TCCSĐT - Trong 6 tháng đầu năm, bên cạnh những thuận lợi từ dư địa tăng trưởng của năm 2017, kinh tế nước ta cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là xu hướng bảo hộ của một số cường quốc kinh tế cũng như nguy cơ chiến tranh thương mại do các biện pháp áp thuế đáp trả lẫn nhau. Sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước và nỗ lực thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước (Quý I tăng 7,45%; quý II tăng 6,79%), là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,07%, đóng góp 48,9%; khu vực dịch vụ tăng 6,90%, đóng góp 41,4%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 6 tháng năm nay cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, trong đó ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 3,28%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,41%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua, đóng góp 0,21 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 5,12%, cao hơn mức tăng 4,31% của cùng kỳ năm trước nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên đóng góp 0,04 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 9,28%, cao hơn nhiều mức tăng 7,01% và 5,42% của cùng kỳ năm 2016 và năm 2017, đóng góp 3,05 điểm phần trăm vào tốc độ tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,02% (là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, đóng góp 2,63 điểm phần trăm. Công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 1,3%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm nhưng mức giảm đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,8% của cùng kỳ năm trước. Ngành xây dựng 6 tháng đầu năm duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 7,93%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,90%, là mức tăng trưởng cao nhất 7 năm gần đây. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,21% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,86 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,58%, đóng góp 0,35 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,02%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,67%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,12%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.

Cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm tiếp tục chuyển biến tích cực, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,15% GDP, giảm so với cùng kỳ năm 2017 là 15,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,78%, tăng so với cùng kỳ năm 2017 là 32,75%; khu vực dịch vụ chiếm 41,82%, tương đương cùng kỳ năm 2017.

Xét về góc độ sử dụng GDP 6 tháng đầu năm, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,13% so với cùng kỳ năm 2017; tích lũy tài sản tăng 7,06%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,72%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,83%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2018 đạt kết quả khá tốt. Thời tiết thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là cây lúa. Diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước năm nay đạt 3.102,2 nghìn ha, bằng 99,5% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.127,6 nghìn ha, bằng 98,5%; các địa phương phía Nam đạt 1.974,6 nghìn ha, bằng 100,1%. Diện tích lúa đông xuân những năm gần đây có xu hướng thu hẹp dần, chủ yếu do nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang sử dụng cho mục đích khác. Theo báo cáo sơ bộ, năng suất lúa đông xuân cả nước ước tính đạt 66,2 tạ/ha, tăng 3,9 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 20,5 triệu tấn, tăng 1,1 triệu tấn.

Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước tính đạt 3.561,1 nghìn tấn, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 2.676,8 nghìn tấn, tăng 5,7%; tôm đạt 370,4 nghìn tấn, tăng 9,5%; thủy sản khác đạt 513,9 nghìn tấn, tăng 2,7%.

Sản xuất công nghiệp

6 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 7% của cùng kỳ năm 2017. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng chung của toàn ngành với mức tăng 12,7%, đóng góp 9,7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,4%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 1,3% (chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 5,7%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 6 tháng đầu năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất kim loại tăng 20,7%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 20,3%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 18,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 17,5%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 16,2%. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2018 tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 tăng 8,4%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2018 ước tính tăng 11,4% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2017 tăng 10,4%); tỷ lệ tồn kho toàn bình quân 6 tháng là 63,4%, là mức tồn kho thấp nhất những năm qua.

Tình hình hoạt động của doanh nghiệp

Trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4%. Nếu tính cả 1.192,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 6 tháng năm 2018 là 1.841,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên gần 81 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới 6 tháng là 508,5 nghìn người, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2018 là 52.803 doanh nghiệp, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm 17.984 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 34.819 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 48%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 6 tháng đầu năm 2018 là 6.629 doanh nghiệp, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 6.053 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,3% và tăng 20,6%.

Hoạt động dịch vụ

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm ước tính đạt 2.120,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cao hơn mức tăng 7,9% của cùng kỳ năm 2017). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính đạt 1.597,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,3% tổng mức và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 260,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng mức và tăng 9,6%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 19,5%; doanh thu dịch vụ khác đạt 243 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 7,3%.

Vận tải hành khách 6 tháng đầu năm đạt 2.262,4 triệu lượt khách, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước và 100,2 tỷ lượt khách.km, tăng 10,6%. Vận tải hàng hóa đạt 796,2 triệu tấn, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước và 147,9 tỷ tấn.km, tăng 6,6%.

Doanh thu hoạt động viễn thông 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 188,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 6-2018, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 126,9 triệu thuê bao, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thuê bao di động là 119,4 triệu thuê bao, tương đương với cùng kỳ năm trước; thuê bao internet băng rộng cố định ước tính đạt 12,6 triệu thuê bao, tăng 25,4%.

Khách quốc tế đến nước ta 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7.891,5 nghìn lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 6.369,6 nghìn lượt người, tăng 22,2%; đến bằng đường bộ đạt 1.348,2 nghìn lượt người, tăng 63,7%; đến bằng đường biển đạt 173,7 nghìn lượt người, tăng 1,7%. Trong 6 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt 6.067,2 nghìn lượt người, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm trước (trong đó khách đến từ Trung Quốc đạt 2.568,8 nghìn lượt người, tăng 36,1%; Hàn Quốc 1.713,6 nghìn lượt người, tăng 60,7%); khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.087,5 nghìn lượt người, tăng 11%; khách đến từ châu Mỹ đạt 493 nghìn lượt người, tăng 13,5%; khách đến từ châu Úc đạt 223,1 nghìn lượt người, tăng 10%; khách đến từ châu Phi đạt 20,8 nghìn lượt người, tăng 22,2%.

Đầu tư phát triển

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện 6 tháng đầu năm 2018 theo giá hiện hành ước tính đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,9% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 249,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,4% tổng vốn và tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 308,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,3% và tăng 17,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 189,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,3% và tăng 8,5%.

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách Nhà nước thực hiện 6 tháng ước tính đạt 124,2 nghìn tỷ đồng, bằng 36% kế hoạch năm và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2017 bằng 36,9% và tăng 6,1%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 22,8 nghìn tỷ đồng, bằng 34,6% kế hoạch năm và giảm 7,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, bằng 36,3% kế hoạch năm và tăng 14,1%.

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-6-2018 thu hút 1.366 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11.799,8 triệu USD, tăng 15,5% về số dự án và giảm 0,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 507 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.434,2 triệu USD, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 6 tháng đạt 16.234 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 6 tháng đầu năm ước tính đạt 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 6 tháng năm 2018 còn có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 390 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 1,4 tỷ USD và 2.359 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 2,7 tỷ USD.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng năm nay có 67 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư của phía Việt Nam là 222,5 triệu USD; 16 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 40,6 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 6 tháng đầu năm 2018 đạt 263,1 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 106,2 triệu USD, chiếm 40,4% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,7 triệu USD, chiếm 24,2%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 48,9 triệu USD, chiếm 18,6%. Trong 6 tháng có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào chiếm 31,9% tổng vốn đầu tư; Xlô-va-ki-a chiếm 13,7%; Cam-pu-chia chiếm 12,3%.

Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,07 tỷ USD, tăng 19,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,86 tỷ USD (chiếm 71% tổng kim ngạch xuất khẩu), tăng 14,5%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng đầu năm nay có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 85,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Điện thoại và linh kiện đạt 22,5 tỷ USD, tăng 15,4%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,5 tỷ USD, tăng 15,7%; hàng dệt may đạt 13,4 tỷ USD, tăng 13,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt hơn 7,8 tỷ USD, tăng 30,6%; giày dép đạt 7,8 tỷ USD, tăng 10,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 4,1 tỷ USD, tăng 20,5%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,4%. Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,7%; hàng dệt may 60,6%. Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước: Cà phê đạt 2 tỷ USD, giảm 6% (lượng tăng 9,6%); cao su đạt 819 triệu USD, giảm 8,2% (lượng tăng 16,6%); hạt tiêu đạt 457 triệu USD, giảm 35,7% (lượng tăng 5,9%). Riêng dầu thô tính chung 6 tháng tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước mặc dù giá xuất khẩu bình quân tăng 37,3%: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt trên 1 tỷ USD, giảm 32,2% (lượng giảm 50,7%).

Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng năm 2018 ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 46,01 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu 6 tháng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong 6 tháng năm nay có 23 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 82% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,7 tỷ USD, tăng 14,3%; vải đạt 6,4 tỷ USD, tăng 17,1%; sắt thép đạt 5 tỷ USD, tăng 8,3%; xăng dầu đạt 4,6 tỷ USD, tăng 38,8%; chất dẻo đạt 4,3 tỷ USD, tăng 19,8%; kim loại thường đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 2,9 tỷ USD, tăng 6,6%; hóa chất đạt 2,5 tỷ USD, tăng 26,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm xuất siêu 2,71 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 12,94 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,65 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt 7,5 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó dịch vụ du lịch đạt 5,2 tỷ USD (chiếm 69,1% tổng kim ngạch), tăng 18,9%; dịch vụ vận tải đạt 1,4 tỷ USD (chiếm 18,7%), tăng 11,8%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng ước tính đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó dịch vụ vận tải đạt 4,2 tỷ USD (chiếm 47,4% tổng kim ngạch), tăng 7,5%; dịch vụ du lịch đạt 2,7 tỷ USD (chiếm 31%), tăng 9,4%. Nhập siêu dịch vụ trong 6 tháng là 1,3 tỷ USD, bằng 18% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ./.