TCCSĐT - Sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như Cát Bà, Đồ Sơn... cùng 5 phương thức vận tải với đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy, hàng không, tuy nhiên du lịch Hải Phòng phát triển chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng. Để du lịch Hải Phòng trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch, cần có những giải pháp đột phá trong phát triển.

Tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch

Sở hữu bờ biển dài 125 km cùng với nhiều địa danh du lịch nổi tiếng, như khu du lịch Đồ Sơn, Hòn Dấu, đảo ngọc Cát Bà, cùng nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như Đền Nghè (đền thờ Nữ tướng Lê Chân), sông Bạch Đằng lịch sử, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bến tàu không số K15 - điểm khởi đầu của con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển, các làng nghề truyền thống... Hệ thống giao thông thuận lợi với 5 phương thức vận tải (đường sắt, đường bộ, đường biển, đường thủy, hàng không); đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hải Phòng - Hạ Long hiện đại nhất Việt Nam kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng với cả nước; dự án đầu tư, xây dựng khách sạn cao cấp và khu vui chơi giải trí tại nội thành, đảo Vũ Yên, Hòn Dấu; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi được mở rộng và đưa vào khai thác. Đây là sân bay quốc tế cấp 4E cho phép bất kỳ máy bay dân dụng nào trên thế giới cất hạ cánh, có thể vận chuyển 800 hành khách/giờ cao điểm; cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện là dự án lớn nhất từ trước đến nay tại miền Bắc dành cho khu vực cảng biển đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ.

Những năm gần đây, du lịch Hải Phòng có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch có nhiều cải thiện, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng được đầu tư mạnh mẽ. Hiện thành phố có 447 cơ sở lưu trú du lịch với 9.939 phòng lưu trú với 98 cơ sở đã thẩm định xếp hạng từ 1 đến 5 sao và cao cấp, 72 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành trên địa bàn thành phố. Tổng số hướng dẫn viên du lịch được cấp mới, đổi và cấp lại hiện là 610 thẻ hướng dẫn viên du lịch, trong đó có 268 thẻ hướng dẫn viên quốc tế, 342 thẻ hướng dẫn viên nội địa. Các phương tiện vận chuyển khách tham gia hoạt động du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng, có trên 220 ô tô (từ 8 - 47 chỗ), có 114 tàu du lịch, trong đó địa bàn Cát Bà có 102 tàu, Đồ Sơn có 12 tàu (tuyến Hải Phòng - Cát Bà gồm 14 tàu cao tốc kinh doanh vận chuyển khách, tuyến Bến Gót - Cái Viềng có 11 tàu).

Hải Phòng đang sở hữu chuỗi kết nối tour du lịch quốc tế, tour du lịch nội địa ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Số lượng khách du lịch đến Hải Phòng không ngừng tăng, năm 2016 du lịch Hải Phòng đón và phục vụ 5,96 triệu lượt khách, tăng 6,02% so với năm 2015, trong đó khách quốc tế đạt 759,03 nghìn lượt, tăng 6,36% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch ước đạt 2.300 tỉ đồng, tăng 6,19%; năm 2017, gần 7 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 2.727,35 tỉ đồng, tăng 13,65%, 10 tháng của năm 2018, Hải Phòng đón và phục vụ gần 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 484.767 lượt, doanh thu đạt 1.926,4 tỉ đồng.

Những giải pháp để du lịch Hải Phòng trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch

Có thể nhận thấy, trong những năm qua, công tác quản lý nhà nước về du lịch ở Hải Phòng, được quan tâm, chú trọng, song hiệu quả vẫn chưa được cao, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Sản phẩm du lịch của Hải Phòng chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, chưa được đầu tư đúng mức và chưa khai thác hết được tiềm năng, thế mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng của du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, để du lịch Hải Phòng thực sự trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Hải Phòng đã có những chính sách quyết liệt góp phần thay đổi về chất ngành công nghiệp không khói của thành phố: Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, ngày 20-7-2017, của Hội đồng Nhân dân thành phố Hải Phòng, kỳ họp thứ 5 về “nhiệm vụ và giải pháp phát triển du lịch Hải Phòng giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030”; quyết định số 2700/QĐ-UBND, ngày 19-10-2017 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-01-2017 của Bộ Chính trị về “phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, nêu rõ mục tiêu tổng quát: Xây dựng, phát triển du lịch Hải Phòng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ lực, bền vững, có tính chuyên nghiệp, có hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật tương đối đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, khác biệt, thân thiện với môi trường, có thương hiệu, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Chú trọng phát triển du lịch biển, đảo theo chiều sâu, có chất lượng cao; mang đậm bản sắc về vùng đất, con người Hải Phòng.

Hải Phòng phấn đấu đến năm 2020, đón 8 triệu lượt khách, tốc độ tăng trung bình 8,2%/năm; tổng doanh thu từ du lịch đạt 3.500 tỷ đồng, tăng trung bình 8,9%/năm; đầu tư và đưa vào sử dụng các cầu cảng đón tàu du lịch biển quốc tế; có thêm 3 đến 5 khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, xây dựng thêm sân golf với khu nghỉ dưỡng cao cấp; nâng tổng số cơ sở lưu trú được xếp hạng là 400 cơ sở với 10.000 phòng; công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt 50% - 55%. Xây dựng, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm môi trường sinh thái tại 2 trọng điểm du lịch Cát Bà và Đồ Sơn; 100% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ và cán bộ quản lý du lịch được đào tạo, bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch; xây dựng đảo Cát Bà theo mô hình đảo sinh thái, thông minh, không có khí thải của phương tiện cơ giới đường bộ, trở thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2025, du lịch Hải Phòng cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững; góp phần quan trọng trong việc xây dựng điểm du lịch Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; đưa Cát Bà trở thành khu du lịch quốc tế, Đồ Sơn trở thành khu du lịch quốc gia. Đến năm 2030, Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước, khu du lịch Cát Bà, Đồ Sơn có khả năng cạnh tranh trong khu vực, quốc tế. Để đạt được những mục tiêu nêu trên, trong những năm tới, thành phố Hải Phòng thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ và giải pháp sau:

Một là, rà soát và thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển du lịch thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đưa Cát Bà trở thành khu du lịch quốc tế. Xây dựng quy hoạch chi tiết khu du lịch Đồ Sơn và 5 cụm du lịch; trung tâm thành phố Hải Phòng, Tiên Lãng - Vĩnh Bảo, Đồ Sơn - Kiến Thụy, Thủy Nguyên, An Dương - An Lão.

Hai là, đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển du lịch nhằm khai thác hiệu quả lợi thế vận chuyển khách du lịch của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi và Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Cải tạo hệ thống đường thủy, nâng cấp các bến thủy nội địa, các điểm neo đậu tàu qua đêm trên biển phục vụ du lịch theo quy hoạch, nhất là trọng điểm du lịch Cát Bà. Đầu tư xây dựng bãi đỗ xe du lịch hiện đại trong thành phố và các điểm du lịch đảo Cát Bà, Cát Hải và Đồ Sơn. Xây dựng một số đường, phố đi bộ, vườn hoa đặc sắc gắn với biểu trưng hoa của thành phố “Hoa Phượng Đỏ” để thu hút khách tham quan. Ưu tiên xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tại 2 trọng điểm du lịch Cát Bà và Đồ Sơn. Phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, ứng dụng thương mại điện tử trong việc hỗ trợ khách đặt các dịch vụ. Cung cấp mạng wifi miễn phí tại trung tâm thành phố, khu du lịch Cát Bà, khu du lịch Đồ Sơn và một số điểm tham quan, du lịch khác. Đặt các biển chỉ dẫn du khách tới sân bay, bến cảng, các khu, điểm du lịch trên các tuyến đường, các cửa ô thành phố.

Ba là, phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Hải Phòng. Thu hút đầu tư phát triển mạnh các loại hình du lịch biển, coi đây là loại hình chủ đạo dẫn dắt, phát triển loại hình du lịch khác, như du lịch sinh thái, tâm linh, cộng đồng, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp. Phát triển các sản phẩm du lịch mới, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Chuẩn hóa và xây dựng một số lễ hội định kỳ, có sức hấp dẫn cao tạo sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch thành phố. Xây dựng Đề án đẩy mạnh khai thác hiệu quả, làm mới chương trình, tuyến du lịch, kết nối với các dự án du lịch mới được đầu tư; đề án nhận diện, quản lý và phát triển thương hiệu du lịch Hải Phòng theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, có sức cạnh tranh cao. Khai thác và phát triển các sản phẩm nông sản, thủy hải sản, đồ lưu niệm mang đậm bản sắc đặc trưng của vùng đất, con người Hải Phòng, phục vụ nhu cầu mua sắm, thưởng thức ẩm thực của khách du lịch. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sun Group, Công ty Cổ phần Him Lam, Tập đoàn FLC... Chú trọng mở thêm các tuyến bay nối sân bay Cát Bi với các sân bay ở các địa phương du lịch trong và ngoài nước.

Bốn là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch tới các cấp, ngành, các tổ chức xã hội và từng người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư sinh sống tại các khu, điểm du lịch. Giữ gìn cảnh quan môi trường, an ninh trật tự; thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng pháp luật, ứng xử lịch sự, cởi mở, chân thành với khách du lịch để phát triển du lịch bền vững. Đồng thời, tổ chức các đoàn xúc tiến du lịch và học tập kinh nghiệm xây dựng mô hình phát triển du lịch trong và ngoài nước.

Năm là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, bổ sung nhân sự chuyên trách du lịch tại phòng Văn hóa Thông tin, xây dựng Trung tâm hỗ trợ du khách, xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Triển khai đồng bộ, sâu rộng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch, góp phần xây dựng môi trường du lịch an ninh, an toàn, thân thiện, văn minh.

Sáu là, tiếp tục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho lực lượng phục vụ trong ngành chuyên nghiệp hơn để nâng cao chất lượng dịch vụ và tập huấn các kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư nơi phát triển du lịch. Liên kết, hợp tác quốc tế về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực theo đặt hàng của các doanh nghiệp; khuyến khích tự đào tạo và thu hút nhân tài theo nhu cầu của doanh nghiệp. Đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo và có chính sách ưu đãi, khuyến khích đội ngũ giáo viên, chuyên gia giảng dạy trong và ngoài nước tham gia tích cực vào công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch Hải Phòng./.