Xuất khẩu Việt Nam - một năm vượt khó thắng lợi

Nguyễn Hà Thành
01:26, ngày 23-01-2012
TCCSĐT- Xuất khẩu là một bộ phận quan trọng của bất cứ nền kinh tế nào trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Đối với Việt Nam - một nước đang phát triển, xuất khẩu càng có ý nghĩa to lớn đối với việc tạo công ăn việc làm, tăng nguồn ngoại tệ, phát triển kinh tế trong nước.

Những con số không thể phủ nhận

Mặc dù trong bối cảnh gặp muôn vàn khó khăn thách thức cả trên thị trường quốc tế và trong nước nhưng xuất khẩu Việt Nam năm 2011 đã vượt qua những sóng gió một cách ngoạn mục.

Kinh tế thế giới diễn biến hết sức phức tạp, tăng trưởng của nhiều nước lớn đều chậm lại; giá lương thực, dầu thô và những nguyên liệu cơ bản tăng cao; lạm phát tăng trên toàn cầu và trong khu vực; nợ công lan rộng ở châu Âu; trong khi đó, kinh tế Nhật Bản rơi vào trì trệ vì thiên tai kép và tình hình chính trị tại Libya và Trung Đông gặp nhiều bất ổn.

 Còn ở trong nước tăng trưởng kinh tế cũng bị chậm lại, lạm phát lên tới 2 con số, mặt bằng lãi suất cao, tỷ giá vàng và ngoại tệ biến động bất thường gây nhiều khó khăn cho các đơn vị sản xuất và kinh tế. Bên cạnh đó rét đậm kéo dài ở Bắc và Trung Bộ đã làm cho đời sống và sản xuất nông nghiệp của nông dân gặp rất nhiều bất lợi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, ngành Công Thương vẫn vượt qua được mọi khó khăn và gặt hái một năm có thể nói hết sức thành công, trở thành một điểm kinh tế sáng trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế Việt Nam năm 2011. Bởi, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay (80 tỉ USD), vượt xa so với mức đề ra trong kế hoạch, tăng 24 tỉ USD so với năm trước. Với thành tích này kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người của nước ta đạt 1.083 USD, cao hơn mức 831 USD của năm 2010 và đưa tỷ lệ xuất khẩu/GDP vượt trên 80%. Đây cũng là mức tăng tuyệt đối cao nhất từ trước đến nay.

Năm nay cũng là năm xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng cao - 33%, mức cao nhất từ năm 1997 đến nay, cao nhất so với tốc độ tăng của các ngành kinh tế khác và gấp 3 lần chỉ tiêu theo kế hoạch (10%), đưa hệ số tốc độ tăng xuất khẩu/tốc độ tăng GDP lên tới 5,5 lần, cũng là mức cao nhất từ trước tới nay.

Đó là những con số về lượng, nhưng phân tích một cách sâu hơn, thì chúng ta càng đáng mừng vì trong cơ cấu xuất khẩu quy mô xuất khẩu đã tăng khá đều cả ở khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Thêm nữa, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của đất nước đều có kim ngạch tăng. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng, như: 21 mặt hàng đạt kim ngạch tăng trên 100 triệu USD, 18 mặt hàng tăng trên 200 triệu USD, 16 mặt hàng tăng trên 300 triệu USD, 14 mặt hàng tăng trên 400 triệu USD, 11 mặt hàng tăng trên 500 triệu USD. Đến nay chúng ta đã có 20 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD (tăng 4 mặt hàng so với năm trước), với những hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất là dệt may, tiếp đến là dầu thô, giày dép, thủy sản, hàng điện tử, máy tính, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ  tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo).

Ngoài ra, xuất khẩu không chỉ tăng đối với nhiều mặt hàng hay ở những thành phần kinh tế khác nhau, mà ngành Công Thương còn giành thắng lợi trong việc mở rộng được thị phần trên trường quốc tế với 23 thị trường của Việt Nam đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD, trong đó có 7 thị trường đạt từ 2 tỉ USD trở lên, cao nhất là Mỹ, tiếp theo là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Malaysia, Úc.

Những kết quả rực rỡ của xuất khẩu đã góp phần làm giảm tỷ lệ nhập siêu của nước ta từ 17,5 % của năm 2010 xuống còn  10,4% (tương đương 10 tỉ USD).

Thách thức còn đó

Tuy có thể coi xuất khẩu là một điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2011, nhưng nếu nhìn nhận một cách khách quan thì xuất khẩu nước ta vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để đạt những điều chưa như mong muốn. Đó là, xuất khẩu vẫn mang nặng tính chất gia công. Do đó, tuy đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị thực đất nước thu về lại không lớn, bởi giá trị gia tăng của sản phẩm xuất khẩu không cao. Bên cạnh đó, tỷ lệ những mặt hàng xuất khẩu thô, chưa qua chế biến còn lớn như dầu thô, than đá. Chưa kể, kim ngạch xuất khẩu tăng nhưng trong đó lại có nhiều mặt hàng chúng ta tạm nhập, tái xuất.

Bước sang năm 2012, với mục tiêu đặt ra của ngành Công Thương là xuất khẩu tăng 13% so với năm 2011, đạt kim ngạch khoảng 108,5 tỉ USD, nhập khẩu khoảng 121,5 tỉ USD, tăng 14,6% so với năm 2011, nhập siêu tương đương 12% tổng kim ngạch xuất khẩu, sẽ đặt ra một thách thức rất lớn đối với xuất khẩu Việt Nam.

Bởi vì, chúng ta không dễ giữ được tốc độ tăng xuất khẩu như năm 2011 do kinh tế thế giới phục hồi còn rất chậm, nhiều thị trường có xu hướng tăng mức độ bảo hộ. Đặc biệt, điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang gặp những dấu hiệu bị giảm sút đơn đặt hàng đối với một số mặt hàng. Một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam còn có giá cao hơn so với thế giới, vì vậy làm giảm khả năng cạnh tranh (như gạo chất lượng cao có giá cao hơn khoảng 100 USD/tấn so với gạo của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar). Trong khi đó, trên thị trường EU ngành da giầy Việt Nam vẫn bị áp đặt 1 năm giám sát, nếu khi có dấu hiệu lượng xuất khẩu của Việt Nam tăng, giá xuất khẩu giảm trong một thời gian nhất định thì cơ quan có thẩm quyền của EU sẽ tái áp thuế mà không cần điều tra, điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu giày da, nhất là khi chúng ta đang phải cạnh tranh với sản phẩm da giày của Indonesia, Bangladesh, Ấn Độ được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan.

Chủ động vượt qua thách thức

Đứng trước tình hình đó, không có cách nào khác ngành Công Thương phải chủ động vượt qua thách thức, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra. Một loạt các biện pháp đã được đề cập để tháo gỡ khó khăn. Có thể kể ra những biện pháp chính như:

- Cơ cấu lại mặt hàng xuất khẩu theo hướng tăng tỷ lệ hàng chế biến lên tới 40% - 50% vào năm 2012. Đặc biệt, nâng cao giá trị gia tăng cho các mặt hàng dệt may, da giày.

- Tăng cường mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua việc tiếp tục ký những biên bản thỏa thuận ghi nhớ, mở rộng thị trường ngoài những thị trường truyền thống, khai thác nhiều hơn tiềm năng của mậu dịch vùng biên. Cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng chuyển dịch sang những thị trường có khả năng tiêu thụ tốt như các nước châu Âu và Mỹ.

- Về phía các doanh nghiệp cần chủ động tận dụng những cơ hội do các hiệp định thương mại song phương và các thỏa thuận phi thuế quan để đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu.

Bước sang một năm mới với truyền thống vẻ vang của ngành chắc chắn ngành Công Thương sẽ tiếp tục vươn lên đạt nhiều thắng lợi mới./.