-19, 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ vay vốn, 250 tỷ USD cho việc hỗ trợ thất nghiệp và ít nhất 100 tỷ USD cho hệ thống y tế. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã hạ lãi suất về 0% và tuyên bố cung ứng 4 nghìn tỷ USD hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và chính quyền địa phương vượt qua cuộc chiến chống COVID-19.
Việt Nam: “Chống dịch như chống giặc”
Tại Việt Nam, Chính phủ đã sớm xác định “chống dịch như chống giặc”, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Do đặc thù mối quan hệ gắn kết, quân - dân một lòng, toàn bộ hệ thống chính trị đã sớm được huy động theo mô hình cách mạng nhân dân, bao gồm hải quan, bộ đội biên phòng, công an, dân quân tự vệ, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân cùng hợp tác, phối hợp chống dịch trên tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức tự giác dân tộc, tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng. Nhờ vậy, năng lực xử lý các ca nhiễm bệnh và cách ly tập trung của Việt Nam vượt xa khả năng giới hạn của hệ thống y tế có năng lực trung bình như của Việt Nam.
Song song với việc chuẩn bị sẵn sàng cho hệ thống y tế thông qua mô hình bệnh viện dã chiến, mở rộng năng lực cách ly tập trung tại các khu ký túc xá và hệ thống lưu trú đủ điều kiện, đồng thời tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ vào giám sát cách ly tại nhà như phần mềm Smart City của Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng vệ từ xa bằng cách tạm dừng cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam; cách ly tập trung người nhập cảnh với người tới từ các vùng dịch,...
Trên mặt trận kinh tế, hàng loạt các chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thương mại, thanh toán điện tử. Cụ thể, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; đề xuất chính sách tín dụng phù hợp, sử dụng gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19; hỗ trợ khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước, hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp nhỏ và vừa, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, thực hiện tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, không tính lãi phạt chậm nộp.
Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh lãi suất từ ngày 17-3-2020, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) giảm 0,25% - 0,3%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm. Lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đề xuất các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước, phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; tập trung đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông, lâm, thủy sản; có biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA); chuẩn bị các điều kiện cần thiết, chủ động triển khai các kế hoạch, giải pháp xuất khẩu hàng hoá sang thị trường EU sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và có nguy cơ ảnh hưởng lớn tới thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam trong 5 năm qua (từ mức tăng trưởng thấp 5,42% năm 2013, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng từ 6,23 - 7,08% trong giai đoạn 2015 - 2019). Những khó khăn của nền kinh tế thế giới và Việt Nam trước đại dịch COVID-19 là quá lớn. Các ngành hàng không, vận tải, du lịch, lưu trú, ăn uống, giáo dục, thể thao, văn hóa, giải trí có nguy cơ bị đóng cửa bắt buộc và sụt giảm khách do đóng cửa biên giới, cách ly và cấm tập trung đông người. Dự kiến nhiều doanh nghiệp có khả năng mất thanh khoản, không có khả năng trả lương và buộc phải đóng cửa hàng loạt. Ngành hàng không với lượng tiền vay mua, thuê máy bay lớn, nhân lực chất lượng cao có nguy cơ sụp đổ nhanh nhất. Các trường học thuộc khối tư nhân có tiền thuê mặt bằng, quỹ lương lớn do quy mô giáo viên có nguy cơ mất thanh khoản. Khu vực dịch vụ du lịch, dịch vụ vận tải, lưu trú có hàm lượng dịch vụ cao, doanh thu lớn, lợi nhuận biên nhỏ sẽ sụp đổ khi không có doanh thu.
Bên cạnh việc sụt giảm tổng cung do đóng cửa nhà máy, trường học, các cơ sở du lịch, khách sạn, nhà hàng, dịch vụ giải trí, và các thiết chế văn hóa, thể thao dẫn tới một bộ phận lớn lao động suy giảm hoặc không có thu nhập, thiệt hại kinh tế do tác động của dịch bệnh COVID-19 sẽ tăng lên gấp bội trong bối cảnh các chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị suy giảm do dịch bệnh; đầu ra cho sản xuất nông sản gặp khó khăn; trường học bị đóng cửa; các dịch vụ khách sạn, nhà hàng, giải trí, thể dục, thể thao không thể hoạt động; tiêu dùng bị giới hạn trong các sản phẩm thiết yếu. Trong dịch bệnh, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải.
Giải pháp để có thắng lợi kép: Hướng tới chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng
Năm 2020 là năm cả nước tổng kết nhiệm kỳ 5 năm 2016 - 2020 và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, là năm bản lề cho việc xây dựng chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn tới năm 2045. Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó biến đổi khí hậu cần được xây dựng dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số vào quản lý vĩ mô và quản lý tài nguyên quốc gia.
Đại dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ phá hủy kinh tế toàn cầu, nhưng cũng là cơ hội để các nước có tiềm năng dân số như Việt Nam “biến nguy thành cơ” và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP), chuyển đổi sang nền kinh tế số và gia tăng giá trị trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngày 18-11-2019, dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại nơi cư trú ở phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nguồn lực phát triển đất nước không phải là “rừng vàng, biển bạc” mà chính là gần 100 triệu người đoàn kết, trên dưới một lòng, quyết tâm xây dựng Tổ quốc”. Đây chính là định hướng, tầm nhìn, chiến lược phát triển đất nước trong kỷ nguyên số, Cách mạng công nghiệp 4.0 của thế kỷ XXI. Tài sản của tương lai là con người chứ không phải tài nguyên “rừng vàng, biển bạc”. Việt Nam cần đầu tư cho con người để có sức cạnh tranh quốc gia tương xứng với quy mô dân số thứ 15 trên thế giới. Tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, chương trình hành động tới năm 2045 cần thể hiện được tầm nhìn chiến lược khái quát này.
Các chính sách hỗ trợ vĩ mô trong thời kỳ đại dịch bệnh phải được xây dựng dựa trên công cụ thị trường, tuyệt đối không hỗ trợ theo cơ chế xin, cho. Chính sách kích thích tài khóa của Chính phủ chỉ có tác dụng nếu được tập trung để điều chỉnh cơ cấu kinh tế tập trung vào khu vực không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh như sản xuất, chế biến nông sản và phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu và phát triển công nghiệp phụ trợ. Chính sách kích thích tài khóa của Chính phủ nên tập trung vào các khu vực có nhu cầu tăng cao trong giai đoạn dịch bệnh đó là nền kinh tế số, hệ thống phòng ngừa và kiểm soát sức khỏe toàn dân trực tuyến, truyền hình giáo dục và giáo dục trực tuyến.
Chính phủ cần mở rộng chi tiêu, tạo việc làm. Đầu tư công tạo việc làm trong điều kiện đại dịch cần hướng tới xây dựng một chiến lược phát triển bền vững bảo đảm đầy đủ 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, giảm lãi suất, tăng cung tiền chỉ có tác dụng ứng cứu doanh nghiệp khỏi phá sản, chờ hết dịch, không có tác dụng làm tăng tổng cung và chi tiêu trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Giải pháp duy nhất là điều chỉnh cơ cấu kinh tế sang các lĩnh vực tiêu dùng thay thế trong bối cảnh bệnh dịch hoặc ít chịu ảnh hưởng của bệnh dịch. Cần tập trung nghiên cứu, sớm có các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số phát triển các sản phẩm trong thương mại điện tử - kinh tế số, giao vận, chuyển phát, fintech, thanh toán điện tử... trên môi trường số; đồng thời yêu cầu các cấp, các ngành và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân triển khai ứng dụng mạnh mẽ vào đời sống kinh tế, xã hội.
Đại dịch cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trên chuỗi cung ứng toàn cầu: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp để hạ giá thành sản xuất; tập trung phát triển công nghệ sản xuất, chế biến nông sản để xử lý, bảo quản, đóng gói, cung cấp sản phẩm khô, đóng hộp, đông lạnh, đáp ứng nhu cầu cách ly của các nước có dịch trong ngắn hạn và mở rộng thị trường tiêu thụ trong dài hạn; trong bối cảnh các chuỗi cung ứng của Trung Quốc bị suy giảm do dịch bệnh COVID-19, hàng loạt các công ty đa quốc gia đã quyết định chuyển hoạt động sản xuất ra ngoài Trung Quốc hoặc tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu, phụ tùng thay thế, là cơ hội lớn để Việt Nam phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế nhằm chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu và phát triển công nghiệp phụ trợ; phát triển hệ thống y bạ điện tử trọn đời để theo dõi tiền sử, bệnh án, liên thông kết quả xét nghiệm nhằm giảm chi phí khám, chữa bệnh, đồng thời xây dựng phần mềm y tế và sử dụng trí tuệ nhân tạo để tuyên truyền, thông báo các biện pháp phòng bệnh và khám, chữa bệnh ban đầu, hướng dẫn nơi khám và chuyển tuyến bệnh viện; chuẩn hóa các kỳ thi năng lực trực tuyến quốc gia từ phổ thông, tới dạy nghề, đại học và đào tạo công chức, viên chức, gắn với đào tạo truyền hình, trực tuyến, tự học, học tập trọn đời; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào tìm kiếm nguồn hàng, sản xuất, thu mua, phân phối sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nền kinh tế số, phát triển hệ sinh thái số và mạng xã hội Việt Nam.
Chính sách tài khóa không rõ mục tiêu, hỗ trợ không công bằng, minh bạch, kịp thời, phi thị trường sẽ khuyến khích tham nhũng, lãng phí, làm ảnh hưởng tới ổn định cân đối vĩ mô lớn, tăng thâm hụt ngân sách, ăn vào thâm hụt tiết kiệm và đầu tư, gia tăng thâm hụt xuất nhập khẩu. Chính sách nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất và mở rộng tín dụng chỉ nên đi sau để khôi phục kinh tế và khuyến khích tăng trưởng hậu dịch bệnh, kiểm soát, sàng lọc tín dụng chặt chẽ dựa trên kết quả đầu ra. Việc hiểu rõ và đánh giá tác động của từng công cụ chính sách sẽ là cơ sở để đưa ra những chính sách có định hướng cụ thể ứng phó với đại dịch, tránh tình trạng các biện pháp không rõ mục tiêu, làm mất niềm tin của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, không đạt mục tiêu ổn định và phát triển./.
Triển khai quyết liệt, nhanh chóng, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Hà Nội  (16/04/2020)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quyết định về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19  (10/04/2020)
Kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh bùng phát đại dịch COVID-19  (01/04/2020)
Giải pháp nào cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu?  (01/04/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên