Nợ xấu của các tổ chức tín dụng và các giải pháp chiến lược

TS. Hoàng Xuân Hòa, ThS. Trần Kim Anh Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương
23:21, ngày 19-11-2013
TCCSĐT - Nợ xấu cao của các tổ chức tín dụng là hệ quả của những yếu kém trong quản lý, điều hành quá trình phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường; nợ xấu cao sẽ là vật cản kìm hãm, làm chậm quá trình luân chuyển vốn của nền kinh tế và tác động tiêu cực đến sản xuất, lưu thông hàng hóa.

Nhận diện bức tranh nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam 

Theo tiêu chuẩn phân loại quốc tế, mức cảnh báo cần xem xét là khi nợ xấu ở ngưỡng trên 3% GDP, trong khi đó, hiện mức nợ xấu ở nước ta đã vượt hơn mức chuẩn quốc tế rất nhiều, ở mức đáng báo động. Nguy cơ lớn hơn là, tăng trưởng kinh tế thấp, thị trường bất động sản đóng băng, sẽ càng làm nợ xấu tăng nhanh, khó xử lý hơn. 

Trong những năm qua, từ chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ, hệ thống ngân hàng tăng rất nhanh cả về số lượng và quy mô tài sản. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh về số lượng đã không đi kèm với chất lượng, nhiều ngân hàng với năng lực quá yếu, tài chính và tín dụng siêu nhỏ, công tác quản trị lỏng lẻo, bộc lộ nhiều bất cập và chứa đựng nhiều rủi ro tài chính, gây ảnh hưởng xấu đến toàn hệ thống tài chính, tín dụng của nước ta. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, từ năm 2008 đến nay, nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam có xu hướng tăng nhanh. Trung bình giai đoạn 2008 - 2011, dư nợ bình quân nợ xấu khá cao, khoảng 51%. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tại thời điểm 30-11-2012 là 3,43%, song theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội, nợ xấu tại thời điểm thanh tra của Ngân hàng Nhà nước là 8,82% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế, khoảng 250.000 tỷ đồng (khoảng 12 tỷ USD), tương đương 10% GDP. Ngoài ra, con số nợ xấu này chưa tính đến nợ tồn đọng xây dựng cơ bản (chủ yếu của các địa phương), hiện đang dự tính khoảng 90.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế, nợ xấu tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán; trong đó nợ xấu tại khu vực doanh nghiệp nhà nước rất lớn. Những số liệu của một số nhà nghiên cứu cho thấy, khu vực doanh nghiệp nhà nước hiện đóng góp vào 70% nợ xấu của toàn hệ thống, trong đó các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chiếm 53% số nợ xấu. Xu hướng gia tăng nợ của các doanh nghiệp sẽ góp phần làm cho tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng ngày càng nghiêm trọng hơn. Nợ xấu theo nhóm ngành nghề của các tổ chức tín dụng cũng tăng, trong đó có 6 ngành kinh tế chiếm tỷ lệ nợ xấu cao nhất, là: công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 22,5% tổng nợ xấu toàn hệ thống; hoạt động kinh doanh bất động sản và dịch vụ là 7,83% và 19,25%; buôn bán, sửa chữa, ô tô, xe máy 18,52%; vận tải, kho bãi chiếm 11% và xây dựng là 9,5%. Việc gia tăng nợ xấu nhóm thương mại và dịch vụ, trong đó có ngành vận tải biển, cho thấy khó khăn của thị trường tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ trong nước và quốc tế đã tác động mạnh đến ngành này.

            Bảng 1: Nợ xấu của các ngân hàng thương mại Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

Tổng nợ xấu (tỷ đồng)

26.970

35.875

49.064

85.967

185.205

Tổng dư nợ (tỷ đồng)

1.242.857

1.750.000

2.271.500

2.504.911

3.086.750

Tỷ lệ nợ xấu/ tổng dư nợ (%)

2,17

2,05

2,16

3,43

6

    Nguồn: Báo cáo tổng kết hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giai đoạn 2005 - 2012

Những tháng đầu năm 2013, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng cao ở mức 4,67% (vào tháng 4-2013) và đến tháng 6 giảm xuống còn 4,46%. Mức giảm này được Ngân hàng Nhà nước đánh giá là do các ngân hàng thương mại đã tăng cường trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, thu hồi và xử lý nợ xấu. Tuy vậy, con số này vẫn được xem là cao vì theo ước tính thì nó chiếm khoảng gần 6% GDP và vẫn có nguy cơ gia tăng. Hơn nữa, trong vòng 5 tháng, tỷ lệ nợ xấu giảm nhanh đã đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lo ngại về tỷ lệ nợ xấu thực mà các ngân hàng chưa công bố còn cao hơn nhiều. Vì vậy, trong thực tế của bức tranh tài chính, tiền tệ Việt Nam, nợ xấu là vấn đề đáng báo động.

Hình 1: Tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng các tháng đầu năm 2013

                                                                                       (đơn vị: %) 

                 Nguồn: Ngân hàng Nhà nước





Hiện tại, đã có khoảng 15 ngân hàng công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm. Trong số các ngân hàng đã niêm yết thì tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SHB) đang dẫn đầu với 9%, tiếp đến là Ngân hàng Thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank) với 6,1% và Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) là 5,28%. Các ngân hàng còn lại đều có nợ xấu dưới 3% như Ngân hàng Thương mại Á Châu (ACB) là 2,99%; Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là 2,55%: Ngân hàng Thương mại cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) 2,1%; Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) 2,81%; Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) 1,49%, Ngân hàng Quân đội (MB) 2,44%. Sáu tháng đầu năm 2013, nợ xấu của các ngân hàng là sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5 (có khả năng mất vốn). Tại thời điểm 30-6-2013, nợ nhóm 5 đã chiếm gần 50% tổng nợ xấu của các ngân hàng này. 

Như vậy, theo báo cáo của các ngân hàng, nợ xấu có vẻ đã giảm khi hầu hết ngân hàng đều có tỷ lệ nợ xấu dưới mức 3% - mức được xem là an toàn, có thể chấp nhận được trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, theo tính toán, các ngân hàng này chiếm khoảng 75% tổng dư nợ của toàn hệ thống và còn nhiều ngân hàng vẫn chưa công bố rõ tình hình nợ xấu của mình. Điều này cho thấy, các khoản nợ xấu vẫn đáng lo ngại, đặc biệt là sự gia tăng liên tục của nợ nhóm 5. 

Trong khi đó, kết quả khảo sát mới đây của Vụ Dự báo thống kê tiền tệ (thuộc Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, trong số 124 tổ chức tín dụng tham gia khảo sát, có khoảng 30 tổ chức tín dụng khai báo tỷ lệ nợ xấu ở mức trên 3%, chiếm khoảng 1/4 số lượng tổ chức tín dụng hiện nay. Báo cáo cũng cho thấy, có tới trên 50% tổ chức tín dụng dự kiến tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2013 sẽ không đổi, hoặc tăng so với cuối năm 2012.

Dù những số liệu công bố chưa thể phản ánh được hết thực trạng tình hình nợ xấu của các ngân hàng hiện nay, nhưng qua các con số trên, bức tranh cơ bản của nợ xấu đã hiện ra khá rõ - vẫn còn nhiều gam màu tối. Và thực tế, nợ xấu của các ngân hàng hiện nay vẫn còn “xấu” dù đã có những dấu hiệu giảm đáng kể sau những nỗ lực khắc phục của các ngân hàng.

Nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được phản ánh trung thực, do cách hạch toán, phân loại nợ. Đây lại là nơi khó thanh lý tài sản hoặc cổ phần nhà nước theo giá thị trường trong giai đoạn kinh tế suy giảm mạnh (khác với các doanh nghiệp tư nhân, vốn có thể dễ dàng bán tài sản hoặc nhượng cổ phần cho các doanh nghiệp khác để có tiền trả nợ ngân hàng nhằm tránh phá sản). Vì vậy, các khoản nợ mà các doanh nghiệp nhà nước vay thường phải trông đợi vào sự hỗ trợ của ngân sách nhà nước dưới các hình thức xóa nợ, khoanh nợ, chuyển nợ, bổ sung vốn… Một đặc điểm nổi bật là, nợ xấu của các tổ chức tín dụng và của các doanh nghiệp Việt Nam gắn khá chặt chẽ với khu vực bất động sản. Dư nợ cho khu vực này vay chiếm dưới 16% nhưng các tài sản thế chấp bằng bất động sản cho các khoản vay khác nhau chiếm tới 60% - 70% tổng giá trị tài sản thế chấp. Khi thị trường bất động sản suy giảm, những khoản nợ xấu, nợ quá hạn được thế chấp bởi bất động sản sẽ rất khó thanh lý. Bên cạnh đó, chế tài xử lý các tài sản bảo đảm chưa minh bạch, không thuận lợi; chưa có cơ chế phù hợp để xử lý các tài sản bảo đảm, thế chấp tại ngân hàng. Do vậy, ngân hàng thường khó xử lý, phát mại các tài sản để bù đắp các khoản nợ khó đòi. Việc thanh lý mạnh các tài sản thế chấp sẽ lại tiếp tục khiến cho giá bất động sản suy giảm thêm và làm trầm trọng thêm tình hình nợ xấu của nền kinh tế. Chính đặc điểm này khiến cho công tác xử lý nợ xấu sẽ càng gặp nhiều trở ngại hơn trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế. 

Nợ xấu của các tổ chức tín dụng làm ách tắc dòng chu chuyển vốn trong nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với các tổ chức tín dụng mà còn cả đối với khu vực doanh nghiệp. Do bị đọng vốn trong nợ xấu, các tổ chức tín dụng không có điều kiện mở rộng tín dụng cho nền kinh tế nên hoạt động sản xuất, kinh doanh càng gặp khó khăn hơn. Ngoài ra, nợ xấu còn ảnh hướng lớn đến tính an toàn, hiệu quả và tính thanh khoản của các tổ chức tín dụng. Nợ xấu hiện nay đã làm tăng chi phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả hoạt động kinh doanh, tài chính của các doanh nghiệp. 

Xác định những nguyên nhân cơ bản 

Nguyên nhân nợ xấu của các tổ chức tín dụng tăng cao, chủ yếu do một số nguyên nhân cơ bản sau: 

- Chính sách tiền tệ nới lỏng kéo dài, tín dụng của ngân hàng là nguồn chính để tài trợ cho đầu tư của nền kinh tế, nhưng một phần lớn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực phi sản xuất bao gồm cả thị trường bất động sản, làm suy giảm chất lượng tín dụng và dẫn đến lạm phát cao. Lạm phát tăng mạnh đã làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng, người dân thắt chặt chi tiêu dẫn đến cầu nội địa suy giảm mạnh. Cùng với đó, tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu cũng khiến cầu nước ngoài suy giảm. Tổng cầu giảm khiến lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao, doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa, không quay vòng được vốn, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng ngừng hoạt động, thậm chí phá sản, giải thể. Ngoài ra, lạm phát biến động mạnh và bất thường làm cho môi trường kinh doanh trở nên bất định hơn, gây ảnh hưởng xấu đến kết quả tài chính và khả năng trả nợ ngân hàng của doanh nghiệp.

- Thị trường bất động sản trầm lắng cũng là một nguyên nhân chính gây ra nợ xấu bất động sản tăng cao. Do tác động khủng hoảng tài chính cùng với chính sách hạn chế tín dụng cho các lĩnh vực phi sản xuất, các dòng vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản (bao gồm cả tín dụng bất động sản và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều suy giảm mạnh khiến giao dịch trên thị trường này khá ít ỏi, bất chấp giá mặt hàng này đã giảm tương đối mạnh, số lượng hàng tồn bất động sản ngày càng lớn. Nhiều dự án bị tạm ngưng do thiếu vốn, thị trường ảm đạm kéo dài khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng thua lỗ, không có tiền trả nợ ngân hàng, dẫn đến nguy cơ nợ bất động sản trở thành nợ xấu.

- Áp lực cấp tín dụng cho doanh nghiệp nhà nước từ các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối cao. Cho đến nay, ngân hàng thương mại nhà nước vẫn là người cho vay lớn nhất đối với doanh nghiệp nhà nước vì các lý do khác nhau. Do vậy, nhiều dự án kém hiệu quả cũng như một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động yếu kém vẫn được vay vốn. Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn vốn không được kiểm soát một cách chặt chẽ gây lãng phí lớn nguồn vốn vay. Trong bối cảnh chu kỳ kinh tế biến động bất thường, hậu quả tất yếu là nhiều doanh nghiệp, dự án không đủ khả năng để trả nợ, góp phần gia tăng nợ xấu trong khu vực này.

- Năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và mức độ rủi ro trong hoạt động. Với nhiều ngân hàng thương mại, nguồn vốn huy động ngắn hạn chiếm tới 70% - 80% tổng nguồn, thậm chí đối với một số ngân hàng, tỷ trọng này còn cao hơn, trong khi tỷ trọng cho vay trung hạn và dài hạn không nhỏ. Với độ vênh lớn về kỳ hạn giữa tài sản có và tài sản nợ, thì vấn đề thiếu thanh khoản, tiềm ẩn rủi ro thanh toán là lớn. Mặt khác, do áp lực tăng tổng tài sản, nhiều ngân hàng bằng mọi cách để có vốn, cách mà các ngân hàng thương mại sử dụng chủ yếu là dùng lãi suất huy động cao, tất yếu lãi suất cho vay cũng rất cao. Lãi suất cho vay càng cao, thì rủi ro từ phía khách hàng không trả được nợ khi đến hạn sẽ càng lớn, nợ xấu của các ngân hàng tăng mạnh là điều dễ hiểu.

- Sở hữu chéo, đầu tư ngoài ngành của các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước diễn ra phổ biến đã dẫn tới các khoản cho vay, đầu tư lòng vòng, bất chấp quy định, gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, sở hữu chéo dẫn tới rủi ro nhóm ngân hàng liên quan và rủi ro liên thông giữa các thị trường bất động sản, chứng khoán do các ngân hàng Việt Nam đều liên quan tới kinh doanh bất động sản, chứng khoán. 

- Một số cán bộ ngân hàng suy thoái đạo đức nghề nghiệp, cấu kết, móc ngoặc với doanh nghiệp để trục lợi cá nhân và cho vay không đúng quy định. 

- Hiệu quả công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế, nhất là không kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm quy định về hạn chế cấp tín dụng và đầu tư một số lĩnh vực rủi ro cao.

Đề xuất về một số giải pháp chiến lược

Từ kinh nghiệm thực tế của thế giới cho thấy, để giải quyết vấn đề nợ xấu trong nền kinh tế phải mất một thời gian khá dài, từ 5 đến 10 năm, do vậy đối với Việt Nam, chúng ta cần phải có một lộ trình mang tính chiến lược cụ thể thì mới có thể giải quyết tận gốc rễ của vấn đề. Cần sử dụng các biện pháp can thiệp đa dạng, cả vai trò hỗ trợ của Nhà nước và sự chủ động của các ngân hàng thương mại, trong sự phối hợp với các doanh nghiệp. Cụ thể là:

- Thứ nhất, nợ xấu là vấn đề không thể xử lý ngay được mà phải có lộ trình cụ thể, lâu dài. Trước mắt, các tổ chức tín dụng phải chủ động tự xử lý nợ xấu thông qua việc nâng cao chất lượng quản trị điều hành, kiểm toán nội bộ, phát triển hệ thống quản trị rủi ro và các chiến lược phát triển kinh doanh, thủ tục cấp tín dụng theo hướng lành mạnh, thận trọng; phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ và xem xét miễn, giảm lãi suất hợp lý cho khách hàng có triển vọng tốt sau cơ cấu lại nợ. Tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, đôn đốc, thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm. Bên cạnh đó, khách hàng vay nợ cũng phải tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị, tăng cường ứng dụng công nghệ và khả năng cạnh tranh, cơ cấu lại nợ, tháo gỡ khó khăn sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp.

- Thứ hai, vấn đề nợ xấu có liên quan rất lớn tới hàng tồn kho và bất động sản. Do đó, cần phải tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư, tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế như tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư phát triển bằng nguồn vốn trong nước và nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức và quản lý có hiệu quả thị trường tiêu thụ hàng hóa, kích thích đầu tư, mua hàng hóa bất động sản, như việc mua lại một số công trình bất động sản sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được để phục vụ cho an sinh xã hội. Ban hành cơ chế, chính sách xử lý nợ xấu trong ngắn hạn, không để vấn đề lợi ích nhóm chi phối, không biến nợ ngân hàng thành nợ của Chính phủ để cuối cùng Nhà nước phải chịu. Ngân sách nhà nước sẽ được bố trí sử dụng hợp lý trong việc mua lại các dự án bất động sản để phục vụ cho các mục đích công, nhà ở chính sách, nhà ở xã hội; phục vụ để kinh doanh thông qua các công ty quản lý tài sản nhà nước như Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Công ty mua bán nợ...; mua hoặc xóa nợ cho nông dân do thiên tai, mất mùa, dịch bệnh, những tổn thất do sự bất ổn của thị trường...; xử lý nợ đầu tư công của các chính quyền địa phương để thúc đẩy doanh nghiệp luân chuyển vốn vay khi ngân sách thanh toán (theo ước tính nợ tồn đọng xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng). Có biện pháp xử lý đối với các khoản nợ xấu phát sinh do thực hiện cho vay theo chỉ đạo hoặc chủ trương, chính sách của Chính phủ mà không có tài sản bảo đảm và không có khả năng thu hồi; các khoản vay đầu tư công ứng trước của chính quyền địa phương. 

- Thứ ba, cần phân loại nợ xấu để có biện pháp xử lý riêng phù hợp. Nợ xấu ở các tổ chức tín dụng chính là nợ không có khả năng chi trả của khách hàng mà phần lớn là doanh nghiệp, nợ xấu nằm trong mạng lưới nợ của các doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp đang nợ ngân hàng lại nằm trong mạng lưới nợ lẫn nhau. Do đó, nếu xử lý không khéo thì sẽ kéo theo sự sụp đổ dây chuyền. Vì thế, cần phải có giải pháp cụ thể cho từng loại nợ xấu, từng loại doanh nghiệp để bảo đảm xử lý tốt nợ xấu.

- Thứ tư, nâng cao năng lực xử lý nợ của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) thông qua việc hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xử lý nợ xấu, hoạt động mua bán, chứng khoán hóa tài sản xấu của các tổ chức tín dụng. Các khoản nợ xấu phải được định giá khách quan, bảo đảm sự minh bạch và không bị chi phối bởi lợi ích nhóm hoặc cơ chế xin - cho…; cần hình thành thị trường các công ty mua bán nợ với các quy mô nhỏ, linh hoạt, dễ dàng xử lý hơn. Nhà nước có thể tham gia để điều chỉnh thị trường, chứ không nên chỉ thành lập một công ty để gom lại tất cả các khoản nợ xấu và tài sản thế chấp.

- Thứ năm, tranh thủ sự ủng hộ của các định chế tài chính và tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia quá trình xử lý nợ xấu. Tham vấn kinh nghiệm của các định chế tài chính lớn, như: Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)…, trong quá trình cải cách hệ thống tài chính, ngân hàng, đồng thời tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức này nhưng không chấp nhận điều kiện ràng buộc để tránh sự tác động, can thiệp vào các quyết sách điều hành kinh tế. 

- Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về quy định quản lý tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng cũng như về việc giải quyết tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng khi khách hàng không trả được nợ.

- Thứ bảy, các ngân hàng sử dụng các công cụ dự phòng của mình, cũng như việc tái cơ cấu doanh nghiệp và ngân hàng để có thể xử lý một phần tình trạng nợ xấu; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại nhỏ, yếu kém hợp nhất, sáp nhập với các ngân hàng lớn, sử dụng tiềm lực tài chính của các ngân hàng lớn để xử lý nợ xấu. 

- Thứ tám, cần tiến hành thống kê và phân loại nợ xấu một cách chính xác và hợp lý theo các quy định hiện hành. Trên cơ sở đó, có thể phân loại nợ xấu thành hai nhóm là nhóm nợ ngân hàng cần xử lý và nhóm nợ ngân hàng không xử lý được. Dựa trên số liệu đó cơ quan nhà nước mới có thể đưa ra biện pháp xử lý hoặc hỗ trợ thích hợp./.