TCCSĐT - Ngày 16-10-2017, với 31,4% trên tổng số hơn 90% số phiếu đã được kiểm, Thủ lĩnh đảng Nhân dân (OeVP), Ngoại trưởng Sebastian Kurz đã chính thức giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ở Áo ngày 15-10. Với chiến thắng này, ông S. Kurz sẽ trở thành Thủ tướng Áo - người đứng đầu chính phủ trẻ nhất ở châu Âu.

Vì sự thay đổi lớn ở nước Áo

 
 Tân Thủ tướng Áo S. Kurz. Ảnh: gettyimages

Ngày 20-10, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen chính thức giao nhiệm vụ cho Ngoại trưởng S. Kurz, thủ lĩnh đảng Nhân dân (OeVP), thành lập chính phủ mới sau khi OeVP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ở nước này hôm 15-10 vừa qua.

Phát biểu trước chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 15-10, Ngoại trưởng S. Kurz khẳng định, kết quả trên là “một sự ủy thác mạnh mẽ của cử tri để thay đổi đất nước”. Ông cam kết: “Tôi sẽ hành động vì sự thay đổi lớn ở đất nước. Ðã đến lúc thiết lập một phong cách chính trị mới và một văn hóa mới ở đất nước này”.

Ông S. Kurz cam kết sẽ theo đuổi chính sách siết chặt nhập cư và không để người nhập cư hưởng các phúc lợi xã hội cho đến khi sống tại Áo trong 5 năm. Ông S. Kurz từng tuyên bố nếu trở thành Thủ tướng, ông sẽ cắt đứt những con đường di cư chính đến châu Âu qua bán đảo Balkan và Ðịa Trung Hải. Trong khi đó, Thủ tướng C. Kern nói rằng, ông tôn trọng sự lựa chọn của cử tri. Ông cũng thừa nhận đảng của mình mắc một số sai lầm, nhưng xét về bối cảnh nền dân chủ xã hội tại châu Âu như hiện nay, ông cho rằng kết quả đó là chấp nhận được.

Ông S. Kurz, 31 tuổi, có biệt danh “wunderwuzzi” (tuổi trẻ tài cao). Ông tham gia vào đảng Nhân dân (OeVP) từ năm 16 tuổi và đến năm 2010, ông trở thành cố vấn Hội đồng thành phố Vienna sau thành công ở kỳ bầu cử địa phương. Tháng 4-2011, khi chưa tròn 25 tuổi, chàng sinh viên ngành Luật của Ðại học Vienna chính thức đặt chân vào nội các Áo ở vị trí Thứ trưởng chuyên trách Hòa nhập xã hội trực thuộc Bộ Nội vụ. Từ năm 2013, ông S. Kurz đã thu hút sự chú ý của thế giới khi được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng ở tuổi 27 và là ngôi sao sáng của OeVP. Ðến tháng 5-2017, ông được chọn làm lãnh đạo OeVP và gây chú ý với tuyên bố rút khỏi chính phủ liên hiệp với đảng Dân chủ Xã hội (SPO) vốn đã kéo dài một thập niên. Sự kiện này đã dẫn đến cuộc tổng tuyển cử sớm ngày 15-10-2017.

Lý giải về chiến thắng của đảng OeVP, các nhà phân tích cho rằng, có lẽ đó là nhờ vào việc ông S. Kurz theo đuổi chính sách nói không với người nhập cư. Chính quan điểm này đã giúp OeVP giành ưu thế trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua giữa lúc châu Âu vẫn đang đau đầu với cuộc khủng hoảng nhập cư và tị nạn. Tuy nhiên, cũng chính vì vậy mà tại châu Âu đã nảy sinh lo ngại về một nước Áo thiên hữu và không còn gắn bó với EU như trước. Bên cạnh đó, chiến thắng của ông S. Kurz và đảng OeVP lại đang đặt Thủ tướng Ðức A. Merkel và Tổng thống Pháp E. Macron, những người có quan điểm ủng hộ châu Âu, vào thế khó khăn trong bối cảnh cả hai nhà lãnh đạo này đang thúc đẩy những cải cách ở khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và theo đuổi chính sách hỗ trợ người tị nạn. Trong khi vị tân thủ tướng tương lai của Áo và cả thủ lĩnh của đảng FPO (đảng dự kiến liên minh với OeVP), Heinz Christian Strache, lại đều có quan điểm chống người nhập cư.

Kết quả của cuộc bầu cử này ở Áo đã đặt ra một mối lo ngại đối với EU, khi các đảng dân túy, cực hữu đang nhận được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Những tưởng châu Âu đã chặn được sự trỗi dậy của tư tưởng cực hữu ở các quốc gia thành viên kể từ sau kết quả của các cuộc bầu cử ở Hà Lan hay Pháp. Tuy nhiên, cuộc bầu cử ở Ðức hồi tháng 9-2017 với việc đảng Sự lựa chọn vì nước Ðức (AfD) có quan điểm chống người nhập cư lần đầu tiên giành được ghế tại Quốc hội, và hiện giờ là cuộc bầu cử ở Áo, đã cho thấy một thực tế chông chênh với EU.

Tấn công khủng bố đẫm máu tại Somalia

 
 Vụ đánh bom tại thủ đô Mogadishu (Somalia). Ảnh: Reuteurs

Vụ đánh bom kép xảy ra ở trung tâm thủ đô Mogadishu (Somalia) tối 14-10 (giờ địa phương) đã khiến ít nhất 276 người thiệt mạng và gần 300 người bị thương. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Somalia kể từ năm 2007, khi nhóm khủng bố al-Shabab bắt đầu làn sóng tấn công tại quốc gia châu Phi này.

Theo cảnh sát thành phố, vụ nổ đầu tiên xảy ra gần khách sạn Safari tại nút giao lộ K5 ở quận Hodan, gần Bộ Ngoại giao Somalia. Khoảng 2 giờ đồng hồ sau, một vụ nổ khác đã làm quận Medina rung chuyển. Theo các nguồn tin thân cận của chính phủ Somalia, bọn khủng bố đã dùng một xe tải chở hàng trăm cân thuốc nổ quân dụng và bom tự tạo để thực hiện vụ tấn công nhằm vào trụ sở Bộ Ngoại giao Somalia. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong vòng 10 năm qua tại Somalia và được xác nhận là một “thảm họa quốc gia”. Vụ đánh bom kinh hoàng xảy ra chỉ hai ngày sau khi người đứng đầu Tư lệnh Mỹ - Phi có mặt tại Mogadishu để gặp Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Mohamed.

Ngày 15-10, Tổng thống Somalia Mohamed Abdullahi Farmaajo đã lên án các vụ tấn công bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất, cáo buộc nhóm al-Shabab là thủ phạm. Ông A. Farmaajo đã ban bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân, đồng thời kêu gọi hiến máu và quyên góp cho các nạn nhân bị thương. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, các nhà lãnh đạo, chính trị gia, nhà hoạt động xã hội… trên khắp thế giới đều lên án vụ đánh bom kép tại thủ đô Mogadishu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres bày tỏ lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân, khen ngợi phản ứng nhanh chóng của chính quyền và người dân Mogadishu trong việc khắc phục hậu quả, đồng thời kêu gọi Somalia đoàn kết chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực. Đặc phái viên Liên hợp quốc tại Somalia M. Keating cho biết, hiện phái bộ của Liên hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) đang phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ chính phủ Somalia và chính quyền địa phương giải quyết tình tình, bao gồm cung cấp hỗ trợ hậu cần, thuốc men và chuyên gia. Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat kêu gọi chính phủ Somalia đoàn kết trong giờ khắc này, vượt qua sự chia rẽ để xây dựng lại sự gắn kết tập thể. Cơ quan Liên chính phủ về phát triển (IGAD) bày tỏ sẵn sàng ủng hộ Somalia phòng, chống khủng bố thông qua các cơ chế hiện có ở cấp châu lục và khu vực. IGAD cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục cam kết chống lại các nhóm khủng bố thông qua cung cấp những hỗ trợ cần thiết cho quân đội Somalia và phái bộ AU tại Somalia.

Trong khi đó, Hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cũng chia buồn sâu sắc với tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Somalia và gia đình các tình nguyện viên thiệt mạng. Các nước Mỹ, Anh, Canada và Pháp cũng kịch liệt lên án vụ tấn công, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục sát cánh với chính phủ và nhân dân Somalia, và các đồng minh quốc tế để chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố, nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Ankara sẽ điều máy bay mang theo thuốc men đến trợ giúp cứu chữa cho những người bị thương, đồng thời cho biết có thể đưa người về Thổ Nhĩ Kỳ điều trị. Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) kịch liệt lên án loạt vụ tấn công ở Somalia và bày tỏ đoàn kết với chính phủ Somalia đối mặt với chủ nghĩa bạo lực và cực đoan.

Syria: Chiến dịch chống khủng bố đang dần đi đến hồi kết

 
 Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Shoigu. Ảnh: Debkea.com

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga vừa khẳng định chiến dịch chống khủng bố tại Syria sắp kết thúc. Động thái này cho thấy tình hình Syria đang chuyển biến tích cực cả trên chiến trường lẫn trong các cuộc đàm phán, mở ra hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 7.

Ngày 16-10-2017, trong chuyến thăm hai ngày tại Israel để thảo luận một số vấn đề về hợp tác song phương cũng như tình hình an ninh khu vực, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria, Bộ trưởng Quốc phòng Nga S. Shoigu đã khẳng định chiến dịch chống khủng bố tại Syria đang dần đi đến hồi kết.

Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Israel A. Lieberman, Bộ trưởng S. Shoigu nhấn mạnh: “Tôi muốn thảo luận tất cả mọi thứ liên quan đến Syria. Chiến dịch chống khủng bố tại đây sắp hoàn tất. Có một số vấn đề cần đến những giải pháp cấp bách cũng như sự trao đổi về triển vọng cải thiện tình hình tại Syria". Bộ trưởng S. Shoigu bày tỏ tin tưởng rằng, công tác đối thoại hiện nay sẽ giúp các bên hiểu rõ nhau hơn, đồng thời góp phần vào việc củng cố những mối quan hệ hữu nghị.

Trước đó, ngày 13-10, Quân đội Nga cho biết, quân đội chính phủ Syria dưới sự yểm trợ của máy bay chiến đấu Nga đã giải phóng phần lớn lãnh thổ Syria và hiện chỉ còn chưa đầy 8% diện tích quốc gia Trung Đông này đang nằm trong tay Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Theo người đứng đầu Trung tâm Chỉ huy Trung ương thuộc Bộ Tổng Tham mưu Quân đội Nga S. Rudskoi, phần lãnh thổ Syria bị IS chiếm đóng đã giảm 5.841 km2 trong tháng qua và 142 khu dân cư đã được giải phóng.

Việc quân đội Syria cho đến nay đã giải phóng được hơn 90% phần lãnh thổ mà IS chiếm đóng tại Syria, là một trong những kết quả của chiến dịch hỗ trợ quân sự hiệu quả mà Nga triển khai suốt hai năm qua tại quốc gia này. Kể từ ngày 30-9-2015, sau khi Tổng thống Nga V. Putin chỉ thị cho Không quân Nga tham gia hỗ trợ quân đội Syria chống khủng bố theo đề nghị của chính quyền Tổng thống al-Assad, Lực lượng Không quân Nga đã tiến hành 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt hơn 96.000 mục tiêu của IS và hơn 53.700 phiến quân.

Có thể khẳng định, sự can thiệp quân sự kịp thời cũng như hỗ trợ vũ khí hiệu quả của Nga đã giúp đảo ngược tình thế, liên tiếp đem lại thắng lợi lớn cho quân đội chính phủ Syria. Nếu nhìn vào bối cảnh trước tháng 9-2015, thời điểm lực lượng quân đội Syria mất dần lãnh thổ vào tay phe đối lập và các nhóm khủng bố, việc giải phóng các thành phố quan trọng này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc chiến chống IS ở Syria. Tại thời điểm đó, IS và nhóm Mặt trận Al-Nusra có quan hệ với tổ chức Al-Qaeda còn chiếm giữ căn cứ cuối cùng của quân chính phủ ở tỉnh Idlib, miền Bắc Syria, đồng thời kiểm soát tuyến giao thông huyết mạch nối Latakia với Idlib, cũng như phần lớn vùng đồng bằng Sahl al-Ghab ở phía Đông Nam Syria. Thay vì ở thế tấn công tiêu diệt khủng bố, quân đội chính phủ Syria lại rơi vào thế buộc phải phòng thủ trước đòn tấn công của cả IS và các lực lượng phiến quân. Chính vì vậy, sau những kết quả tích cực đạt được trong hai năm qua, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Syria Walid al-Muallem tuyên bố chiến thắng quân sự của quân đội chính phủ Syria trong cuộc chiến kéo dài hơn 6 năm qua hiện đã ở trong tầm tay.

Cục diện mới này tại Syria đã mở ra cơ hội chấm dứt cuộc xung đột dai dẳng cướp đi sinh mạng của hơn 320.000 người và khiến hàng triệu người bị mất nhà cửa gây ra cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử.

Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 19: Vì một thế giới tốt đẹp hơn

 
 Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 19. Ảnh: nhandan.com.vn

Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 19 diễn ra tại thành phố Sotri (Nga), từ ngày 15 đến 22-10. Đây là một ngày hội lớn của tuổi trẻ các nước đấu tranh cho hòa bình và tiến bộ xã hội.

Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới là một trong những hoạt động do Liên đoàn Thanh niên dân chủ thế giới (WFDY) tổ chức nhằm tập hợp đông đảo thanh niên, sinh viên thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Mùa hè năm 1945, tại London (Anh) đã diễn ra Hội nghị Thanh niên Thế giới bàn về lý tưởng vì hòa bình của thanh niên trước những hậu quả nặng nề của Chiến tranh thế giới thứ hai. Chính trong hội nghị này, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ Thế giới đã được thành lập và ý tưởng tổ chức định kỳ Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới đã chính thức ra đời từ đó. Thời gian đầu, các festival tập trung vào các hoạt động văn hóa, thể thao và giải trí. Các festival sau đó dần mở rộng sang cả các vấn đề chính trị với sự tham gia ngày càng đông đảo của các tầng lớp, không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, phong tục tập quán. Tiêu chí của các festival cũng được xác định rõ về các vấn đề như: những tiến bộ của xã hội; bảo vệ các ý tưởng hòa bình, hữu nghị và đoàn kết. Trải qua 70 năm, kể từ năm 1947 đến nay, đã có 18 kỳ Festival Thanh niên, Sinh viên thế giới được tổ chức tại nhiều quốc gia khác nhau. Festival Thanh niên, Sinh viên thế giới vẫn luôn khẳng định là một trong những hoạt động chính trị quốc tế quan trọng và là diễn đàn lớn của thanh niên, do Liên đoàn Thanh niên Dân chủ thế giới (WFDY) tổ chức. Tại mỗi thời điểm, nội dung hoạt động cụ thể của Festival có những điểm khác nhau trên nhiều phương diện, nhưng tinh thần nổi bật xuyên suốt qua các kỳ Festival là thể hiện lòng yêu chuộng tự do, hòa bình và phát triển của đông đảo giới trẻ, cùng xiết chặt tay nhau đoàn kết chống lại áp bức, bất công.

Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 19 năm nay mang chủ đề: “Vì hòa bình, đoàn kết và công bằng xã hội, chúng ta đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc - Tôn vinh quá khứ, xây dựng tương lai”. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những thông điệp chính mà Festival 19 muốn gửi đến không chỉ giới thanh niên mà dành cho tất cả mọi người trên thế giới.

Festival Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ 19 thu hút khoảng 20.000 đại biểu đại diện cho khoảng 180 nước trên thế giới, song thực tế vào ngày khai mạc (ngày 15-10), cơ quan báo chí của Festival cho biết số khách đến Sochi đã vượt quá con số này. Với khoảng 450 hoạt động được lên kế hoạch, cùng với số lượng đại biểu rất lớn, Ban tổ chức Festival đã huy động được một lực lượng tình nguyện viên hùng hậu lên đến 5.000 người, trong đó có 314 tình nguyện viên nước ngoài bao gồm cả Việt Nam, để hỗ trợ thông tin cho các đại biểu.

Trong lễ khai mạc ngày 15-10, phát biểu trước sự chào đón nồng nhiệt của toàn thể Cung Thể thao Lớn của Công viên Olympic, thành phố Sochi (Nga), Tổng thống V. Putin đã nêu bật những đóng góp và khả năng của giới trẻ trong đời sống, đề cao giá trị lan truyền mãnh liệt của năng lượng cũng như tài năng của tuổi trẻ. Ông V. Putin nhấn mạnh, Festival Thanh niên và Sinh viên lần thứ 19 mang tính chất đại diện nhất trong tất cả các kỳ liên hoan, trong đó thanh niên các nước, các dân tộc, các tôn giáo, đều có chung cảm nhận về giá trị và mục đích, chung khát vọng với tự do, hòa bình và hòa giải trên hành tinh, chung khao khát sáng tạo và thành công. Theo nhà lãnh đạo nước Nga, giới trẻ luôn đem lại những ý tưởng mới mẻ cho thế giới, và do đó người đứng đầu nước Nga chủ nhà của Festival 19 kêu gọi thanh niên hãy tự xây dựng tương lai của chính mình, thay đổi thế giới tiến đến một thế giới tốt đẹp hơn.

Bước tiến trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines

 
 Một người lính Philippine được nhìn thấy qua lỗ hổng trong bức tường của một tòa nhà bị hư hại ở vùng Mapandi của Marawi trên đảo Mindanao miền Nam ngày 30-8-2017. Ảnh: CNN

Ngày 17-10, Tổng thống Philippines R. Duterte tuyên bố quân đội chính phủ đã giải phóng hoàn toàn thành phố Marawi trên đảo Mindanao, ở miền Nam nước này sau 5 tháng giao tranh với phiến quân Hồi giáo Maute thân IS tại đây. Đây được xem là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines nói riêng và của Đông Nam Á nói chung.

Tuyên bố của ông R. Duterte đưa ra sau khi Isnilon Hapinlon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf và Omar Maute, kẻ cầm đầu phiến quân Maute, hai nhóm phiến quân thân IS ở Marawi, bị tiêu diệt trong một chiến dịch tấn công của quân đội hôm 16-10. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines D. Lorenzana cũng cho biết, các binh sĩ chính phủ vẫn đang truy lùng phần tử khủng bố người Malaysia tên là Mahmud bin Ahmad, đối tượng đã chỉ đạo và tài trợ cho cuộc vây hãm thành phố Marawi. Hiện vẫn còn khoảng 10 - 20 phiến quân Hồi giáo còn cố thủ ở Marawi, trong đó có 6 - 8 tay súng nước ngoài. Chúng giữ khoảng 20 con tin, kể cả phụ nữ và trẻ nhỏ.

Cách đây gần 5 tháng (bắt đầu ngày 23-5-2017), giao tranh ở Philippines đã bắt đầu bùng phát sau khi những phiến quân được trang bị vũ khí hạng nặng tấn công Marawi, thành phố với 200.000 dân trên đảo Mindanao. Khi đó, quân đội Philippines đang truy lùng Isnilon Hapilon, phần tử đứng đầu chi nhánh của IS tại Philippines, được cho là đang ẩn náu trong thành phố này. Trong bối cảnh đó, nhằm chặn đứng nguy cơ IS thiết lập căn cứ tại Marawi, Tổng thống R. Duterte đã ban bố lệnh thiết quân luật trên toàn đảo Mindanao đến cuối năm 2017 nhằm tạo điều kiện cho lực lượng an ninh quét sạch khủng bố tại đây. Kể từ đó, quân đội Philippines đã nỗ lực đẩy mạnh các chiến dịch không kích nhằm vào phiến quân Hồi giáo đang chiếm giữ một số khu vực ở thành phố Marawi.

Có thể thấy, chiến sự kéo dài 5 tháng qua giữa quân đội chính phủ Philippines và nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan Maute tuyên bố trung thành với IS tại thành phố Marawi, cho thấy mức độ nguy hiểm của IS và chúng đã thay đổi chiến lược “vươn vòi bạch tuộc” sang Đông Nam Á sau khi bị thu hẹp khu vực kiểm soát ở Iraq và Syria. Không phải ngẫu nhiên IS lại chọn khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực có dân số trên 600 triệu người, trong đó cộng đồng Hồi giáo lên tới gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Malaysia, Indonesia, Philippines. Thực tế cho thấy IS đã có một chiến lược khá bài bản để hiện thực hóa âm mưu bành trướng sang Đông Nam Á, khi bắt tay với các nhóm phiến quân trong khu vực như Jemaah Islamiyah ở Indonesia, Abu Sayyaf ở Philippines. Các số liệu thống kê cho thấy hơn 1.000 phần tử cực đoan từ các nước Đông Nam Á đã tham chiến trong hàng ngũ IS tại khu vực Trung Đông. Do đó, việc quân đội Philippines đẩy lùi được phiến quân Hồi giáo tại thành phố Marawi lần này được đánh giá là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống khủng bố của Philippines nói riêng và của toàn khu vực Đông Nam Á nói chung.

Trước tuyên bố khẳng định Marawi đã được giải phóng của Tổng thống R. Duterte, Thị trưởng Marawi U. Gandamra đã lên tiếng hoan nghênh và nhận định: “Sự chống cự của các phần tử còn lại sẽ không gây ra quá nhiều khó khăn. Chỉ trong vài ngày nữa thôi, cuộc chiến tại Marawi sẽ chấm dứt”. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Philippines vẫn cần phải củng cố mạng lưới tình báo, tăng cường an ninh và tránh tái lập sai lầm để mất Marawi vào tay lực lượng cực đoan, đồng thời tăng cường ngăn chặn các nhóm khủng bố tuyển thêm tân binh./.