Fintech: Từ góc nhìn an ninh tài chính
21:51, ngày 31-05-2019
TCCSĐT - Công nghệ tài chính (Fintech) là việc áp dụng sáng tạo các công nghệ mới nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính, ngân hàng(1). Việt Nam hiện có khoảng hơn 80 công ty Fintech đang hoạt động tại nhiều lĩnh vực khác nhau như: Định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), cho vay ngang hàng (P2P Lending), thanh toán-liên kết chuỗi khối (Blockchain)... được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và dịch vụ(2).
Từ nhận diện đối tượng…
Đối tượng của Fintech gồm 3 bên: (1) Các định chế tài chính; (2) Các công ty Fintech; (3) Khách hàng, trong sự tác động qua lại lẫn nhau. Khác với thị trường tài chính truyền thống chỉ gồm hai đối tượng là: Các định chế tài chính (ngân hàng, công ty tài chính, đầu tư, bảo hiểm, chứng khoán…) và khách hàng.
Định chế tài chính, là thực thể quan trọng trong ngành tài chính, các định chế này ngày càng hợp tác sâu rộng hơn với các công ty Fintech do nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ này. Đồng thời các định chế cũng trực tiếp đầu tư vào các công ty Fintech hay các hoạt động nghiên cứu để chủ động tiếp cận công nghệ mới và nắm bắt thị trường.
Công ty Fintech, là các công ty độc lập hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới trong lĩnh vực tài chính. Khách hàng của các công ty này có thể là người sử dụng cuối cùng, cũng có thể là các định chế tài chính.
Khách hàng, 32
Khách hàng là người sử dụng sản phẩm dịch vụ tài chính nói chung. Với các ứng dụng công nghệ mới, khách hàng là những người được hưởng lợi nhiều nhất từ cạnh tranh giữa các công ty, định chế tài chính cũng như từ những tiện ích công nghệ mới mang lại.
Sự gắn kết giữa 3 bên là tất yếu khách quan, sự biến động có thể theo thời gian và năng lực cạnh tranh. Công ty Fintech có ưu thế do nắm được công nghệ, ý tưởng đổi mới, tổ chức linh hoạt, cơ sở hạ tầng, nhưng các công ty này lại thường thiếu khả năng nhân rộng đối tượng khách hàng và thương hiệu để phát triển thị trường.
Ngược lại, các định chế tài chính lại có ưu thế về dữ liệu khách hàng lớn, có thương hiệu lâu năm, đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm hoạt động nhưng thường yếu thế về khai thác những bí quyết công nghệ tiên tiến nhất. Vì thế, hai đối tượng này thường vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, trong tương lai xa có thể cạnh tranh quyết liệt, thậm chí thôn tính lẫn nhau.
Sản phẩm của Fintech hiện được phân chia thành 2 nhóm chính: (1) Các sản phẩm phục vụ người tiêu dùng (công cụ kỹ thuật số, công nghệ… để cải thiện các dịch vụ); (2) Các sản phẩm công nghệ hậu sảnh (thanh toán, cho vay, chuyển tiền) và dịch vụ mở rộng (gọi vốn cộng đồng, cho vay ngang cấp, tư vấn tài chính cá nhân, công nghệ bảo hiểm, tiền tệ số, quản trị dữ liệu(3)…)
Đến khai thác công nghệ…
Fintech hiện đang bùng nổ ở các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ và Australia. Theo giới quan sát, các công ty và các sản phẩm Fintech tuy vẫn hoạt động sôi động nhất ở phố Wall và thung lũng Silicon (Mỹ) nhưng Trung Quốc mới là thị trường dẫn đầu trong việc sử dụng dịch vụ này.
Năm 2008, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã triển khai thí điểm cho phép nhiều doanh nghiệp không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán. Năm ngoái, Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định 382 thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của Ngân hàng nhà nước nhằm xây dựng cơ chế quản lý, hoàn thiện khung pháp lý tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech của Việt Nam ra đời và phát triển.
Theo báo cáo của ADB và IMF khu vực châu Á-Thái Bình Dương, “hiện nay, tỷ trọng người sử dụng điện thoại và internet ở Việt Nam chiếm 67%, và 73% dân số (tương đương với 50 triệu người) sử dụng mạng xã hội, nên ứng dụng Fintech ở Việt Nam là xu thế không thể đảo ngược(4).
Theo Báo cáo E-commerce và Báo cáo Hành vi online của Người tiêu dùng Việt Nam năm 2017 của Niesel cho thấy: 89% người dùng trong độ tuổi từ 20-44 tuổi sử dụng internet trên mọi thiết bị mỗi ngày như: mua sắm, giải trí, tìm kiếm, mạng xã hội, việc làm... và đến 58% dân số sử dụng internet ít nhất 5 giờ/ngày.
Thống kê số liệu mua hàng qua mạng cũng minh chứng cho sự tiện lợi, nhanh chóng, dễ dàng của hình thức này, thu hút lượng khách hàng cực lớn, chiếm tới 77-93% thị trường, nằm trong các độ tuổi từ 21-49 tuổi. Con số trên cho thấy, Việt Nam là một quốc gia có độ phủ sóng internet và có hành vi mua sắm trực tuyến khá cao.
Theo công bố của các công ty dịch vụ tuyển dụng: Michael Page và Navigos Research, Fintech đang là một trong những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao nhất tại Việt Nam. Điều này được giải thích bởi Fintech hiện nằm trong TOP 3 ngành nhận được vốn đầu tư mạo hiểm nhiều nhất, với tổng giá trị gần 60 triệu USD trong năm 2017. Nhu cầu rất lớn nhưng thực tế để tìm kiếm được nhân sự chất lượng cao người Việt Nam làm Fintech là không dễ.
Công ty nghiên cứu thị trường Solidiance của Singapore ước tính giá trị giao dịch của thị trường Fintech tại Việt Nam hiện ở mức 4,4 tỷ USD và có thể đạt 7,8 tỷ USD vào năm 2020(5). Vì vậy, nhiều nhà đầu tư ngoại mong muốn đổ vốn vào thị trường tiềm năng này. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định nào về tỷ lệ góp vốn của khối ngoại vào các công ty Fintech Việt Nam.
Đại diện Vụ Thanh toán (Ngân hàng nhà nước) cho biết, Việt Nam hiện có gần 100 công ty Fintech đang hoạt động, trong đó có nhiều công ty Fintech nội đã nhận được vốn đầu tư liên kết từ nước ngoài. Theo quy định hiện nay, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư ngoại tại các tổ chức tín dụng là 30%, tuy nhiên, tỷ lệ góp vốn của khối ngoại trong lĩnh vực Fintech vẫn còn để ngỏ(6). Theo dự báo năm 2019, để khai thác được thị trường này, các công ty Fintech sẽ phải đầu tư thêm nhiều công nghệ và con người, nhất là việc chung tay của người bán hàng, người tiêu dùng dịch vụ.
Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng cho biết: “Ban Chỉ đạo Fintech đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đưa ra 5 lĩnh vực cốt lõi của Fintech cần khẩn trương nghiên cứu (e-KYC, Open API, P2P Lending, Blockchain). Ban chỉ đạo Fintech cũng đã thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn trong quá trình hoạt động”(7).
Được biết, Fintech trong lĩnh vực thanh toán (chiếm khoảng 60% số công ty Fintech đang hoạt động tại Việt Nam) đã hoạt động ổn định, các lĩnh vực Fintech mới như: P2P Lending, e-KYC, tài chính cá nhân… được kỳ vọng sẽ phát triển hơn trong thời gian tới khi khung pháp lý được hoàn thiện. “Ưu tiên hàng đầu của Ban chỉ đạo Fintech hiện nay là xây dựng đề án về cơ chế quản lý thử nghiệm”.
Phó Tổng Giám đốc EY Việt Nam (Công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và tư vấn 100% vốn nước ngoài), Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Việt Nam Nguyễn Thùy Dương cho biết: “Kế hoạch của Ngân hàng nhà nước trong cơ chế quản lý thử nghiệm sẽ giúp cho các Fintech được thử nghiệm mô hình dịch vụ công nghệ mới - là nền tảng cho sự ra đời của các công ty Fintech, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này trong năm 2019”.
Và những vấn đề an ninh cần quan tâm…
Fintech với các ứng dụng đa dạng đang tác động đến hầu hết các lĩnh vực hoạt động của ngành tài chính như: tiền gửi, thanh toán, bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng, quản trị rủi ro… Theo đó, những vấn đề an ninh cũng nảy sinh như: Bị tấn công từ công nghệ; Phát triển nhanh vượt quá hệ thống pháp luật và quản lý; Chưa có nhiều sự lựa chọn nhà cung cấp; Tính phức tạp cao nảy sinh tranh chấp; Lao động (kể cả nhân sự cấp cao) cũng dễ bị loại ra bởi công nghệ phát triển quá nhanh. Một số biểu hiện mất an ninh gần đây có thể kể đến:
Một là, lừa đảo thông qua các dịch vụ đầu tư tiền ảo. Nhà đầu tư vào iFan hay Pincoin… đưa ra “cam kết” lợi nhuận siêu hấp dẫn tới mức 48%/tháng. Họ còn quảng bá rằng giá trị tiền ảo sẽ tăng mỗi ngày và được hứa thưởng nếu khuyến khích được người mới tham gia.
Thực chất đây là một mô hình đa cấp biến tướng, lấy tiền của người tham gia sau trả cho người tham gia trước, khuyến khích người đã tham gia dụ dỗ người khác. Trong thời gian vừa qua, nhờ thủ đoạn trả lợi nhuận đầu tư cao (bất hợp lý) mà iFan đã lừa được một số tiền lớn của khách hàng đầu tư (khoảng 15.000 tỷ đồng).
Hai là, lừa đảo thông qua công nghệ P2P (cho vay ngang hàng). Landbay là một trong các sản phẩm đầu tư cho vay (peer-to-peer lending) hiện đang rất phổ biến ở Anh, Mỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Công nghệ này chưa thể kiểm duyệt được, do Landbay giữ thuật toán, khiến việc phân bổ vốn vẫn còn là một bí ẩn.
Theo giới chuyên gia, chỉ riêng công nghệ P2P hiện có tới 5 nguy cơ rủi ro bởi: P2P là hoạt động nhận tiền đầu tư và cho vay không qua trung gian tài chính, chưa có các quy định về quản lý; Nhà đầu tư chịu nhiều rủi ro hơn so với bên vay, vì không được hưởng các quyền lợi bảo vệ như bên gửi tiền; Nguy cơ bên vay không trả nợ do khách quan hay cố ý; Trách nhiệm ràng buộc giữa công ty P2P và nhà đầu tư còn hạn chế; Và những biến tướng của hình thức P2P, nảy sinh sự lừa đảo với lãi suất cao.
Ba là, các nguy cơ rủi ro do bất cập về pháp lý. Hoạt động công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính, nhất là những sản phẩm mới còn nằm ngoài vùng kiểm soát của pháp lý. Những dịch vụ thanh toán qua mạng như, chuyển tiền, thanh toán qua điện thoại di động của AliPay, WeChat Pay… hiện chưa có cơ chế kiểm soát.
Cho đến nay, nước ta mới có khung pháp lý cho thanh toán điện tử (Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt). Các lĩnh vực dịch vụ khác của Fintech vẫn còn đang được các cơ quan quản lý xem xét và thử nghiệm. Trong khi đó, việc duy trì an toàn hệ thống, an ninh mạng, bảo mật dữ liệu, bảo vệ khách hàng... vẫn cần được quan tâm…
Vì thế, giới chuyên gia khuyến nghị, cần sớm quan tâm đến các giải pháp chủ yếu như: (1) Thành lập cơ quan quản lý các công ty cung cấp dịch vụ tài chính và cơ quan này sẽ đưa ra các quy định cụ thể phù hợp với yêu cầu của an ninh tài chính từ góc nhìn công nghệ; (2) Nghiêm cấm những quảng cáo với cam kết lợi nhuận cao (bất thường); (3) Sớm có các quy định vừa bảo đảm ngăn ngừa những hoạt động của kẻ xấu, vừa khuyến khích sự sáng tạo và gia tăng người tiêu dùng sản phẩm Fintech
Như vậy, Fintech là một trong những hướng đi thành công trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (FIR), mang đến cho con người những tiện ích thông qua sự phát triển công nghệ tài chính. Tuy nhiên, Fintech cũng ẩn chứa những mặt trái tạo nên những nguy cơ mất an ninh mà giới nghiên cứu, hoạch định chính sách cần sớm quan tâm./.
Tài liệu tham khảo:
1 http://www.mof.gov.vn: Fintech Việt Nam đang ở đâu trong khu vực ASEAN? 13-4-2018
2 https://tinnhanhchungkhoan.vn: Nhận diện sớm fintech 2019. 29-12-2018
3 https://doimoisangtao.vn: Fintech: Những thông tin cơ bản nhất về Fintech (phần 1). 25-10-2017
4 https://baomoi.com: Thị trường Fintech Việt sẽ đạt gần 8 tỷ USD năm 2020. 23-5-2018
5 https://www.brandsvietnam.com: Nhiều Fintech ngoại muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam? 01-10-2018
6 https://tinnhanhchungkhoan.vn: Nhận diện sớm fintech 2019. 29-12-2018
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh đánh giá tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đường gom Quốc lộ 1A  (31/05/2019)
Trung Quốc với CPTPP?  (31/05/2019)
Hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố có khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn Quân khu 7  (31/05/2019)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên